Ngày 7/8: Thánh Xit-tô II, Giáo Hoàng và các bạn – Tử đạo


1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Có hai tài liệu làm chứng về cuộc tử đạo của Đức Sixte II, giáo hoàng từ năm 257 đến 258, bị trảm quyết ngày 6 tháng 8 năm 258. Thánh Cyprien trong một bức thư gửi cho Đức giám mục Successus năm 258 (xem phụng vụ bài đọc) cho chúng ta biết rằng “Đức Xít-tô đã bị hành quyết trong một nghĩa trang ngày 6 tháng 8, có bốn phó tế cùng bị hành quyết với Người”. Cũng thế, quyển Depositio martyrum năm 354 cử hành ngày 6 tháng 8 mừng kỷ niệm Thánh Sixte tại nghĩa trang Calliste, cùng với hai vị tử đạo khác, tên Agapit và Félicissimc là phó tế của Đức Sixte tại nghĩa trang Prétextat. Vậy là Đức giáo hoàng đã bị hành quyết cùng với toàn nhóm phó tế chung quanh Người, vì mấy ngày sau, phó tế Laurent cũng bị xử tử.

Việc tôn kính thánh Sixte đã có từ lâu, ngôi nhà nguyện đầu tiên xây trên mộ hành của ngài ở hang toại đạo chứng minh điều đó. Còn bên trong thành phố Roma tước hiệu nhà thờ thánh nữ Crescentienne (xây cất chậm nhất là thế kỷ thứ IV), vào thế kỷ thứ VI đã được ghi dưới tên thánh Sixte và trong chính ngôi nhà thờ này trên con đường Latina, hài cốt của Ngài đã được chuyển về đây vào thế kỷ thứ IX. Thế kỷ V, trong danh sách các vị tử đạo và các vị tuyên xưng đạo an táng nơi hầm mộ các giáo hoàng tại nghĩa địa Calliste, đã thấy khắc trên đá cẩm thạch dòng chữ này: “Vị trước tiên là thánh Sixte đã chết làm một với Agapit, Félicissime và mười một vị khác”.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày, lấy từ Sách lễ Paris năm 1738, cầu xin Chúa là Đấng “đã ban cho Thánh Sixte và các bạn ơn hy sinh mạng sống để được trung thành với lời Chúa và để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô”.

Đức giáo hoàng Damase, có lòng mộ mến đặc biệt đối với thánh Sixte, đã có một câu bi ký nổi tiếng khi nhắc đến tên thánh Sixte trong số các thánh rằng thánh Sixte và các bạn “mang các chiến tích của kẻ thù”. Một mảnh bi ký còn lưu lại mô tả cái chết của thánh nhân như sau: “vào lúc lưỡi gươm đâm tạc cõi lòng thánh thiêng của (Giáo hội) mẹ chúng ta, tôi (Sixte) người chủ chăn chôn tại đây, tôi đã dạy bảo những lệnh truyền của trời cao. Người ta đã bắt ngờ đột nhập, khi tôi đang ngồi ở ghế, họ túm lấy tôi, bọn lính đã được người ta sai đến, còn dân chúng thì giơ cổ cho họ chém. Nhưng ông lão là người đầu tiên đưa đầu ra để cơn thịnh nộ không kìm chế của kẻ thù không gây thương tích cho ai khác. Đức Kitô, Đấng ban cuộc sống vĩnh cửu làm phần thưởng, bày tỏ công phúc của người chủ chăn và đang vác đàn chiên trên lưng của người”

Những lời trên đây cho ta hiểu rõ hơn dây liên kết giữa việc tử đạo để làm chứng và lòng trung thành với Phúc âm mà chúng ta cũng có bổn phận biết dấn thân trong cuộc đời chúng ta. Vì thế Thánh Cyprien đã biên thư cho Đức giám mục Successus về vấn đề các nạn nhân của cuộc bách hại do Valérien như thế này:“Tôi xin Đức cha cũng thông báo các tin tức này cho các anh em khác trong hàng giám mục của chúng ta, để bất cứ nơi nào anh em cũng được mạnh mẽ nhờ những khích lệ đó và chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến; ước gì mỗi người chúng ta nghĩ đến cái chết hơn là việc trường sinh bất tử”. Thánh Sixte mà tác giả Ponce viết tiểu sử của Ngài, gọi Ngài là linh mục “Tốt lành và an hòa”, mãi mãi là gương mẫu cho mọi chủ chăn sẵn sàng dâng hiến cuộc sống cho đàn chiên của mình. Sự liên đới của các thầy phó tế chịu tử đạo hiến dâng mạng sống cùng với Đức giáo hoàng Sixte là dấu hiệu của tình hiệp nhất có để nối kết các thừa tác viên trong Giáo hội với chủ chăn của mình.

Enzo Lodi