Chúa Nhật IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành – Năm A
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
3-5-2020
CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Xuân Thạnh
GIÁO HUẤN SỐ 22
MỘT GIÁO HỘI LUÔN SẴN SÀNG CANH TÂN
Lịch Giáo phận trang 74
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những kẻ muốn làm cho Giáo hội già nua, Giáo hội trong quá khứ, kéo Giáo hội giật lùi hay giữ Giáo hội dừng khựng lại. Nhưng chúng ta cũng phải xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi một cám dỗ khác, cám dỗ nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới nhờ ở việc gạt bỏ sứ điệp của mình và hành động giống như mọi người khác. Không! Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội luôn luôn đón nhận năng lực từ Lời Chúa, Thánh Thể, từ sự hiện diện hằng ngày của Đức Ki-tô và từ sức mạnh của Thánh Thần Đức Ki-tô trong đời sống chúng ta. Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội cho thấy mình có khả năng không ngừng trở về nguồn.
( Tông Huấn Đức Ki-tô Hằng Sống, số 35)
——————————
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
(Cv 2,14a.36-41; 1Pr 2,20b-25, Ga 10,1-10)
Bác sĩ – Linh mục gốc Việt Phạm Hữu Tâm : Đáp lại lời kêu gọi của Thống đốc bang New York, bác sĩ Phạm Hữu Tâm quyết định đóng của văn phòng ba tuần lễ để đến thành phố tâm dịch Covid-19 của Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các bệnh nhân. Là một linh mục, ông có dịp làm phép Xức dầu và ban Bí tích giải tội cho một số bệnh nhân công giáo tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là “tâm dịch” tại Hoa Kỳ.
BS Phạm Hữu Tâm sinh năm 1965 tại Sài Gòn. Bố là thợ sửa máy bay cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ông Tâm trở thành thuyền nhân sang Mỹ tỵ nạn năm 1980. Ông theo học đại học tại California, ngành y, và sau đó gia nhập vào Tu hội Tận Hiến Truyền giáo ICM, và theo học triết học và thần học tại Lousiana. Sau khi thụ phong linh mục tại Tu hội ở Texas, ông tiếp tục theo học ngành y và sau đó trở thành bác sĩ hành nghề tại thành phố Houston.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn với Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm:
VOA: Thưa Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm, xin ông cho VOA biết hiện ông đang phục vụ tình nguyện ở bệnh viện nào và vì sao ông chọn bệnh viện này?
Bác sĩ Tâm: “Tôi đến thành phố New York để tình nguyện trong vòng ba tuần. Họ hỏi tôi muốn đến nơi nào. Với tinh thần tình nguyện, tôi muốn đến chỗ nào mà bận nhất, cần sự giúp đỡ nhiều nhất. Họ nói đó là bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là nơi có số ca Covid-19 nhiều nhất, nặng nhất, số tử vong nhiều nhất, và là nơi quá tải nhất. Vì vậy mà tôi đã đến bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens để làm việc
VOA: Bác sĩ có thể chia sẻ vài điều về bệnh viện này? Công việc của ông tại đó là gì?
Bác sĩ Tâm: “Hiện tại ở trong nhà thương mọi sự thay đổi hoàn toàn. Trước đó còn có những khoa khác nhau nhưng bây giờ chỉ còn một khoa duy nhất là chữa trị bệnh nhân Covid-19 mà thôi – với 95% bệnh nhân là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tất cả các bác sĩ trong bệnh viện, cho dầu là bác sĩ giải phẫu, tổng quát, sản phụ, tim mạch… cũng đều dồn nỗ lực vào để giúp cho bệnh nhân Covid-19.”
“Họ chia ra nhiều đội khác nhau. Đội của tôi gọi là Palliative Care [Chăm sóc xoa dịu cho bệnh nhân nguy kịch], chuyên giúp cho bệnh nhân có sự thoải mái, trong đó bao gồm việc giảm đau, nối kết gia đình, và vấn đề tâm linh.”
VOA: Bác sĩ có thể cho biết thêm một vài điều về việc kết nối với gia đình cho bệnh nhân nguy kịch?
Bác sĩ Tâm: “Khi bệnh nhân vào nhà thương thì coi như cắt đứt với bên ngoài, không có thân nhân vào thăm được. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo thì còn có thể gọi điện thoại để nói chuyện chút đỉnh với gia đình. Nhưng khi chuyển sang thời kỳ nặng hơn, không thở được phải đặt ống thở, rồi hôn mê, gây mê cho họ…coi như gia đình không còn liên lạc với bệnh nhân được, cũng như không biết tin tức gì về bệnh nhân đó nữa.
“Đối với những bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi phải gọi cho gia đình. Cập nhật tình trạng bệnh nhân cho gia đình. Thật sự những cuộc điện thoại đó toàn là tin xấu. Tôi hỏi ý kiến gia đình rằng nếu tim bệnh nhân ngừng đập thì có nên làm thủ thuật hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân [Do-Not-Resuscitate order] hay không? Thật ra nếu làm thủ thuật đó thì cũng không có kết quả khả quan lắm, và chỉ kéo dài sự đau đớn của người bệnh mà thôi.”
VOA: Tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 vào lúc cuối đời của họ, ông có cảm giác ra sao?
Bác sĩ Tâm: “Trong những ngày qua tôi đã giúp kết nối gia đình cho một số trường hợp. Gia đình muốn nhìn mặt người thân của mình trong những giây phút cuối cùng trong khi họ không thể nào vào bệnh viện được, tôi gọi họ bằng điện thoại di động, dùng Facetime rồi đi vào phòng bệnh nhân để họ nhìn thấy người thân. Đương nhiên tôi phải mặc áo chống vi khuẩn các thứ, trùm kín hết…Người thân nhìn qua Facetime khóc, cầu nguyện, nói lời từ giã… trong những giây phút cuối cùng.
“Ngay cả khi qua đời, bệnh nhân nằm trong nhà xác cũng thật lâu, vì trong mùa dịch bệnh cũng không thể an táng chôn cất gì. Rất là bi thương.”
VOA: Nhiều người gọi đây là hành động can đảm, rất anh hùng. Bác sĩ nghĩ thế nào về lời khen như thế?
Bác sĩ Tâm: “Khi đi vào bệnh viện thấy có biết bao nhiêu con người trong đó đang phải đối diện với nguy hiểm. Không phải chỉ có y tá, bác sĩ, mà những người lao công làm nhiệm vụ dọn dẹp, lấy rác từ phòng bệnh nhân bị nhiễm bệnh, những người mang thức ăn…có rất nhiều đang âm thầm hy sinh làm việc.
“Chúng tôi như những người xông pha ra chiến trường đứng trước đầu tên mũi đạn. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình vì trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân, với đồng đội.”
VOA: Vừa là một bác sĩ, vừa là một linh mục, ông có lời khuyên nào dành cho khán thính giả VOA trong lúc này?
Bác sĩ Tâm: “Đây là một căn bệnh hiểm nghèo. Nếu quý vị còn đang nghe tôi nói thì chúng ta vẫn còn là người khỏe mạnh. Qúy vị ở ngoài thì cố gắng tối đa hỗ trợ cho chính phủ ngăn ngừa để bệnh không lây lan nhiều bằng cách ở nhà và giữ vệ sinh cá nhân một cách tối đa.
“Hệ thống miễn dịch của chúng ta rất quan trọng, nó không chỉ phụ thuộc vào thể chất mà còn theo tinh thần nữa. Nếu tinh thần chúng ta mạnh mẽ, vui vẻ… thì chắc chắn hệ thống miễn dịch của chúng ta chiến đấu mạnh hơn nhiều.
“Trong lúc này tôi biết chắc có nhiều người buồn phiền vì mất việc, phải ở nhà tù túng, cuộc sống gia đình khó khăn… vì vậy sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy nâng đỡ nhau, thương yêu nhau trong thời gian này.
“Mỗi người chúng ta đều có một tôn giáo và đức tin, chính niềm tin trong tôn giáo giúp chúng ta có thêm sức chiến đấu, và sự phấn khởi, hy vọng và lạc quan. Chúng ta cùng cầu nguyện với ơn trên, người theo Phật giáo cầu nguyện với Đức Phật, người theo công giáo cầu nguyện với Thiên Chúa… để ơn trên ban phúc lành, bảo vệ chúng ta, cầu mong sớm chấm dứt dịch bệnh này.”
VOA: Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm và cầu chúc ông an lành, thành công trong sứ mệnh của mình.
Rất Nhiều Nữ Tu Ý Qua Đời Vì Virus Corona
Con số nhiều nữ tu trong cùng một cộng đoàn qua đời cũng thật sự gây lo ngại, như trường hợp 5 nữ tu y tá dòng Đức Mẹ Sầu Bi ở Como, một dòng được thành lập hơn 150 năm và điều hành bệnh viện Valduce. 6 chị khác cũng bị nhiễm virus khi đang dấn thân trên tuyến đầu chống dịch bệnh; 2 chị đang trong phòng chăm sóc đặc biệt.
7 nữ tu Đaminh của chân phước Imelda ở Bologna cũng là các nạn nhân của virus trong cùng một nhà hưu dưỡng của dòng. Sơ bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Ý và Albani chia sẻ rằng sự lây nhiễm gần như chắc chắn đến từ bên ngoài, có thể do một người nào đó đến thăm cộng đoàn. Sơ cho biết: “Chúng tôi bắt đầu có một số nữ tu bị sốt và không khỏe vào cuối tháng 3, và ngay lập tức chúng tôi đã thông báo cho Sở Y tế và họ đã can thiệp và thực hiện xét nghiệm: khoảng 15 nữ tu dương tính với Covid-19. Sau đó, vào ngày 06/04, 7 người trong số họ phải nhập viện và đã qua đời.” 10 nữ tu khác ở nhà hưu dưỡng này cũng bị dương tính nhưng đã khá hơn và đang cách ly trong phòng của các chị. 30 nữ tu còn lại của cộng đoàn hưu dưỡng cũng đang tự cách ly trong các phòng. (Avvenire 22/04/2020)
Lý do nào linh mục bác sĩ Phạm Hữu Tâm và các nữ tu từ bỏ đời sống thường ngày, chọn nếp sống vất vả hơn, hy sinh xông vào cõi chết ? Chắc chắn là noi gương Đức Giêsu, Chúa và là Thầy của mình, “Vị Mục Tử Nhân Lành” ?
Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn “Vị Mục Tử Nhân Lành”. Dụ ngôn dài 21 câu. Giáo hội cho đọc trong 3 Chúa nhật 4 Phục Sinh : Chúa nhật năm A là Ga 10,1-10; Chúa nhật năm B là Ga 10,11-18; Chúa nhật năm C là Ga 10,27-30.
Đọc Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta biết phần nào về “Vị Mục Tử Nhân Lành”.
- Là cửa chuồng chiên : “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9). “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10, 1). “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10).
- Là mục tử : “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh, anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng của người lạ” (Ga 10,2-5). “Phần
Tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Nhân dịp bà mẹ của hai ông Gioan và Giacôbê xin Chúa Giêsu cho hai con bà : “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,21), Chúa Giêsu khuyên dạy các tông đồ : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).
Đọc đoạn Tin Mừng này nhớ đến Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách. “Để phục vụ” (Ga 10,28) là khẩu hiệu sống của đời Đức cha.
Trong thời Cựu Ước, qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã trách các mục tử Ít-ra-en như sau : “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tản mác trên các đồi núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm…” (Ed 34, 1-6…31).
Cha Hoàng Minh Tuấn bình giải dụ ngôn “Chúa Chiên Lành” như sau: “Có lẽ Đức Giêsu không có ý nhắm một cá nhân đơn lẻ nào mà là một giới, một cấp. Ý nhắm trực tiếp là nhắm đến các người Biệt phái, cả phe Sadđukê nữa (Mc 11,17-18). Tóm lại cả tư tế lẫn ký lục là giới lãnh đạo tôn giáo thoái hóa thời Chúa. Chúa coi họ là trộm là cướp vì làm hại chiên thay vì chăn sóc chiên : cứ xem họ đã đối xử với anh mù thế nào, họ đã trục xuất anh (Ga 9,24). Họ tưởng mình là người chăn dắt chiên, nhưng kỳ thực là những kẻ giả hiệu, hữu danh vô thực” (Phuc Sinh, Chính Là Ta, trang 122).
Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, nam nữ tu sĩ, và anh chị em tông đồ giáo dân. Đây là câu chuyện về ơn gọi của Đức Phanxicô. Ngày 21 tháng 9 -1953, ngày lễ Thánh Mát-thêu, thanh niên trẻ Mario Bergoglio lúc đó mới 16 tuổi đã có một quyết định dứt khoát cho đời mình.
Hôm nay ngài nhắn nhủ với người trẻ kinh nghiệm tuổi trẻ của mình một cách kín đáo và tế nhị. Một ngày trước ngày lễ Thánh Mát-thêu, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-9 Đức Phanxicô chào các bạn trẻ: “Ước gì sự trở lại của Thánh Mát-thêu là tấm gương cho các con, các con thân mến, đó là tấm gương để các con sống theo tiêu chuẩn của đức tin”.
Đức Phanxicô không bao giờ quên ngày lễ Thánh Mát-thêu, 21-9-1953, ngày ngài xưng tội ở Buenos Aires, thủ đô nước Agentina, ngày làm thay đổi cuộc đời ngài.
Ngài sinh ngày 17 tháng 12-1936, như thế lúc đó ngài mới… 16 tuổi! Lúc đó linh mục Carlos B. Duarte Ibarra ở Flores: “Tôi không nghi ngờ gì tôi sẽ là linh mục”, chính Đức Phanxicô kể về mình. Nhà văn Austen Ivereigh kể trong quyển tiểu sử mà ông viết về Đức Phanxicô “Phanxicô, nhà cải cách, từ Buenos Aires đến Rôma” (François, le réformateur, de Buenos Aires à Rome, nxb. Emmanuel, 2017) : “Chúa ‘đi qua’ người thanh niên trẻ ngày 21 tháng 9 – 1953 (…). Đi bộ đến đường Avenida Rivadavia, người thanh niên đi qua trước Nhà thờ Thánh Giuse mà anh biết rất rành. Khi đó ngài cảm thấy có một bức bách lạ lùng là phải vào nhà thờ. ‘Tôi vào và tôi cảm thấy tôi phải vào – những chuyện mình chỉ cảm thấy trong lòng mà không biết cái đó là gì’, ngài giải thích với linh mục Carlos”.
“Tôi nhìn, trời còn tối, đó là một buổi sáng tháng 9, có thể lúc đó là 9 giờ sáng, tôi thấy một linh mục đi bộ, tôi không biết ngài, ngài không phải là một trong các linh mục của giáo xứ. Ngài ngồi ở một trong các tòa giải tội, tòa cuối cùng bên trái khi nhìn lên bàn thờ. Tôi có cảm tưởng như có ai đẩy tôi vào tòa giải tội. Dĩ nhiên tôi kể cho ngài nghe các chuyện… nhưng thật sự tôi không biết chuyện gì xảy ra. Khi xưng tội xong, tôi hỏi ngài ở đâu đến vì tôi không biết ngài, ngài nói với tôi: ‘Cha đến từ Corrientes và cha ở gần đây. Thỉnh thoảng cha đến dâng thánh lễ ở đây’. Cha bị ung thư máu và năm sau cha qua đời.
Thay vì tiếp tục đi chơi với bạn, tôi về nhà vì tôi chìm đắm trong chuyện này. Sau đó tôi tiếp tục chương trình học và từ đó, tôi biết tôi sẽ làm gì”.
Tác giả viết tiếp: “Trong một bức thư viết năm 1990 để tả kinh nghiệm này, ngài giải thích mình như bị ngã ngựa”. (tr. 55).
Nhưng về nhà, Jorge Mario trong hơn một năm không nói với ai chuyện này. Ngài đã có ý định rõ ràng. Ngài thổ lộ với Oscar Crespo, người cùng làm ở phòng thí nghiệm hóa học với mình: “Tôi sẽ học xong trường trung học dạy nghề với các bạn. Nhưng tôi sẽ không làm nhà hóa học gia. Tôi sẽ làm linh mục. Nhưng không phải linh mục trong đền thánh. Tôi sẽ đi tu Dòng Tên vì tôi muốn đi đến các khu vực nghèo, các thôn xóm để ở với giáo dân”. Các chữ nền tảng của sứ vụ Bergoglio là đã có ở đây: “đi ra”, “đến với giáo dân”. Ngài kể mình đã có “kinh nghiệm lòng thương xót Chúa”, cảm thấy mình được “gọi” như Thánh Mát-thêu và Thánh I-Nhã đã được gọi.
Phúc Âm ngày lễ Thánh Mát-thêu nói đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu và ánh mắt nhìn của Ngài: “Hôm đó Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người”. Đức Giáo hoàng bị ‘thôi miên’ bởi ánh nhìn của Chúa Giêsu trên Thánh Mát-thêu, trên chính mình, trên từng người. Ngài thường hay mời gọi hãy buông mình để được Chúa Kitô nhìn đến, để hành động dưới ánh nhìn của Chúa Kitô.
Khẩu hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài giải thích ý nghĩa này: “Được chọn vì được thương xót’’ (Eligendo atque miserando), được chọn, tiếng gọi của Chúa Kitô mang đến lòng thương xót để môn đệ của Ngài cũng làm như vậy.
Và khi ngài đến Rôma, ngài ở trọ ở Nhà Tu sĩ ở đường Via della Scrofa, gần nhà thờ Thánh Lu-i của người Pháp, ngài thường đến ngắm bức tranh “Ơn gọi của Thánh Mát-thêu” do họa sĩ Caravage (1571-1610) vẽ vào giữa năm 1599 và 1600 cho nhà nguyện Contarelli của nhà thờ Thánh Lu-i của người Pháp, và bức tranh vẫn còn ở đây cho đến ngày nay (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch).
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ thương các linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em tông đồ giáo dân còn sống, bệnh tật và qua đời, nhất là các anh chị em giới trẻ có được một ơn gọi phục vụ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành