Chúa Nhật III Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – NĂM B
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31, Mc 1,14-20)
24-1-2021
Anna Nobili từ vũ nữ khỏa thân đến nữ tu
“Khi tôi nhảy, mọi người xem tôi như cô gái điếm. Nhưng nhờ Chúa Giêsu, tôi hiểu thân thể tôi không phải là thùng rác”. Nữ tu Anna Nobili, cựu vũ nữ khỏa thân, bây giờ là nữ tu nói chuyện với báo Aleteia.
Trước khi gặp Chúa, Anna Nobili là vũ nữ khỏa thân. Cô nhảy trong các hộp đêm ở thành phố Milan, nước Ý, cho đến ngày cô gặp Chúa Kitô. Sáu năm sau, cô nghe tiếng gọi của Chúa và trở thành nữ tu dòng Các Nữ Tu Nazareth. Nữ tu Anne Nobili kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trở lại lạ lùng của xơ.
Cái gì đã làm cho cô gái trẻ đẹp và nhạy cảm như xơ khỏa thân trong các hộp đêm?
Nữ tu Anna Nobili: Cha mẹ tôi ly dị năm tôi 13 tuổi. Cha tôi rất hung bạo với mẹ tôi, vừa bằng lời vừa đánh đập. Cha tôi là một người bất hạnh, ông trút hết nỗi bực tức của mình trên con cái. Không ai dạy cho cha tôi biết yêu thương là như thế nào. Cha tôi không thể mang tình thương đến cho vợ con. Lớn lên, sự thiếu tình thương phụ tử này làm cho tôi ngày càng không thể chịu đựng nỗi. Trong lòng tôi là một nỗi trống vắng xúc cảm to lớn. Tôi rất rụt rè, tôi nói ngọng…
Để lên sân khấu tôi không được rụt rè…
Khi đó tôi nghĩ tôi chẳng có giá trị gì. Ở trường, tôi cảm thấy bị loại ra rìa. Các bạn học làm cho tôi có cảm tưởng tôi chẳng được tích sự gì. Tôi phải giống các bạn để được chấp nhận. Khi đó tôi bắt đầu ăn mặc lập dị, tôi bắt mẹ tôi phải mua áo quần đắt tiền và hợp thời trang cho tôi. Tôi trang điểm và ăn mặc khiêu khích để các bạn gái phải ghen tức với tôi. Dung mạo của tôi rất xinh và gợi cảm. Các cô xem tôi như một hiểm nguy cho họ. Tôi lại bị cô độc và ruồng bỏ. Tôi bắt đầu bị suy thoái tinh thần.
Khi đó xơ không có bạn trai?
Có chứ. Anh ta phớt lờ tôi ban ngày nhưng lại lợi dụng tôi ban đêm. Chúng tôi ở chung với nhau ban đêm, nhưng ban ngày tôi ở một mình. Khi tôi hiểu anh ta không yêu tôi, tôi rất phẫn nộ. Khi đó tôi đổi qua lối sống về đêm. Tôi bắt đầu làm việc ở một vài hộp đêm ở thành phố Milan, rượu chảy như suối cũng như khỏa thân. Với công việc này, tôi gặp không biết bao nhiêu là đàn ông. Tôi biết tất cả các người canh hộp đêm của thành phố. Tôi có thể vào miễn phí bất cứ đâu. Hai giờ sáng tôi xong việc, sau đó tôi đi một vòng các tiệm nhảy disco cho đến sáng.
Khi đó xơ có hạnh phúc không?
Tôi sống trong ảo tưởng của hạnh phúc. Tôi không yêu chính mình, nhưng đàn ông thích cơ thể của tôi. Thân thể và điệu nhảy của tôi là dụng cụ để tôi săn đàn ông như săn chiến lợi phẩm. Càng ngày càng nhiều hơn, mỗi đêm là một người mới. Tôi còn học nhảy để diễn trong các vở diễn và giúp tôi mở cánh cửa bước vào lãnh vực truyền hình. Tôi trở nên người nổi tiếng. Tôi đi khắp nơi trên thế giới
Biến cố nào đã làm cho xơ từ giả nhảy khỏa thân đến đi tu?
Dù thành công, tôi vẫn cảm thấy trống rỗng. Thật ra tôi cảm thấy mình cô độc và… dơ bẩn. Cơ thể tôi không nhận một cử chỉ dịu dàng nào. Luôn hung bạo và khiêu khích, không một chút êm ái dịu dàng. Tôi mơ có ngày tôi sẽ gặp một người con trai nói yêu tôi, rung động vì tôi. Tôi không bao giờ gặp.
Vì thế đó là bước ngoặt của xơ?
Tôi không biết. Ma quỷ kiểm soát đời tôi. Nó nói tôi phải làm gì và tôi vâng lời nó. Tôi sống như một người mù. Tôi xem nhà mình như khách sạn. Tôi đi ngang anh chị em tôi mà không nói chuyện với họ. Trước khi ra khỏi nhà, tôi trang điểm cả giờ. Tôi để hàng tấn mỹ phẩm lên mặt mà cũng không hài lòng. Mỗi lần tôi ngồi trước gương, mẹ tôi đến nói chuyện với tôi. Bà nói với tôi về Chúa Giêsu. Một ngày nọ tôi tức lên, tôi nói với mẹ tôi, tôi không xin để sống. Nhưng mẹ tôi vẫn tiếp tục nói với tôi về Chúa Giêsu. Bà đi lễ mỗi chiều để cầu nguyện cho tôi.
Cái gì đã thúc đẩy xơ thay đổi
Một ngày nọ có một bà gọi tôi ngoài đường. Tôi không biết bà ấy, nhưng bà biết rõ về tôi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện… Tôi hiểu mẹ tôi đã cho bà một tấm hình của tôi. Với tất cả các bạn gái của mẹ tôi, bà xin họ cầu nguyện cho tôi, đây là một thói quen đặc biệt của người Ý. Bà bạn này của mẹ đề nghị tôi đi một khóa tĩnh tâm ở Axixi. Tôi thuận đi. Khi đến đó, chỉ trong vòng một ngày, tôi đã sống một cái gì rất tuyệt vời. Ở đây có các bạn trẻ hát và cầu nguyện. Họ cũng vui chơi nhưng không say sưa. Đối với tôi, đó là một chuyện rất mới và rất đẹp. Tôi giàu, tôi có trong tay tất cả mọi đứa con trai tôi muốn, tôi tổ chức các buổi dạ tiệc địa ngục, nhưng tôi chưa bao giờ biết một bầu khí vui vẻ như vậy. Một vài tháng sau, tôi đi lễ. Tôi nghe linh mục nói, trong nhà thờ lúc này, Chúa rất yêu người nào đến đây lần đầu. Tôi có cảm tưởng cha đang nói về tôi. Lời của cha đã làm cho tôi rất xúc động. Có một cái gì vỡ tan trong lòng tôi. Tôi mới 22 tuổi, tôi tiếp tục làm vũ nữ khỏa thân nhưng tôi đi lễ mỗi chúa nhật. Thường thường, tôi đi thẳng đến các hộp đêm, nơi tôi nhảy suốt đêm. Khi ra về, tôi nói với các bạn tôi sẽ đi lễ vì Chúa thương tôi. Chúng xem tôi như con điên. Còn tôi, tôi ở trong hai trạng thái “điên”: điên của đời sống về đêm và điên vì tình yêu của Chúa Giêsu.
Như thế cũng khó chọn lựa giữa hai cái điên này?
Đúng… tôi đung đưa giữa hai cái điên. Cho đến ngày tôi cảm thấy sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu. Đó là trong một khóa tĩnh tâm. Ngày hôm đó là ngày tôi nhảy lần cuối. Ngày hôm sau, tôi quyết định thay đổi cuộc sống. Khi tôi nhảy trong các hộp đêm, mọi người xem tôi như cô gái điếm. Chính Chúa Giêsu làm cho tôi thấy, thân thể tôi không phải là thùng rác. Ngài cho tôi thấy, tôi là hạt ngọc đích thực. Khi đàn ông tặng tôi lời khen để đổi lấy thân thể tôi thì tình yêu của Chúa Giêsu là không điều kiện.
Khi đó xơ từ bỏ tất cả để theo Ngài?
Tôi cần phải bỏ tất cả: hộp đêm, truyền hình, tất cả… Tôi muốn biết Ngài! Dù vậy, ngày tôi bắt đầu nghe tiếng gọi đi tu, tôi hoảng lên. Tôi sợ phải chấp nhận đời sống này, tôi sợ Chúa sẽ lấy đi niềm vui sống, lấy đi hạnh phúc của tôi. Nhưng ngày hôm sau khi gặp cơn hoảng sợ này, tôi đọc một đoạn trong sách Diễm ca: “Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong” (4, 12). Đoạn này đã mở tâm hồn tôi đến với Ngài.
Xơ có lời khuyên nào cho các bạn trẻ cảm thấy mất định hướng, bị cô độc, không có ai hiểu mình, bị gạt ra bên lề như xơ hồi trước không?
Rất nhiều phụ nữ tìm giá trị của mình nơi người đàn ông. Đôi khi sau một quan hệ bất hạnh, họ rơi vào vòng tay của người đầu tiên để cảm thấy mình được xứng đáng, để lấy lại tự tin. Điều này không bao giờ có hiệu quả. Chúng ta không thể đi tìm người đàn ông với bất cứ giá nào. Tốt hơn phải ở một mình một thời gian và nhìn lại đời sống nội tâm của mình. Không có gì đáng giá hơn là nhìn lại nét đẹp riêng của mình, giấc mơ của mình, những chuyện không dính gì đến việc đi tìm một người yêu. Khi một phụ nữ biết tôn trọng chính mình, biết yêu chính mình, khi họ chăm sóc cho họ và biết giá trị đích thực của mình, thì cuối cùng họ sẽ tìm được người đàn ông thật sự yêu thương họ và tôn trọng họ. Họ sẽ không còn bị lôi cuốn bởi những người đàn ông muốn lợi dụng họ. Họ sẽ lôi cuốn những người đàn ông đi tìm một phụ nữ xinh đẹp và tự do đến với họ.
(Linh mục Przemek “Kawa” Kawecki, Dòng Don Bosco và Marzen Devoud (fr.aleteia.org) – Marta An Nguyễn dịch)
Nguồn tin: Phanxicô [phanxico.vn]
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta biết nhiều người cũng được Chúa gọi và họ đã mau mắn đáp lời.
Bài đọc 1: Bđ 1, sách Giô-na, Chúa gọi ngôn sứ Giô-na. Sách “Các ngôn sứ” của nhóm CGKPV viết về ngôn sứ Giô-na như sau : “Giô-na tự nhận là người kính sợ Chúa, nhưng lại hành động ngược với lệnh Thiên Chúa, rồi nổi giận vì hành động tha thứ của Thiên Chúa và vẫn ‘ngồi chờ xem’, như muốn Thiên Chúa sẽ thay đổi ý định tha thứ.
Trong khi đó những người ngoại đạo mà người Do Thái khinh chê và muốn xa lánh (ở đây được tiêu biểu bằng các thủy thủ và dân Ni-ni-vê), khi nghe biết Thiên Chúa thì thật lòng kính sợ, kêu cầu Thiên Chúa, ăn năn hối cải và được cứu. Thiên Chúa không phá đổ Ni-ni-vê, nhưng phá đổ tội lỗi Ni-ni-vê, làm cho họ bỏ đường gian ác mà trở lại.
Giô-na biết Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu…nhưng ông không muốn cho dân ngoại được hưởng. Ông muốn chết đi cho rồi vì thấy dân ngoại đã được tha thứ. Ông tiếc xót cây thầu dầu đã che mát cho ông, chứ không thương dân Ni-ni-vê.
Câu hỏi cuối cùng của Thiên Chúa vạch cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người chỉ cho họ là thụ tạo của Người, chứ không phải vì họ là dân này hay dân khác.
Chân dung hiếm họa của ngôn sứ mời gọi người ta suy nghĩ lại về vai trò đích thực của ngôn sứ : đi rao giảng để cho người ta trở lại, chứ không phải đi công bố sự trừng phạt.
Nếu Ni-ni-vê bị phá đổ thì người Do Thái hả hê vì thấy kẻ thù bị trừng phạt, nhưng Thiên Chúa không phải là Đấng báo thù giùm họ, như trước kia họ vẫn chờ đợi (x.Is 13,23; Gr 46,51). Thiên Chúa muốn cho mọi người hối cải và được cứu độ (trang 739).
Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng là Chúa gọi hai cặp anh em ruột: Si-mon và Anrê, Gia-cô-bê và Gio-an. Cha Nguyễn Công Đoan suy niệm câu chuyện này với 3 ý tưởng :
1-Cuộc tạo dựng mới : “So sánh với cuộc tạo dựng trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy có điểm giống nhau: ‘Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng’, liền có ánh sáng’. Mười lần Thiên Chúa phán…Mười lần liền có như vậy. Ở bờ sông Gio-đan Thiên Chúa đã công bố Đức Giê-su là Con của Thiên Chúa, và sau khi đương đầu với Xa-tan, các thiên sứ tới hầu hạ Người, xác nhận Người là Con Thiên Chúa. Lời của Con Thiên Chúa phán cũng là lời của Thiên Chúa, hữu hiệu tức khắc: ‘Các anh hãy theo tôi’, lập tức các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Cuộc tạo dựng mới đang diễn ra” (Người Này Là Con Thiên Chúa. Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 37-38).
2-Tình huynh đệ: “Ta có thể suy nghĩ thêm về sự việc bốn người đầu tiên được gọi là hai cặp anh em. Dưới ánh sáng cuộc tạo dựng trong sách Sáng Thế, chúng ta có thể nghĩ cặp anh em đầu tiên. Khi kể chuyện bà E-và sinh đứa con thứ hai, bản văn Híp-ri viết: ‘Bà lại sinh thêm em nó là A-ben’. Trước khi nó có tên là A-ben thì đã là ‘em nó’…Sau khi Ca-in giết em, Thiên Chúa hỏi: A-ben em ngươi đâu rồi’. Nó thưa: ‘Con không biết. Con là người giữ em con sao’. Ca-in như muốn cãi lý với Thiên Chúa: Chúa có trao cho con nhiệm vụ giữ em con không mà Chúa hỏi con? Thiên Chúa hỏi lại: ‘Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất máu của em ngươi đang kêu lên Ta’”. Câu trả lời của Thiên Chúa ngầm khẳng định: tình huynh đệ không phải là chuyện pháp luật qui định. Cùng cha mẹ sinh ra thì là anh em và có trách nhiệm về nhau”.
Ơn cứu độ tái lập mọi tương quan đã bị tội lỗi phá hủy: giữa con người với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ, giữa anh em với nhau, giữa con người với thiên nhiên. Lich sử Cựu Ước cho thấy tình huynh đệ luôn bị thử thách: hai đứa con của Áp-ra-ham, hai đứa con sinh đôi của Rê-béc-ca, mười hai đứa con của Gia-cóp, hai chi tộc của Ít-ra-en…Thiên Chúa cứu độ trong Đức Giê-su. Con Thiên Chúa cũng tái lập tình huynh đệ giữa tất cả con cái Thiên Chúa trên trần gian. Có lẽ vì thế Đức Giêsu gọi ngay hai cặp anh em làm nòng cốt. Họ đã là anh em trong gia đình thì họ biết thế nào là sống tình anh em… Môn đệ của Chúa phải học sống tình anh em chị em để có thể làm con cùng một Cha, Cha trên trời” (Sđd trẳng-39).
3-Nước tượng trưng cõi chết, được vớt lên thì được sống: “Ta cũng cò thể tự hỏi một điều nữa: sao Chúa lại gọi bốn người môn đệ đầu tiên toàn là dân làm nghề lưới cá? Và công việc Chúa sẽ trao cho họ cũng được ví như việc đánh cá: ‘Lưới người’. Trong tiếng Việt ‘lưới người’ nghe lạ tai, và có lẽ tiếng nào cũng nghe lạ tai cả. Trong chiến đấu thời xưa, người ta dùng lưới như khí giới. Ta gặp trong Gióp (18,8; 19,6), Thánh Vịnh (9,15; 10,9 và nhiều Tv khác); Châm Ngôn (12,12; 29,5), Ê-dê-ki-en (12,13; 17,20; 19,8; 32,3); Hô-sê (5,1; 7,12), Mi-kha (7,20), Kha-ba-cúc (1,15-16), nhưng tất cả đều nhằm hủy diệt. Tin Mừng lại dùng theo nghĩa cứu độ. Có lẽ vì nước tượng trưng cõi chết, được vớt lên thì được sống. như thấy trong Sách Thánh: ‘Từ chốn cao vời Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông (Tv 18,17); ‘Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ… Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sông dạt dào đã cuốn trôi đi… Xin Ngài kéo con lên…cho thoát khỏi tay thù, thoát dòng nước thẳm. Xin đừng để sóng cồn cuốn con đi (Tv 69/68, 2,4.15-16).
Lắng nghe lời rao giảng mở đầu của Đức Giê-su và chiêm ngắm Chúa gọi các môn đệ đầu tiên, chúng ta xin ơn hoán cải và tin vào Tin Mừng, xin ơn được quảng đại theo Chúa như các môn đệ đầu tiên (Sđd, trang 39).
Bài đọc 2: Cha Carôlô Hồ Bạc Xái suy niệm lời Chúa trong bđ2 như sau : “Thánh Phaolô giúp các tín hữu suy nghĩ về giá trị của những thực tại trần thế : hạnh phúc gia đình, những niềm vui nỗi buồn, những của cải vật chất… so với Nước Trời, tất cả những thứ kể trên đều là những thứ chóng qua, chứ không bền vững. Vì thế, thánh nhân kêu: ‘Ai có vợ hãy ăn ở như không có, người than khóc hãy ăn ở như không than khóc, kẻ hân hoan hãy ăn ở như không hân hoan, người mua sắm hãy ăn ở như không có gì’. Thật là những lời rất lạ lùng và khó hiểu. Nhưng đó là chân lý. Và chỉ có những ai ý thức được chân lý này mới có thể từ bỏ tất cả để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi” (Sợi Chỉ Đỏ Năm B, trang 305).
Đức giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ chúng ta: “Các bạn hãy chắc chắn rằng Mẹ cũng sẽ đồng hành với các bạn trên những ngã ba đường của các bạn, đặc biệt khi các bạn phải có những quyết định quan trọng. Xin các bạn đừng ngã lòng trông cậy, xin các bạn đừng ngã lòng trông cậy, xin các bạn hãy tiến tới phía trước, tất cả cùng nhau tiến! Bởi vì cuộc đời đáng cho chúng ta sống lắm chứ, với đầu ngẩng lên cao!!! Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn” (GB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Trọng Năm B trang79).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành