Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm C
Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm C – 2019
28-4-2019
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Ngãi
GIÁO HUẤN SỐ 22
Đồng hành sau khi đổ vỡ và li dị (tt)
Đối với những người li dị đang sống một kết hợp mới, điều quan trọng là làm cho họ vẫn là thành phần của Hội thánh. “không bị rút phép thông công” và không bị đối xứ như vậy, bởi lẽ họ luôn là thành phần làm nên sự hiệp thông Hội thánh. Những hoàn cảnh này “đòi hỏi phải có sự phân định cẩn thận và đồng hành hết sức tôn trọng, tránh mọi kiểu nói và thái dộ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị và khuyến khích họ tham gia vào đời sống của cộng đoàn. Chăm sóc cho những người như thế không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng cho sự bất khả phân li của hôn nhân bị suy yếu đi, và ngược lại chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình (Niềm Vui của Tình Yêu số 243).
————————————-
CN 2 PS Năm C
(Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)
Chúa nhật hôm nay là lễ “LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT”. Lễ này được Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II thiết lập vào ngày 30-4-2000, theo ước muốn của Chúa bày tỏ cho nữ tu Faus-ti-na.
Nữ tu Faustina sinh năm 1905 tại Ba-lan. Chị là người con thứ ba trong 10 người con của một gia đình nông dân nghèo khổ. 15 tuổi chị xin đi tu, nhưng cha mẹ không bằng lòng. Mãi khi 20 tuổi chị mới được phép.
Con nhà nghèo, học hành thì không, nhà dòng sai chị làm những việc rất hèn mọn như nấu bếp, làm vườn, coi nhà, canh cổng. Nhưng chị làm với tất cả vì lòng mến Chúa và cứu các linh hồn.
Ngày 22-2-1931, sau 6 năm vào dòng, Chúa Giê-su hiện ra với chị. Chị thấy toàn thân Chúa sáng ngời, và từ Trái Tim Chúa chiếu ra hai luồng sáng phá tan bóng tối sự chết và tội lỗi. Tay trái Chúa chỉ vào trái tim như mời gọi mọi người tin cậy vào lòng Chúa thương xót.
BTM : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay ghi lại bốn việc : Chúa Giê-su làm sau khi sống lại, để tỏ bày lòng Chúa thương xót :
1-Ban bình an : sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh và chết, 11 tông đồ sợ hãi người Do thái, đóng kín cửa. Chúa hiện đến đứng giữa và nói : “Bình an cho anh em” (Ga 20,19).
2-Cho xem tay và cạnh sườn : Các ông sợ hãi, vì nghĩ Chúa đã chết, và xác Chúa đã bị lấy mất, thì Chúa sống lại, hiện ra “cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20).
3-Ban ơn tha tội : “Chúa thổi hơi vào các tông đồ và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22).
4-Chúa chữa tính cứng đầu cứng cổ của thánh Tô-ma : Thánh Gio-an kể lại như sau : “Một người trong Nhóm Mười Hai , tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông, khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa’. Ông Tô-ma đáp : ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin’. Tám ngày sau. các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : ‘Bình an cho anh em’. Rồi Người bảo ông Tô-ma : ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tô-ma thưa Người : ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !’ Đức Giê-su bảo : ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !’” (Ga 20,24-29).
Có một giai thọai về thánh Tô-ma như sau : sau khi Chúa Giê-su về trời, các tông đồ bắt thăm để đi truyền rao Tin Mừng. Thánh Tô-ma bắt phải thăm đi Ấn độ. Ngài từ chối, lấy lý do không đủ sức khỏe. Ngài còn nại lý do bất đồng ngôn ngữ. Ngài nói : “Tôi là người Do thái, làm sao tôi đến giảng cho người Ấn độ được”.
Đêm về Chúa Giê-su hiện ra và nói với thánh Tô-ma : “Tô-ma, con đừng sợ. Con hãy đi giảng lời Thầy cho dân Ấn độ. Ơn Thầy đủ cho con”. Nhưng thánh Tô-ma vẫn cứng cổ thưa : “Thầy muốn con đi bất cứ đâu, con cũng sẵn sàng, nhưng đi Ấn độ tuyệt đối con không đi”.
Có một lái buôn từ Ấn độ đền Giê-ru-sa-lem. Ông tên là Ab-ba-nes. Ông được vua Ấn độ sai đi tìm một người thợ mộc khéo tay. Chúa Giê-su gặp ông ở chợ và hỏi : “Có phải ông muốn mua một người thợ mộc không ?”. Ông Ab-ba-nes thưa : “Phải, tôi muốn mua một người thợ mộc”. Chúa Giê-su bảo ông : “Tôi có một người nô lệ làm thợ mộc rất khéo tay. Nếu ông muốn, tôi bán cho ông”. Vừa nói Chúa Giê-su vừa chỉ tay về thánh Tô-ma đang đứng đàng xa. Sau khi thỏa thuận giá cả, Chúa viết giấy bán như sau : “Tôi là Giê-su, con ông thợ mộc Giu-se. Tôi bán người nô lệ của tôi tên là Tô-ma cho ông Ab-ba-nes, một thương gia của vua Ấn độ”. Hai bên ký kết và thanh toán tiền bạc xong, Chúa Giê-su đem thánh Tô-ma giao cho ông Ab-ba-nes.
Sáng hôm sau thức dậy, thánh Tô-ma quì gối cầu nguyện : “Lạy Chúa Giê-su, con xin vâng theo ý Chúa”.
Thánh Tô-ma được đưa về Ấn độ và được đem đến trình diện vua Ấn. Vua sai ông đi xây cung điện cho vua. Vua hoàn toàn tín nhiệm ông. Vua trao cho ông nhiều tiền để mua vật liệu và thuê thợ. Thay vì dùng tiền để xây cung điện, thánh Tôma giúp đỡ người nghèo.
Mãi chưa thấy có cung điện, vua hỏi thánh Tô-ma : “Nhà ngươi có xây cung điện cho ta không ?”. Thánh Tô-ma thưa : “Dạ, có”. Vua hỏi : “Khi nào ta đến xem cung điện của ta ?”. Thanh Tô-ma đáp : “Bây giờ hoàng thượng chưa thể xem được. Khi qua đời, hoàng tượng sẽ thấy cung điện của hoàng thương”.
Thoạt nghe, vua giận dữ, truyền đem thánh Tô-ma đi giết. Nhưng khi được thánh Tô-ma giảng Nước Trời, vua vui sướng theo đạo, để được vào cung điện Nước Trời.
Theo lịch sử Giáo Hội, thánh Tô-ma đã đi rao giảng Tin Mừng cho nươc Ấn dộ. Các học trò của ngài sang Trung Hoa giảng đạo, sang cả Việt Nam. Thái thú Sĩ Nhiếp sang cai trị Việt Nam từ năm 187 đến 226. Cơ quan của ông ở Thanh Hóa. Ông đã treo Thánh Giá trong cơ quan.
Trong kinh “Xin Lòng Chúa Thương Xót” có câu : “Lạy Cha từ bi, chỉ mình Cha mới phán xét con. Cha không bao giờ từ chối khi con thống hối ăn năn, chạy tới lòng thương xót của Cha, nơi mà chưa một linh hồn nào bị từ chối, mặc dù họ là một linh hồn vô cùng tội lỗi. Lời Chúa Giê-su, Con Cha, đã bảo đảm với con rằng : ‘Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ một linh hồn tín thác”.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành