Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống


CHÚA NHẬT

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

31-5-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phước Tường

GIÁO HUẤN SỐ 26

MỘT GIÁO HỘI CHÚ Ý ĐẾN

CÁC DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Lịch Giáo Phận trang 79

Dù đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo hội dường như là những từ ngữ trống rỗng, thì họ vẫn nhậy cảm trước hình ảnh Đức Giêsu khi Người được giới thiệu cho họ một cách lôi cuốn và hữu hiệu. Vì thế, Giáo hội không còn quá loay hoay với chính mình, mà thay vào đó, và trước hết, cần phản ảnh Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa cần khiêm nhường nhìn nhận rằng một số điều phải được thay đổi cách cụ thể, và để thay đổi như vậy thì Giáo hội cần trân trọng cả tầm nhìn lẫn những phê bình của người trẻ. Thượng Hội  Đồng nhận thấy, rằng nhiều người trẻ, vì rất nhiều lý do, không hề kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, vì họ chẳng thấy Giáo hội có ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ. Một số ngay cả công khai yêu cầu rằng hãy để mặc họ, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo hội như một cái gì phiền toái, thậm chí gây dị ứng. Yêu cầu này không phải luôn luôn do bồng bột bức xúc. Nó có thể có những lý do hẳn hoi : như những vụ tai tiếng về tình dục và tiền bạc; như một hàng giáo sĩ chưa được chuẩn bị tốt để xứ lý cách hữu hiệu trước các xúc cảm của giới trẻ, như việc thiếu chuẩn bị cho bài giảng, cho việc trình bày Lời Chúa; như người trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu chỉ được trao cho vai trò thụ động, như việc Giáo hội gặp khó khăn khi giải thích giáo thuyết và các quan điểm đạo đức của mình cho xã hội hiện đại (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 39&40).

 ——————————–

CHÚA NHẬT

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-77.12-13; Ga 20, 19-23)

Cha Đắc Lộ từ biệt Hội An

Ngày 3-7-1645 Cha Đắc Lộ bị trục  xuất khỏi Đàng Trong, sau khi chúa Nguyễn Phước Lan chấp nhận lời yêu cầu của quan Thái sư, đổi án tử hình ra án trục xuất. Trước khi lên tầu, cha hứa với các thầy giảng cùng bổn đạo Đàng Trong, nếu không trở lại được, cha sẽ xin với Bề trên gửi các cha khác tới. Cha cũng còn đặt một thầy giảng làm bề trên để lãnh đạo giáo đoàn trong thời gian giáo đoàn không có một linh mục nào. Cha thuật lại nỗi đau đớn của anh chị em bổn đạo trước sự ra đi của cha :

Tôi không thể tả được cảnh than khóc của bổn đạo tập họp ở cảng Hội An để từ giã tôi. Có người than khóc thảm thiết. có kẻ nằm ăn vạ hầu như nửa sống nửa chết làm cho tâm hồn tôi chết lặng. Tôi chỉ còn nói với họ bằng cử động đầu, cánh tay và con mắt của tôi…Đó là ngày 3-7-1645 tôi phải bỏ Đàng Trong bằng thể xác, nhưng chắc chắn tâm hồn vẫn không bỏ và đối với Đàng Ngoài  cũng thế : thật ra tâm hồn tôi ở hoàn toàn cả hai xứ này và tôi tin rằng chẳng khi nào tâm hồn tôi ra khỏi đó được” (Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, trang 54).

Cha Đắc Lộ về Rôma xin Giám mục  

Ngày 20-12-1645 cha bỏ Áo Môn về Rôma. đem theo thủ cấp thầy Anrê-Phú Yên

Ngày 12-1-1646 tầu tới Malacca, bị người Hà Lan (Tin Lành) bắt tù 2 tháng.

Ngày 27-6-1649 về tới Rôma. mất 3½ năm.

Ngày 2-8-1650 gửi bản thỉnh nguyện lên Bộ Truyền Giáo

Tháng 5-1652 đệ bản thỉnh nguyện lên  Đức giáo hoàng Innoxentê X.

Bản thỉnh nguyện trình bày tình trạng Đàng Ngoài và Đàng Trong : “Cả hai xứ có từ 200.000 đến 300.000 tín hữu, một năm số tín hữu ít ra cũng thêm 15.000 mà chưa ai chịu phép thêm sức, phải gửi đến 300 thừa sai…

300 thừa sai vừa đi lại khó khăn vừa tốn kém, Đức Innocentê X ngỏ ý cha Đắc Lộ nhận chức giám mục, nhưng ngài từ chối, theo cha Đỗ Quang Chính nhận xét : “Cha Đắc Lộ yêu mến Việt Nam và lòng cha muốn trở lại Việt Nam, nhưng lúc này đã 59 tuổi rồi, sợ không chịu nổi những khó khăn tinh thần, vật chất ở Việt Nam và những cuộc hành trình lâu dài đầy nguy hiểm. Chính cha Đắc Lộ đã viết : ‘Bây giờ tôi đã già và hầu như sắp sửa xuống mộ” (Sđd, trang 70).

Cha Đắc Lộ đi Pháp

Cha đi nhiều nơi trong nước Ý, đến cả vương quốc Piémont, sang Thụy Sĩ tìm ứng viên giám mục cho Việt Nam, nhưng chẳng tìm được ai. Cha đến nước Pháp. Cha viết : “Tôi tin rằng nước Pháp là vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, sẽ có thể cung cấp cho tôi nhiều lính (soldats : phải hiểu là các thừa sai) đi chính phục toàn phương Đông để phục quyền Đức Giêsu Kitô, và cách riêng tại Pháp tôi sẽ tìm được cách có các Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi trong các Giáo hội này, tôi đã ra khỏi Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 vì mục đích ấy sau khi hôn chân Đức Giáo hoàng” (Sđd, trang 78). Đến Pháp, cha đã tiếp xúc với nhóm “Bạn Hiền”.

Ngày 13-5-1658 Thánh Bộ Truyền Giáo giới thiệu hai linh mục Fr.Pallu và Lambert de la Mótte. Sau ba tuần lễ, ngày 8-6-1658 Đức Thánh Cha chấp thuận (Sđd, trang 105).

Tuy nhiên Tòa Thánh chưa ấn định rõ nhiệm sở của các vị. Hơn một năm sau, ngày 9-9-1559 mới phân chia rõ ràng : Gm Pallu được tấn phong giám mục ngày 17-11-1658 tại Đền thánh Phêrô, Rôma, coi sóc giáo phận Đàng Ngoài, Gm Lambert được tấn phong tại nguyện đường dòng Thăm Viếng ở Paris ngày 11-6-1660, coi sóc giáo phận Đàng Trong,  (Sđd trang 107).

Tòa Thánh đã đặt hai giám mục cho Việt Nam. Từ đây, tín hữu Việt Nam được lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua phép thêm sức.

Sách Giáo Lý số 1285 viết về bí tích Thêm Sức như sau : “Những người đã chịu phép rửa, nhờ bí tích Thêm Sức, được liên kết với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn, được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, như vậy, với tư cách là những nhân chứng thật của Đức Kitô, họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và đồng thời bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm”.

Bài đọc 1 : Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” cho biết ý nghĩa ngày lễ Ngũ Tuần trong bài đọc 1 thánh lễ hôm nay : “Từ ngày lễ Thăng Thiên cho đến ngày lễ Ngũ Tuần có tập quán làm ‘Tuần Cửu Nhật’. Tuần cửu nhật quan trọng nhất là tuần chúng ta chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để cầu xin Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho chúng ta.

 Đối với người Do Thái, lễ Ngũ Tuần là một trong các lễ lớn nhất trong năm. Lể này nguyên là một lễ hội của giới nhà nông, nhưng đến những thế kỷ cuối cùng của thời Cựu Ước, người ta lại có thói quen biến nó thành lễ kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề Luật cho ông Môsê trên núi Xi-nai. Nhân lễ này cũng như lễ Vượt Qua, nhiều người Do Thái từ các xứ thuộc vùng Địa Trung Hải đi hành hương đến Giêrusalem.

 Chính trong những ngày lễ mừng lễ Vượt Qua của người Do Thái, là lễ tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, mà Chúa Giêsu đã chết và phục sinh để mang lại cho con người ơn giải thoát khỏi cái chết và tội lỗi. Chính vào ngày tưởng niệm Thiên Chúa ban Luật trên núi Xinai, ngày Thiên Chúa ký kết  Giáo  Ước với dân Ítraen, mà hôm nay Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho ‘Ítraen của Thiên Chúa’ (Gl 6,16), nghĩa là Hội Thánh. Như vậy, giờ đây trong Hội Thánh  cũng như nơi Chúa Giêsu Kitô, tất cả mọi thực tại của Cựu Ước đã đạt tới tầm vóc viên mãn (trang 1872).

Bài Tin Mừng : Ngày 4-6-2017 Đức Giáo hoàng Phanxicô giảng trong Quảng trường Thánh Phêrô như sau : “Ngày lễ hôm nay kết thúc Mùa Phục Sinh gồm 50 ngày, tính từ lễ Chúa Phục sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, được đánh dấu một cách đặc biệt bỏi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Vì chưng chính Chúa Thánh Thần  là hồng ân tuyệt hảo. Chính Thần Khí Sáng Tạo là Đấng luôn thực hiện những điều mới mẻ. Các bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta hai điều mới mẻ : trong bài đọc 1, Thần Khí làm cho các môn đệ trở thành một dân tộc mới, và trong bài phúc âm Thần Khí tạo cho các môn đệ một quả tim mới …

 Giờ đây chúng ta xét đến điều mới thứ hai : một quả tim mới. Khi hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ của mình, Đức Giêsu Phục Sinh đã nói :’Các con nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha’ (Ga 20,22-23). Đức Giêsu không hề lên án các môn đệ bỏ Người một thân một mình lẻ loi, và đã chối từ Người trong cuộc thương khó, nhưng Người đã ban cho họ Thần Khí tha tội. Thần Khí là hồng ân đầu tiên của Đấng Phục Sinh , và Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ hồng ân này trước tiên là để tha tội. Ơn tha thứ là sự khởi đầu của Giáo hội, là chất keo nối kết tất cả chúng ta lại với nhau, là ximăng liên kết các viên gạch lại với nhau. Bởi lẽ ơn tha thứ là hồng ân ở cấp độ cao cả nhất, là tình yêu vĩ đại nhất. Ơn tha thứ bảo tồn sự hiệp nhất, dù xảy ra điều gì chăng nữa. Ơn tha thứ cho tòa nhà khỏi sụp đổ. Ơn tha thứ tăng cường và củng cố. Ơn tha thứ làm cho con tim của chúng ta được tự do, và cho phép chúng ta lại bắt đầu. Ơn tha thứ mang lại hy vọng, không có ơn  tha thứ thì chúng ta sẽ không thể nào xây dựng Giáo hội được. Tinh thần tha thứ giải quyết được tất cả mọi sự trong sự hòa hợp, và giúp chúng ta từ chối những con đường khác : con đường xét đoán cách vội vàng, con đường không lối thoát của người đóng chặt tất cả cánh cửa ra vào, con đường một chiều chỉ trích người khác. Nhưng ngược lại, Thần Khí khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường hai chiều của ơn tha thứ cho đi và ơn tha thứ lãnh nhận, của lòng thương xót Chúa biến thành tình yêu tha nhân, của tình bác ái được xem là tiêu chuẩn duy nhất để dựa vào đó mà quyết định phải làm  hay không phải làm, phải thay đổi hay không phải thay đổi (Isaac de l’Éoile, diễn văn 3). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết làm cho gương mặt của Giáo hội là Mẹ chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn, và canh tân con người chúng ta, nhờ ơn tha thứ của Chúa, và hành động tự sứa mình… (JB Lưu Văn Lộc, chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 191-192).

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 là thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô. Côrintô là một thành phố ở Hy Lạp ngày nay. Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” viết về Côrintô như sau : “Trong số các thành phố vùng Địa Trung Hải, Côrintô có một bộ mặt riêng biệt. Thành phố nằm trên một eo đất giữa hai vịnh, nên đã hưởng nhiều thuận lợi do vị trí của mình…

 Từ lâu đời, thành phố có đền thờ nữ thần A-phơ-rô-đi-lê, nữ thần tình yêu…Cứ hai năm một lần có những cuộc thi đấu thể thao, tương tự các thế vận ngày nay, thu hút đông đảo người đến dự. Những người này tìm chỗ trọ quanh quẩn đâu đó gần thành phố, và nhiều người giăng lều mà ở…

 Tại Côrintô, có một giáo đoàn năng nổ, nhưng hơi thiếu trật tự, gồm những người Do Thái và người ngoại giáo đã trở lại đạo sau khi nghe thánh Phaolô giảng. Sau những năm đầu hăng say, nhiều người trong số họ đã trở về với các tật xấu, các tập tục ngoại giáo trước kia. Các người phụ trách giáo đoàn cảm thấy mình không có khả năng đối phó với các khó khăn, như nào là những chia rẽ nội bộ, nào là những nghi vấn về đức tin, vì thế họ nhờ đến thánh Phaolô. Vì đang mắc công việc tông đồ ở Êphêsô, người viết thư này để trả lời họ (trang 1967).

 Thánh Phaolô so sánh Hội Thánh với thân thể con người, để giúp hiểu rõ, trong Hội Thánh chúng ta phải bổ sung cho nhau và tôn trọng nhau thế nào. Không có cộng đoàn thật sự, nếu mỗi người không tích cực tham gia đời sống cộng đoàn, bằng cách đem tài năng ra phục vụ mọi người. Ngay cả những người ít tài cán nhất cũng có thể có nhiều tiềm năng, nó sẽ lộ ra khi đến thời đến lúc. Đến những khốn khổ của họ cũng có thể trở nên một kho tàng cho nhóm người tiếp nhân họ. Một khi chúng ta thực sự sống đức tin, thánh Phaolô khơi dậy nơi chúng ta những tiềm lực mói và đôi khi bất ngờ. Nếu chúng ta biết để ý đến con người, biết giúp họ ý thức phẩm giá và trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ thấy xuất hiện trong Hội Thánh nhiều sáng kiến mới, là hoa trái của Thánh Thần…(trang 1988).

Trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên, sách Công Vụ Tông Đồ kể sự hiện diện của Đức Mẹ như sau : “Tất cả đều đồng tâm nhất trí cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu (Cv 1,14). Ngày nay chúng ta cũng xin Đức Mẹ Trà Kiệu hiệp cùng chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống với Giáo Hội Việt Nam và với chúng ta.  

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành