Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

16-8-2010

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Bình Phong

GIÁO HUẤN SỐ 37

CÁC THÁNH TRẺ (tt)

Chân phước Marcel Callo là một thanh niên Pháp qua đời năm 1945. Marcel bị giam trong một trại tập trung ở Áo. Ở đó, ngài đã củng cố các bạn tù của mình, trong đức tin, giữa cảnh lao động khổ sai khắc nghiệt. Chân phước trẻ Chiara Badano mất năm 1990, “đã kinh nghiệm bằng cách nào nỗi đớn đau có thể được biến đổi bằng tình yêu… Bí quyết để bình an và vui tươi chính là việc ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa và đón nhận căn bệnh của mình như một diễn tả nhiệm mầu thánh ý Chúa, vì ơn ích cho mình  và cho người khác”. Nguyện xin các vị ấy, và rất nhiều vị khác, có lẽ âm thầm sống triệt để Tin Mừng, chuyển cầu  cho Giáo hội, để Giáo hội có đầy những người trẻ vui tươi, can đảm và nhiệt tâm dấn thân, những người có thể cống hiến cho thế giới những chứng từ mới về sự thánh thiện (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 61,62&63).

————————————————–

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28)

Ngày 14-8 lễ thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, “Người con điên” của Đức Mẹ. Chúng ta kể chuyện đời ngài, để thêm lòng mến yêu Đức Mẹ, nhất là sốt sắng mừng lễ Mẹ Về Trời 15-8.

Thánh Kônbê người Ba Lan. Ngài sinh năm 1894. Năm 16 tuổi ngài đi tu dòng Phan sinh. Mặc dầu ngài đã đậu tiến sĩ triết và thần học, ngài vẫn được du học ở Rôma. Ngài thích khoa học. Ngài đã vẽ một họa dồ về con tầu mang phi đạn.

Thánh Kônbê chịu chức linh mục năm 24 tuổi. Ngài thấy người ta dửng dưng với tôn giáo. Ngài coi đó là một thứ thuốc độc giết người. Nhân loại cần được Đức Mẹ chữa trị. Ngài lập phong trào Chiến Sĩ Mẹ Vô Nhiễm. Đời sống đạo đức, cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ là phương thuốc chữa trị thứ độc dược giết người này. Ngài ra tờ báo “Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm”. Mỗi ngày xuất bản 1 triệu số. Ngài xây dựng một nhà dòng gọi là “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm”. Có 762 thầy Phan sinh sống làm việc trong đó. Năm 1930 ngài sang Nhật truyền giáo. Ngài cũng lập “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” ở Nagasaki.

Năm 1939 Đức Quốc Xã chiếm Ba Lan. Ngài trở về Ba Lan. “Thành Phố Mẹ Vô Nhiễm” bị trúng bom đổ nát. Ngài bị bắt, gần ba tháng tù đày. Ngài nói: “Tôi muốn chịu đau khổ và chết như một hiệp sĩ.” Ngài được thả vào ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm 8-12-1939.

Hai năm sau, Tháng 2 năm 1941, ngài bị bắt lại. Ngài bị giam ở Ô-súyt (Auschwitz), một trại tù dã man nhất. Tháng 7-1941 một người tù vượt ngục. Cai tù ra lệnh 10 người khác chết thay. Anh cai tù chỉ tay người này, người nọ. Đủ 10 người. 10 người xếp hàng thẳng chuẩn bị đi vào phòng chết đói. Chẳng được cho ăn, chẳng được cho uống. Khát quá thì uống nước tiểu của nhau. Bỗng một người òa khóc kêu to: “Khốn cho vợ con tôi! Tôi chẳng còn được trông thấy nữa!”. Một người tù giơ cao tay nói: “Tôi muốn chết thay cho người tù đó, vì anh ta có vợ, có con.” Cai tù hỏi: “Mày là ai?”. Người tù đáp: “Tôi là linh mục Công giáo.” Người tù không cho biết tên, biết tuổi, chỉ vỏn vẹn khai “Tôi là linh mục Công giáo.” Mọi sự như chùng xuống. Những tiếng hét, những vẻ mặt đằng đằng sát khí biến mất. Tất cả đều im lặng. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Tình thương đã chiến thắng hận thù. Cai tù gật đầu đồng ý. Cha Kolbe nhập hàng với 9 người kia đi vào phòng chết. Cha giúp cho tất cả vui vẻ đón chờ cái chết. Phòng chết biến thành phòng cầu nguyện, tiếng cầu kinh và tiếng hát thay cho tiếng khóc. Sáu người đã tắt thở. Chiều ngày 14-8-1941 cai tù tới, thấy cha cùng ngồi trong góc phòng cầu nguyện. Cha bình tĩnh giơ tay cho cai tù chích mũi thuốc độc kết thúc cuộc đời. Cha cùng 9 người bạn tù bị vất vào lò thiêu đốt thành tro.

Khi còn sống, Thánh Kônbê đã kể lại rằng: “Tôi đang cầu nguyện, xin Đức Mẹ nói cho tôi biết sau này tôi sẽ ra sao. Đức Mẹ hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một trắng và một đỏ. Mẹ hỏi tôi thích cái nào. Tôi đáp: ‘Con thích cả hai’. Đức Mẹ cười và biến đi.” Thánh Kônbê đã được cả hai triều thiên: triều thiên đồng trinh và triều thiên tử đạo.

Năm 1982 Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong thánh cho cha. Trong lễ phong thánh có sự hiện diện của người tù cha đã chết thay, ông Phanxicô Gia-cô-ni-véc (Francis Gajowniczeck). Trong bài giảng, Đức Giáo hoàng đã nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”.

Ba bài đọc thánh lễ Chúa nhật hôm nay đều nói đến lòng yêu thương không bờ bến của Chúa.

 Bài đọc 1: Trước hết là bđ1. Sau lưu đày ở Babylon trở về xây dựng lại quê hương xứ sở và Đền thờ Giêrusalem trên đồi Sion. Dân Do Thái không muốn chung sống với dân ngoại. Nhiều dân ngoại muốn đóng góp vào việc xây dựng Đền thờ. Họ không cho. Họ coi dân ngoại là kẻ thù của họ và cả của Chúa. Ngôn sứ Isaia phải nhắc lại lời Chúa: “Người ngoại bang đều được Ta dẫn lên núi thánh, và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta…Vì nhà của Ta là nhà cầu nguyện của muôn dân.” (Is 56,1.6.7). Dù vậy, khi xây xong Đền thờ, người Do Thái không cho dân ngoại ngồi chung cầu nguyện. Dân ngoại muốn đến Đền Thờ thì có chỗ riêng, chỗ mà người Do Thái buôn bán và Chúa Giêsu đã xua đuổi.

 Bài Tin Mừng: Nghe Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Canaan, một phụ nữ ngoại giáo, là chó con, chúng ta lấy làm chướng. Thời Chúa Giêsu, người Do Thái rất ghét người ngọai giáo, và sau này cũng rất ghét người Công giáo. Người Do thái khinh bỉ họ và gọi họ là “chó ngoại đạo”, “chó Công giáo”. Đó là loại chó lang thang ở ngoài đường. Người Việt Nam cũng gọi kẻ mình khinh ghét là “đồ chó má”. Trong bài TM Chúa Giêsu gọi bà Canaan là “chó con”, là loại chó nuôi trong nhà, loại chó được cưng chiều. Chúa Giêsu không những không khinh bỉ người ngoại đạo, mà còn khen ngợi. Chúa Giêsu nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật” (Mt 15,28). Còn dân Do Thái, trước đó Chúa đã phải đau lòng mà nói: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15,8).

 Bài đọc 2: Cả thánh Phaolô, trong bđ2, cũng chê đức tin của người Do Thái kém người ngoại. Ngài nói: “Thưa anh em…là những người gốc dân ngoại…Nay anh em đã được thương xót, vì con dân Ít-ra-en đã không vâng phục.” (Rm 11,13.30).

Tóm lại, Lời Chúa trong thánh lễ đã cho thấy lòng thương của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu. Lòng thương không hạn hẹp, lòng thương vô bờ bến, lòng thương hy sinh, lòng thương hiến mạng sống mình.

Thánh Kônbê đã noi gương Chúa hy sinh mạng sống mình cho người bạn tù. Cao cả thay! Vĩ đại thay!

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin cho chúng con được con tim đầy máu hồng yêu thương và hy sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành