ĐTC Phanxicô: Tình Yêu Chúa Và Tha Nhân Là Nền Tảng Của Đời Sống Ki-Tô Hữu


Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/10, giải thích đoạn Tin Mừng thánh Mát-thêu trong đó Chúa Giêsu được hỏi điều răn chính của tất cả Luật Thiên Chúa là gì, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “một trong những điểm mới lạ chính yếu trong giáo huấn của Chúa Giê-su là tình yêu thương thực sự đối với tha nhân được nảy sinh từ mối quan hệ thực sự với Thiên Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/10, Đức Thánh Cha nhắc rằng đời sống luân lý và tôn giáo không bị giảm xuống thành việc giữ luật cách lo lắng và bị ép buộc, nhưng phải lấy tình yêu làm nguyên tắc. Và ngài nhấn mạnh đặc tính kép không thể phân tách của tình yêu: yêu Chúa và tha nhân.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha tóm tắt nội dung bài Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường niên năm A: Trong trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 22,34-40), một tiến sĩ Luật hỏi Chúa Giê-su điều răn nào là “điều răn trọng nhất” (c.36), nghĩa là điều răn chính yếu của toàn bộ Luật Chúa. Chúa Giê-su trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (c.37). Và ngay lập tức Chúa nói thêm: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, đó là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’ (c.39).

Hai nguyên tắc quan trọng cho cuộc sống Ki-tô hữu

Đức Thánh Cha nhận định: Câu trả lời của Chúa Giê-su nhắc lại và liên kết hai giới luật căn bản mà Thiên Chúa đã ban cho dân Người qua trung gian ông Mô-sê (x. Đnl 6,5; Lv 19,18). Và do đó, câu trả lời vượt qua cạm bẫy họ đặt ra để “thử Người” (c.35). Trên thực tế, người đối thoại với Chúa đang cố gắng kéo Người vào cuộc tranh cãi giữa các chuyên gia Luật về thứ bậc của các giới luật. Nhưng Chúa Giê-su đưa ra hai nguyên tắc quan trọng cho các tín đồ mọi thời đại, là hai nguyên tắc cho cuộc sống của chúng ta.

Đức Thánh Cha giải thích hai nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất là đời sống luân lý và tôn giáo không thể bị giảm thiểu thành một sự vâng phục giữ lề luật đầy lo lắng và bị ép buộc  nhưng phải lấy tình yêu thương làm nguyên tắc. Thứ hai là tình yêu thương phải cùng hướng về Thiên Chúa và tha nhân và hai điều này không thể tách rời nhau. Đây là một trong những điểm mới lạ trong giáo huấn của Chúa Giê-su và nó giúp chúng ta hiểu rằng sẽ không có tình yêu Thiên Chúa thật sự nếu tình yêu này không được biểu lộ trong tình yêu thương tha nhân; và cũng thế, nó không phải là tình yêu thương tha nhân thật sự nếu nó không phát xuất từ tương quan với Thiên Chúa.

Mọi giới răn phải liên kết với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân

Chúa Giê-su kết thúc câu trả lời của mình bằng những lời sau: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (c.40). Điều này có nghĩa là tất cả các giới luật Chúa ban cho dân Người phải liên kết với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Đức Thánh Cha nhận xét: Trên thực tế, tất cả các điều răn đều nhắm thực hiện và bày tỏ tình yêu có hai chiều kích không thể chia cắt này.

Tình yêu đối với Thiên Chúa được thể hiện trên hết trong việc cầu nguyện, đặc biệt là trong việc thờ lạy Chúa. Đức Thánh Cha lưu ý rằng chúng ta thường bỏ quên việc thờ lạy. Chúng ta cầu nguyện với những lời tạ ơn, cầu xin điều gì đó và lơ là việc thờ lạy. Thờ lạy Chúa là trọng tâm của việc cầu nguyện. Và tình yêu thương đối với tha nhân, còn được gọi là tình bác ái huynh đệ, bao gồm sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm đến người khác. Thánh Gioan viết: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Tình yêu tha nhân là bằng chứng sự hoán cải và nên thánh

Đức Thánh Cha nhắc nhở: Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giê-su lại giúp chúng ta đi đến suối nguồn Tình Yêu hằng sống và tuôn trào. Nguồn suối này là chính Thiên Chúa, được yêu thương trọn vẹn trong một sự hiệp thông mà không có gì và không ai có thể phá vỡ được. Một sự hiệp thông là một món quà cần được cầu xin mỗi ngày, nhưng cũng là một cam kết cá nhân không để cuộc sống của chúng ta trở thành nô lệ của các thần tượng của thế giới. Và bằng chứng về hành trình hoán cải và nên thánh của chúng ta luôn bao gồm tình yêu tha nhân. Bao lâu chúng ta còn đóng chặt lòng mình trước một người anh chị em, thì chúng ta vẫn còn ở xa mức độ là môn đệ như Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Chúa không cho phép chúng ta nản lòng, ngược lại mời gọi chúng ta bắt đầu lại mỗi ngày để sống hợp với Tin Mừng.

Ước gì sự chuyển cầu Mẹ Maria mở lòng chúng ta đón nhận “giới răn quan trọng”, giới răn kép dạy tình yêu thương tóm gọn tất cả luật của Chúa và ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào giới răn này.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt