Chúa Nhật VI TN Năm A


Chúa Nhật VI TN Năm A

16-2-1020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hòa

GIÁO HUẤN SỐ 12

ĐỨC GIÊSU MÃI MÃI TRẺ TRUNG

Đức Giêsu là người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và để thánh hiến họ cho Chúa. Vì thế Thượng Hội Đồng nói rằng : “Tuổi trẻ là một giai đoạn độc đáo và đầy sức truyền cảm hứng trong đời, chính Đức Giêsu đã trải nghiệm giai đoạn này và đã thánh hóa nó.

TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU

Chúa “trút linh hồn” (x.Mt 27,50) trên thập giá khi Người chỉ mới ba mươi (x.Lc3,23). Thật quan trọng việc nhận ra rằng Đức Giêsu là một người trẻ. Người trao mạng sống khi Người ở độ tuổi mà ngày nay gọi là “giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành”. Người bắt đầu sứ mạng công khai ở giai đoạn tràn đầy sinh lực nhất, và xuất hiện như “một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ chiếu soi rực rỡ nhất khi cuối cùng Người hiến trao mạng sống. Sự kết thúc ấy không phải là một cái gì ngẫu nhiên xảy ra, đúng hơn, tất cả tuổi trẻ của Người, trong mọi khoảnh khắc, đã là một sự chuẩn bị quí giá cho hồi kết cục ấy. “Mọi sự trong đời sống của Đức Giêsu đều là một dấu chỉ mầu nhiệm của Người”; thật vậy, “toàn thể đời sống Đức Giêsu là một mầu nhiệm cứu độ” (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống số 22&23).

——————————————-

CN 6 TN A

(Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) thuật lại một số trường hợp các trinh nữ vì muốn bảo vệ đức trinh khiết nên đã phải can đảm vượt mọi gian nan mới thoát khỏi cạm bẫy :

– “Thứ nhất là trinh nữ Daria: cha viết là “cô có sắc đẹp đặc biệt”, nên bị viên quan địa phương đòi cô phải làm thiếp của ông. Sợ quá, cô đi ẩn trong một nhà giáo hữu. Viên quan lệnh cho giáo hữu ở đây phải chỉ chỗ cô ẩn náu. Nhưng khoảng 60 giáo hữu đều trả lời cho quan là luật Đạo không cho phép làm thiếp. Quan liền dọa nạt họ, tiếp đến hạ lệnh cho lính đánh đòn họ, buộc họ phải bỏ đạo và cúng tế tà thần; nếu không, đàn ông sẽ bị tống giam trong ngục, rồi giải nộp lên quan trấn; đàn bà sẽ bị đẩy xuống sông cho chết đuối. Nhưng các giáo hữu trên quyết định rời bỏ nhà cửa trốn lên Kinh thành, vì ở đây đông người khó mà bắt được. Tới Kinh đô, nhóm này liên lạc được với các cha; các cha đến nơi họ trú ẩn thăm viếng và giải tội cho họ. Trước hoàn cảnh khó khăn này, chính anh chị em giáo hữu Kinh thành lo bảo vệ họ, nhất là có một bà cao quý đích thân đưa cô Daria về nhà bà và bằng nhiều cách che chở cho nhóm giáo hữu trên.

– “Thứ hai là trinh nữ Pia. Từ tấm bé cô Pia được người giầu sang nuôi trong nhà ông, với ý đồ sau này cô phải trở thành vợ bé của ông. Lớn lên, cô theo Đạo, nhưng “bố nuôi” và cả cha mẹ cô đều không biết. Bị bắt làm thiếp cho ông, cô quyết từ chối, dù cha mẹ ruột khuyên nhủ, ép buộc, cô vẫn một mực trung thành với luật Đạo. Bực tức và hổ thẹn, ông nhà giầu từ yêu đổi ra ghét, hành hạ, đánh đập cô đến mức cô bị liệt giường ít lâu. Sau cùng Pia trốn thoát khỏi tay ông này, được bà cụ Phanxica bao bọc” (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, trang 41-42).

Câu chuyện cô Daria và Pia cùng các giáo hữu thời đầu của Giáo Hội Việt Nam đã biết lựa chọn lẽ phải, đường tốt của Đạo như Lời  Chúa mời gọi trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1: “Tác giả sách Huấn Ca là một hiền nhân Do Thái, sống ở Giêrusalem vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên. Ông đã mở trường và đào tạo môn sinh và ghi lại những hoa trái kinh nghiệm và những gẫm suy thế sự của ông.

