Gặp Gỡ Đức Tổng Giám Mục Giovanni Pietro Dal Toso Tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc
Sáng ngày 26/4/2019 tại Hội trường Tòa Giám mục Xuân Lộc, Đức Tổng Giám mục Giovanni Pietro Dal Toso, Chủ tịch hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đến thăm viếng Giáo phận Xuân Lộc và có cuộc gặp gỡ chia sẻ với Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí tu sĩ nam nữ, chủng sinh.
Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Tổng đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến việc truyền giáo, nhất là về Các hội Truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo chúng ta.
Trong bầu khí vui tươi và thân mật, Đức Cha Chánh Giuse đã thay lời cho Quí Đức Cha, Quí Cha và toàn thể Giáo phận Xuân Lộc chào đón Đức Tổng Giám mục đã hy sinh thời gian quí báu đến với Giáo phận Xuân Lộc. Một giáo phận có số giáo dân rất đông đảo của Việt Nam. Sau lời chào mừng, Đức Tổng Giám mục Gioavani Pietro Dal Toso đã có bài thuyết trình chia sẽ rất thiết thực về công tác truyền giáo.
Sau đây là nội dung chính, Ngài nói : Công việc truyền giáo của Giáo hội là một công việc rất quan trọng cần phải vận dụng mọi thành phần dân Chúa tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng này.
Ngài nói đến những Hội truyền giáo đầu tiên được lập ra do sáng kiến độc đáo của những người giáo dân Pháp mà cụ thể là chị Pauline Jaricot. Chị có người anh ruột làm Linh mục truyền giáo ở Trung Quốc, cho nên chị suy nghĩ : mình phải làm sao giúp cho công việc truyền giáo tốt hơn và từ đó chị kêu gọi những người hàng xóm khoảng 10 người cầu nguyện cho việc truyền giáo của anh mình. Tiếp theo chị kêu gọi những người đó góp tiền cho việc truyền giáo và từ đó chị quyên được 1 số tiền nhỏ từ trong nhóm bạn tại Pháp và mỗi tháng một ít gửi qua Trung Quốc để truyền giáo. Như vậy ý tưởng rất đơn giản để truyền giáo là đóng góp vật chất và cầu nguyện. Ý tưởng đó từ từ lan rộng và được nhiều người hưởng ứng và trở thành phong trào. Lúc đó có nhiều nhóm nhỏ cứ khoảng 10 người, họ cầu nguyện cho việc truyền giáo và đó là điểm đầu tiên hình thành hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
Hội đầu tiên là Hội Truyền Bá Đức Tin và 20 năm sau một Giám mục người Pháp là Charles de Forbin-Janson cũng nghĩ rằng tại sao mình không áp dụng tinh thần này cho các trẻ em và đó lại là điểm đầu tiên hình thành hội truyền giáo cho trẻ em. Cuối thế kỷ 19, một người phụ nữ nữa của Pháp đến Nhật Bản, chị và mẹ thấy 1 chủng viện Nagasaki đang hình thành, chị muốn đóng góp xây Chủng viện đó. Tiếp theo là những chủng viện ở Sri Lanka và đó là khởi điểm hội truyền giáo thánh Phêrô tông đồ có mục đích xây Chủng viện và huấn tiện tu sĩ địa phương để truyền giáo. Cuối thế kỷ 20, một vị Linh mục nữa đã hình thành hội truyền giáo dành cho giáo sĩ.
Thưa quí vị, Truyền giáo không chỉ làm 1 việc tốt cho chỗ này chỗ kia, nhưng là làm điều tốt cho tất cả mọi người không miễn trừ ai. Vị sáng lập hội truyền giáo cho giáo sĩ tên là Paul Manna hiện nay là một chân phước và ngài muốn truyền giáo cho tất cả mọi tín hữu đặc biệt mời gọi các linh mục hãy khám phá lại tinh thần nhiệt huyết của ơn gọi truyền giáo. Và cho đến nay chúng ta có 4 hội truyền giáo :
– Hội truyền bá đức tin do chị Pauline Jaricot sáng lập năm 1822. Giáo hội đang trong tiến trình phong chân phước cho chị.
– Hội nhi đồng tuyền giáo do Đức Giám mục Charles de Forbin-Janson sáng lập.
– Hội truyền giáo thánh Phêrô tông đồ do chị Jeanne Bigard sáng lập
– Hiệp Hội giáo sĩ truyền giáo do Chân phước Paul Manna sáng lập
Đức thánh cha đón nhận 4 hội đó và nâng lên thành Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Tại sao 4 hội đó được gọi là hội của Giáo hoàng? Thưa bởi vì theo Đức Giáo hoàng Pio 11, Ngài nói : “Các hội tryền giáo đó là của tôi”, tức là Đức Giáo Hoàng muốn những việc truyền giáo đó cũng thuộc về mình. Hơn nữa, Ngài muốn giữ tinh thần truyền giáo trong Giáo hội hoàn vũ được sống mãi cho nên Ngài mới nói : “Các hội tryền giáo đó là của tôi”.
Có lẽ quí cha sẽ hỏi tôi: 4 hội đó có ảnh hưởng thế nào đến cộng đoàn giáo xứ của tôi? Bởi vì Việt Nam thì xa Roma, có những lối suy nghĩ theo kiểu của Việt Nam, các hội này liên hệ với Việt Nam như thế nào? Trước tiên chúng ta đã có một giám đốc quốc gia về hội Giáo hoàng Truyền Giáo(Cha Hierônimô Nguyễn Đình Công). Thế giới có khoảng 120 Giám đốc quốc gia. Vì Giáo hội hoàn vũ không thể làm gì nếu Giáo hội địa phương không hỗ trợ. Vậy cuối cùng chúng ta làm gì cho các Hội giáo hoàng truyền giáo hay chúng ta làm gì cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội?
Xin Quí cha hãy cố gắng làm những điều quan trọng sau đây:
1. Các Cha hãy cầu nguyện và kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho truyền giáo. Khi tôi còn là những đứa trẻ, tôi thấy rất nhiều nhà truyền giáo đến xứ của tôi để truyền giáo. Nhưng giờ tôi không còn thấy ai nữa. Cho nên hãy cầu nguyện cho ngày càng có nhiều nhà truyền giáo đi loan báo tin mừng, và dĩ nhiên các cộng đoàn dòng tu cũng phải cầu nguyện cho việc truyền giáo nữa.
2. Ít nhất một năm1 lần hoặc 2, 3 lần tùy hoàn cảnh có những cuộc quyên góp cho việc truyền giáo. Ngày nay vào tháng 10 chúng ta có một lần quyên góp cho truyền giáo toàn thế giới. Các cha xứ nhớ nhắc và hướng dẫn cho giáo dân biết rằng đó không chỉ là việc góp tiền mà trên hết là tinh thần cộng tác với Giáo hội trong việc truyền giáo.
3. Đây là điểm nền tảng quan trọng : chúng ta cần lưu ý, chúng ta tự hỏi: Thực sự mình có ý thức về ơn gọi truyền giáo của mình không? Có ý thức trách nhiệm truyền giáo không? Vì 1 trong các sứ mạng quan trọng các Hội Giáo hoàng truyền giáo là làm cho mọi giáo dân ý thức mình mang trong mình ơn gọi truyền giáo. Ở trong công đồng Vatican II và các Đức Thánh Cha sau này luôn nói tự bản chất Giáo hội là truyền giáo, nghĩa là nếu không có truyền giáo thì không có Giáo hội. Truyền giáo không phải là khía cạnh khác của Giáo hội, nhưng truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Vì thế, chúng ta luôn tự hỏi chính bản thân, Giáo hội của chúng ta có phải là Giáo hội truyền giáo không?
Đối với Giáo hội Việt Nam, tôi muốn nói 2 điều này:
a. Chúng ta cần phải làm cho vững mạnh đời sống đức tin của người tín hữu. Xin lỗi, nếu chỉ đi xưng tội và cứ đi lễ ngày Chúa nhật đầy nhà thờ thì không đủ, điều quan trọng là giúp cho người giáo dân có kinh nghiệm cá nhân với Đức Giêsu. Đức tin là sự kinh nghiệm riêng tư với Chúa. Vậy các Linh mục chánh xứ phải tự hỏi trong cộng đoàn của mình có được bao nhiêu người có kinh nghiệm với Chúa? Vì thế điểm đầu tiên của việc truyền giáo là làm vững mạnh đời sống đức tin, có kinh nghiệm với Chúa. Chiều hôm qua tôi đã chia sẻ với các Giám mục đang họp tại Bãi Dâu – Vũng Tàu và hôm nay tôi cũng nói với quí vị: Nếu giáo xứ của chúng ta giúp cho truyền giáo thì không phải là vật chất cho bằng phải thực sự giúp cho những con người có kinh nghiệm với Chúa, điều đó là quan trọng chứ không phải chỉ vật chất bên ngoài.
b. Khía cạnh thứ hai là đến với muôn dân, đến với những người chưa nhận biết Chúa. Điều này rất quan trọng với Giáo hội không chỉ quá khứ mà là hiện tại và tương lai. Lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô vẫn là sứ điệp căn bản của Giáo hội. Bởi vì khi mà Chúa Giêsu là điều quan trọng cuả đời tôi thì tự động tôi sẽ chia sẻ.
Tội tự hỏi bản thân tôi, điều làm cho tôi giảm nhiệt thành truyền giáo phải chăng bởi vì tôi không còn mối liên hệ với Chúa Giêsu, hoặc kém liên hệ với Chúa Giêsu. Vì nếu tôi tự tin Đức Giêsu nói điều gì đó với tôi thì tôi cũng tự tin nói cho người khác về Chúa. Cho nên truyền giáo là mang Tin mừng cho những người chưa biết Đức Giêsu. Tôi đã nhìn thấy nhiều nhà truyền giáo Việt Nam trên thế giới như ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và tôi nhìn thấy trong đất nước này vẫn còn rất nhiều nhà truyền giáo, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần giữ mãi động lực truyền giáo trong lòng mình bởi vì lời cuối cùng Đức Giêsu nói trước khi về Trời là : Hãy đi và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Chúng ta cần giữ lời cuối cùng đó trên thế giới và làm cho Lời Chúa sống mãi trong lòng mình. Bổn phận và trách nhiệm các hội giáo hoàng truyền giáo là giữ lời đó sống mãi trong lòng người tín hữu.
Tôi còn 2 điều quan trọng nữa cũng xin thưa với quí vị.
Thứ nhất : Chúng tôi cố gắng thực hiện trong Việt Nam ít nhất là hội nhi đồng truyền giáo, đó là cách thức chăm sóc mục vụ cho trẻ em. Vì nếu chúng ta chăm sóc mục vụ cho trẻ em thì sau này lớn lên các em sẽ nhớ mãi trong lòng nó, trong đầu nó sứ mạng truyền giáo. Và chúng tôi rất muốn các cha xứ các giáo xứ kết hợp với Giám đốc Hội Giáo hoàng truyền giáo thiết lập hội thiếu nhi truyền giáo, đó là cách tốt nhất huấn luyện truyền giáo cho các em. Và tôi trong vai trò Giám đốc sẽ có những kế hoạch để thực hiện trong tương lai.
Thứ Hai : Chúng ta phải huấn luyện truyền giáo cho giáo dân, vì có rất nhiều giáo dân không được huấn luyện. Họ là giáo viên, là kỹ sư nhưng lại rất kém về việc truyền giáo, ít được huấn luyện. Đặc biệt tháng 10 năm nay là tháng truyền giáo ngoại thường. Đức Thánh Cha muốn tháng truyền giáo ngoại thường là cơ hội mọi tín hữu ý thức về việc truyền giáo hong Giáo hội. Tôi tạ ơn Chúa là nơi đây có nhiều Linh mục tu sĩ biết về tháng ngoại thường này; và tôi rất ước mong các Linh mục tu sĩ có nhiều kế hoạch tổ chức và cử hành theo đúng ước ao của Đức Thánh Cha; chẳng hạn như cầu nguyện, huấn luyện làm chứng về công cuộc truyền giáo. Tôi khích lệ quí cha, quí tu sĩ hãy tham khảo thêm trên Web Site của chúng tôi (Website Hội Giáo Hoàng : www.ppoomm.va; Website Tháng truyền giáo ngoại thường : www.october2019.va) có nhiều tài liệu hướng dẫn về tháng truyền giáo này. Tôi đã gửi cho các Đức Giám mục hôm qua tại Bãi dâu cuốn sách đó.
Sau bài chia sẻ, mọi người có ít phút giải lao và sau đó là những câu hỏi của Quí Cha dành cho Đức Tổng Giám mục. Trước giờ cơm trưa, cộng đoàn bước vào giờ Chầu Thánh thể tại nhà nguyện Tòa Giám mục. Ước mong rằng những lời chia sẻ và huấn dụ của Đức Tổng Giám mục Giovani Pietro Dal Toso sẽ thắp sáng hơn lòng nhiệt thành truyền giáo của Giáo phận Xuân Lộc chúng ta.
Nguồn: Website Giáo phận Xuân Lộc
[irp posts=”13953″ name=”Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt”]