Ngày 2/8: Thánh Ê-sê-bi-ô, Giám mục Vê-xen-lê-si; Thánh Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma, Linh mục, lập Dòng Thánh Thể


Thánh Ê-sê-bi-ô, Giám mục Vê-xen-lê-si

Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Ðức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần). Thánh Ê-sê-bi-ô là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều thử thách.

Sinh ở đảo Sardinia, người là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Thánh nhân cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.

Người được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Ê-sê-bi-ô không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.

Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Ðức Athanasius — là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian — Ðức Ê-sê-bi-ô đã từ chối; thay vào đó, người đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Ðức Ê-sê-bi-ô, nhưng người quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết người, nhưng sau đó lưu đầy người đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo người lê lết trên đường phố và giam người trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày người tuyệt thực để phản đối họ mới thả người ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ người.

Ðức Ê-sê-bi-ô phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép người trở lại giáo phận ở Vercelli. Người tham dự Công Ðồng Alexandria với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Người còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.

Lời Trích

Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu” (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).

———————————-

Thánh Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma

1/ Sơ Lược Tiểu Sử:

Thánh Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma sinh ngày 4 tháng 2 năm 1811 tại La Mure, nước Pháp.

Trải qua nhiều khó khăn thăng trầm trong việc theo ơn gọi, ngày 20 tháng 7 năm 1834 Ngài được lãnh nhận Thiên Chức Linh Mục tại Giáo Phận Grenoble và là một Linh Mục triều.

Tháng 8/1839, Ngài vào Tập Viện Dòng Đức Mẹ ở Lyon và trở thành Tu Sĩ tại đó suốt 17 năm với nhiều chức vụ: Hiệu trưởng trường trung học, Giám Tỉnh, Phó Tổng Quyền Dòng.

Ngày 21/01/1851, tại nhà nguyện Đức Mẹ Fourvière (Lyon), Ngài được ơn đặc biệt cảm nhận sự thúc bách canh tân đời sống Kitô hữu bằng Thánh Thể, và nhìn nhận sự cần thiết của việc đào tạo sâu xa hàng linh mục và giáo dân. Ngài viết “Phải bắt tay vào việc, cứu các linh hồn bằng Thánh Thể. Cảm nhận này đã làm nên bình phong cho Ơn Gọi Thánh Thể của Ngài và của sứ vụ Thánh Thể.

Ngày 3/5/1856, Đức Cha Sibour, Tổng Giám Mục Paris chấp nhận dự án mà Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma trình bày cho việc thành lập Dòng Thánh Thể.

Ngày 25/5/1858, cô Marguerite từ Lyon đến Paris và ngày 2/7, Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma đặt cô đứng đầu nhóm phụ nữ tại đó nhằm chuẩn bị cho việc thành lập ngành nữ với danh hiệu Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.

Ngày 8/5/1863 Dòng Thánh Thể được Rôma phê chuẩn.

Tháng 4/1864, ngành nữ được sống thành cộng đoàn tu theo Giáo Luật và Sr. Marguerite là bề trên Tổng Quyền đầu tiên. Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể được nhìn nhận chính thức ngày 26/5/1864.

Ngày 8/7/1865, Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma được bầu làm bề trên Tổng Quyền suốt đời. Cũng trong năm này, Thánh nhân đã làm một cuộc đại tĩnh tâm tại Rôma.

Những năm cuối đời được ghi dấu bằng bệnh tật và đau khổ nhiều cách khác nhau… Dù vậy lời nói của Ngài vẫn nóng bỏng như lửa và thư từ hướng dẫn thiêng liêng xúc tích lời mời gọi sống niềm vui và tạ ơn về những ơn huệ Chúa ban.

Lúc 2g30 chiều ngày 01/8/1868, Thánh nhân qua đời ở tuổi 57, tại quê nhà ở La Mure. Lời ghi trên mộ là sứ điệp Ngài để lại “Hãy yêu mến Chúa Giêsu vì Người quá đỗi yêu ta trong Thánh Thể.” Năm 1877, hài cốt của ngài được đặt dưới bàn thờ Nhà nguyện Corpus Christi ở Paris.

