Chúa Nhật XXIII TN – Năm C


Chúa Nhật XXIII TN – Năm C

8-8-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Ninh, Giáo Họ Mông Triệu

GIÁO HUẤN SỐ 41

Phân định những hoàn cảnh bất qui tắc

Lịch Giáo Phận trang 102

Thượng Hội Đồng đã đề cập đến những hoàn cảnh khác nhau của con người mong manh hay bất toàn. Về vấn đề này, ở đây tôi muốn nhắc lại điều mà tôi đã muốn làm sáng tỏ cho toàn thể Hội thánh, để tránh đi lạc đường: có hai dòng duy nghĩ vẫn lưu chuyển trong toàn bộ lịch sử của Hội thánh: loại trừ và tái hòa nhập {…}. Con đường của Hội thánh, kể từ công đồng Giêrusalem trở đi, luôn là con đường của Đức Giêsu: con đường của lòng thương xót và của sự hòa nhập {…}. Con đường của Hội thánh là không lên án vĩnh viễn bất cứ ai; là con đường tuôn đổ lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả những ai thành tâm kêu xin {…}. Vì bác ái đích thực luôn vô cùng đại lượng, vô điều kiện, vô cầu. Vì thế, cần phải tránh những phán quyết mà không xét đến tính phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau, và cần phải lưu tâm tới cách thế mà người ta đang sống và khốn khổ vì điều kiện sống của họ (Niềm Vui của Gia Đình, số 296).

——————————-

Chúa Nhật XXIII TN – Năm C

(Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14,25-33)

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật tuần trước nói đến lòng khiêm nhường và hiền lành. Lời Chúa tuần này nói đến sự từ bỏ và thánh giá.

Bài TM: Chúa Giêsu trong bài TM đòi hỏi những ai theo Chúa, những ai là người Công giáo phải đặt Chúa lên trên, trên gia đình, trên mạng sống: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).

 Coi Chúa trọng hơn gia đình, trọng hơn mạng sống là một sự chọn lựa, một tính toán khôn ngoan, giống như sự chọn lựa tính toán của người xây tháp: “Ai muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn xem mình có hoàn thành nổi không ?” (Lc 14,28).

Đi theo Chúa là kết quả của sự suy nghĩ gây cấn, giống như sự suy nghĩ của ông vua trước khi ra trận: “Có vua nào đi giao chiến, trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (Lc 14,31).

Bđ1 : Đặt Chúa lên trên còn giống như người Do Thái, vào những năm 100 trước Chúa Giêsu sinh ra. Họ bị dao động, bị chao đảo, không biết chọn Chúa hay chọn sự lôi cuốn của thế gian, của văn hóa Hy Lạp. Sách Khôn Ngoan bđ1 viết : “Những gì thuộc hạ giới chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay đã phải nhọc công mới khám được, thì những gì thuộc thượng giới có ai dò thấu nổi hay chăng ?” (Kn 9,16).

Bđ2: Đi theo Chúa đòi hỏi phải từ bỏ quyền lợi, từ bỏ lối sống cũ của mình, như ông Philêmôn trong bđ2. Ông Philêmôn ở Côlôsê có người nô lệ tên là Ônêximô. Không biết lý do gì khiến anh nô lệ trốn đi. Khi bị giam tù ở Rôma, thánh Phaolô gặp anh. Thánh Phaolô đã rửa tội cho anh và bảo anh trở về lại với chủ. Theo luật thời đó, người nô lệ một khi đã trốn mà bị bắt lại thì chỉ có chết. Nhưng thánh Phaolô đã xin ông Philêmôn tha giết cho anh. Hơn nữa, thánh Phaolô còn yêu cầu ông Philêmôn đừng coi anh là một nô lệ, song hãy coi anh là một đồng đạo, một người anh em trong Chúa Kitô, bình đẳng ngang hàng với mình. Thánh Phaolô viết: “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Plm 15-16).

Như vậy, đi theo Chúa là đặt Chúa lên trên

                            Tức là đặt nhẹ tình cảm gia đình

                            Tức là đặt nhẹ mạng sống

                            Tức là từ bỏ sự hấp dẫn của thế gian

                            Tức là từ bỏ quyền lợi và lối sống cũ.

Đặt nhẹ và từ bỏ như thế làm sao không đau khổ. Chúa Giêsu bảo: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

Những người Công giáo Việt Nam đầu tiên cũng đặt Chúa lên trên hết, cũng phải đặt nhẹ mọi sự, đã từ bỏ, đã vác thập giá.

Cha Đắc Lộ kể lại : năm 1640 Trịnh Tráng ra lệnh cấm đạo. Lệnh được dán trước nhà các cha dòng Tên ở Thăng Long. Vì các cha dạy ai theo đạo thì chỉ có một vợ một chồng, cấm chồng chung vợ chạ. Người có quyền, người giầu có thời đó, chẳng những có một vợ, mà còn có nhiều vợ. Vì luật nhất phu nhất phụ của Đạo đụng chạm đến cấp trên, đến giới nhà giầu. Nên, Trịnh Tráng ra lệnh cấm, và truyền đốt ảnh tượng, chuỗi, sách giáo lý.

Lính đột nhập khám xét nhà các cha 8 ngày, đốt hết mọi thứ. Ở các địa phương quan cũng sai quân tới lục xét từng nhà giáo dân.

Ở xứ Kẻ Đông, tức Hải Dương, Hải Phòng ngày nay, có ba cô trinh nữ can đảm, thà chết chứ không bỏ Chúa, không làm trái luật Chúa dạy.

Cô Vitta bị một anh lính bắt, tuốt gươm dí vào ngực, đe doạ : “Nếu cô không chiều theo tôi, cô sẽ bị đâm chết”. Cô kháng cự quyết liệt nói : “Anh muốn đâm thì đâm, tôi sẵn sàng chết cả ngàn lần, còn hơn là ưng thuận điều bất nhã anh yêu cầu, và phạm tội đến Thiiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ”. Người lính bỡ ngỡ, thán phục lòng can đảm của cô và thả cô ra về (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 42)

Còn hai cô Monica và Nympha nhất quyết không chịu làm vợ lẽ. Hai cô trốn lên Thăng Long. Trên đường trốn hai cô bị bắt. Hai cô bị chôn dưới hố. Lính lấp đất chỉ chừa hai cái cổ. Qua một đêm hai cô vẫn còn sống. Sáng ra một giáo hữu đi ngang qua, đã cứu hai cô, dẫn hai cô vào Thăng Long, đến ẩn trốn trong một gia đình đạo đức. Cuối cùng, ba cô Vitta, Monica và Nympha sống chung trong một nhà, giống như sống trong một tu viện (Đỗ Quang Chính, Sđd trang 43).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành