Lễ Hiển Linh


LỄ HIỂN LINH

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

3-1-2021

Từ để gọi những người từ phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu cũng chưa thống nhất. Các dịch giả Kinh Thánh Việt Nam vẫn còn dùng các từ khác nhau. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì gọi là “Các Nhà Chiêm Tinh”. Bản dịch Phụng vụ 1972 và cha Nguyễn Thế Thuấn gọi là “Các Đạo Sĩ”. Tất cả đều dịch từ tiếng Hylạp là “ma-gos”, “ma-gi”.

Theo ông Hê-rô-đô-tus, các Magi là một bộ lạc Ma-đi-an. Họ là một trong những thành phần dân chúng của đế quốc Ba Tư. Họ cố gắng lật đổ nhóm người Ba Tư để nắm chính quyền. Sau khi thất bại, họ từ bỏ tham vọng quyền hành chính trị, trở thành nhóm người tư tế, như nhóm Lêvi trong dân Ít-ra-en. Những người Magi trở thành thầy dạy các vua Ba Tư. Ở Ba Tư, người ta không được dâng hiến lễ vật, nếu không có thầy tư tế. Các Magi có tài về thuốc, về thiên văn và về triết học. Họ cũng biết giải thích các giấc mộng. Về sau từ  “magi” bị hạ thấp để chỉ về những người bói toán, đồng bóng …Tiên khởi họ là những người tốt, thánh thiện và biết đi tìm chân lý.

Có giai thoại đã cho rằng con số các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu là 12 vua. Sau đó căn cứ theo ba lễ vật cho rằng có 3 vua. Vì thế ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua. Nay thì gọi là Lễ Hiển Linh. Người ta cũng cho biết ba vua tên là : Cas-par, Mel-thi-or và Bal-tha-sar. Vua Melthior già, tóc mầu nâu, râu dài, mang lễ vật vàng. Vua Caspar trẻ, không có râu, da đỏ, mang nhũ hương. Vua Balthasar da đen, râu lún phún, mang mộc dược.

Các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa, nhờ nhìn thấy ngôi sao : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Ngày xưa người ta tin rằng: khi một ngôi sao lạ xuất hiện là có một đấng vị vọng ra đời. Vua Alexandre của Hy Lạp hay vua Caesar của Rôma sinh ra, ngườt ta cũng nói có sao lạ xuất hiện. Người Hy lạp gọi những người nổi tiếng là sao. Ngày nay cũng vậy, các tài tử nổi tiếng gọi là “minh tinh màn bạc” (ngôi sao sáng của sân khấu); các cầu thủ giỏi gọi là “siêu sao”. Trong nghề bói toán, người ta cũng xem “sao chiếu mệnh” để biết vận mạng con người. Người Do Thái cũng vậy, nên sách Dân Số có lời sấm của Ba-la-am: “Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng chỗi dậy từ It-ra-en” (Ds 24,17).

Các nhà chiêm tinh theo ngôi sao lạ đi tìm. Ngôi sao lạ không đưa họ tới Belem, mà đưa họ tới Giêrusalem. Tới Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê: “Đức vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu” (Mt 2,2). Vua Hêrôđê đã hỏi các thượng tế và kinh sư. Họ trả lời : “Tại Belem, miền Giuđê” (2,5).  Các nhà chiêm tinh đã tới Belem, dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng ám chỉ đến vương quyền. Ngày xưa vua Việt Nam cũng mặc áo mầu vàng và cái gì của vua cũng là mầu vàng : ngai vàng. Nhũ hương ám chỉ đến chức tư tế. Mộc dược ám chỉ đến cuộc thương khó của Chúa, vì mộc dược dùng để tẩm liệm người chết.

Các nhà chiêm tinh tìm đến Belem để thờ lạy Chúa thể hiện lời ngôn sứ  I-sai-a trong bài đọc 1 của thánh lễ : “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3). Người ta vẽ ảnh hình các nhà chiêm tinh đi lạc đà là lấy hứng ở câu nói cũng của ngôn sứ Isaia : “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha : tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm huơng và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (60,6).

Ma-đi-an, Ê-pha và Sơ-va là những địa danh của miền Ả Rập. Tên Sơva nhắc đến biến cố bà Sơva đã tìm đến vua Salômôn, để học hỏi sự khôn ngoan, và dâng cúng mọi lễ vật quí giá. Thật ra, ngôn sứ Isaia chỉ nói về dân Israel vào những năm 537-520. Dân vừa được vua Kyrô của Babylon cho trở về quê hương. Lòng hăng say buổi đầu dần dần tàn lụi. Họ đã nản lòng nhụt chí, khi nhìn đến mảnh đất quê hương bị các dân lân bang ngoại đạo đến ở, đặc biệt là miền Samari. Rồi cảnh thành phố Giêrusalem qua 50 năm lưu đày bị bỏ hoang, Đền thờ thì bị tàn phá bình địa. Công việc tái thiết cũng đầy vất vả khó khăn. Chính trong hoàn cảnh buồn chán đó, ngôn sứ Iasia đã cất tiếng, để an ủi và khích lệ họ : “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu rọi” (60,1); nghĩa là sau những ngày đau thương khó khăn là những ngày huy hoàng vui sướng : “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng, vì nguồn giầu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (60,5). Đền thờ Giêrusalem không chỉ có người Israel đến bái thờ Thiên Chúa, mà cả muôn dân muôn nước cũng sẽ đến bái thờ. Việc các nhà chiêm tinh, những người ngoại giáo, đến bái thờ Hài Nhi Giêsu là thể hiện lời ngôn sứ Isaia. Chẳng ngờ lời ngôn sứ được thể hiện trong chính con người Chúa Giêsu.

Trong thư Ê-phê-sô của thánh lễ hôm nay, việc Thiên Chúa tỏ cho dân ngoại biết Người. Thánh Phaolô gọi là “kế hoạch ân sủng” : “Hẳn anh em đã được biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi” (Ep 3,2). Thiên Chúa ủy thác cho thánh Phaolô vì Thiên Chúa đã dành ngài cho dân ngoại (Cv 9,15). Thánh Phaolô còn gọi là “Mầu nhiệm của Đức Kitô” : “Người đã mặc khải để tôi biết mầu nhiệm Đức Kitô…Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại đựoc thừa kế gia nghiệp với nguời Do Thái” (Ep 3,3.6).

Việc Thiên Chúa mặc khải cho dân ngoại biết Thiên Chúa, ngày nay ta gọi là “hiển linh”, nghĩa là Chúa Giêsu tỏ hiện thiên tính của Người cho các dân nước. Chính vì thế, chúng ta không còn gọi là Lễ Ba Vua, mà gọi là Lễ Hiển Linh.

Chúng có thể đưa ra câu hỏi : Thiên Chúa tỏ cho mọi người biết Chúa, vậy sao chỉ có một số  ít ngưới biết Chúa, còn đa số chưa biết Chúa ? Có nhiều lý do, nhưng qua câu chuyện các nhà chiêm tinh thánh lễ hôm nay, có thể cho chúng ta biết một số lý do. Chuyện các nhà chiêm tinh tìm Chúa là một cuộc hành trình đức tin. Cuộc hành trình đức tin này có 2 giai đoạn : 1/ nhìn ngôi sao, chiêm ngắm vũ trụ 2/ nhờ sự chỉ dẫn Kinh Thánh của các thượng tế và kinh sư của vua Hêrôđê.

Cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng thế. Trước hết là nhìn trời mây và vạn vật mà biết có Thiên Chúa; sau đó nhờ Lời Chúa mà biết được Thiên Chúa là ai. Nếu không cần Lời Chúa thì ngôi sao cứ dẫn họ tới thẳng hang đá Belem, chứ  ghé qua vua Hêrôđê làm gì ?

Những người lương họ cũng biết Thiên Chúa, vì họ nhìn vũ trụ mà biết có “Ông Trời” . Nhưng họ chưa biết Chúa Giêsu là vì họ chưa được nghe và đọc Lời Chúa. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma : “làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không đựơc nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép : Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,14-15). Như vậy, người Việt Nam tất cả đều biết Chúa, nhưng không đến thờ lạy Chúa, là vì họ chưa được nghe chúng ta rao giảng Lời Chúa.

Lễ Hiển Linh hôm nay là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, cầu nguyện và dấn thân trong việc truyền giáo. Vào các hội đoàn, sống gương mẫu : tốt đa đẹp đời cũng là cách truyển giáo.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành