“Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh”


Hàng năm có 2 ngày Hòa Bình: Ngày 1/1 và ngày 21/9.

Ngày quốc tế Hòa Bình hay ngày Hòa Bình thế giới vào ngày thứ Ba tuần lễ thứ 3 của tháng 9, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm 1981, và ngày thứ Ba 21/9/1982 cử hành “Ngày quốc tế Hòa bình” đầu tiên. Ngày này được dành để tôn vinh nền Hòa Bình thế giới, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực. Đây là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình.

Trong Giáo Hội Công Giáo, trước đó 14 năm, vào năm 1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Và vào năm 1968, ngài thiết lập ngày “Hoà Bình thế giới”, được mừng vào ngày 1/1 hàng năm, ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa. Từ đó, trước mỗi ngày Hòa Bình 1/1, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ rệt.

Trong triều đại của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành các sứ điệp hàng năm với các chủ đề lần lượt như sau: “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình”“Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em với nhau”“Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình”“Bất bạo động: Một hình thái chính trị vì hòa bình”,  “Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”, “Chính trị tốt phục vụ hòa bình”.

Tòa Thánh đã công bố chủ đề Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 53 ngày 1/1/2020 là “Hòa bình như một cuộc hành trình của Hy Vọng: Đối Thoại, Hòa Giải và Hoán Cải về Sinh Thái”.

Người ta thường định nghĩa “Hòa bình là không có chiến tranh”, nhưng chỉ cần đọc lên tựa đề các sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy Hòa bình còn có ý nghĩa lớn lao, sâu xa và đòi hỏi con người dấn thân hơn nhiều.

Thế thì Học thuyết Xã Hội Công Giáo (HTXHCG) nói gì về hòa bình? Trong sứ điệp ngày Hòa bình 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Hòa bình là một giá trị to lớn và quý giá, là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta và là khát vọng của cả gia đình nhân loại”. Bản Tóm lược HTXHCG (chương 11) cho chúng ta thấy “Trước khi là ân huệ Chúa ban cho con người và là dự phóng của con người phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, hòa bình trước hết là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa: “Đức Chúa là sự bình an” (1Cor 14,33). Hoà bình được xây dựng dựa trên mối quan hệ căn bản giữa mọi người với Thiên Chúa, một quan hệ được đánh dấu bằng sự công chính (x. St 17,1).” “Như thế, theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh; hoà bình nói lên cuộc sống sung mãn.” (x. Ml 2,5)

Trước hết, “hòa bình là kết quả của công lý, đồng thời là kết quả của tình yêu”. Công lý được Giáo Hội xác định nghĩa rộng là “tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người”, và như thế “bảo vệ và phát huy các quyền con người là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hoà bình”. Mặt khác, Giáo Hội thừa nhận “Hoà bình đích thực và bền vững là việc của tình yêu hơn là của công lý”, bởi vì “hoà bình tự chính bản thân là một hành động và là những thành quả chỉ xuất phát từ tình yêu”. (x. Thông điệp Ubi Arcano của Đức Piô XII).

Thứ hai, “hoà bình được xây dựng dần dần khi người ta theo đuổi một trật tự như Chúa muốn”. Đây là điều Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI viết trong Thông điệp Populorum Progressio. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo dạy: “Thiên Chúa là Chúa cả trần gian, Ngài đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó hoàn toàn quy phục Ngài và phục vụ Ngài. Ngài là Chúa của lịch sử: Ngài điều khiển các tâm hồn và các biến cố theo ý Ngài: “Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại, ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài?” (Kn 11,21). Đi ra ngoài trật tự mà Chúa thiết định hoặc phá vỡ trật tự ấy là hủy hoại hòa bình. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II khẳng định một lý tưởng về hoà bình như thế “không thể nào có được trên trần gian này nếu đời sống ấm no của con người chưa được bảo đảm và nếu người ta chưa được tự do và tin tưởng chia sẻ với nhau những sự phong phú của trí tuệ và tài năng của mình”. Như thế, hướng đến hòa bình phải đi với việc cầu nguyện và hoạt động để con người đạt được điều mà Thánh Công Đồng dạy.

Thứ ba, bạo lực ngược với hòa bình. Huấn quyền Hội Thánh dạy rằng “bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề, bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người”.

Và do đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Thế giới hiện nay cũng cần lời chứng của các tiên tri không khí giới, những người thường hay bị chế nhạo”. Lời chứng của những con người tin vào quyền năng Thiên Chúa, đi tìm công lý hòa bình trong tình yêu, trong kiên trì chắc chắn sẽ là vũ khí hữu hiệu kiến tạo hòa bình.

Phác họa vài nét về ngày Hòa bình và huấn quyền Hội Thánh về hòa bình, người viết không có tham vọng định nghĩa hay nghiên cứu về hòa bình, mà chỉ xin gợi ý để chúng ta cùng đào sâu một chủ đề mà Giáo Hội qua dòng thời gian chưa bao giờ ngưng nói đến.

Trong một bài viết về hòa bình mấy năm trước, người viết đã có những lời sau đây, xin trích lại làm  kết luận cho bài viết này: “Mừng ngày Hoà Bình chính là mừng nhân vị con người được đề cao. Chỉ khi nhân vị ấy được tôn trọng, con người khám phá ra các chiều kích đặc biệt nơi phẩm giá của mình và do đó, công lý và tình yêu mới phát sinh. Ngày Hoà Bình là ngày Giáo Hội tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, nhân vị được hoàn thiện và nơi Mẹ, công lý và tình yêu được thể hiện rõ nét nhất. Mẹ dạy cho con cái Mẹ hiểu rằng hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà hòa bình chính là mang lấy Chúa Giêsu trong con người và cuộc đời mình. Chỉ khi có Chúa Giêsu, công lý và tình yêu mới hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người”.

Gioan Lê Quang Vinh

Nguồn: Website HĐGM Việt Nam