Khóa Học Về Phong Thánh Do Bộ Phong Thánh Tổ Chức
Ngày 08/01/2020, Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, sẽ khai mạc khóa học thứ 36 của Bộ Phong Thánh được tổ chức tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, kéo dài từ ngày 08/01-15/05 năm nay, để đào tạo các thỉnh nguyện viên án phong thánh.
3 phần của khóa học
Như thường lệ, chương trình dự kiến bao gồm một phần về thần học (từ ngày 08-24/01) và một phần về tiểu sử – lịch sử (từ ngày 27/01-17/02). Thêm vào đó, từ ngày 19/02-15/05, sẽ có một phần về pháp lý, được chia thành giai đoạn điều tra cấp giáo phận và giai đoạn điều tra của Roma.
Đào tạo các chuyên gia về chủ đề tuyên thánh
Mục đích của khóa học là để trình bày một cách khoa học về thần học, lịch sử và luật về án phong thánh, để đào tạo các chuyên gia về chủ đề này. Khóa học được điều hành bởi Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký, với sự cộng tác của văn phòng Tổng Thư ký.
Điều kiện tham dự
Khóa học được dành cho những người đã có bằng học thuật như tú tài, cử nhân và tiến sĩ về các ngành học của Giáo hội, nhưng những người có bằng học thuật không thuộc các ngành học về Giáo hội cũng có thể được nhận vào làm sinh viên ngoại khóa, miễn là họ cũng được đào tạo về thần học, được chứng nhận có bằng cấp học thuật tương đương tú tài. Cũng có thể có các sinh viên dự thính, nghĩa là, những người không có ý định làm bài thi và thực tập viết một positio (tổng hợp tài liệu chứng minh việc thực hành các nhân đức anh hùng của vị được xin phong thánh)
Vào cuối khóa học, các sinh viên chính thức có thể được cấp chứng chỉ sau khi vượt qua các kỳ thi liên quan đến các phần riêng biệt của khóa học.
Học viện của Bộ Phong thánh được thành lập từ ngày 02/06/1984 với mục đích đào tạo những người muốn làm việc về các án phong thánh ở cấp giáo phận cũng như ở giai đoạn điều tra của Roma.
Tham dự khoá học này có cha Laurent Gatinois, thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), được HĐGM Việt Nam mời để lo hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha Francois Pallu. (Osservatore Romano 04-05/01/2020)
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt