Suy Niệm Tháng Hoa 2019 – Hướng Đến Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu – 31/5/2019


Chủ đề: MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG CÁC GIA ĐÌNH

“Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – Cầu cho chúng con”

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Chúng ta bắt đầu tháng Mẹ trong năm mục vụ lưu tâm đến những gia đình, đặc biệt cầu cho những gia đình đang gặp khó khăn vì hôn nhân khác đạo, ly thân và gia đình ly tán. Chúng ta không phủ nhận tội lỗi, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và tình yêu trong hôn nhân như Tông Huấn Niềm Vui Tình Yêu nhận định, bởi không chỉ hôm nay, mà ngay từ trang đầu, Thánh Kinh cũng đã cho thấy trong cuộc đổ vỡ gia đình của A-đam và E-và,  tội lỗi, sự ác và bạo lực đã tạo mối cho họ xa rời Thiên Chúa, hành hạ nhau, thay vì yêu thương nhau. Những khó khăn và thách đố như thế không miễn chuẩn cho gia đình nào.

Thế nên, điều cốt yếu cho các cuộc qui tụ bên Mẹ trong tháng này không phải thở than, chán nản, nhưng là nhìn vào gương Mẹ, để nghe Mẹ chỉ bảo đàng lành cho mọi cuộc tình, mọi hoàn cảnh của đời hôn nhân và gia đình.

Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con, là Mẹ chỉ bảo đàng lành cho chúng con, xin Mẹ cho chúng con tận dụng tháng Hoa này để cùng Mẹ ngước nhìn lên Chúa hằng ngày, noi theo lời Mẹ chỉ bảo để củng cố đức tin và tình mến trong gia đình chúng con. Amen.

Tuần 1:

MẸ CHỈ BẢO ĐƯỜNG LÀNH

CHO NHỮNG NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

  1. Lời Chúa:

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca (1,5-26)

Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông… một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa…”. Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông Da-ca-ri-a trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai…  Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. – Đó là lời Chúa.

  1. Mẹ chỉ bảo:

Đoạn Tin Mừng giới thiệu hai người phụ nữ: bà Ê-li-sa-bét và mẹ Maria. Giữa họ có nhiều khác biệt. Khác biệt tuổi tác: bà Ê-li-sa-bét thì già, còn mẹ Maria thì trẻ. Khác biệt vùng miền: bà Ê-li-sa-bét ở miền núi, còn Mẹ Maria ở đồng bằng; bà Ê-li-sa-bét ở miền nam, còn Mẹ Maria thì ở miền bắc Israel. Dù vậy, cả hai người phụ nữ này có một điểm chung rất mẫu mực cho mọi người trẻ Công Giáo, đó là người bạn đời của họ đều là những người có lòng kính sợ Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa.

Mẹ Maria chọn một người chồng có đức tin theo tiêu chuẩn lập gia đình của những người có lòng kính sợ Thiên Chúa. Chồng của Mẹ Maria là người có đức tin vào Thiên Chúa, luôn tìm vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse không hành động theo ý riêng, nhưng luôn tìm thánh ý Thiên Chúa và làm theo. Vì lý do đó mà thánh Giuse được gọi là người công chính. Da-ca-ri-a, chồng của bà Ê-li-sa-bét cũng là người công chính. Ông lo việc phục vụ Thiên Chúa. Những người trẻ có đức tin thời ấy cũng chọn cho mình một người bạn đời như thế. Chẳng hạn, Tô-bia chọn một người vợ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên ngay trong buổi đầu tiên, cả hai đã dâng lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa cho tình duyên của họ. Đối với họ, tiêu chuẩn trước hết để chọn người bạn cho đời hôn nhân là có đức tin.

Theo lối nói hôm nay, Mẹ Maria và thánh Giuse là “cặp đôi hoàn hảo” trong hôn nhân. Trước khi kết hôn, thánh Giuse là người công chính, còn Mẹ Maria là người “đầy ơn phúc.” Các ngài biết lề luật Thiên Chúa, vâng nghe lời Chúa, tập luyện nhân đức và có ước ao làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nói rằng gia đình Mẹ Maria và thánh Giuse là gia đình thánh, điều đó có nghĩa trước khi nên duyên vợ chồng, các ngài là những người sống thánh thiện, tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria là gương sáng chỉ bảo cho những người trẻ Công Giáo, ưu tiên chọn những người “thuộc dòng dõi các thánh” làm người bạn đời của mình, nghĩa là biết quý trọng hôn nhân bí tích.

Trong Tông Huấn Gia Đình số 13, Giáo Hội cho biết Hôn Nhân Bí Tích của những người đã lãnh bí tích Rửa Tội diễn tả sống động giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Chúa Ki-tô. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên tình yêu của họ, ban cho họ một trái tim mới và làm cho người nam và người nữ Công Giáo có khả năng yêu thương nhau như Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh. Trong Tông Huấn Gia Đình, Hội Thánh đã thốt lên: có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Ki-tô hữu, cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa, không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt! Nói cách khác, hôn nhân bí tích của hai người đã lãnh bí tích Rửa Tội là hôn nhân đẹp, là hành động của đức tin và của tình yêu.

Là những người đã lãnh bí tích Rửa Tội, đôi bạn nam nữ tìm đến với nhau nên vợ chồng trong bí tích Hôn Phối, bởi họ quý mến đức tin của họ và của nhau, họ muốn dùng tình yêu của họ làm chứng cho tình yêu của Chúa yêu thương họ, họ dễ dàng qui chiếu đời sống của họ theo lời Chúa dạy và theo mẫu gương của Mẹ Maria và các thánh. Gia đình của họ sau này là môi trường thuận tiện cho việc công bố và đón nhận lời Chúa, dễ dàng trở nên một Hội Thánh thu nhỏ và là trường đào tạo đức tin cho con cái. Đức tin và tình yêu cho họ một ưu tiên tìm chọn bạn đời là người có đức tin.

  1. Theo gương Mẹ:

Mẹ Maria làm gương và chỉ bảo cho người trẻ ưu tiên tìm chọn bạn đời là người có đức tin. Vậy, chúng ta cùng cầu nguyện cho người trẻ và những bậc cha mẹ nỗ lực sống theo gương Mẹ trong tuần đầu tiên này:

– Cầu cho những người trẻ biết quý trọng Hôn Nhân bí tích và luôn khắc tâm: đã là Ki-tô hữu phải ưu tiên cử hành bí tích Hôn Phối

– Cầu cho những người cha mẹ luôn kiên trì nhắc nhở cho con cái tìm người người bạn đời đã lãnh bí tích Rửa Tội hoặc đưa họ đến với Chúa, lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Hôn Phối.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, xin cho gương chọn bạn đời của Mẹ được người trẻ hôm nay học theo, để đức tin của họ ngời sáng, để gia đình của họ tránh được những khó khăn của những cuộc hôn nhân khác đạo, để gia đình của họ hạnh phúc, vì có Chúa ở với đôi bạn của họ, vì họ luôn tín thác tình duyên của họ trong tay Chúa. Xin Mẹ phù trợ người trẻ chúng con. Amen.

 

———————————————– 

Tuần 2:

 MẸ CHỈ BẢO ĐÀNG LÀNH

CHO NHỮNG ĐÔI LY THÂN

  1. Lời Chúa:

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca (Lc 1,46-55)

        Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” – Đó là lời Chúa.

  1. Mẹ chỉ bảo:

Đoạn Tin Mừng này mô tả đời sống thực gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse, rất gần gũi với đời sống mọi gia đình.  Tin Mừng cho biết, gia đình Mẹ có những lúc gặp thử thách, túng ngặt, dễ cau có trách mắng nhau, dễ lìa xa nhau.

Biến cố Ngôi Hai làm người trong lòng Mẹ đã khiến thánh Giuse suýt đi đến quyết định xa Mẹ. Phải sinh con nơi hang lừa máng cỏ chứ không phải ở trạm xá hay bệnh viện, hoàn cảnh này như ai khác, Mẹ dễ than thân trách phận. Phải sinh con mà không đầy đủ điều kiện tốt cho con, hoàn cảnh này như ai khác, Mẹ có thể buông những lời cay đắng với thánh Giuse. Tin Mừng còn cho biết nhiều hoàn cảnh gian khó khác nữa, như khi Chúa Giê-su còn thơ bé đã trở thành đối tượng truy nã của vua Hê-rô-đê; khi Chúa Giê-su đi rao giảng bị người ta chống đối; khi Chúa Giê-su tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa, người ta đã giết Ngài. Thế mà trong những hoàn cảnh khó khăn cuộc đời mình như vậy, Mẹ Maria không càm ràm thánh Giuse, không oán trách đay nghiến thánh nhân, không làm bầu khí gia đình ngột ngạt, không biến gia đình thành hỏa ngục, vì Mẹ tin rằng Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương những ai khó nghèo, sầu khổ, hằng ủi an những người phận mọn. Niềm tin này được Mẹ biểu lộ trong lời Kinh Ngợi Khen (Magnificat): “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người… Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Mẹ hiểu từ “người nghèo” theo nghĩa thánh kinh, là những người thiếu thốn lương thực, bị áp bức, sầu khổ, yếu hèn. Mẹ hiểu Thiên Chúa yêu thương Mẹ, vì Mẹ đang sống trong hoàn cảnh của người nghèo khốn mà lòng vẫn kính sợ Thiên Chúa. Khi dâng con trong đền thờ, dù nghèo chỉ có được cặp bồ câu non, Mẹ cũng tiến dâng lòng thành cho Thiên Chúa. Nói tóm lại, gian nan, khổ sở, khó nghèo không thể làm giảm sút tình yêu Thiên Chúa nơi Mẹ và cũng không làm vơi đi lòng yêu mến gia đình trong Mẹ, bởi đối với Mẹ, tình yêu đối với gia đình không thể thay đổi.

Nhìn vào tình cảnh của bao gia đình rời rã hôm nay, Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương nhận xét, nhiều người xem tình yêu vợ chồng hay tình yêu gia đình như một món hàng, mọi sự đều có thể dùng rồi vứt bỏ, lấy rồi đập bể, khai thác và vắt cho tới giọt cuối cùng rồi tạm biệt. Người ta yêu mình thái quá, đến nỗi không bằng lòng về người mình yêu. Người ta nói xấu về điểm yếu và lỗi lầm của người vợ, người chồng mà không có can đảm nói tốt hay trình bày điểm tốt của người bạn đời. Người ta viện đủ lý do không hoàn hảo của người phối ngẫu, thậm chí suy đoán lỗi lầm của họ để chia tay. Họ quên rằng lòng yêu thương đồng hành với sự chấp nhận những bất toàn của người bạn đời.

  1. Theo gương Mẹ:

Mẹ Maria dạy các đôi vợ chồng hãy tin tưởng vào tình yêu của nhau, nhất là trong hoàn cảnh nghèo khổ, sầu buồn, dù trong tình yêu đó có sự bất toàn. Niềm tin tưởng này không chỉ vì người bạn đời không dối trá hay bất tài, mà còn nài xin “ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi qua bên kia sự tối tăm, giống than hồng âm ỉ dưới đống tro tàn.” Cứ nhớ lại lời cam kết tin tưởng nhau trong ngày hôn phối trước bàn thờ Chúa, dù thịnh vượng hay gian nan, dù ốm đau hay mạnh khỏe vẫn hứa yêu thương và trung thành với nhau cho đến chết. Động từ “yêu thương” và “trung thành” ở đây được dùng ở thể “quá-khứ-kéo-dài”, nghĩa là còn đang xảy ra trong lịch sử.

Mẹ còn dạy các đôi vợ chồng, thay vì làm bầu khí gia đình ngột ngạt, hãy làm cho gia đình trở thành đền thánh của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa được thờ phượng, nơi đó gia đình hằng ngày ngợi khen Thiên Chúa.

Vậy, chúng ta cùng cầu nguyện cho những đôi vợ chồng và những bậc cha mẹ nỗ lực sống theo gương Mẹ trong tuần này:

– cầu cho các đôi vợ chồng trẻ hằng ngày dành thời giờ cùng với con cái ngồi dưới chân Chúa, ngợi khen và đọc lời Chúa cho nhau nghe, hầu tạo bầu khí yêu thương và thánh thiện trong gia đình

– cầu cho các bậc cha mẹ hằng quan tâm đến gia đình con cái và mau mắn hàn gắn những rạn nứt trong gia đình chúng theo gương mẫu gia đình thánh.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ không phàn nàn than trách thân phận, Mẹ không nghĩ xấu hay nói xấu thánh Giuse, Mẹ một mực tin tưởng người bạn đời trong mọi hoàn cảnh, vì Mẹ tin rằng Thiên Chúa luôn đoái thương gia đình đầy gian khổ của Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con, đặc biệt những đôi vợ chồng đang ly thân, cho họ biết tha thứ cho nhau, biết tin tưởng nhau, biết xóa bỏ những nguyên cớ ly thân, để sống lại ơn gọi hôn nhân của họ, hầu gia đình họ được an vui, con cái họ được hạnh phúc, nhất là được Chúa ở cùng. Amen.

——————————————

Tuần 3:

MẸ CHỈ BẢO ĐÀNG LÀNH

CHO NHỮNG NGƯỜI LY DỊ

  1. Lời Chúa:

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu (Mt 1,18-24)

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. – Đó là lời Chúa.

  1. Mẹ chỉ bảo:

Dù lý do thử thách trong hôn nhân của Mẹ Maria và thánh Giuse không giống với lý do thử thách trong hôn nhân của các đôi vợ chồng khác, nhưng nguy cơ tan vỡ nơi gia đình Mẹ tương tự nguy cơ tan vỡ nơi các gia đình khác. Vì thế, sự chỉ bảo của Mẹ Maria trong hoàn cảnh này là gương mẫu cho mọi gia đình, nhất là cho những gia đình Ki-tô hữu đang tan tác.

Trong hoàn cảnh của Mẹ và thánh Giuse, các ngài chỉ đính hôn với nhau. Theo tục lệ Do Thái, cho đến lúc cưới, đôi vợ chồng mới về chung sống với nhau. Tuy nhiên, dù trong thời gian đính hôn mỗi người ở lại trong nhà cha mẹ của mình, họ vẫn được xem là vợ chồng. Nếu trong thời gian đó người chồng qua đời, người vợ được kể như góa bụa. Trong thời gian đính hôn này, Mẹ Maria được sứ thần truyền tin cưu mang Con Thiên Chúa làm người. Đối với Mẹ Maria, đây là sự kiện trọng đại vượt ngoài trí tưởng của Mẹ, vì thế, Mẹ vâng lời đón nhận. Trước mầu nhiệm cao cả, mở lòng đón nhận là một chọn lựa sáng suốt. Lời thưa “xin vâng” là chọn lựa của Mẹ, bởi điều Mẹ ưa thích nhất là vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Về phần thánh Giuse, ngài hoàn toàn không biết gì về biến cố truyền tin và nguồn gốc thai nhi trong lòng Đức Maria, nên ngài đã sợ và muốn lìa người bạn đời Maria cách kín đáo. Rất may, thánh Giuse cũng được thiên thần truyền tin cho biết và mời gọi đón nhận Mẹ Maria cùng thai nhi trong lòng. Chúng ta cần lưu ý, trong khi Tin Mừng theo thánh Luca cho biết về cuộc truyền tin cho Mẹ Maria, thì Tin Mừng theo thánh Matthêu lại nói về cuộc truyền tin cho thánh Giuse. Như vậy, nhờ lắng nghe lời truyền tin, cả hai, Mẹ Maria và thánh Giuse, đã hiểu được thánh ý Thiên Chúa và các ngài có niềm vui được Thiên Chúa tuyển chọn cho chương trình của Ngài. Mẹ Maria thì đáp lời “xin vâng”; thánh Giuse cũng đáp lời “xin vâng” bằng hành động đứng lên đi đón Mẹ Maria về nhà. Mẹ Maria cất lời kinh Ngợi Khen (Magnficat) ca tụng Thiên Chúa; thánh Giuse cũng cất lời kinh ngợi khen riêng của mình. Nếu không tìm gặp Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài, có lẽ cuộc hôn nhân của Mẹ Maria và thánh Giuse có nguy cơ tan vỡ.

Nhiều gia đình hôm nay tan tác, tỷ lệ ngày càng báo động, trong đó có cả những gia đình Ki-tô hữu. Người ta nại lý do không phù hợp với nhau nữa hoặc vì lỗi lầm của người phối ngẫu không thể tha thứ v.v. Do ảnh hưởng của chủ nghĩa tục hóa, nhiều đôi vợ chồng Công Giáo đánh mất đức tin vào Thiên Chúa và lãng quên lời cam kết hôn nhân của họ, lời cam kết kéo dài trong suốt cuộc sống của vợ chồng cho tới khi cái chết đến cho một trong hai. Không chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu của Chúa Ki-tô đối với Hội Thánh là mẫu mực cho các đôi vợ chồng về tình yêu và lòng trung thành, mà còn nhiều hình ảnh khác Thiên Chúa dùng để giúp cho những người vợ chồng sống lời cam kết hôn nhân diễn tả tình yêu của Ngài, trong đó có sự trung thành của Mẹ Maria và thánh Giuse. Các ngài diễn tả tình yêu và lòng trung thành theo lời cam kết hôn nhân đòi hỏi, bằng cách vượt qua những cám dỗ ích kỷ. Lòng trung thành đó rất khó hiểu đối với con người mọi thời đại, nhưng đó lại là dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện và là niềm hy vọng cho một thế giới luôn bị trì kéo bởi những ích kỷ, tội lỗi.

Nhìn lại cuộc cử hành bí tích hôn phối, mọi người đều tin tưởng với ơn Chúa và với tình yêu thuở ban đầu, mọi đôi vợ chồng sẽ vượt qua thử thách của thời gian. Con cái của họ đều muốn cha mẹ yêu thương nhau, trung thành và ở với nhau mãi mãi. Đối với những người có đức tin, hôn nhân bí tích giữa hai người nam nữ là giao ước trước mặt Chúa, đòi phải trung thành, vì “Đức Chúa, Thiên Chúa Israel phán: Ta ghét việc ly dị” (Ml 2,16). Như tình yêu của Mẹ Maria và thánh Giuse, mọi tình yêu chỉ không thể chia lìa, bất chấp mọi khó khăn, một khi hai người vợ chồng dựa vào ơn Chúa và trung thành với Ngài. Đó cũng là lúc tình yêu vợ chồng của họ trở thành mầu nhiệm cao cả.

  1. Theo gương Mẹ

– Cộng đoàn giáo xứ chúng ta được mời gọi nhớ đến, cầu nguyện, liên đới và an ủi những người chồng hay những người vợ đang là nạn nhân của cuộc ly dị. Họ là những người không hề muốn và không có một hành động đồng lõa nào trong cuộc ly dị. Họ là những người trung thành với lời cam kết hôn nhân mà vẫn phải chịu cảnh ly dị bất công. Xin cho họ được vững tin và lãnh nhận phần thưởng ơn lành của Chúa.

– Cộng đoàn giáo xứ cùng các đoàn thể cầu nguyện và nhắc nhở cho những người ly dị tái hôn nhớ lại bí tích Rửa Tội và Hôn Phối đã lãnh nhận, để hồi tâm trở lại sống với Chúa và trung thành với hôn ước đã thành sự trước mặt Chúa. “Được lời lãi thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì!”

  1. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đỡ nâng những ai đang sống đời vợ chồng, để họ mạnh mẽ trong những lúc lao đao. Xin Mẹ cho họ nhớ lời cam kết hôn nhân của họ, để họ hạnh phúc khi sống trung thành. Xin ban cho họ hạnh phúc và noi theo gương Mẹ luôn tìm thánh ý Chúa trong mọi sự mà tuân theo. Amen.

———————————————

Tuần 4:

MẸ CHỈ BẢO ĐƯỜNG LÀNH

CHO NHỮNG NGƯỜI NÊN DUYÊN VỢ CHỒNG

  1. Lời Chúa:

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca (Lc 1,39-45)

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” – Đó là lời Chúa.

  1. Mẹ chỉ bảo:

Thánh Luca trình bày Mẹ Maria là người vội vã, vội vã vì niềm vui trọng đại cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng. Sự vội vã của Mẹ là thước đo của niềm vui nhận được, một niềm vui không cho phép Mẹ nấn ná hay lần lữa, nhưng hành động tức thời cho đức tin.

Khi nhận được lời truyền tin, Mẹ Maria vội vã đi chia sẻ niềm vui với gia đình Ê-li-sa-bét. Niềm vui có Chúa-ở-cùng biến một thôn nữ mảnh mai, quanh năm suốt tháng trong làng mạc, trở thành một người nữ mạo hiểm hăm hở thực hiện chuyến đi dài. Nói đúng hơn, thai nhi Giê-su trong lòng Mẹ thúc giục Mẹ lên đường. Không chỉ trong chuyến đi đầu tiên này, mà trong cuộc đời của Mẹ còn nhiều chuyến đi dài khác nữa được thôi thúc do tình yêu Chúa. Niềm vui được Chúa ở với không cho phép Mẹ Maria bất động, nhưng liên tục ra đi.

Sau khi sinh con, vì gìn giữ và bảo vệ Hài Nhi Giê-su, Mẹ Maria phải vội vã thực hiện chuyến đi dài sang Ai-cập lánh nạn để thoát cảnh truy sát của bạo vương Hê-rô-đê. Tiếp đến, vì không muốn xa Chúa Giê-su một khoảnh khắc nào, Mẹ còn phải có chuyến vội vã trở lại Giêrusalem tìm Chúa Giê-su vì đang lạc Ngài. Và với vai trò người môn đệ theo sát Chúa Giê-su, Mẹ Maria đã có nhiều chuyến đi vội vã cùng với các tông đồ loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô. Như vậy, vì niềm vui Giê-su ở cùng, vì gìn giữ Giê-su, vì không muốn cách xa Giê-su, vì Tin Mừng Giê-su phải được loan báo, Mẹ Maria đã mau mắn có những hành động dũng cảm đáp ứng sự thôi thúc của Niềm Vui Giê-su. Mẹ luôn vội vã làm những điều tốt lành. Vậy, các đôi bạn đã nên duyên vợ chồng trong bí tích hôn phối thì sao?

Đức Phanxicô đã nói: “Gia đình có Chúa Giê-su là gia đình có niềm vui.” Như gia đình của Mẹ Maria và thánh Giuse, gia đình của những đôi bạn trong bí tích hôn phối là gia đình có niềm vui, vì có Chúa Giê-su ở giữa họ. Trong gia đình họ, không chỉ có người vợ, người chồng và con cái, mà còn có Chúa Giê-su, Đấng đã tác thánh họ và được họ đón nhận ở giữa gia đình. Do đó, các đôi vợ chồng Ki-tô hữu được mời gọi sống và làm chứng niềm vui có Chúa trong gia đình.

Như Mẹ Maria vội vã đến với người bà con để chia sẻ niềm vui và bà Ê-li-sa-bét đã nhận được niềm vui, cả đứa con trong bụng cũng nhảy mừng, thì các đôi vợ chồng Công Giáo được thôi thúc đến với gia đình anh chị em thân tộc, đến với các gia đình chung quanh nói về niềm vui có Chúa trong gia đình mình và chia sẻ kinh nghiệm đón nhận niềm vui đó: niềm vui được Chúa yêu thương ở với, niềm vui của người được nghe lời Chúa hằng ngày, niềm vui gia đình vượt qua mọi thách thức sống hạnh phúc, niềm vui có con cái ngoan hiền khỏe mạnh, niềm vui vợ chồng cùng một niềm tin vào Chúa, niềm vui phục vụ Giáo Hội, giáo xứ. Đến với các gia đình và chia sẻ như thế là giúp họ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong gia đình của họ. Đức Phanxicô khẳng định: nếu đây là cách sống của các đôi vợ chồng Công Giáo, thì Tin Mừng Chúa Giê-su sẽ đi vào rất nhiều ngôi nhà, giúp mọi người và gia đình tái khám phá ơn cứu độ của Chúa nơi Chúa Giê-su. Nếu có những ray rứt, bất an nơi những đôi vợ chồng không cùng đức tin vào Chúa, thì nơi những đôi vợ chồng cùng niềm tin vào Chúa Giê-su, gia đình họ có niềm vui, bình an, cả trong thời điểm khó khăn.

  1. Theo gương Mẹ:

– Các đôi vợ chồng Công Giáo cố gắng theo gương Mẹ, có những lần thăm viếng các gia đình thân tộc và các gia đình láng giềng, chia sẻ niềm vui đọc và lắng nghe lời Chúa trong gia đình, kể kinh nghiệm sống đức tin và rủ nhau tham dự Thánh Lễ để tạ ơn Chúa.

– Cha mẹ kể lại cho con cái những bằng chứng Chúa yêu thương, bảo bọc chở che gia đình và cùng với con cái tạ ơn Chúa hằng ngày, cụ thể trong buổi kinh gia đình.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, xin dạy các gia đình chúng con biết noi theo gương Mẹ, sẵn sàng vội vã có những hành động tức thời đáp ứng đòi hỏi của đức tin, sẵn lòng thăm viếng các gia đình khác, để như Mẹ, chúng con vui mừng chia sẻ niềm vui Giê-su mà gia đình chúng con đang được hưởng. Amen

————————————————

Tuần 5:

MẸ CHỈ BẢO ĐÀNG LÀNH

CHO NHỮNG GIA ĐÌNH KI-TÔ HỮU

  1. Lời Chúa:

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca (Lc 1,46-56)

Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. – Đó là lời Chúa.

  1. Mẹ chỉ bảo:

Thấm thoát, chúng ta đã đi vào ngày cuối của tháng kính Mẹ dành cầu nguyện cho các gia đình. Chúng ta từng bước suy niệm gương mẫu đời sống hôn nhân và gia đình của Mẹ và xin Mẹ chỉ bảo cho mọi gia đình của chúng ta. Hôm nay trong ngày cuối, cùng với các gia đình có đầy đủ cha mẹ và con cái, chúng ta hiệp với Mẹ dâng lên Thiên Chúa hạnh phúc của chúng ta, hạnh phúc có gia đình, hạnh phúc có con cái, hạnh phúc có Chúa ở giữa gia đình, hạnh phúc vì cả gia đình hằng được Mẹ chỉ bảo. Hôm nay, chúng ta xin Mẹ chỉ bảo cho những gia đình Ki-tô hữu chúng ta.

Cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và Ê-li-sa-bét là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ đang hạnh phúc vì được mang thai, được có con. Đối với cả hai, đứa con trong lòng là ơn lạ Thiên Chúa ban, là sự diệu kỳ của lời Chúa phán. Ê-li-sa-bét không còn tuổi sinh nở, thế mà Thiên Chúa đã cho cưu mang Gioan Tẩy Giả. Mẹ Maria thì không biết đến việc can thiệp của một nam nhân nào, thế mà được Thiên Chúa chọn cưu mang Chúa Giê-su. Ơn có con nơi các ngài làm chứng, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vì thế, việc ông Gia-ca-ri-a dâng “Bài Ca Chúc Tụng” (Benedictus) lên Thiên Chúa và việc Mẹ Maria hát mừng lời “Ngợi Khen” (Magnificat) là đòi buộc của lòng biết ơn.

Đối với Mẹ Maria, Mẹ càng có lý do tạ ơn Chúa hơn nữa, vì Mẹ được hiện diện trong ba cuộc sinh hạ. Trước hết là cuộc ra đời của Gioan Tẩy Giả tại Giu-đa, nơi Mẹ ở lại giúp bà Ê-li-sa-bét sinh con. Tiếp đến là cuộc sinh hạ Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và cuối cùng là cuộc sinh hạ Hội Thánh dưới chân thánh giá, nơi Chúa Giê-su trao phó Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài cho Mẹ. Mẹ tạ ơn Chúa vì nhờ Chúa Giê-su trong lòng Mẹ mà Gioan được tràn đầy Chúa Thánh Thần nhảy mừng. Ba mươi ba năm sau, Hội Thánh cũng được tràn đầy Chúa Thánh Thần khi Mẹ hiện diện giữa Hội Thánh và làm cho Hội Thánh hân hoan. Quả thật, có con cái đã là hạnh phúc, có Chúa ở bên trong lòng và trong gia đình lại hạnh phúc biết bao!

Thánh Vịnh 127 đã khẳng định: “Này con cái là hồng ân của Chúa/ con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.” Trong Hiến Chế Mục Vụ, Công đồng Vatican II tuyên bố: “Con cái là hồng ân cao quý nhất của hôn nhân, chúng sẽ góp phần lớn lao cho hạnh phúc chính cha mẹ chúng” (MV 48). Con cái còn được ví như những vị khách quý Thiên Chúa gởi tới cho mỗi gia đình. Cứ nhìn vào ánh mắt của những cha mẹ lần đầu sinh con để thấy niềm vui đang rạng vỡ trong lòng họ. Cứ hỏi những cha mẹ có con cái ngoan ngoãn và đạo hạnh để nghe họ chia sẻ niềm vui của họ khi nhìn vào con cái. Họ nâng niu con như là hồng ân của Thiên Chúa ban. Họ đưa con cái đến với Hội Thánh để chúng được làm con Chúa. Họ cho con cái nghe những lời dạy dỗ đạo đức, truyền đạt lời Chúa cho chúng bằng lời nói và bằng cử chỉ yêu thương, ân cần. Họ cùng con cái dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và làm gương sáng cho con cái. Họ không muốn làm hư mất con mình, vì con của họ là phần thưởng Chúa ban. Họ học được nơi Mẹ Maria mẫu gương tạ ơn này.

  1. Theo gương Mẹ:

– Cha mẹ dạy cho con cái học hỏi lời Chúa trong Thánh Kinh và kể cho con cái các gương lành của các thánh hay của tổ tiên, ông bà.

– Cha mẹ dành thì giờ chuyện trò với con cái, làm gương cho con cái khi nói lời “cám ơn,” “xin lỗi,” “xin phép.”

  1. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, chúng con tạ ơn Mẹ đã đồng hành với chúng con không chỉ trong tháng Hoa này, mà còn suốt cuộc sống của gia đình chúng con. Xin Mẹ ở với chúng con, khi vui cũng như khi buồn để chỉ bảo, ban ơn và an ủi chúng con. Xin Mẹ giúp các gia đình trong giáo xứ và giáo phận chúng con ngày càng được thánh thiện và hạnh phúc, cho chúng con cảm nghiệm được gia đình chúng con là tổ ấm, một tổ ấm có Chúa và Mẹ ở cùng. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Xem Và Tải File Dưới Dạng Văn Bản