Bài 5: Nền Văn Hoá Toàn Diện Và Liên Đới
Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965) cho đến nay, từ “văn hoá” được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện chính thức và quan trọng của Giáo hội Công giáo[10] vì văn hoá bao gồm hầu như mọi sinh hoạt thường ngày của con người. Vì thế chúng ta cần tìm hiểu xem văn hoá là gì, Giáo hội muốn chúng ta xây dựng loại văn hoá nào và xây dựng nó bằng cách nào?
Mục Lục Bài Viết
Văn hoá là gì?
Từ văn hoá có nhiều nghĩa. Theo nghĩa chữ, văn là vẻ đẹp do mầu sắc tạo ra, là hình thức đẹp trong nghi lễ, nghệ thuật, ngôn ngữ, trong cách cai trị, cư xử…; hoá có nghĩa là dạy dỗ, làm cho hình thành. Trong Từ điển Tiếng Việt, ta thấy có 5 ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa rộng nhất: “Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Ví dụ: kho tàng văn hoá dân tộc[11].
Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 53, đã xác định văn hoá gắn kết chặt chẽ với bản tính con người: “Một đặc điểm của con người là bản ngã nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hoá, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị tự nhiên. Vì thế, cuộc sống con người bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và văn hoá”.
Công đồng cũng mở rộng nội dung của văn hoá: “Theo nghĩa tổng quát, từ “văn hoá” chỉ tất cả những gì con người có thể sử dụng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để tìm cách chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, cả trong đời sống gia đình cũng như nơi cộng đồng chính trị, trở thành nhân bản hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau cùng, để diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, để giúp cho nhiều người, thậm chí cho toàn thể nhân loại, tiến bộ hơn”.
Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á công bố năm 1999, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gián tiếp nhắc đến các yếu tố cơ bản về văn hoá để chúng ta nhận thức được nội dung lớn lao của văn hoá. Ngài xác nhận: “Châu Á có nhiều nền văn hoá”, được hiểu như là những hệ thống giá trị.
Ngài nhắc nhở: “Văn hoá là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá mà họ đang sinh sống. Nếu con người và xã hội thay đổi, văn hoá cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hoá đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hoá ấy biến đổi theo“[12].
Giáo Hội đang muốn xây dựng nền văn hoá nào?
Trong lịch sử nhân loại, người ta đã biết đến nhiều nền văn hoá khác nhau như văn hoá bái vật hoặc bái thần, văn hoá duy vật hoặc duy tâm, văn hoá sự sống hoặc sự chết, văn
hoá hữu thần hay vô thần, văn hoá xã hội chủ nghĩa hoặc cá nhân chủ nghĩa….
Văn hoá nhân bản
Giáo hội Công giáo cổ vũ nền văn hoá nhân bản. Đây là một hệ thống giá trị bao gồm các suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Hệ thống suy tư giúp ta có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những hành vi và kỹ năng sống để ta thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.
Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại [13].
Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội [14] và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô”[15] .
Mục đích của nền nhân bản mới
Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là Adam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” [16].
Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23, để trở thành con người mới có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu[17] cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này [18] .
Con người toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?
Nền văn hoá nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới. Công đồng Vaticanô II đã lưu ý đến những lĩnh vực này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến chế Gaudium et Spes. Công đồng lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.
Bốn mươi năm sau Công đồng, Giáo hội Công giáo tổng hợp những vấn đề của con người trong cuốn Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo, công bố năm 2004, thành một nền văn hoá nhân bản đúng đắn và toàn diện. Nền văn hoá này còn được xác nhận qua cuốn Docat, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi tặng các bạn trẻ thế giới năm 2016.
Con người liên đới có các mối tương quan nào?
Con người toàn diện có 4 mối quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện tốt đẹp các tương quan ấy:
Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên.
Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào.
Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).
Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ: Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống.
Giáo Hội xây dựng nền văn hoá bằng cách nào?
Phương cách quan trọng được Giáo Hội cổ vũ là hội nhập văn hoá (HNVH)[19].
Hội nhập là hoà mình vào trong một cộng đồng lớn. Ví dụ: Việt Nam hội nhập vào khối ASEAN. HNVH là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới.
Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo Hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Ví dụ các thừa sai nước ngoài đến giảng đạo đã học tiếng Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ đã hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam.
Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô Giáo HNVH vào châu Á[20]. “Thánh Thần đã cho chúng ta hiểu biết chân lý toàn diện, thì cũng có thể giúp chúng ta đối thoại với các giá trị văn hoá và tôn giáo của các dân tộc được kết quả“[21] .
Ngoài tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, chủ thể hội nhập chính là Giáo Hội được hiểu như là cộng đồng Kitô hữu. Những con người này, có một nền văn hoá riêng, nghĩa là có cả một hệ thống giá trị vật chất cũng như tinh thần được sáng tạo và tích luỹ qua dòng lịch sử. Bây giờ Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại với một nền văn hoá nào đó, “trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy“[22].
Hơn nữa, việc HNVH bao gồm nhiều giá trị trên các lĩnh vực khác nhau, nên chủ thể hội nhập có thể trao đổi, gặp gỡ và đón nhận các giá trị trên nhiều bình diện khác nhau. Vì thế, ĐTC nói đến việc đưa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, hay đưa những giá trị về đức tin, thần học, phụng vụ, linh đạo, huấn giáo của Kitô giáo hội nhập vào một nền văn hoá nhất định[23].
Kết luận
Nhìn vào cộng đồng xã hội Việt Nam, người Công giáo chúng ta không thể không ưu tư vì số người biết Đức Giêsu hãy còn quá ít sau hàng trăm năm loan báo Tin Mừng cũng như tình trạng suy thoái về văn hoá và đạo đức của dân tộc. Chúng ta chỉ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách xây dựng nền văn hoá toàn diện và liên đới với những cố gắng hội nhập văn hoá của mọi thành phần dân Chúa.
Câu hỏi gợi ý
- Giáo Hội muốn xây dựng nền văn hoá với những đặc điểm nào nào?
- Việc hội nhập văn hoá được diễn tả qua những mối tương quan nào?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
[1] Nguyễn Chí Linh, Diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (24-9-2018).
[2] Ibid.
[3] X. Mt 20,8.
[4] 2 Tm 4,7-8.
[5] X. BGL, đđ. 305; 536.
[6] Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm.
[7] Tòa giám mục cấp cho các thành viên ban thường vụ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ (theo đề xuất của linh mục chính xứ). Linh mục chính xứ cấp cho các thành viên khác.
[8] Tương tự như số (2) của điều này.
[9] X. Ta, “Điều 19-21: Quyền lợi – Quyền lợi khi còn sống – Quyền lợi khi qua đời” trongThần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 768-773.
[10] Xem Mục lục phân tích chủ đề, mục từ Văn hoá, cúa sách Công đồng Chung Vaticanô II, năm 2012, tr 1025; sách Giáo Lý Hội Thánh công Giáo, năm 2010, tr 1063; sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, tr 686-689; sách Docat, năm 2017, tr 112,242,76,155,243,45,102,277-278.
[11] Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr 1409
[12] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21
[13] X. CĐ. Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10
[14] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2007, số 62
[15] Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22
[16] X. Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22
[17] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, số 575-580
[18] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, số 431
[19] X. Như được nói đến trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 13; Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 20; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 52. Trong tông huấn Giáo hội tại Châu Á, ĐTC Gioan Phaolô II nhắc đi nhắc lại từ này nhiều lần, đặc biệt ở số 21 (4 lần) và 22 (10 lần).
[20] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21
[21] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21
[22] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21
[23] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 22