Chúa Nhật V TN Năm A


Chúa Nhật V TN Năm A

9-2-2010

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thạch Nham

GIÁO HUẤN SỐ 11

Lời Chúa nói gì về người trẻ (tt)

Tin Mừng cũng nói về một nhóm cô gái khôn ngoan, trong tỉnh thức chờ đợi, trong khi những cô khác thì tâm trí phân tán và mê ngủ (x. Mt 25,1-13). Quả thật , chúng ta có thể đi qua tuổi trẻ của mình với đầy những chia trí, chỉ sống hời hợt, không có khả năng đào sâu những mối tương quan có ý nghĩa, cũng không kinh nghiệm được những điều sâu xa hơn trong cuộc sống. Hoặc giả chúng ta trải qua tuổi thanh xuân với đầy cảm hứng đối với những điều đẹp đẽ và cao thượng, qua đó chúng ta kiến tạo một tương lai đầy tràn sức sống và sự phong phú tâm hồn. Nếu các con đã đánh mất sinh lực bên trong, đánh mất những giấc mơ, lòng hăng hái, tinh thần lạc quan và sự quảng đại, thì Đức Giêsu đang đứng trước mặt các con, như Người đã từng đứng trước anh con trai đã chết của người góa phụ, và với tất cả sức mạnh từ sự Phục Sinh của Người, Người thúc bách các con “Này người bạn trẻ, Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy !” (Lc 7,14) (Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống số 19&20).

———————————————————-

CN 5 TN NĂM A

(Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16)

Phan Đắc Hòa sinh trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông thôn, tỉnh Thừa Thiên năm 1774. Thuở bé, cậu tên là Thu. Cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và làm công ở làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công Giáo ở làng Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị.

Sống với người Công Giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cậu đã chọn thánh Simon làm bổn mạng. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà còn muốn theo sát, phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện một thời gian, nhưng qua các cha bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống và làm chứng tá về Ngài ngay giữa lòng đời.

Tuy không đạt được ước mơ, Simon Hòa vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện và các cha Bề trên. Sau khi lập gia đình và trở thành cha của 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là gương sáng tiêu biểu cho mọi gia đình trong làng. Sống đời giáo dân, ông Hòa hành nghề y sĩ “Lương y như từ mẫu”. Nhiều người được ông chữa lành bệnh, nên dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội giúp đỡ người nghèo khó. Nếu dư dả chút ít, ông liền đem đóng góp vào công việc từ thiện, xây cất thánh đường…

Với đời sống đạo đức, ông lang y Hòa được đề cử làm Trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực thi chức năng một cách tốt đẹp: Ai ăn ở bất xứng, biếng trễ, ông tìm cách sửa chữa, hoặc răn đe dỗ dành, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm khắc sửa dạy. Thế nhưng ai cũng yêu mến chứ không oán ghét gì ông, bởi họ biết ông làm thế vì thương yêu họ và vì trách nhiệm, chứ không phải vì tư lợi. Ngoài ra, ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Ông thấy thấm thía ý nghĩa của phúc thật tám mối, nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người khác, nhất là người nghèo khó. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một người nằm kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước để nuôi kẻ bất hạnh.

Khi vua Minh mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, Ông Trùm làng Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình : ông sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng việc chứa chấp này đe dọa đến tính mạng của mình, cũng như của gia đình. Đức cha Cuénot Thể cũng trọ một thời gian tại nhà ông. Ông nhiệt thành lo liệu sắp xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn. Nếu nhà mình không ổn, ông gởi các nhà ở nơi tương đối bình an hơn. Tối ngày 13-4-1840, khi đang ở trên thuyền chở Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị phát hiện đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.

Suốt thời gian bị giam, lương y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn khuyến khích họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, nhưng ông Simon vẫn kiên vững niềm tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương không làm ông nản chí, trái lại, ông còn lấy làm vui thỏa vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Ông Simon Hòa bị tra khảo đến 20 lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung khai tung tích các vị thừa sai, nhưng “dã tràng xe cát biển đông”. Họ đã không đạt được ý nguyện, lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, bằng kìm kẹp và tra tấn dã man… cho tới khi người thày thuốc từ bi gục ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của lương y sĩ Hòa không thể ngã gục. Ông can đảm chịu mọi hình khổ đớn đau. Hơn nữa, ông quyết tâm hiến dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy sinh những điều thân thương qúi báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên nhủ: “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn”.

Quả thật nỗi lòng y sĩ Simon Hòa lúc đó:

      “Yêu kính Chúa, nặng tình nhà,

       Trăm cay nghìn đắng, vẫn cam một lòng”.

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các quan còn cố bắt ông quá khóa, dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy ảnh quẳng đi để được tha, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết tuyên xưng niềm tin của mình.

Vị lương y làng Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa ngày 10-12-1840 tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa.

Đức Lêô XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh (Uống Nước Nhờ Nguồn, mạng Giáo Xứ Đaminh).

Nhờ đời sống tốt đẹp, “muối và ánh sáng”, của những người Công giáo, thánh Simon Phan Đắc Hòa từ lương dân đã trở thành người Công giáo, và rồi thánh nhân cũng trờ thành “muối và ánh sáng” cho mọi người, như Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1: “I-sai-a, vị ngôn sứ thuộc thời kỳ những người lưu đày ở Ba-by-lon trở về Giê-ru-sa-lem (năm 58 trước CN), đã sánh ví những thành quả của đức ái với ánh mặt trời vào lúc rạng đông. Trong những xứ sở Phương Đông, ánh bình minh là một yếu tố thiết yếu của sự sống hằng ngày. Ánh bình minh đồng nghĩa với hạnh phúc, niềm vui, thịnh vượng.  “Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông”, đây sẽ là một ngày mới, một đời sống mới thực sự : đời sống mới không chỉ về  luân lý, nhưng còn về thể lý : “Vết thương ngươi sẽ mau lành”, nghĩa là sức lực sẽ phục hồi mau chóng” (Lm Hồ Thông, Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, Tập I, trang 71).

Bài Tin Mừng: “Khi chúng ta trao ban ánh sáng đức tin thì ánh sáng đó không thể tắt ngúm được, nhưng lại bùng lên cách mãnh liệt. Còn trái lại, ánh sáng đức tin của chúng ta sẽ có thể bị dập tắt, nếu chúng ta không tiếp liệu cho ánh sáng đức tin bằng tình yêu và bằng những việc lành bác ái. Như thế, hình ảnh ánh sáng sẽ bổ túc cho hình ảnh muối. Vì chưng, trang Tin Mừng nói với chúng ta rằng, với tư cách là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng là muối cho đời (c.13). Muối là một yếu tố vừa mang lại hương vị, vừa giữ thực phẩm khỏi bị biến thể và khỏi bị hư hỏng – vào thời Đức Giêsu ta không thấy có tủ lạnh – do đó sứ mệnh của các kitô hữu trong lòng xã hội là mang lại hương vị cho đời, nhờ đức tin và tình yêu mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta và đồng thời, kitô hữu cũng phải sống xa cách những mầm mống gây hư hại, đó là tính ích kỷ, sự đố kỵ và gièm pha anh chị em mình…Những mầm mống này không được làm hỏng tế bào các cộng đoàn chúng ta đang sinh sống, mà trái lại, các cộng đoàn này phải chiếu sáng như những trung tâm tiếp đón mọi người, trung tâm của tình liên đới và hòa giải. Để chu toàn sứ mệnh này, trước tiên, chúng ta phải là những người được Chúa giải phóng khỏi những ảnh hưởng của trần gian mang tính thoái hóa có sức phá hoại đang đi ngược với Đức Kitô và Tin Mừng của Người, và sự thanh luyện này sẽ không bao giờ kết thúc, chúng ta không ngừng phải thanh luyện con người mình, chúng ta phải luôn thanh luyện mỗi ngày” (Đức giáo hoàng Phanxicô, JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 79).

Bài đọc 2: Đức giáo hoàng kêu gọi chúng ta “thanh luyện mỗi ngày”. Còn thánh Phaolô trong bđ2 đã viết cho giáo đoàn Côrintô: “Hồi còn ở giữa anh em tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô. Mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Hay câu: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy” (1Cr 2,3).

Nhóm CGKPV viết về câu 3: “Thánh Phao-lô hồi tưởng tâm trạng của ngài khi mới đến Cô-rin-tô sau cuộc thất bại ở A-ten. Nhưng ý chung chung là khiêm tốn và kính cẩn” (Tân Ước, 1994, trang 665).

Hai câu đó đủ nói lên nhân đức khiêm nhường mà thánh Phao-lô muốn mỗi tín hữu phải sống. Với đức khiêm nhường, chúng ta có thể là “muối và ánh sáng”, như Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi ở trên : “Sứ mệnh của các kitô hữu trong lòng xã hội là mang lại hương vị cho đời, nhờ đức tin và tình yêu mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta và đồng thời, kitô hữu cũng phải sống xa cách những mầm mống gây hư hại, đó là tính ích kỷ, sự đố kỵ và gièm pha anh chị em mình”.

Xin thánh Simon Phan Đắc Hòa giúp chúng con sống Lời Chúa dạy và lời khuyên nhủ của Đức giáo hoàng.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu,

Mẹ đầy ơn phước và quyền năng.

Chúng con xin Mẹ thương đến những người chưa biết Chúa,

để họ nhận ra Chúa là Chúa tể Càn khôn,

hầu chúng con cùng Mẹ

hát bài ca chúc tụng Chúa Ba Ngôi trên thiên quốc.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành