Đức Giám Mục Giáo Phận Chủ Sự Các Nghi Lễ Tam Nhật Vượt Qua & Phục Sinh


Sau Thánh lễ Truyền Dầu sáng sớm ngày Thứ Năm tuần thánh tại ngôi nhà thờ mẹ của giáo phận đồng tế với linh mục đoàn, phó tế với sự tham dự của cộng đồng tu sĩ, chủng sinh và dân Chúa trong toàn giáo phận mừng ngày Chúa Giê-su thiết lập chức linh mục thừa tác đồng thời cũng ban thừa tác vụ ngoại thường trao Minh Thánh Chúa cho một số quý tu sĩ, giáo dân từ các giáo xứ, giáo họ và Hội Dòng; buổi chiều muộn, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân tiếp tục chủ sự thánh lễ Tiệc ly tại Nhà thờ Chính Tòa giáo phận cùng với một số linh mục sở tại “tái diễn bữa tiệc vượt qua của Chúa Giê-su trước khi chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện và trông mong Người trở lại” (Sách Nghi thức Tuần thánh) và các nghi thức của Tam nhật Vượt Qua.

Thánh lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần thánh

Lúc 17 giờ 00, tại Tiền đường Nhà thờ Chính Tòa, Thánh lễ đồng tế ngày thứ Năm tuần thánh được trang trọng cử hành với sự tham dự đông đúc của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Chính Tòa.

­­Trong bài giảng lễ, trước khi cử hành nghi thức Rửa Chân đầy cảm xúc, Đức Cha đã nhắc lại cho cộng đoàn phụng vụ 3 món quà quý giá mà Chúa Giê-su đã trao tặng cho môn đệ và nhân loại chúng ta trong ngày hồng phúc này: “Giờ đây, chúng ta có thể nhận ra, qua Bữa Tiệc Ly này, Chúa Giêsu đã trao tặng những món quà thần linh cho các môn đệ và nhân loại chúng ta: (1) Món quà thứ Nhất: Chúa ban hành giới luật yêu thương. Chúa trang nghiêm tuyên bố với các môn đệ: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga15, 12). Không những thế Ngài còn mời gọi các môn đệ, ngoài tình Thày-Trò, từ nay sẽ trở nên bạn hữu chứ không phải là tôi tớ: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,14-15). Càng suy tư về tình thương của Chúa dành cho môn đệ, chúng ta mới càng thấy dù biết các môn đệ sẽ lầm lỗi, đánh mất chính mình; nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ, và đồng hành. (2) Món quà thứ Hai: Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (Ga 13,4-5). Khi Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho từng môn đệ như một người tôi tớ phục vụ người chủ của mình. Rồi Ngài nói với các môn đệ:”Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 13-14). Đây chính là món quà phục vụ trong yêu thương, phục vụ trong tin mến, phục vụ trong bác ái, phục vụ trong khiêm hạ. Các môn đệ đã rất cảm động trước món quà trao ban phục vụ như gương của Thày. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc rửa chân là một cử chỉ tượng trưng:”Những người nô lệ vẫn làm điều ấy, những người phục vụ rửa chân cho các thực khách, cho người đến dùng bữa, vì thời ấy đường đi là đường đất bụi và khi vào nhà người ta cần phải rửa chân. Vì thế, ngày hôm nay, Giáo Hội, khi tưởng niệm bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, cũng làm cử chỉ rửa chân, nhắc nhớ cho chúng ta cũng phải phục vụ nhau””trong thâm tâm, hãy nghĩ đến người khác và đến tình yêu thương mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có đối với nhau, và chúng ta cũng hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể phục vụ tha nhân một cách tốt đẹp hơn, vì đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện”. (3) Món quà thứ Ba: Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể:  Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ:”Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ giã từ, và để lại cho chúng ta một gia sản: Người là Thiên Chúa và đã trở nên người tôi tớ, người phục vụ chúng ta. Và gia sản của Người là: cả các con cũng phải trở thành những người phục vụ nhau. Chúa đã đi con đường đó vì tình yêu: cả anh chị em cũng phải yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu thương. Ðó là gia sản Chúa Giêsu để lại cho chúng ta”. Món quà mà Chúa Giêsu trao tặng cho các môn đệ và nhân loại chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước Ngài:”Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Bằng cách này, Ngài thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh của Ngài, và huấn lệnh yêu thương cho các môn đệ và mỗi người chúng ta. Khi chúng ta dự phần vào bàn tiệc của Chúa, thì không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị em chung quanh ta. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa “Amen” khi rước Mình và Máu Thánh Chúa. Khi làm như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em mình, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Phil 2,7). Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Ngài kêu gọi theo Ngài. Chính tình yêu của Ngài, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều thứ Năm Thánh này.” Đồng thời, với lời kết thúc bài giảng cùng câu chuyện đầy cảm động về một bức tranh có tên là ‘Đôi bàn tay cầu nguyện’: “Anh Chị em rất thân mến, câu truyện “Đôi bàn tay cầu nguyện” như sau: Chuyện kể rằng có một gia đình nghèo ở Đức đông con. Hai người con trai lớn trong nhà đều chung ước mơ trở thành họa sĩ. Nhà nghèo nên họ quyết định chỉ một người đi học. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Sau này thành tài người thắng sẽ giúp ngược lại. Đồng xu được tung lên, người em thắng cuộc và được đi học. Người anh trong suốt 6 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học. Sau 6 năm thành họa sĩ nổi danh, người em muốn thực hiện lời cam kết ngày nào nên trong bữa ăn sum họp, người em đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 6 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Người em nói:Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Albert mỉm cười, rồi bật khóc:– Không, anh không thể vẽ được nữa. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 6 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…Trước tình yêu quá cao vời của anh, người em đã thực hiện một tác phẩm đặc biệt nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”. Xem ra đôi bàn tay còn có ý nghĩa là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu.

Câu truyện đưa chúng ta trở lại với ý nghĩa của Thánh lễ hôm nay: Chúa Giêsu đã ăn bữa tối cùng với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và, Phúc Âm nói, Người biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha. Người biết rằng Người sẽ bị phản bội và sẽ bị giao nộp vào ngay đêm ấy. Nhưng “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Thiên Chúa yêu thương như thế này: yêu thương nhân loại và mỗi người chúng ta đến cùng. Và Người hiến mạng sống mình cho từng người chúng ta, và Người thực hiện điều này và muốn điều này bởi vì Người là tình yêu: “Yêu đến cùng” như lời Ngài đã phán:“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga13, 14). Nguyện xin Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn ban trên mỗi người chúng ta Ơn Thánh, sức khỏe, niềm tin, nghị lực và bình an. Amen.”

Thánh lễ kết thúc với phần kiệu rước và những giờ Châu Thánh Thể tiếp nối đến nửa đêm theo truyền thống của Hội Thánh.

Nghi thức tôn kính Thánh Giá – Thứ Sáu tuần thánh:

Cùng với cử hành Đàng Thánh Giá trang trọng theo truyền thống, chiều thứ Sáu tốt lành được diễn tiến với nghi thức suy tôn Thánh Giá tại tiền đường Nhà thờ Chính Tòa.

Sau bài thương khó theo Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Cha Giuse chủ sự nghi thức đã chia sẻ với cộng đoàn về ý hướng của Hội Thánh trong cử hành mầu nhiệm thánh giá hôm nay: “Giáo Hội muốn giúp chúng ta suy niệm, hiểu biết và mời gọi sống Mầu nhiệm cuộc Tử nạn hồng phúc của Chúa Giêsu. Thánh Phaolo đã mời gọi chúng ta cảm nhận sự đau khổ của Đức Giêsu trên thánh giá: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:”Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2, 9-11). Sự tự hạ và suy tôn: đây là điều căn bản để hiểu thấu mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu; đây là trọng tâm để đi vào kế hoạch tuyệt diệu của Thiên Chúa được hoàn tất trong những biến cố Tử Nạn của Chúa. Tuy nhiên, dường như là một động lực sâu xa, tiềm ẩn nơi tất cả những điều khác, có thể được tìm thấy trong điều mà phụng vụ hôm nay mạc khải cho chúng ta: kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Chúa Cha trên trời, được thể hiện qua sự tự hạ và suy tôn nơi Con Một của Chúa Cha là Đức Giêsu Kitô. Đây là câu trả lời cho những vấn nạn và những băn khoăn cơ bản của mỗi một người chúng ta trong hành trình đức tin và cuộc sống:“Vì chúng ta, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 8). Nghi thức suy tôn Thánh Giá với lời mời gọi và hồi đáp trang trọng “Đây là Gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian – Ta hãy đến thờ lạy” được tiếp nối với việc kính cẩn bái lạy Thánh giá của cộng đoàn thay vì hôn kính Thánh Giá như thường lệ và phần Rước lễ của Phụng vụ ngày thứ Sáu tốt lành này.

Đêm Vọng Phục Sinh – Thứ Bảy tuần Thánh

Đỉnh điểm của Tam nhật Vượt Qua là những nghi thức của Đêm Vọng Phục Sinh được cử hành trang trọng lúc 19g00 ngày thứ Bảy Tuần Thánh. Ý nghĩa của cử hành Đêm Vọng Phục Sinh được Đức Cha Giuse khai triển trong bài giảng lễ nối kết các nghi thức làm phép Lửa, tôn vinh Ánh Sáng và công bố Tin Mừng Phục Sinh của Đêm Thánh với phép Rửa tái sinh cho các anh chị em dự tòng của giáo xứ Chính Tòa: Hợp cùng toàn thể Giáo hội, chúng ta đang cử hành Đêm Canh Thức Phục Sinh, là Mẹ của các Lễ Vọng, cũng là là đêm trọng nhất trong Năm Phụng Vụ của Hội Thánh. Khi cử hành buổi canh thức đêm nay, chúng ta tưởng nhớ đến đêm Chúa sống lại, đêm Cực Thánh đặc biệt này. Vì đêm nay là đêm mà Giáo hội muốn gửi sứ điệp tới chúng ta và nhân loại: hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người chúng ta. Từ ngôi mộ trống vắng mang dấu ấn của sự mất mát đã trở thành niềm hy vọng, cái chết tự hiến của Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Tình yêu Cứu độ cho nhân loại và mỗi người chúng ta.

Chính Chúa Kitô Phục sinh đang đến với chúng ta trong giây phút hiện tại, Ngài sẽ biến đổi những khó khăn thập giá cuộc đời chúng ta theo chương trình tình yêu thương của Ngài. Đó cũng là tư tưởng nền tảng cho chúng ta khi nhìn vào sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Ánh sáng thế gian, ánh sáng đó trước tiên và trên hết xua tan đêm tối bên trong lương tâm con người, rồi từ nội tâm này làm tiêu tan sự đen tối trong hành vi cuộc sống. Hơn nữa mỗi chúng ta phải trở nên một chứng tá của niềm tin Phục sinh: Đức Kitô đã sống lại. Alleluia. Nếu chúng ta muốn được sống lại với Người, như các môn đệ cũng phải đi qua con đường khổ giá, bởi vì hành trình Phục sinh cũng là hành trình Tin Mừng, vì Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Đấng Cứu độ. Chính khi chúng ta biết cho đi, biết phục vụ, biết yêu thương, biết tha thứ, biết quảng đại là chính lúc chúng ta tìm lại được chính mình. Chúng ta trở nên lời chứng niềm tin và tình thương của Chúa Kitô Phục sinh trong cuộc sống hàng ngày. Chúa Giêsu Phục sinh ban cho mọi người sự sống mới; để nhờ ơn Ngài, chúng ta có thể thắng vượt được sức mạnh của cám dỗ và sự dữ. Chúa Giêsu Kitô Phục sinh ban cho mọi người chúng ta sự sống mới: đó là yêu thương, phục vụ, tha thứ và quảng đại với anh chị em mình. Trong Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, mọi sự đều có ý nghĩa và có giá trị mới.

Trong thánh lễ Vọng Phục Sinh này, chúng ta đón chào các anh chị em tân tòng, những người dám chọn lựa Đức Kitô giữa cuộc đời này, với niềm hy vọng một khởi đầu mới của Đức tin Kitô, niềm hy vọng cho hạnh phúc lứa đôi trong tin mến và yêu thương. Chia vui với anh chị em tân tòng cũng là chia vui với mỗi người chúng ta khi mừng Đại Lễ Phục Sinh “Alleluia! Alleluia!” chúng ta mừng Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Ngài cho chúng ta biết sống như Ngài mời gọi: sống cho Chúa và sống cho mọi người anh chị em chúng ta trong Giáo hội và thế giới hôm nay.

Thánh lễ Phục Sinh tại Nhà thờ Giáo xứ Nội Hà

Lúc 6 giờ 00 sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Cha Giuse chủ sự Thánh lễ Phục Sinh và cử hành các nghi thức Khai Tâm Ki-tô giáo cho 25 dự tòng thuộc khóa Giáo lý I/2021 của Giáo hạt Đà Nẵng tại Nhà thờ Giáo xứ Nội Hà, nơi lớp giáo lý được tổ chức. Tham dự Thánh lễ long trọng này, ngoài cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Nội Hà còn có sự hiện diện của quý giáo lý viên đồng hành, quý thân nhân, người đỡ đầu của 25 anh chị em dự tòng từ các giáo xứ trong giáo hạt Đà Nẵng.

Trong bài giảng lễ Phục sinh và cử hành nghi thức khai tâm kitô giáo này, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn khám phá mầu nhiệm và Tin mừng Phục sinh với những lời chứng của Maria Mađalêna, của Tông đồ Phêrô và Gioan: Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cả Maria Mácđala lẫn Thánh Phêrô và Thánh Gioan đều chỉ thấy một điều là ngôi mộ trống. Từ chính ngôi mộ trống đó mà bà và các tông đồ đã nhìn thấy trong buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh là một cuộc sống mới đã bắt đầu từ đây. Từ nay là cuộc sống mới cho Chúa, với Chúa, và là Nhân chứng của Chúa Giêsu Kitô. Tình thương yêu của Chúa Kitô Phục Sinh đối với chúng ta hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúa Phục Sinh đang đến với chúng ta trong giây phút hiện tại, Ngài mời gọi chúng ta cảm nhận, sống Tin Mừng Phục Sinh bằng chính cuộc sống của mình để trở nên Chứng Nhân của Tin Mừng Phục Sinh giữa thế giới và Giáo hội hôm nay. Chính nhờ sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, xin cho chúng ta có đủ nghị lực và can đảm để chết cho những tính hư nết xấu tồn tại trong tâm hồn, và trỗi dậy với bao ơn lành tình thương của Chúa, sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu bằng chính cuộc sống của mình để trở nên Chứng Nhân của Tin Mừng Phục Sinh giữa Giáo hội và thế giới hôm nay;” trước khi kết thúc bằng một câu chuyện: “Vào một dịp nghỉ chàng trai đã đưa bạn mình về thăm nhà, gia đình chàng trai ở biển. Chàng là con trai duy nhất của cha mẹ; vì không muốn con mình theo nghề đánh cá vất vả của gia đình nên cha mẹ đã cố gắng cho chàng theo học đại học. Ở nhà bạn được mấy hôm, sáng hôm đó trời rất đẹp, người con trai xin Cha cho bạn mình được đi đánh cá biển. Thương con và thấy thời tiết quá đẹp, nên người cha bằng lòng đưa con trai và người bạn đi đánh cá. Từ sáng tới qua trưa, trời đẹp và họ cảm thấy thật vui vẻ; bất ngờ một cơn bão tố ập tới nhanh chóng. Chiếc thuyền chòng chành và cơn sóng gió hất cả hai chàng thanh niên xuống biển. Người Cha trên thuyền chỉ có một cái phao có dây nối với thuyền; ông chưa biết phải quăng cho con trai hay người bạn. Lúc đó, người con trai kêu lên: Cha ơi, hãy quăng phao cho bạn của con, vì bạn con không biết bơi. Khi nghe con trai kêu lên như vậy, ông nhớ tới lời Chúa:“Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mình vì bạn hữu”. Thế là ông quăng chiếc phao duy nhất cho người bạn của con trai. Khi ông kéo được người bạn của con lên thuyền cũng là lúc người con trai duy nhất của ông chìm xuống lòng biển với tiếng kêu: Cha ơi, con yêu Cha…” Vi linh mục kể tiếp, khi được cứu sống, người bạn đã cố tìm hiểu xem niềm tin nào đã khiến cho người bạn và người Cha đã cứu anh như lời kêu xin của người con. Anh không chỉ nhận cha mẹ thay người bạn đã khuất; anh đã học và đã theo đạo, không chỉ thế, còn quyết định đi tu dâng mình làm linh mục để có thể sống và rao giảng về Tình Yêu của Thiên Chúa và sự đáp trả của chúng ta. Sau khi để mọi người trong nhà thờ lắng đọng suy tư, linh mục thừa sai mới nói tiếp: “Tôi chính là người bạn của người con trai duy nhất đó; tôi đã tìm niềm tin, tôi đã gặp, tôi đã theo Chúa Giêsu, và giờ đây tôi đã là linh mục thừa sai để loan truyền Tình Yêu Phục Sinh mà Chúa đã yêu thương và mời gọi”.

Các nghi thức khai tâm ki-tô giáo diễn ra trang nghiêm và sống động vì các dự tòng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với khóa học 6 tháng và những thực tập sống đời tín hữu. Những người đỡ đầu, thân nhân, các giáo lý đồng hành đều muốn bày tỏ niềm vui với anh chị em, đặc biệt trong giây phút lần đầu tiên được Rước Mình Máu thánh Chúa và niềm hân hoan gia nhập cộng đồng dân thánh trong đại lễ Phục Sinh này.

Xin được mượn lời kết thúc bài giảng lễ của vị Chủ Chăn giáo phận cho niềm vui thánh đức mừng Chúa Phục Sinh này:Chia vui với anh chị em tân tòng cũng là chia vui với mỗi người chúng ta khi mừng Đại Lễ Phục Sinh- Alleluia – Alleluia: chúng ta mừng Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Ngài cho chúng ta biết sống như Ngài mời gọi: sống cho Chúa và sống cho mọi người anh chị em chúng ta trong Giáo hội và thế giới hôm nay.”

 Ban MVTT/GP

Hình ảnh: Pr. Nguyễn Toàn

Hình ảnh Thứ Năm & Thứ Sáu Tuần Thánh

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.

Hình ảnh Đêm Vọng Phục Sinh

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.

Hình ảnh Thánh lễ Phục Sinh tại Giáo xứ Nội Hà

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.