Chương Sáu: Những Người Trẻ Có Gốc Rễ


179. Đôi khi tôi thấy những cây non và đẹp, cành của chúng vươn lên trời, mỗi ngày mỗi tự đẩy lên cao hơn, và chúng giống như một bài ca hy vọng. Sau đó, sau một cơn bão, tôi thấy chúng ngã xuống, vô hồn. Chúng thiếu rễ sâu. Chúng tỏa rộng các nhánh mà không được trồng chắc chắn, và vì vậy chúng ngã xuống ngay khi thiên nhiên xổ lồng sức mạnh của nó. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy đau đớn khi thấy những người trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một tương lai mà không có gốc rễ chi, như thể thế giới chỉ mới bắt đầu bây giờ. Vì “chúng ta không thể lớn mạnh nếu không có gốc rễ mạnh mẽ để nâng đỡ chúng ta và giữ cho chúng ta có nền tảng vững chắc. Thật dễ dàng bị trôi dạt, khi không có gì để bám vào, để giữ vững” [98].

Đừng để các bạn bị bứng rễ

180. Đây là một vấn đề quan trọng và tôi muốn dành một chương ngắn để thảo luận về nó. Nếu chúng ta đánh giá cao vấn đề này, chúng ta có thể phân biệt niềm vui của tuổi trẻ với sự sùng bái tuổi trẻ cách sai lầm, có thể bị sử dụng để quyến rũ và thao túng những người trẻ tuổi.

181. Hãy nghĩ đến điều đó: nếu ai đó nói với những người trẻ tuổi bỏ qua lịch sử của họ, bác bỏ các kinh nghiệm của người lớn tuổi, coi thường quá khứ và hướng tới một tương lai mà người này đề cao, há không trở nên dễ dàng lôi kéo họ tin theo để họ chỉ làm những gì người này nói với họ đó sao? Người này cần những người trẻ nông cạn, bị bứng gốc và không tin tưởng, để họ chỉ có thể tin tưởng vào những lời hứa của người này và hành động theo kế hoạch của người này. Đó là cách các ý thức hệ khác nhau đang hoạt động: chúng phá hoại (hoặc phá tung) mọi khác biệt để chúng có thể trị vì không bị chống đối. Tuy nhiên, để làm được như vậy, chúng cần những người trẻ không ích gì cho lịch sử, những người vứt bỏ các kho tàng thiêng liêng và nhân bản thừa hưởng từ các thế hệ trước và không biết bất cứ điều gì đã xuất hiện trước họ.

182. Những bậc thầy thao túng trên còn sử dụng một chiến thuật khác: sùng bái tuổi trẻ, bác bỏ tất cả những gì không trẻ như là đáng khinh và lỗi thời. Cơ thể trẻ trở thành biểu tượng của giáo phái mới này; tất cả mọi thứ liên quan đến cơ thể đó đều được thần tượng hóa và thèm muốn, trong khi bất cứ điều gì không còn trẻ đều bị coi thường. Nhưng sự sùng bái tuổi trẻ này chỉ đơn giản là một mưu chước, cuối cùng chứng tỏ chỉ có tính hạ giá người trẻ; nó tước đi của họ bất cứ giá trị thực chất nào và sử dụng chúng cho lợi ích cá nhân, tài chính hoặc chính trị.

183. Các bạn trẻ thân mến, đừng để họ khai thác tuổi trẻ của các bạn để cổ vũ một cuộc sống nông cạn làm cho vẻ đẹp bị lẫn lộn với vẻ bề ngoài. Hãy nhận ra rằng có một vẻ đẹp trong người lao động trở về nhà đầy bụi bặm và xốc xếch, nhưng với niềm vui đã kiếm được thức ăn cho gia đình. Có một vẻ đẹp phi thường trong mối hiệp thông của một gia đình tại bàn ăn, quảng đại chia sẻ những gì nó có. Có vẻ đẹp nơi người vợ, hơi nhếch nhác và không còn trẻ, người vẫn tiếp tục chăm sóc người chồng ốm yếu mặc dù sức khỏe của bà không ổn. Rất lâu sau khi mùa xuân tán tỉnh của họ trôi qua, còn cái đẹp trong lòng chung thủy của những cặp vợ chồng vẫn còn yêu nhau trong cảnh mùa thu của cuộc đời, những người già vẫn nắm tay nhau bước đi. Ngoài ra còn một vẻ đẹp, không liên quan gì tới vẻ bề ngoài hay áo quần thời trang, nơi mọi người đàn ông và đàn bà theo đuổi ơn gọi bản thân của họ bằng tình yêu, quên mình phục vụ cộng đồng hay quốc gia, trong việc cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc, trong việc nỗ lực đầy vị tha và đòi hỏi để thăng tiến sự hòa hợp xã hội. Tìm ra, biểu lộ và làm nổi bật vẻ đẹp này, một vẻ đẹp giống như vẻ đẹp của Chúa Kitô trên thập giá, là đặt nền tảng cho tình liên đới xã hội chân chính và nền văn hóa gặp gỡ.

184. Cùng với các chiến lược tôn sùng tuổi trẻ và ngoại hình, chúng ta cũng đang mục kích các mưu toan nhằm cổ vũ một nền linh đạo không có Thiên Chúa, một cảm giới không có cộng đồng hoặc quan tâm đến những người đau khổ, sợ người nghèo, bị coi là nguy hiểm và hàng loạt các chủ trương nhằm cung hiến một thiên đường trong tương lai mà dù sao dường như ngày càng xa vời. Tôi không muốn cung cấp cho các bạn bất cứ điều gì như thế, và với tình yêu lớn, tôi khuyên các bạn đừng để bản thân bị cuốn theo ý thức hệ này. Nó sẽ không làm các bạn trẻ hơn, nhưng thay vào đó nô dịch các bạn. Tôi đề nghị một cách khác, cách phát sinh từ tự do, nhiệt huyết, sáng tạo và những chân trời mới, đồng thời vun sới các gốc rễ nhằm nuôi dưỡng và duy trì chúng ta.

185. Về vấn đề này, tôi muốn lưu ý điều này, “nhiều nghị phụ Thượng hội đồng phát xuất từ các bối cảnh không thuộc phương Tây đã chỉ ra rằng ở nước họ, hoàn cầu hóa đang mang theo với nó hình thức thực dân hóa văn hóa, cắt đứt người trẻ khỏi cội nguồn văn hóa và tôn giáo của họ. Giáo hội cần phải cam kết đồng hành với những người trẻ này, để trong diễn trình này, họ không quên bỏ các đặc điểm quý giá nhất trong bản sắc của họ” [99].

186. Thực vậy, ngày nay, chúng ta thấy có xu hướng muốn “đồng nhất hóa” (homogenize) người trẻ, làm mờ nhạt điều vốn khác biệt về nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một đường hàng hóa mới dễ uốn nắn. Điều này tạo ra một sự tàn phá văn hóa cũng nghiêm trọng như sự diệt vong của các loài động vật và thực vật [100]. Vì lý do này, khi ngỏ lời với những người bản địa trẻ tuổi tụ tập ở Panama, tôi đã khuyến khích họ “chăm sóc các gốc rễ của các bạn, vì từ các gốc rễ phát sinh sức mạnh sẽ làm cho các bạn lớn lên, phát triển và sinh hoa trái” [101].

Mối liên hệ của các bạn với người già

187. Tại Thượng Hội Đồng, chúng ta đã nghe nói rằng “người trẻ tập chú vào tương lai và họ đương đầu với cuộc sống một cách đầy nghị lực và năng động tính. Nhưng họ cũng bị cám dỗ… ít chú ý đến ký ức quá khứ của nơi họ phát xuất, nhất là nhiều hồng phúc được cha mẹ, ông bà của họ và kinh nghiệm văn hóa của xã hội nơi họ sống truyền lại. Giúp người trẻ khám phá ra kho tàng sống động của quá khứ, trân trọng ký ức và tận dụng nó cho các lựa chọn và cơ hội của họ, là một hành động yêu thương chân chính đối với họ, vì sự phát triển của họ và những quyết định mà họ được kêu gọi thực hiện” [102].

188. Lời Chúa khuyến khích chúng ta gần gũi với người cao niên, để chúng ta có thể hưởng lợi ích từ kinh nghiệm của các ngài: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp. Thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó… Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ” (Hc 6: 34.36). Dù gì, những năm dài các ngài sống và tất cả những gì các ngài đã trải qua trong cuộc sống nên khiến chúng ta phải nhìn các ngài một cách tôn kính: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên” (Lv 19:32). Vì “Sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20:29).

189. Kinh thánh cũng nói với chúng ta: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu” (Cn 23:22). Lệnh truyền tôn vinh cha và mẹ chúng ta là điều răn đầu tiên mang theo một lời hứa với nó (Eph 6: 2, xem Xh 20:12; Đnl 5:16; Lv19: 3), và lời hứa đó là: “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Eph 6: 3).

190. Điều này không có nghĩa là phải đồng ý với mọi điều người lớn nói hoặc tán thành mọi hành động của các ngài. Người trẻ nên luôn có tinh thần phê phán. Thánh Basilêô Cả khuyến khích giới trẻ quý trọng các tác giả Hy Lạp cổ điển, nhưng chỉ chấp nhận bất cứ điều gì tốt họ có thể dạy mà thôi [103]. Điều thực sự quan trọng là cởi mở tiếp nhận sự khôn ngoan được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một sự khôn ngoan quen thuộc với sự yếu đuối của con người và không đáng bị tan biến trước những điều mới lạ của xã hội tiêu dùng và thị trường.

191. Thế giới chưa bao giờ được hưởng lợi, cũng như sẽ không bao giờ được hưởng lợi, từ sự đứt đoạn giữa các thế hệ. Đó là bài hát mỹ nhân ngư về một tương lai không có gốc rễ và nguồn cội. Đó là lời nói dối sẽ khiến các bạn tin rằng chỉ những gì mới mới tốt và đẹp. Khi các mối liên hệ giữa các thế hệ hiện hữu, một ký ức tập thể cũng có mặt trong các cộng đồng, vì mỗi thế hệ tiếp nhận những lời dạy dỗ của những thế hệ đi trước và lần lượt để lại một di sản cho những thế hệ kế tiếp. Bằng cách này, chúng cung cấp các khung tham chiếu để thiết lập vững chắc một xã hội mới. Như ngạn ngữ xưa vẫn nói: “Nếu người trẻ có kiến thức và sức mạnh cũ, thì sẽ không có gì họ không thể hoàn thành được”.

Các giấc mơ và thị kiến

192. Lời tiên tri của Gioen chứa một câu diễn tả điều trên rất hay: Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3: 1; xem Cv 2:17). Khi cả trẻ lẫn già đều mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, họ tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Người già mơ các giấc mơ, và người trẻ nhìn thấy các thị kiến. Làm thế nào để hai lớp tuổi bổ sung cho nhau?

193. Người cao tuổi có những giấc mơ được xây dựng từ những ký ức và hình ảnh mang dấu ấn của trải nghiệm lâu dài của các ngài. Nếu người trẻ đâm rễ trong những giấc mơ đó, họ có thể nhìn vào tương lai; họ có thể có các viễn kiến có thể mở rộng các chân trời của họ và chỉ cho họ những nẻo đường mới. Nhưng nếu người già không mơ, người trẻ sẽ không nhìn rõ đường chân trời.

194. Có lẽ cha mẹ chúng ta đã lưu giữ một ký ức có thể giúp chúng ta tưởng tượng giấc mơ mà ông bà chúng ta từng mơ ước cho chúng ta. Tất cả chúng ta, ngay trước khi sinh ra, đã nhận được, như một chúc phúc từ ông bà của chúng ta, một giấc mơ tràn ngập tình yêu và hy vọng, giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay cả khi không phải là ông bà của chúng ta, chắc chắn một số cụ cố của chúng ta đã có giấc mơ hạnh phúc đó khi họ chiêm ngưỡng những đứa con của họ và sau đó những đứa cháu của họ nằm trong nôi. Giấc mơ trước mọi giấc mơ là giấc mơ sáng tạo của Thiên Chúa Cha chúng ta, một giấc mơ đi trước và đồng hành với cuộc sống của mọi con cái của Người. Ký ức về sự chúc phúc kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác này là một di sản quý giá mà chúng ta nên tiếp tục duy trì sống động để chúng ta cũng có thể truyền nó lại cho các thế hệ về sau.

195. Đó là lý do tại sao nên để người già kể những câu chuyện dài của họ, đôi khi có vẻ dã sử hoặc kỳ lạ – chúng là các giấc mơ của người già – nhưng thường chứa đầy những trải nghiệm phong phú, những biểu tượng hùng hồn, những sứ điệp ẩn tàng. Những câu chuyện này cần có thời gian để kể, và chúng ta nên sẵn sàng lắng nghe một cách kiên nhẫn và để chúng lắng sâu, mặc dù chúng dài hơn nhiều so với những gì chúng ta đã quen trên phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta phải nhận ra rằng sự khôn ngoan cần thiết cho cuộc sống đã phá vỡ giới hạn của các tài nguyên truyền thông ngày nay.

196. Trong cuốn sách Chia sẻ sự Khôn ngoan của Thời gian (Sharing the Wisdom of Time), [104] tôi đã phát biểu một số suy nghĩ dưới hình thức câu hỏi “Tôi yêu cầu điều gì nơi những người lớn tuổi trong đó có tôi? Tôi kêu gọi chúng tôi trở thành những người gìn giữ trí nhớ. Các ông các bà chúng tôi cần phải thành lập một ca đoàn. Tôi vốn hình dung các người lớn tuổi như một ca đoàn thường trực của một đền thánh tâm linh vĩ đại, nơi những lời cầu khẩn và những bài ca ngợi nâng đỡ cộng đồng lớn hơn đang hoạt động và đấu tranh trong lĩnh vực sự sống” [105]. Quả là một điều tuyệt vời “khi những chàng trai và thiếu nữ cùng nhau, những người già và trẻ em, đều ca ngợi thánh danh Chúa” (Tv 148: 12-13).

197. Người già chúng ta có thể tặng gì cho người trẻ? “Chúng ta có thể nhắc nhở những người trẻ tuổi ngày nay, những người có sự pha trộn giữa những tham vọng anh hùng và sự bất an, rằng một cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống khô cằn” [106]. Chúng ta có thể nói gì với họ? “Chúng ta có thể nói với người trẻ sợ hãi rằng sự lo lắng tương lai có thể vượt qua được” [107]. Chúng ta có thể dạy họ điều gì? “Chúng ta có thể dạy những người trẻ đó, đôi khi quá tập chú vào bản thân họ, rằng có nhiều niềm vui khi cho đi hơn là nhận lãnh và tình yêu đó không chỉ được biểu lộ bằng lời nói mà còn bằng hành động” [108].

Cùng nhau chấp nhận rủi ro

198. Một tình yêu rộng lượng và thoải mái, hành động và chấp nhận rủi ro, đôi khi có thể phạm sai lầm. Ở đây chúng ta có thể kịp thời được thấy chứng tá của Maria Gabriella Perin, người đã mất cha ngay sau khi bà sinh ra: bà suy nghĩ về việc điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của bà như thế nào, trong một mối liên hệ tuy không kéo dài nhưng đã để bà lại thành một người mẹ và giờ đây một người bà. “Điều tôi biết là Chúa tạo ra các câu chuyện. Trong thiên tài và lòng thương xót của Người, Người đã lấy các chiến thắng và các thất bại của chúng ta và dệt nên những tấm thảm đẹp đẽ đầy nghịch lý. Mặt trái của tấm vải có thể trông rất lộn xộn với các sợi rối tung của nó – những biến cố trong cuộc sống của chúng ta – và có lẽ đây là mặt chúng ta loay hoay dừng lại khi chúng ta nghi ngờ. Nhưng phía phải tấm thảm hiển thị một câu chuyện tuyệt vời, và đây là mặt mà Thiên Chúa nhìn thấy” [109]. Khi những người lớn tuổi nhìn vào cuộc sống một cách kỹ lưỡng, do bản năng, các ngài thường biết điều gì ẩn đàng sau những sợi chỉ rối bời và các ngài nhận ra điều Thiên Chúa có thể tạo nên ngay từ cả những sai lầm của chúng ta.

199. Nếu chúng ta cùng nhau lữ hành, già và trẻ, chúng ta có thể bám rễ vững chắc trong hiện tại và từ đây, xem lại quá khứ và nhìn về tương lai. Xem lại quá khứ để học hỏi từ lịch sử và chữa lành các vết thương cũ mà đôi khi vẫn gây rắc rối cho chúng ta. Nhìn về tương lai để nuôi dưỡng sự nhiệt tình của chúng ta, khiến những giấc mơ xuất hiện, đánh thức các lời tiên tri và giúp hy vọng nở hoa. Cùng với nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, làm ấm áp các trái tim, truyền cảm hứng cho tâm trí bằng ánh sáng Tin Mừng và mang sức mạnh mới lại cho đôi tay chúng ta.

200. Các gốc rễ không phải là các mỏ neo buộc chúng ta vào thời dĩ dãng và ngăn chúng ta đương đầu với hiện tại và tạo ra một điều mới mẻ. Thay vào đó, chúng là điểm cố định để chúng ta có thể lớn lên và đáp ứng các thách thức mới. Điều không hề tốt là “ngồi đó và hoài mong thời quá khứ; chúng ta phải đáp ứng nền văn hóa của chúng ta bằng chủ nghĩa hiện thực và tình yêu và đổ đầy nó bằng Tin Mừng. Ngày nay, chúng ta được sai đi loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu cho thời đại mới. Chúng ta cần yêu thời này với mọi cơ hội và rủi ro, niềm vui và nỗi buồn, sự giàu có và giới hạn, các thành công và thất bại của nó” [110].

201. Trong thời gian Thượng hội đồng, một trong các dự thính viên trẻ tuổi từ Quần đảo Samoa đã nói về Giáo hội như một chiếc ca nô, trong đó người già giúp giữ cho đúng đường bằng cách phán đoán vị trí của các vì sao, trong khi những người trẻ tiếp tục chèo thuyền, tưởng tượng những gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Chúng ta hãy tránh xa những người trẻ nghĩ rằng người lớn đại diện cho một quá khứ vô nghĩa, và những người trưởng thành luôn nghĩ rằng họ biết những người trẻ nên hành động ra sao. Thay vào đó, tất cả chúng ta hãy leo lên cùng một chiếc canô và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với đà tiến không ngừng đổi mới của Chúa Thánh Thần.