Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A


Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A

26-4-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Cồn Dầu

GIÁO HUẤN SỐ 21

NÉT TRẺ CỦA GIÁO HỘI

 Giáo phận trang 71

Tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn thời gian, nó là một dạng tâm thức. Đó là lý do tại sao một cơ chế cổ truyền như Giáo hội có thể kinh nghiệm sự đổi mới và trở về tình trạng tươi trẻ tại những thời khắc khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những giai đoạn kịch tính nhất trong lịch sử của mình, Giáo hội cảm thấy được gọi hết lòng trở về với tình yêu thuở ban đầu. Nhắc đến sự thật này, Công đồng Vatican II ghi nhận rằng “được nên phong phú nhờ một lịch sử lâu dài và sống động, trong khi tiến tới hướng về sự hoàn thành của người trong thời gian và về định mệnh cuối cùng của lịch sử và của đời sống. Giáo hội thực sự là tuổi xuân của thế giới”.. Nơi Giáo hội, người ta luôn có thể gặp gỡ Đức Ki-tô, Đấng là “người đồng hành và là bạn của giới trẻ”. (Tông huấn Đức Ki-tô Hằng Sông, số 34)

——————————–

Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A

(Cv 2,14.22b-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35)

Đức giám mục Lambert de La Motte đã đi thăm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong bốn tháng. Cuối tháng 12-1675, Đức giám mục về Hội An và phong chức linh mục cho thầy giảng cao tuổi và thông nho là Louis Đoan” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 224).

Linh mục Đoan là linh mục thứ tư của Đàng Trong (Sđd, trang 232).

Linh mục Đoan là văn sĩ, và là tác giả cuốn sách “Sấm Truyền ca”.

Sách “Sấm Truyền Ca” của cha được ca ngợi như sau : “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis  diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyển II, trang 1353).

“Hổ phụ sinh hổ tử” người Việt thường nói vậy, để ca ngợi công ơn cha mẹ. Quả thật, cha Louis được ơn Chúa gọi là nhờ lòng đạo đức của ông cố bà cố. Cha Đắc Lộ khen ngợi cha mẹ của cha như sau : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (chiếc gông). Tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn là lợi lộc thế gian. Theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I,  trang 168-169).

 “Sấm Truyền Ca” của linh mục Lu-y Đoan, Thanh Chiêm, sáng tác năm 1670. Ở Đàng Ngoài trong thời gian hai cha Đắc Lộ và Marquez giảng đạo, từ năm 1627 đến 1630 đã có bà Catarina viết về Lời Chúa rồi. Cha Trương Bá Cần viết : “Nhân vật quan trọng nhất đầu tiên chịu phép rửa, theo linh mục Rhodes (Đắc Lộ) chính là bà chị (hay em) của nhà vương, được giáo sĩ đặt tên thánh là Catarina, vì bà này thông nho và có sở trường về văn thơ. Bà đã soạn cuốn giáo lý bằng thơ bao gồm từ việc tạo dựng trời đất cho tới Đức Giê-su ra đời làm người, chết, sống lại và lên trời. Ở cuối cuốn sách bà còn tường thuật về việc các giáo sĩ dòng Tên bắt đầu giảng đạo ở Đàng Ngoài. Bà Catarina có đem bà mẹ vào đạo. Bà này cũng rất thích thơ văn và rất sùng đạo Phật, được các v sư tôn làm bậc thầy. Bà theo đạo và đem nhiều người vào đạo. Trong giới quan lại linh mục Rhodes chỉ nói tới một vị quan văn và một vị quan võ. Vị quan văn là ông Phêrô theo linh mục Marquez là một người danh giá trước có làm quan , sau đi tu chúa. Linh mục Marquez đã làm phép rửa và đặt tên thánh cho ông là Phê-rô. Hai ông bà đã biến ngôi chùa mình xây dựng làm nhà thờ. Ông mất trong tuần lễ Phục Sinh 1628 (Sđd, trạng-126).

Cha Trần Phúc Nhân cho biết : đến nay có 6 bản dịch toàn bộ Kinh Thánh do các tác giả Công Giáo thực hiện

  1. Cố Chính Linh (1913)
  2. Cha Gérard Gagnon (1963)
  3. Cha Trần Đức Huân (1970)
  4. Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976)
  5. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1985)
  6. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1998) (Mạng Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Cha Triệu giả làm thường dân đem Mình Thánh Chúa đến nhà tù, thày Phêrô Trương Văn Đường viết thư cho cha Marette : “Hôm nay là ngày trọng đại, chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con…Cửa thiên đàng đã mở sẵn, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì ở thế gian này nữa” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.II, trang 148).

Lễ Các Thánh năm 1839, linh mục Trân đem Mình Thánh Chúa vào nhà tù. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc ra chào đón : “Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa và trao Mình Thánh cho cha già Thi. Ngày 21-12 lần thứ hai cha Trân đem Mình Thánh Chúa đến, lần này cha Thi đã nằm liệt. Chính hôm đó là ngày cuối cùng cuộc đời dương thế của hai cha, bản án vua châu phê đã về tới nơi (Bùi Đức Sinh, sđd,174).

Qua những câu chuyện trong Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Lời Chúa và Bánh Thánh là “hai thì của việc Chúa nuôi dưỡng lòng tin chúng ta”.

Bài Tin Mừng : Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Để cho thấy sự không tin dẫn các môn đệ tới đâu, Luca kể cho chúng ta chuyện hai môn đệ bỏ đi về quê. Sau khi đã nghe các bà và cả ông Phê-rô kể lại, hai người này vẫn bỏ đi. Chân họ bỏ đi, nhưng lòng họ chẳng thể quên chuyện mới xảy ra. Họ ra đi với bộ mặt đám ma.

“Chúa Giê-su như người mục tử đi tìm con chiên lạc. Chúa tới đồng hành với họ. Chúa không đột ngột. Chúa cho họ cơ hội bộc lộ tất cả những gì đang mang nặng trong tim, rồi Chúa dùng ánh sáng lời Sách Thánh và hơi ấm của “Người sống”để soi sáng và sưởi ấm lòng họ. Và khi Chúa bẻ bánh thì mắt họ mở ra, họ nhận ra Chúa, nhưng Chúa đã biến mất. Bấy giờ họ mới nhận ra sự biến đổi diễn ra  trong lòng họ nhờ lời Chúa nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ. Họ lập tức đứng dậy quay về Giê-ru-sa-lem.

Câu chuyện này dài và chiếm phần giữa của chương cuối sách Tin Mừng Luca bắt ta phải suy nghĩ. Lời Chúa và Bánh Thánh là hai thì của việc Chúa nuôi dưỡng lòng tin  của chúng ta. Lời Chúa làm cho lòng chúng ta bừng cháy. Bẻ Bánh xé tâm màn che mắt chúng ta để nhận ra Chúa. Khi Chúa nói về cuộc Thương Khó và Phục Sinh thì “lời ấy còn bị che giấu đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”. Bấy giờ khi Chúa bẻ bánh thì bức màn che giấu kia bị xé ra, cũng như “bức màn trong Đền Thờ xé ngay chính giữa” (Lc 22,45). Có nhận ra ý nghĩa cái chết của Chúa thì mới nhìn ra Chúa Phục Sinh.

“Hai người môn đệ lập tức quay về Giê-ru-sa-lem là điểm tới trong cuộc hành trình cua Chúa Giê-su trở thành điểm khởi hành của các môn đệ. Chúa đưa họ tới điểm khởi hành mới để cùng lên đường thi hành sứ mạng (Phúc Âm Hóa Người Rao Giảng Phúc âm. Tĩnh Tâm Vói Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 130-131

Bài đọc 1 : bđ1 đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trong diễn từ nói với người Do Thái, thánh Phê-rô đã dùng lời của vua Đavít để minh chứng Chúa Giê-su chết và sống lại : “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại” (Cv 2,31-32).

Bài đọc 2 : bđ2 là thư thánh Phê-rô gửi các tin hữu miền Tiểu Á. Thánh nhân khuyên dạy họ : “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-ô” (1Pr 1,18-19).

Lạy Mẹ Trà Kiệu, xin giúp chúng con biết yêu Lời Chúa và Bánh Thánh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành