Chương Chín: Biện Phân
278. Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy Hân Hoan Nhẩy Mừng), tôi đã nói một cách khá tổng quát về sự biện phân. Bây giờ tôi muốn đưa ra một số suy niệm đó và áp dụng chúng vào cách chúng ta biện phân ơn gọi của chúng ta trong thế giới.
279. Trong Tông huấn đó, tôi đã nhắc đến việc tất cả chúng ta, nhưng “đặc biệt những người trẻ, đang đắm chìm trong một nền văn hóa vứt bỏ. Chúng ta có thể điều hành (navigate) cùng một lúc trên hai hoặc nhiều màn hình và tương tác cùng một lúc với hai hoặc ba khung cảnh ảo. Nếu không có sự khôn ngoan của biện phân, chúng ta có thể dễ dàng trở thành con mồi cho mọi xu hướng mau qua” [152]. Thật vậy, “điều này càng quan trọng hơn nữa khi một số điều mới lạ tự xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Lúc đó, chúng ta phải quyết định xem đó có phải là rượu mới do Thiên Chúa mang đến hay ảo ảnh được tạo ra bởi tinh thần thế gian này hay tinh thần ma quỷ” [153].
280. Sự biện phân như vậy, “mặc dù bao gồm lý trí và khôn ngoan, nhưng vượt xa chúng, vì nó muốn thoáng nhìn kế hoạch độc đáo và mầu nhiệm mà Thiên Chúa vốn dành cho mỗi người chúng ta… Nó phải liên quan với ý nghĩa của đời tôi trước Chúa Cha, Đấng biết và yêu tôi, và với mục đích thực sự của đời tôi, điều mà không ai biết rõ hơn Người” [154].
281. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đào tạo lương tâm, một việc giúp phát triển sự biện phân theo chiều sâu và lòng trung thành với Thiên Chúa: “Việc đào tạo lương tâm chúng ta là một công việc của cả đời, trong đó chúng ta học cách nuôi dưỡng chính tình cảm tâm tư của Chúa Giêsu Kitô, tiếp nhận các tiêu chuẩn đằng sau các lựa chọn của Người và các ý định đằng sau các hành động của Người (xem Pl 2: 5)” [155].
282. Trong diễn trình đào tạo này, chúng ta để cho mình được Chúa Kitô biến đổi, ngay cả khi chúng ta đã có “thói quen làm việc tốt, đây cũng là một phần trong việc xét mình của chúng ta. Chúng ta không những nhận diện tội lỗi, mà còn nhận ra việc làm của Chúa trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong các biến cố lịch sử bản thân và thế giới xung quanh chúng ta, và trong chứng tá của mọi người nam nữ đã đi trước chúng ta hoặc đồng hành với chúng ta bằng sự khôn ngoan của họ. Điều này giúp chúng ta phát triển trong nhân đức khôn ngoan và đem lại một định hướng toàn diện cho đời sống của chúng ta qua các lựa chọn cụ thể, với ý thức thanh thản cả các năng khiếu lẫn các hạn chế của chúng ta” [156].
Mục Lục Bài Viết
Biện phân ơn gọi của các bạn
283. Một hình thức biện phân đặc thù liên quan đến nỗ lực khám phá ơn gọi riêng của chúng ta. Vì đây là một quyết định có tính rất bản thân mà người khác không thể làm thay cho chúng ta, nên nó đòi hỏi một mức độ cô đơn và im lặng nào đó. “Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau, tại nơi làm việc, qua những người khác và ở mọi lúc. Tuy nhiên, một cách đơn giản, chúng ta không thể làm gì nếu không có sự im lặng cầu nguyện lâu giờ, một việc giúp chúng ta tri nhận tốt hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, giải thích ý nghĩa thực sự của những linh hứng mà chúng ta tin rằng chúng ta đã nhận được, làm dịu những lo lắng của chúng ta và thấy lại toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta trong ánh sáng của riêng Người” [157].
284. Tuy nhiên, sự im lặng này không khiến chúng ta khép kín vào chính mình. “Chúng ta phải nhớ rằng sự biện phân trong cầu nguyện phải được phát sinh từ sự cởi mở đối với việc lắng nghe – đối với Chúa và người khác, và đối với chính thực tại, một điều luôn thách thức chúng ta theo những cách mới mẻ. Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng lắng nghe, chúng ta mới có tự do để qua một bên các ý tưởng phiến diện hoặc không đầy đủ của mình… Nhờ cách này, chúng ta mới trở nên thực sự cởi mở để chấp nhận một tiếng gọi có thể phá vỡ sự an toàn của chúng ta, nhưng đưa chúng ta đến một đời sống tốt đẹp hơn. Mọi sự thanh thản và yên bình vẫn chưa đủ. Chúa có thể sẽ ban cho chúng ta một điều gì đó hơn thế nữa, nhưng vì sự vô tình êm ái của chúng ta, chúng ta không nhận ra nó” [158].
285. Khi tìm cách biện phân ơn gọi riêng của chúng ta, có một số câu hỏi chúng ta nên nêu ra. Chúng ta không nên bắt đầu với câu hỏi chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở đâu, hoặc đạt được sự nhìn nhận và địa vị xã hội lớn hơn ở chỗ nào. Cả câu hỏi loại công việc nào sẽ làm chúng ta hài lòng nhất cũng không nên. Nếu không muốn sai lạc, chúng ta cần một khởi điểm khác. Chúng ta nên hỏi: Tôi có biết bản thân mình ngoài các ảo tưởng và cảm xúc của tôi không? Tôi có biết điều gì mang lại niềm vui hay nỗi buồn cho trái tim tôi không? Điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì? Những câu hỏi này ngay lập tức làm phát sinh các câu hỏi khác: Làm thế nào tôi có thể phục vụ mọi người tốt hơn và chứng tỏ hữu ích nhất cho thế giới của chúng ta và cho Giáo hội? Vị trí thực sự của tôi trong thế giới này là gì? Tôi có thể cung ứng những gì cho xã hội? Thậm chí nhiều câu hỏi thực tế hơn sẽ xuất hiện sau đó: Tôi có khả năng cần thiết để cung ứng loại phục vụ này không? Tôi có thể phát triển những khả năng này không?
286. Những câu hỏi trên nên ít tập trung hơn vào bản thân và các khuynh hướng của chúng ta, mà vào người khác, để sự biện phân của chúng ta dẫn dắt chúng ta nhìn thấy đời sống của chúng ta trong tương quan với đời sống của họ. Đó là lý do tại sao tôi muốn nhắc các bạn nhớ câu hỏi quan trọng nhất. “Ở trong đời, chúng ta thường quá lãng phí thời gian để tự hỏi: ‘Tôi là ai?’ Các bạn có thể cứ thế tiếp tục hỏi, ‘Tôi là ai?” suốt quãng thời gian còn lại của đời các bạn. Nhưng câu hỏi thực sự là: ‘Tôi hiện diện cho ai?’” [159]. Tất nhiên, các bạn hiện diện cho Thiên Chúa. Nhưng Người vốn đã quyết định rằng các bạn cũng nên hiện diện cho người khác, và Người đã ban cho các bạn nhiều đức tính, khuynh hướng, tài năng và đặc sủng không cho riêng các bạn, mà là để chia sẻ với những người xung quanh các bạn.
Lời kêu gọi của Chúa Giêsu, người bạn của chúng ta
287. Để biện phân ơn gọi bản thân của chúng ta, chúng ta phải nhận ra nó là lời kêu gọi phát xuất từ một người bạn, người đó là Chúa Giêsu. Khi chúng ta tặng bạn bè của chúng ta một điều gì đó, chúng ta cung cấp cho họ điều tốt nhất chúng ta có. Không nhất thiết phải là những gì đắt giá nhất hoặc khó có được nhất, nhưng những gì chúng ta biết sẽ làm cho họ hạnh phúc. Bạn bè rất nhạy cảm đối với điều này đến nỗi họ có thể tưởng tượng được nụ cười trên khuôn mặt bạn bè của mình khi họ mở món quà đó. Loại biện phân diễn ra giữa những người bạn này là điều tôi khuyên các bạn nên lấy làm khuôn mẫu để cố gắng khám phá ra thánh ý Thiên Chúa dành cho đời các bạn.
288. Tôi muốn các bạn biết rằng, khi Chúa nghĩ về mỗi các bạn và những gì Người muốn cho các bạn, Người xem các bạn là bạn thân của Người. Và nếu Người có kế hoạch ban cho các bạn một ân sủng, một đặc sủng giúp các bạn sống trọn vẹn và trở thành người mang lại lợi ích cho người khác, một người để lại dấu ấn trong đời, đó chắc chắn sẽ là một hồng phúc mang lại cho các bạn nhiều niềm vui và hứng thú hơn bất cứ điều gì khác trên đời này. Không phải vì hồng phúc đó hiếm hoi hoặc phi thường, mà vì nó hoàn toàn phù hợp với các bạn. Nó sẽ là một sự phù hợp hoàn hảo cho toàn bộ đời sống của các bạn.
289. Một ơn gọi, dù là một hồng phúc, vẫn chắc chắn có tính đòi hỏi. Các hồng ân của Thiên Chúa có tính tương tác; để hưởng được chúng, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thế nhưng, các đòi hỏi của chúng không phải là một nghĩa vụ áp đặt từ bên ngoài, mà là một khích lệ để hồng ân đó tăng trưởng và phát triển, và sau đó trở thành một quà phúc cho người khác. Khi Chúa đánh thức một ơn gọi, Người không những nghĩ đến những gì bạn đã có, mà còn về những gì một ngày kia bạn sẽ có, khi cùng đi với Người và những người khác.
290. Sinh lực và sức mạnh nhân cách tự kết hợp với nhau trong trái tim người trẻ để làm cho họ liên tục nhắm mục tiêu cao hơn. Sự hớn hở (exuberance) này sẽ dịu bớt đi với thời gian và các trải nghiệm đau đớn, nhưng nó quan trọng đối với “niềm khao khát cõi vô hạn đầy trẻ trung nhưng chưa được thử thách” [160] muốn gặp được tình bạn vô điều kiện mà Chúa Giêsu muốn dành cho chúng ta. Hơn các quy luật và nghĩa vụ, lựa chọn mà Chúa Giêsu đặt trước chúng ta là bước theo Người như bạn bè bước theo nhau, tìm tình đồng hành của nhau và dành thì giờ cho nhau hoàn toàn vì tình bạn trong sáng. Mọi thứ khác sẽ đến với thời gian, và ngay các thất bại trong đời cũng có thể là một cách vô giá để cảm nghiệm tình bạn này, một tình bạn sẽ không bao giờ mất đi.
Lắng nghe và đồng hành
291. Có nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân và những người chuyên nghiệp, và cả những người trẻ thực sự có trình độ, có thể giúp đỡ người trẻ trong việc biện phân ơn gọi của họ. Khi chúng ta được kêu gọi giúp người khác biện phân đường đời của họ, điều tối quan trọng là khả năng lắng nghe. Lắng nghe đòi ba loại nhạy cảm khác nhau và bổ sung cho nhau:
292. Loại nhạy cảm đầu tiên được điều hướng về cá nhân. Đó là vấn đề lắng nghe một ai đó đang chia sẻ bản ngã họ trong những gì họ nói. Một dấu hiệu của sự sẵn lòng lắng nghe này là thời gian chúng ta sẵn sàng dành cho người khác. Hơn cả số lượng thời gian chúng ta dành ra, đây còn là việc làm người khác cảm thấy thời gian của tôi là thời gian của họ, họ có mọi thời gian họ cần để nói mọi thứ họ muốn. Người khác này phải cảm nhận rằng tôi đang lắng nghe vô điều kiện, không bị xúc phạm hay ngỡ ngàng, mệt mỏi hay buồn chán. Chúng ta thấy gương sáng loại lắng nghe này nơi Chúa; Người sánh bước bên cạnh các môn đệ trên đường Emmau, mặc dù họ đang đi sai hướng (x. Lc 24: 13-35). Khi Chúa Giêsu nói Người dự định đi xa hơn, họ nhận ra Người đã tặng họ hồng phúc thời gian của Người, vì vậy họ quyết định tặng Người thời gian của họ bằng cách cung ứng sự hiếu khách của họ. Chăm chú và quên mình lắng nghe là một dấu hiệu chúng ta tôn trọng người khác, bất kể họ nghĩ gì hoặc lựa chọn điều gì trong đời sống.
293. Loại nhạy cảm thứ hai được đánh dấu bằng việc biện phân. Nó cố gắng nắm bắt chính xác ơn thánh hoặc cám dỗ hiện diện ở chỗ nào, vì đôi khi những thứ vụt qua trong tâm trí chúng ta chỉ là những cám dỗ có thể khiến chúng ta phân tâm khỏi con đường thực sự của chúng ta. Tôi cần phải tự hỏi người kia đang cố nói với tôi những gì, những gì họ muốn tôi hiểu ra đang xảy ra trong đời sống họ. Hỏi những câu hỏi như vậy giúp tôi đánh giá cao suy nghĩ của họ và các hậu quả nó gây ra cho các cảm xúc của họ. Kiểu lắng nghe này tìm cách biện phân các nhắc nhở lành mạnh của Thần Trí tốt lành, Đấng đề xuất cho chúng ta sự thật của Chúa, nhưng cả các cạm bẫy do thần trí tà ác đặt để nữa – những công việc và lời hứa trống rỗng của nó. Cần phải có can đảm, ấm áp và khéo léo để giúp người khác biện phân sự thật khỏi các ảo tưởng hoặc bào chữa (excuses).
294. Loại nhạy cảm thứ ba là khả năng tri nhận những gì đang thúc đẩy người khác. Điều này đòi một kiểu lắng nghe sâu sắc hơn, một kiểu có khả năng biện phân hướng mà người đó thực sự muốn đi. Ngoài những gì họ đang cảm thấy hoặc suy nghĩ ngay lúc này, và bất cứ điều gì xảy ra cho đến thời điểm này trong đời họ, vấn đề thực sự là họ muốn trở thành điều gì. Điều này có thể đòi họ không nhắm các mong muốn và ước nguyện hời hợt của riêng họ, nhưng đúng hơn nhắm những gì đẹp lòng Chúa nhất, nhắm các kế hoạch của Người dành cho đời họ. Và điều đó được nhìn trong một khuynh hướng sâu sắc hơn của trái tim, vượt lên trên bình diện bề mặt của những điều họ thích và cảm xúc. Kiểu lắng nghe này tìm cách biện phân ý hướng tối hậu của họ, ý hướng nhằm quyết định dứt khoát ý nghĩa của đời họ. Chúa Giêsu biết và đánh giá cao ý hướng tối hậu này của trái tim. Người luôn ở đó, sẵn sàng giúp mỗi người chúng ta nhận ra điều đó. Chúng ta chỉ cần thưa với Người: “Lạy Chúa, xin cứu vớt con! Xin thương xót con!”
295. Theo cách này, biện phân trở thành một phương tiện chiến đấu tâm linh đích thực, giúp chúng ta theo Chúa một cách trung thành hơn [161]. Như thế, ước mong được biết ơn gọi bản thân của chúng ta có một cường độ tối cao, một phẩm chất khác và mức độ cao hơn, một mức độ biết tôn trọng nhiều hơn phẩm giá con người và đời sống của chúng ta. Cuối cùng, sự biện phân tốt là con đường tự do đem những gì độc đáo nơi mỗi người đến chỗ sinh đầy hoa trái, một điều có tính bản thân mà chỉ có Chúa mới biết. Những người khác không thể hoàn toàn hiểu hoặc dự đoán được từ bên ngoài nó sẽ phát triển ra sao.
296. Khi chúng ta lắng nghe người khác cách này, ở một lúc nào đó, chính chúng ta phải biến mất để người khác theo con đường mà họ đã khám phá ra. Chúng ta phải tan biến như Chúa đã làm trước mắt các môn đệ Emmau, để họ ở lại với những trái tim nóng bỏng và một lòng khao khát không thể cưỡng được là phải lên đường ngay lập tức (x. Lc 24: 31-33). Khi họ trở lại với cộng đồng, những môn đệ ở đó đã nghe tin mừng Chúa thực sự đã sống lại (x. Lc 24:34).
297. Vì “thời gian lớn hơn không gian” [162], chúng ta cần khuyến khích và đồng hành với các diễn trình, mà không áp đặt lộ trình của riêng chúng ta. Vì các diễn trình này liên quan tới những con người luôn luôn độc đáo và tự do. Không có công thức dễ dàng, ngay cả khi mọi dấu hiệu xem ra đều tích cực, vì “chính các yếu tố tích cực cũng cần phải được biện phân cẩn thận, để chúng không trở thành cô lập và mâu thuẫn với nhau, trở nên tuyệt đối và bất hòa với nhau . Điều này cũng đúng đối với các nhân tố tiêu cực, những nhân tố không bị bác bỏ toàn khối và không phân biệt, vì trong mỗi nhân tố đều ẩn chứa một số giá trị nào đó đang chờ được giải phóng và phục hồi trong sự thật trọn vẹn của nó” [163].
298. Nếu các bạn muốn đồng hành với người khác trên nẻo đường này, các bạn phải là người đầu tiên đi nẻo đường đó, ngày này qua ngày khác. Đó là điều Đức Maria đã làm, khi còn trẻ, khi ngài phải đối diện với các vấn đề và khó khăn của chính mình. Xin ngài đổi mới sự trẻ trung của các bạn bằng sức mạnh lời cầu nguyện của ngài và luôn đồng hành cùng các bạn bằng sự hiện diện mẫu thân của ngài.
Và để kết thúc… một mong ước
299. Các bạn trẻ thân mến, niềm hy vọng hân hoan của tôi là thấy các bạn tiếp tục chạy cuộc đua ở đàng trước các bạn, bỏ xa mọi người chậm chạp hoặc sợ hãi. Hãy tiếp tục chạy, “được lôi cuốn bởi khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng chúng ta rất yêu mến, Đấng chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể và thừa nhận trong xác thịt của anh chị em đau khổ của chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần thúc giục các bạn khi các bạn chạy cuộc đua này. Giáo hội cần đà tiến, trực giác, đức tin của các bạn. Chúng ta cần những điều đó! Và khi các bạn đến nơi chúng tôi chưa đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi [164].
Ban hành ở Loreto, tại Đền thờ của Nhà Thánh, ngày 25 tháng 3, Lễ trọng thể Truyền tin của Chúa, năm 2019, năm thứ bảy triều Giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
________________________________________
CHÚ THÍCH
[1] Từ ngữ Hy lạp thường dịch là “mới”, cũng có nghĩa là “trẻ”.
[2] Tự thú (Confessions), X, 27: PL 32, 795.
[3] Thánh Irênê, Adversus Hæreses, II, 22, 4: PG 7, 784.
[4] Tài liệu sau cùng khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, 60. Viết tắt là FD. Tài liệu được tìm thấy ở: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20181027_doc-final-instrumentum-xvassemblea-giovani_en.html.
[5] Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 515.
[6] Nt, 517.
[7] Huấn giáo (27-6-1990), 2-3: Insegnamenti 13, 1 (1990), 1680-1681.
[8] Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (19-3-2016), 182: AAS 108 (2016), 384.
[9] FD 63.
[10] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sứ điệp gửi người trẻ và phụ nữ (8-12-1965): AAS 58 (1966), 18.
[11] Nt.
[12] FD 1
[13] Nt, 8.
[14] Nt, 50.
[15] Nt, 53
[16] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, 8.
[17] FD 150.
[18] Diễn văn trong đêm canh thức với giới trẻ, Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (26-1-2019): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 6.
[19] Lời nguyện kết thúc Đi Đàng Thánh giá Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (26-1-2019): L’Osservatore Romano, 27-1-2019, 12.
[20] FD 65.
[21] Nt, 167.
[22] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Nói chuyện với giời trẻ ở Turin (13-4- 1980), 4: Insegnamenti 3, 1 (1980), 905.
[23] Đức Giáo Hoàng BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Sứ điệp cho Đại hội giới trẻ thế giới thứ 27 (15-3- 2012): AAS 194 (2012), 359.
[24] FD 8.
[25] Nt.
[26] Nt, 10.
[27] Nt, 11.
[28] Nt, 12.
[29] Nt, 41.
[30] Nt, 42.
[31] Nói chuyện với giới trẻ ở Manila (18-1-2015): L’Osservatore Romano, 19-20 tháng 1- 2015, 7.
[32] FD 34.
[33] Tài liệu của cuộc Gặp gỡ Tiền Thượng hội đồng chuẩn bị cho khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, Rôma (24-3-2018), I, 1.
[34] FD 39.
[35] Nt, 37.
[36] Xem thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 106: AAS 107 (2015), 889-890.
[37] FD 37.
[38] Nt, 67.
[39] Nt, 21.
[40] Nt, 22.
[41] Nt, 23.
[42] Nt, 24.
[43] Tài liệu của cuộc Gặp gỡ Tiền Thượng hội đồng chuẩn bị cho khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, Rôma (4-3-2018), I, 4.
[44] FD 25.
[45] Nt.
[46] Nt, 26.
[47] Nt, 27.
[48] Nt, 28.
[49] Nt, 29.
[50] Diễn văn kết thúc hội nghị bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo Hội (24-2-2019): L’Osservatore Romano, 25-26 tháng 2-2019, 10.
[51] FD 29.
[52] Thư gửi dân Chúa (20-8-2018), 2: L’Osservatore Romano, 21-21 tháng 8-2018, 7.
[53] FD 30.
[54] Diễn văn khai mạc khóa họp thường lệ lần thứ 15 Thượng Hội đồng Giám mục (3-10-2018): L’Osservatore Romano, 5-10-2018, 8.
[55] FD 31.
[56] Nt.
[57] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 1.
[58] FD 31.
[59] Nt.
[60] Diễn văn kết thúc hội nghị bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội (24-2-2019):: L’Osservatore Romano, 25-26 tháng 2-2019, 11.
[61] FRANCISCO LUIS BERNÁRDEZ, “Soneto”, trong Cielo de tierra, Buenos Aires, 1937.
[62] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 140.
[63] Giảng lễ, Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 31 tại Krakov (31-7-2016): AAS 108 (2016), 963.
[64] Diễn văn khai mạc Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (24-1-2019): L’Osservatore Romano, 26-1-2019, 12.
[65] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 1: AAS 105 (2013), 1019.
[66] Nt, 3: AAS 105 (2013), 1020.
[67] Diễn văn trong đêm canh thức với giới trè, Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (26-1-2019: L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 6.
[68] Diễn văn trong cuộc gặp giới trẻ trong Thượng Hội đồng (6-10-2018): L’Osservatore Romano, 8-9 tháng 10-2018, 7.
[69] Đức Giáo Hoàng BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25-12-2005), 1: AAS 98 (2006), 217.
[70] PEDRO ARRUPE, Enamórate.
[71] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Diễn từ phong Chân phúc cho Nunzio Sulprizio (1-12-1963): AAS 56 (1964), 28.
[72] FD 65.
[73] Giảng lễ cho giới trẻ ở Sydney (2-12-1970): AAS 63 (1971), 64.
[74] Tự thú (Confessions), I, 1, 1: PL 32, 661.
[75] God is Young. A Conversation with Thomas Leoncini, New York, Random House, 2018, 4.
[76] FD 68.
[77] Gặp gỡ giới trẻ ở Cagliari (22-9-2013): AAS 105 (2013), 904-905.
[78] Năm chiếc bánh và hai con cá, Pauline Books and Media, 2003, Trg. 9, 13.
[79] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THỤY SĨ, Prendre le temps: pour toi, pour moi, pour nous, 2-2-2018.
[80] Xem THÁNH TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae, II-II, q. 23, art. 1.
[81] Diễn văn cho tình nguyện viên tại Đại hội giới trẻ Thế giới thứ 34 ở Panama (ngày 27-1-2019): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 11.
[82] THÁNH OSCAR ROMERO, Bài giảng (6-11-1977), trong Su Pensamiento, I-II, San Salvador, 2000, trg. 312.
[83] Diễn văn khai mạc Đai hội giới trẻ Thế giới thứ 34 ở Panama (ngày 24-1-2019): L’Osservatore Romano, 26-1-2019, 12.
[84] Xem Gặp gỡ giới trẻ tại đền thánh quốc gia Maipu, Santiago de Chile (17-1-2018): L’Osservatore Romano, 19-1-2018, 7.
[85] Xem ROMANO GUARDINI, Die Lebensalter. Ihre ethische und pädagogische Bedeutung, Würzburg, in lần 3, 1955, 20.
[86] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 11.
[87] Spiritual Canticle, Red. B, Prologue, 2.
[88] Nt, XIV-XV, 2.
[89] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC RWANDA, Thư của Hội đồng Giám mục Rwanda gửi các Kitô hữu trong Năm ngoại thường về Hòa giải, Kigali (18-1-2018), 17.
[90] Gặp gỡ giới trẻ của Trung tâm văn hóa Linh mục Felix Varela tại Havana (20-9-2015): L’Osservatore Romano, 21-22 tháng 9-2015, 6.
[91] FD 46.
[92] Diễn văn trong đêm canh thức của Đại hội Giới trẻ Thế giới thứ 28 tại Rio de Janeiro (27-7-2013): AAS 105 (2013), 663.
[93] Ustedes son la luz del mundo. Diễn văn tại Cerro San Cristóbal, Chile, 1940. Bản văn có tại: https://www.padrealbertohurtado.cl/escritos-2/.
[94] Giảng lễ, Đại hội Giới trẻ Thế giới thứ 28 tại Rio de Janeiro (28-7-2013): AAS 105 (2013), 665.
[95] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HÀN QUỐC, Thư mục vụ nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày tử đạo trong cuộc bách hại ở Byeong-in (30-3-2016).
[96] Xem Giảng lễ, Đại hội Giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (27-1-2019): L’Osservatore Romano, 28-29 Tháng 1-2019, 12.
[97] “Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an”, lời nguyện được cảm hứng bởi thánh Phanxicô Assidi.
[98] Diễn văn trong đêm canh thức, Đại hội Giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (26-1-2019): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 6.
[99] FD 14.
[100] Xem Thông điệp Laudato Si’ (24 May 2015), 145: AAS 107 (2015), 906.
[101] Sứ điệp video cho Hội nghị giới trẻ bản địa thế giới ở Panama (17-21 tháng 1-2019): L’Osservatore Romano, 19-1-2019, 8.
[102] FD 35.
[103] Xem Ad Adolescentes, I, 2: PG 31, 565.
[104] Xem POPE FRANCIS AND FRIENDS, Sharing the Wisdom of Time, Chicago, Loyola Press, 2018.
[105] Nt, 12.
[106] Nt, 13.
[107] Nt.
[108] Nt.
[109] Nt, 162-163.
[110] EDUARDO PIRONIO, Message to Young Argentinians at the National Youth Meeting in Cordoba, (12-15 tháng 9-1985), 2.
[111] FD 123.
[112] Das Wesen des Christentums. Die neue Wirklichkeit des Herrn, Mainz, in lần thứ 7, 1991, 14.
[113] Số 165: AAS 105 (2013), 1089.
[114] Diễn văn khi thăm Nhà người Samaritan nhân hậu, Panama, 27-1-2019: L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 10.
[115] FD 36.
[116] Xem Tông hiến Veritatis Gaudium (8-12-2017), 4: AAS 110 (2018), 7-8.
[117] Diễn văn tại cuộc gặp gỡ Sinh viên và đại biểu của Thế giới học thuật ở Piazza San Domenico, Bologna (1-10-2017): AAS 109 (2017), 1115.
[118] FD 51.
[119] Nt, 47.
[120] Sermo 256, 3: PL 38, 1193.
[121] FD 47.
[122] Diễn Văn cho phái đoàn Thế vận hội quốc tế đặc biệt (16-2-2017): L’Osservatore Romano, 17-2-2017, 8.
[123] Ad Adolescentes, VIII, 11-12: PG 31, 580.
[124] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ARGENTINA, Declaración de San Miguel, Buenos Aires, 1969, X, 1.
[125] RAFAEL TELLO, La nueva evangelización, II (phần phụ thêm I and II), Buenos Aires, 2013, 111.
[126] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 44-45: AAS 105 (2013), 1038-1039.
[127] FD 70.
[128] Nt, 117.
[129] Nt, 4.
[130] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 124: AAS 105 (2013), 1072.
[131] Nt, số 122, 1071.
[132] FD 9.
[133] Tài liệu của Cuộc Gặp gỡ Tiền Thượng đồng chuẩn bị cho khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, Rôma (24-3-2018), 12.
[134] Nt, 10.
[135] FD 15.
[136] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 2.
[137] Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, 11.
[138] Diễn văn trong đêm canh thức, Đại hội Giới trẻ Thế giới thứ 34 tại Panama (26-1-2019): L’Osservatore Romano, 28-29 tháng 1-2019, 6.
[139] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 273: AAS 105 (2013), 1130.
[140] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio (26-3- 1967), 15: AAS 59 (1967), 265.
[141] Meditación de Semana Santa para jóvenes, viết trên chuyến tàu trở về từ Hoa Kỳ năm 1946 (https://www.padrealbertohurtado.cl/escritos-2/).
[142] Gặp gỡ giới trẻ vùng Umbria tại Assidi (4-10-2013): 105 (2013), 921.
[143] Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (19-3-2016), 150: AAS 108 (2016), 369.
[144] Diễn văn với giới trẻ giáo phận Grenoble-Vienne (17-9-2018): L’Osservatore Romano, 19-9-2018, 8.
[145] FD 32.
[146] Diễn văn cho tình nguyện viên tại Đai hội giới trẻ Thế giới thứ 28 ở Rio de Janeiro (ngày 28-7-1913): Insegnamenti 1, 2 (2013), 125.
[147] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA, Mensaje Cristiano sobre el matrimonio (14-5-1981).
[148] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ, Sons and Daughters of Light: A Pastoral Plan for Ministry with Young Adults, 12-11-1996, Phần I, 3.
[149] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 128: AAS 107 (2015), 898.
[150] Nt, 125: AAS 107 (2015), 897.
[151] FD 40.
[152] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 167.
[153] Nt, 168.
[154] Nt, 170.
[155] FD 108.
[156] Nt.
[157] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 171.
[158] Nt, 172.
[159] Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong đêm canh thức chuẩn bị Đại hội Giới Trẻ thế giới thứ 34 (8-4-2017) : AAS 109 (2017), 447.
[160] ROMANO GUARDINI, Die Lebensalter. Ihre ethische und pädagogische Bedeutung, Würzburg, in lần 3, 1955, 20.
[161] Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 169.
[162] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 222: AAS 105 (2013), 1111.
[163] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Pastores Dabo Vobis (25-3-1992), 10: AAS 84 (1992), 672.
[164] Cầu nguyện canh thức với giới trẻ Ý tại Hí trường Maximus ở Rôma (11-8-2018): L’Osservatore Romano, 13-14 tháng 8-2018, 6.