“Vào lúc đó dân Ítraen đang trải qua một khúc quanh lịch sử của mình. Sau khi được trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon và rồi bắt tay vào việc tái thiết Đền Thờ (521 tCN), Do Thái giáo đã ý thức về chính mình. Ấy vậy, sau những cuộc chinh phục của đế quốc Hy Lạp (336-323), Đông Phương mở rộng cửa đón nhận văn hóa Hy Lạp. Vào năm 250 tCN, nền văn hóa Hy Lạp tràn ngập khắp miền Philitinh; những môi trường quý tộc ở Giêrusalem sẵn sàng đón nhận văn hóa này.

“Vốn là người có tinh thần cởi mở, ông Ben Xira không ngần ngại tiếp thu những tinh hoa đích thật của nền văn hóa mới. Và là một người nhìn xa thấy rộng, ông sáng suốt thấy trước mối nguy. Một câu hỏi được đặt ra: Do Thái giáo sắp đánh mất tâm hồn của mình chứ? Được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch Kinh Thánh, ông Sirắc vực dậy niềm tin và sức mạnh của truyền thống lâu đời của cha ông: Lề Luật biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, vì thế hàm chứa sự khôn ngoan đích thật, cũng như niềm tin kính đối với chức vụ tư tế, Đền Thờ và những thực hành nghi lễ. Ông biên soạn một cẩm nang dạy cách ăn nết ở cho người Do Thái trung thành, những người muốn cưỡng kháng lại những ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp” (Lm Hồ Thông, Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 78).

Những câu đầu bài đọc 1 hôm nay, sách Huấn Ca viết: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điếu răn mà trung tín làm điều đẹp ý Chúa. Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì sẽ được cái đó” (Hc 15,15-17).

Qua những câu trên cho biết: “Nếu giữ các điều răn mà trung tín làm đẹp ý Chúa”, thì sẽ được “nước”, được vào “cửa sinh”; còn nếu không giữ giới răn Chúa thì sẽ bị “lửa” thiêu đốt, bị vào “cửa tử”.

Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu đưa ra 4 điều để được “nước” và “cửa sinh”. Đó là:

      1- “chớ giết người” (Mt 5,21): giận, mắng, chửi, bất bình

      2- “chớ ngoại tình” (5,27): nhìn, thèm muốn

      3- “chớ rẫy vợ” (5,31)

      4- “chớ bội thề” (5,33).

“Liên quan đến giới răn “ngươi không được giết người”, Đức Giêsu khẳng định rằng: người ta không chỉ giết người bằng hành động sát nhân thật sự, mà giết người bằng cả những thái độ xúc phạm đến nhân phẩm của con người, kể ra những lời nói lăng mạ (x.c.22). Chắc chắn là những lời nói lăng nhục này không nặng nề và đáng tội hơn hành động sát nhân đâu, nhưng những lời nói đó cũng được đặt trên cùng một đường hướng, bởi vì chúng là tiền đề cho hành động sát nhân. Đức Giêsu không mời gọi chúng ta thiết lập một bảng xếp loại các hành động xúc phạm, nhưng Người mời gọi chúng ta xem tất cả hành vi xúc phạm này là tai hại, bởi vì chúng được run rủi bởi ý hướng làm hại tha nhân. Và Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một ví dụ. Lăng nhục: chúng ta thường có thói quen lăng mạ người khác như thể nói với họ hai tiếng “xin chào” vậy. Và lời nói lăng nhục cũng nằm trên cùng một đường hướng như hành động sát nhân vậy. Ai lăng mạ anh em mình là trong lòng đã giết chết anh em mình rồi. Xin anh chị em đừng lăng mạ nhau! Làm như thế, chúng ta chẳng được ích lợi gì” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 83-84).

 Bài đọc 2: Lời Chúa, luật Chúa, thánh Phaolô trong bài đọc 2, thư Côrintô, gọi là lẽ khôn ngoan: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian… Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1Cr 2,6-7).

Xin các tín hữu Việt Nam tiên khởi cầu nguyện cho chúng con sống Lời Chúa, sống lẽ khôn ngoan của Chúa, để chúng con được uống nước trường sinh, được vào cửa sinh.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, Mẹ đầy ơn phúc và quyền năng.

Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con,

cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin,

biết cải thiện đời sống,

để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành