Toà Ân Giải Tối Cao Ra Tuyên Bố Về Ấn Tín Toà Giải Tội


Trong bối cảnh nhiều nước ra luật buộc các linh mục giải tội phải báo cáo với cảnh sát về những gì nghe được trong toà giải tội về lạm dụng tính dục trẻ em, Toà Ân giải Tối cao ra thông cáo chính thức liên quan đến ấn tín toà giải tội và các mức độ bí mật khác.

Sáng 1/7, Toà Ân giải Tối cao ra Tuyên bố về tầm quan trọng của toà trong và ấn tín không thể vi phạm của BT Giải tội, được ký bởi ĐHY Mauro Piacenza, chánh án Tòa Ân giải Tối cao và đức ông Krzysztof Nykiel, phó chánh án.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước ra luật buộc các linh mục giải tội phải báo cáo với cảnh sát về những gì nghe được trong toà giải tội về lạm dụng tính dục trẻ em.

Nội dung của tuyên bố đề cập đến 3 loại bí mật: ấn tín bí tích, bí mật tự bản chất thuộc về toà trong nhưng không phải bí tích và bí mật nghề nghiệp.

(1) Trước hết về ấn tín toà giải tội, Tuyên bố khẳng định rằng: “bí mật không thể bị vi phạm của bí tích Giải tội đến trực tiếp từ thiên luật được mạc khải và bắt nguồn từ chính bản chất của bí tích, đến nỗi không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào trong bối cảnh giáo hội cũng như dân sự”.

Tuyên bố lặp lại giáo luật 983-984 và 1388, và giáo lý GHCG 1467: “Hội Thánh buộc mọi linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những tội hối nhân đã xưng thú. Ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề… Bí mật tòa giải tội không chấp nhận luật trừ nào.” Ngay cả, “người có quyền không thể dùng những kiến thức biết được bất cứ lúc nào do việc giải tội, để lãnh đạo ở toà ngoài, bằng bất cứ cách nào.” (GL. 984)

(2) Kế đến là toà trong nhưng không mang tính bí tích, linh hướng. Trong linh hướng, tín hữu mở lòng cách tự do về lương tâm của mình với vị linh hướng để được hướng dẫn và nâng đỡ trong việc lắng nghe và thi hành ý Chúa. Vì vậy, cũng không được vi phạm quyền nội tâm của họ.

(3) Cuối cùng, có những điều kín cần phải giữ hay còn gọi là “bí mật nghề nghiệp”. Tự bản chất bởi luật tự nhiên, những bí mật này cũng phải giữ, trừ “trường hợp ngoại lệ nếu việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người đã nói ra, hoặc cho người đã tiếp nhận hoặc cho một người thứ ba, những thiệt hại nặng nề và chỉ có thể tránh được khi nói sự thật” như được đề cập trong số 2491 của Giáo lý GHCG.

Như thế, trước những áp lực về thông tin, Toà Ân giải Tối cao một lần nữa tái khẳng định lập trường của Giáo hội Công giáo về bí mật bí tích cũng như những cấp độ bí mật khác, như đã được quy định trong giáo luật và giáo lý của GHCG. (CSR_3920_2019)

Văn Yên, SJ

Nguồn: Vatican News