Cánh Cửa Không Mở
Sáng nay, như thường lệ nhóm tông đồ nhỏ đi thăm viếng các ông bà cụ neo đơn trong xóm. Đang phân vân chọn hướng đi, một bé gái dễ thương chất giọng miền Nam đặc sệt tiến lại chào hỏi vồn vã rồi cô nhỏ nhẹ nói: Mời các Dì về nhà con nhé!
Nhận lời cô bé và theo sự hướng dẫn của cô cả đoàn men theo con suối cạnh nhà đi về hướng Nguyễn Văn Lượng, băng qua nghĩa trang, đi thêm một đoạn nữa vào sâu trong hẻm cụt. Cô đưa tay chỉ – đó nhà con trước mặt, nhà không mở cửa!
Cô không vội vàng gì để về mở cửa cho chúng tôi, đến nơi cô mới bắt đầu gọi. Mẹ ơi! Ngoại ơi! Có các Dì đến thăm.
Đẩy cửa bước vào mới biết được nhà em tại sao cửa không mở bao giờ!
Không mở cửa vì sợ nắng – sợ gió, mẹ em bị suy thận mới vô thuốc.
Cửa không mở bởi ngoại em năm nay quá 83 tuổi ánh sáng mặt trời làm cho mắt bà bị đau.
Không mở cửa sợ hai đứa cháu nhỏ chạy ra ngoài chơi sẽ gặp nguy hiểm…
Khi chúng tôi bước vào, mẹ em dù đau bệnh nhưng vẫn nhanh tay gom lại mớ chăn mùng mà gia đình làm nơi ngủ nghỉ để có chỗ cho chị em chúng tôi. Mỗi người co ro trong một khung cảnh chật hẹp tăm tối mới hiểu được thế nào cuộc sống của người nghèo, người không có nhà cửa phải thuê mướn phòng trọ.
Một hồi trao đổi, thăm hỏi mới biết không gian bấy nhiêu dành cho chín người, bảy người lớn, hai trẻ em.
Bốn đứa kia lớn đi làm, còn Trang đứa con gái nhỏ nhất năm nay học lớp 7 (đứa bé dắt các Dì vào đây đấy?) không có điều kiện để tiếp tục đến trường và nếu Trang đến trường ai là người lo cho ngoại, cho Con và hai đứa cháu nhỏ. Mẹ em nghẹn ngào trong nước mắt, bà nói tiếp: Nhà con khổ lắm, ba tụi nhỏ chết vì tai nạn lao động. Con bán căn nhà dưới Hoàng Mai lấy tiền sinh sống từ mười mấy năm nay với căn trọ này! Ba năm trở lại đây con mang bệnh, con phải chạy thận hằng tuần nên các con phải vất vả ngược xuôi. Hai đứa cháu nhỏ con của đứa con gái đầu không có tiền đi học. Mẹ nó dành tiền cho ngoại chữa bệnh, hai đứa nhỏ đành phải… bà nghẹn ngào.
Câu chuyện của bà chưa hết thì phía bên kia, tiếng cánh cửa hình như bị sụp bản lề xệ xuống khi mở ra cạ xuống nền đất nghe ken két.
Bên ấy là một bà cụ khoảng chừng tám mươi – đầu gối và mang tai đụng nhau, bà cố kéo cửa để nhìn sang bên này vì “nhà bên này mở cửa với tiếng người nói” vài người trong nhóm không để bà mong đợi hay cất lời mời… Các chị nhanh miệng xin thăm.
Thấy các Dì sang,
Bà đưa người di chuyển thật nhanh bằng đôi tay lều khều da bọc xương… mời Dì ngồi trên giường bà nếu Dì không ngại!
Bà là mẹ chồng của cô bên kia, nó là con dâu trưởng, đông con “con bà” chồng nó chết sớm. Giờ nó lại mang bệnh không giúp gì được cho bà. Vừa nói, bà vừa chỉ về cậu con trai năm nay chừng 50 tay chân co quắp nằm góc bên kia. Nó là thằng thứ ba cũng bị bệnh!
Ai nấy lặng người vì câu chuyện cuộc đời mà mình đang chứng kiến… không ai dám hỏi thêm, bầu khí trở nên trầm lặng suy tư… Cụ bà như đọc được điều gì trên khuôn mặt các nữ tu. Bà hướng về phía trước trên tấm vách chỉ về tượng chuộc tội và nói “ Đó, chính Đấng đó giúp con đủ sức chống chọi với muôn trùng thử thách, nhiều thử thách đã qua, bây giờ con chỉ còn trông mong được gặp Ngài”.
Gặp Ngài là sao? Tôi hỏi !
Miệng hóm với nụ cười thật tươi khoe hai nướu răng – hài hước trả lời “Con không sợ chết đâu Dì, chết là hạnh phúc để được gặp Chúa”… Vậy bà có chuẩn bị sẵn sàng chưa mà không sợ?
Có chứ! con chuẩn bị từng giây từng phút!
Tôi chọc chơi để xua tan chút ngột ngạt nặng nề của bao dòng suy nghĩ.
Bà không muốn chết để thoát khỏi cảnh khổ cực của kiếp nhân sinh, chết để khỏi nhìn thấy những đớn đau đang chồng chất trên chính mình, trên con cháu mình bởi “họa vô đơn chí” chăng! Thiết tưởng không phải thế, kinh nghiệm sự đời đã cho bà nhiều bài học sâu xa về Thiên Chúa, bây giờ bà đã có một trải nghiệm thiêng liêng sâu xa nhờ kết hợp liên lỉ với Ngài. Bà vui lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh và tin tưởng rằng “Đấng chết trên Thập Giá” đã chuộc bà chuộc nhân loại bằng cái chết đau thương của Ngài” chính Ngài cũng đã kinh qua đau khổ và thử thách, Ngài sẽ là Đấng giải thoát và ân thưởng hạnh phúc bất diệt cho những ai tin tưởng, cậy trông và bước theo Ngài. “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào” (Mark Twain).
Mở cửa tu viện đi ra ngoài để thấy rằng : Niềm vui của người tu sĩ không hẳn là đem Chúa đến với người khác mà là thấy Chúa nơi những người mình gặp gỡ, tiếp xúc, viếng thăm.
Mở cửa đi ra ngoài, không hẳn người tu sĩ chia sẻ đức tin của mình cho người khác, bởi không ít lần người tu sĩ thất vọng, buồn chán vì bao nhiêu công sức bỏ ra trong công tác mục vụ mà không mang lại kết quả như mình mong muốn. Khi người tu sĩ chạy đến với Chúa không gặp được Ngài bởi tâm hồn mình chất nhiều thứ quá chăng!
Mở cửa đi ra ngoài để thấy rằng : Người tu sĩ trăn trở, băn khoăn; người tu sĩ buồn rầu, lo lắng; người tu sĩ sợ hãi, hoang mang vì bị bỏ rơi, không được tôn trọng, không được nhận ra khả năng tầm mức của mình, mình phải làm việc này sao không làm việc kia, ở chỗ thiếu thốn, quê mùa này sao không ở thành phố kia…
Mở cửa – Đi ra ngoài để nhận thấy, Người tu sĩ băn khoăn lo lắng ưu tư cho nhiều chương trình, dự án mà quên không mở cửa tâm hồn để đón nhận một kế hoạch hoàn hảo mà Chúa dành cho mỗi người.
Cánh cửa của ngôi nhà kia không mở, nhưng cửa tâm hồn của mỗi người trong ấy luôn rộng mở. Mở để đón nhận ý Chúa, mở để đón nhận những thử thách Chúa gởi đến, không than thân trách phận, không oán ghét căm hờn. Hy sinh đón nhận tất cả để chăm sóc nhau, người này sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, quyền lợi của mình cho người kia bớt khổ, thông cảm, đỡ nâng, khích lệ, luôn mong muốn và hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hạnh phúc mà niềm tin mách bảo, lòng yêu mến hướng dẫn.
Người tu sĩ nên mở cửa “đi ra” mới học được những bài học quý giá từ những người nghèo khổ, bệnh tật… Trước những hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn như thế, người tu sĩ càng phải mở cửa tâm hồn để đón nhận những bất ổn, thiếu thốn, bấp bênh… càng phải sống lời khấn cách tích cực để giới thiệu xây dựng Nước Trời ngay trong thế giới hiện tại.
Nữ tu Anna Lê Tuyết
Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn