ĐTC Phanxicô Cử Hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần III
Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 17/11, ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân ngày thế giới người nghèo lần thứ ba. Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Lc 21, 5-19, thuật lại việc có mấy người ca ngợi vẻ huy hoàng tráng lệ của Đền thờ Giêrusalem; nhưng Chúa Giêsu tiên báo tất cả sẽ có ngày bị tàn phá hết. Chúa còn dạy phải kiên vững trước những đau khổ bách hại, vì có kiên trì mới giữ được mạng sống mình.
Mở đầu bài giảng ĐTC nói: “Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm kinh ngạc những người cùng thời với Chúa và cả chúng ta nữa. Thực vậy, trong khi mọi người ca ngợi đền thờ Giêrusalem tráng lệ, thì Chúa lại nói ‘sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào’ (Lc 21, 6)”. ĐTC đặt câu hỏi: “Tại sao những lời này dành cho một nơi rất thánh thiêng, nơi không chỉ là một tòa nhà mà còn là một dấu chỉ tôn giáo duy nhất, một ngôi nhà cho Thiên Chúa và cho những người tin?”
“Câu trả lời tìm thấy trong Lời của Chúa Giêsu. Hôm nay, Chúa nói với chúng ta rằng hầu như tất cả sẽ qua đi. Hầu như tất cả mọi sự, nhưng không phải là tất cả. Những điều áp chót qua đi, như những ngôi đền thờ; và những điều kinh hoàng, như động đất, chiến tranh (câu 10-11): tất cả có vẻ như chúng ở trang đầu tiên, nhưng Chúa đặt chúng ở trang thứ hai. Ở trang đầu tiên vẫn còn lại những điều sẽ không bao giờ qua đi: Thiên Chúa hằng sống, Ngài vĩ đại hơn bất kỳ đền thờ nào được xây dựng, và con người, những người thân cận của chúng ta, có giá trị hơn tất cả các sự kiện trên thế giới”.
Cám dỗ vội vàng, ngay lập tức
Tiếp đến, ĐTC nói về hai cám dỗ mà trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã cảnh báo: Đầu tiên là cám dỗ vội vàng, ngay lập tức. Chúng ta không được theo những người nói rằng “thời kỳ đã đến gần” (câu 8). Nói cách khác, không theo những người truyền bá và nuôi dưỡng sợ hãi cho người khác, vì nỗi sợ làm tê liệt con tim và tâm trí. Cũng thế, bao nhiêu lần chúng ta để mình bị sự vội vàng, muốn biết tất cả mọi thứ và ngay lập tức lôi cuốn. Nhưng sự vội vàng này không đến từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta vội vã cho cái ngay lập tức, chúng ta sẽ quên đi những gì còn lại mãi mãi: chúng ta đuổi theo những đám mây trôi qua và đánh mất bầu trời trên cao.
Bị tiếng ồn ào thu hút, chúng ta không còn thời giờ cho Chúa và cho người anh em sống bên cạnh. Chúa Giêsu cho chúng ta một phương thuốc giải độc cho sự vội vàng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (câu 19).
Cám dỗ của cái tôi
“Lừa gạt thứ hai mà Chúa Giêsu muốn ngăn cản chúng ta: ‘có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: Chính ta đây, anh em chớ có theo họ’ (câu 8). Đó là cám dỗ của cái tôi. Người Kitô hữu không tìm kiếm cái ngay lập tức nhưng là đời đời. Không theo cảm hứng, nhưng theo tiếng gọi của tình yêu, của Chúa Giêsu. Và làm thế nào để có thể nhận ra được tiếng Chúa Giêsu? Chúa nói: ‘Nhiều người sẽ đến nhân danh Thầy’, nhưng họ không theo Thầy: với cái nhãn là “Kitô giáo” hay “Công giáo” không đủ để thuộc về Chúa Giêsu”.
Bác ái không giả hình
Tới đây, ĐTC cảnh báo rằng ngay cả khi làm điều tốt, vẫn có giả hình của cái tôi. ĐTC đưa ra ví dụ: Tôi làm điều tốt nhưng là để được công nhận là tôi giỏi; tôi giúp đỡ người khác, nhưng để thu hút tình bạn từ nhân vật quan trọng. Trái lại, Lời Chúa thúc đẩy một “đức ái không giả hình” (Rm 12, 9).
Người nghèo rất quý giá trong mắt của Thiên Chúa vì họ không nói được ngôn ngữ của cái tôi: họ cần người khác nắm lấy đôi bàn tay. Sự hiện diện của người nghèo đưa chúng ta trở lại với bầu khí của Tin Mừng, nơi người nghèo tinh thần được chúc phúc (Mt 5, 3). Thay vì cảm thấy khó chịu khi nghe họ gõ cửa, chúng ta có thể đón nhận tiếng kêu cứu của họ như một lời mời gọi chúng ta thoát khỏi cái tôi, đón họ với cùng một ánh mắt yêu thương mà Chúa dành cho họ. Thật đẹp biết bao nếu trong trái tim của chúng ta người nghèo có vị trí như họ có trong trái tim của Thiên Chúa! Ở với người nghèo, phục vụ người nghèo, chúng ta học được hương vị của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu những gì còn lại và những gì qua đi.
Tình yêu không bao giờ qua đi
Tình yêu là một trong những điều sẽ không bao giờ qua đi, Thiên Chúa là tình yêu và người nghèo xin chúng ta tình yêu và đưa chúng ta đến với Chúa. ĐTC kết thúc bài giảng, tái khẳng định điều chính yếu của Kitô giáo: Người nghèo làm cho việc vào Thiên đàng của chúng ta được dễ dàng hơn, người nghèo như những người gác cổng của Thiên đàng. Ngay bây giờ người nghèo là kho báu của chúng ta, kho báu của Giáo hội. Thực vậy, người nghèo tỏ cho thấy có một sự giàu có không bao giờ cũ, nối mặt đất và Thiên đường và đó là điều thực sự đáng sống: tình yêu.
Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News