Ngày 21/4: Thánh An-sen-mô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh


Từ một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh An-sen-mô đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Người có danh xưng “Ông Tổ Phái Kinh Viện” vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.

Thánh An-sen-mô sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Người được bà mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời người.

Khi 15 tuổi, An-sen-mô muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng người đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Người gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau người được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau người được bầu làm viện phụ.

Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức An-sen-mô được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của người. Quả thật, người hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như người đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó người nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của người, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.

Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức An-sen-mô bắt đầu công bố các công trình thần học của người, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của người là cuốn Cur Deus Homo(”Tại Sao Thiên Chúa Làm Người”).

Khi 60 tuổi, người được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của người. Việc bổ nhiệm người, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.

Sau cùng Ðức An-sen-mô phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Người được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó người lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.

Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức An-sen-mô còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Người là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và người đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.

Người từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được tuyên thánh năm 1494.

Lời Bàn

Thánh An-sen-mô, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh An-sen-mô không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.

Lời Trích

Trên thiên đường không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa” (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).

Nguồn: nguoitinhuu.org