Năm 1898, án phong thánh của cho Ngài được mở ra tại Giáo Phận Grenoble và Paris.

Ngày 12/7/1825, Đức Piô XI tôn phong Cha Eymard lên bậc Chân Phước.

Ngày 9/12/1962, Đức Gioan XXIII phong Cha Eymard lên bậc Hiển Thánh.

Ngày 9/12/1995, Đức Gioan Phaolô II ghi tên Thánh Eymard vào lịch phụng vụ Giáo Hội với ngày kính nhớ 2 tháng 8, và nhìn nhận thánh nhân là “Tông Đồ ưu tuyển của Thánh Thể.”

2/ Linh Đạo Thánh Thể:

Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma đã có một lòng yêu mến và sự hiểu biết thật phong phú, độc đáo về mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể. Đối với ngài, “Thánh Thể chứa đựng tất cả các mầu nhiệm và tất cả các nhân đức… Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo; Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó”. Chính nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài đã có sự hiểu biết sâu xa hơn về các mầu nhiệm đức tin và các giáo huấn Tin Mừng.

Mầu nhiệm Thánh Thể trước hết là mầu nhiệm của tình yêu. Tình yêu phải là căn nguyên cho sự hối cải đích thực, cho việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô cách hoàn hảo và cho việc trở nên hoàn thiện theo Phúc Âm. Tình yêu còn phải là trung tâm và cùng đích cho mọi sinh hoạt của mỗi tín hữu. Vì vậy, tôn chỉ của mọi người tôn thờ phải là tất cả vì tình yêu Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể.

Đối với ngài, Thánh Lễ là tột đỉnh của việc thờ lạy Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng chính Mình cho Chúa Cha, thờ lạy Người, cảm tạ Người, đền tạ Người và khấn xin Người nhân danh Giáo Hội của Ngài, anh em nhân loại của Ngài và mọi tội nhân khốn khổ. Chúa Giêsu tiếp tục không ngừng lời nguyện cao cả này trong trạng thái Hiến Tế Thánh Thể của Ngài. Vì vậy, để thờ lạy Thiên Chúa cách tốt đẹp nhất, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu và liên kết với Ngài trong Bí tích Thánh Thể để cầu nguyện với Chúa Cha theo 4 mục đích là thờ lạy, cảm tạ, đền tạ và khấn xin.

Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma không quên hướng về Mẹ Maria như mẫu gương tuyệt hảo của việc tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài mời gọi mọi người bắt chước đời sống của Mẹ Maria. Đó là một đời sống ẩn khuất, một đời sống nội tâm và một đời sống hy sinh. Sau Mẹ Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tiền Hô và Thánh Maria Mađalêna là những vị thánh giúp ta noi gương các ngài để say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể và làm tông đồ cho Bí tích Cực Trọng này.

Đối với Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma, lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể của các tín hữu bao giờ cũng phải gắn liền với những bổn phận đối với Hội Thánh. Ngài kể ra 4 bổn phận của mỗi tín hữu đối với Hội Thánh. Đó là phải thảo kính, yêu mến, vâng phục và trợ giúp Hội Thánh.

Theo Cha Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma, Tháng Sáu nên được gọi là Tháng Thánh Thể hơn là Tháng Thánh Tâm, vì mọi việc sùng kính Thánh Tâm đích thực phải hướng người ta đến với Chúa Giêsu ngự thật nơi Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Phêrô Ju-li-a-nô Ê-ma đã để lại công trình của Ngài như hành trình thiêng liêng đưa chúng ta vào vũ trụ tâm linh của vị tông đồ ưu tuyển của Thánh Thể, cũng như những chiều kích sâu rộng, cao xa như lửa đốt cháy tâm hồn Ngài. Những lời của Ngài ngày hôm qua vẫn mãi luôn mời gọi chúng ta hôm nay. (tất cả công trình của Thánh Eymard được in ấn trên www.eymard.org)

Lạy Thánh Phêrô Giulianô Eymard, xin cầu cho chúng con. Amen.