Bài Suy Niệm Lễ Giáng Sinh


Lễ Giáng Sinh

(Is 9,1-16; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)

Trong cuốn ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’ (1959, Sàigòn) của nhà văn Nguyễn Đình Khiêm, theo tài liệu trong ký sự của Cha Đắc Lộ, tác giả có viết về Thày giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên tại VN, có ghi lễ Giáng Sinh khá đặc biệt :

Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô (Huế). Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên, vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91)

Thiết tưởng cũng nên ghi thêm : Bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là tiết phụ của chúa Tiên, tức chúa Nguyễn Hoàng, con trai Đại thần Nguyễn Kim, thủy tổ nhà Nguyễn. Bà là dì ruột chúa Sãi Vương, là thân mẫu của Nguyễn Phúc Khê, Nghĩa Hưng Quận Công. Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê là con thứ 6 của Nguyễn Hoàng. Trong cuốn ‘‘Lịch Sử truyền giáo tại VN’’ (Q. I tr. 250), tác giả thuật lại lời nhà truyền giáo ghi công ơn bà Minh Đức như sau : Lúc sinh thời bà che chở cho giáo dân trong những cơn bách hại, bà hoạt động truyền giáo rất nhiệt thành. Sau 24 năm trung thành với Đạo Chúa và hoạt động tông đồ, bà từ trần vào cuối năm 1648, thọ hơn 80 tuổi. Giáo đoàn miền Nam thiệt hại rất nhiều vì cái chết của Bà. Một cây cột cái trong nhà giáo đoàn xứ Nam, và là vị lãnh đạo can trường của họ trong thời bị bách hại (Luxia Phương Thảo sưu tầm).

Trước đó ở Vĩnh Điện, cha Buzomi đã tổ chức lễ Giáng sinh : quan trấn Vĩnh Điện Nguyễn Phúc Anh là người ghét đạo. Nhờ thắng quân nhà Trịnh miền Bắc, ông nới lỏng việc giữ đạo. Năm 1627, cha Buzomi  tổ chức lễ Giáng Sinh ở Vĩnh Điện rất long trọng. Ngoài lễ nửa đêm, cha tổ chức rước kiệu Chúa Hài Đồng, Giáo dân ca hát vang cả khu xóm. Hội kèn trống và bát âm tăng thêm bầu khí vui mừng của ngày lễ. Giáo dân đốt pháo mừng lễ nữa (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 139).

 Lễ Giáng sinh ở Hà Nội như sau : năm 1627 cha Alexandre de Rhodes ra Hà Nội truyền giáo, vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1630 , cha tổ chức lễ rửa tội trọng thể, để làm nổi bật ý nghĩa cuộc sinh lại trong ngày Chúa giáng sinh. Cha cho đặt nhiều bài ca, bài vè để giáo dân cùng nhau ca hát. Cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc, sau đó mọi người quì xuống bái lạy Chúa Hài Đồng. Thời đó phụ nữ không được ra khỏi nhà ban đêm, nên lễ ban sáng đông hơn. Sau lễ giáo dân lên máng cỏ bái lạy và hôn chân Chúa Hài Đồng (Nguyễn Hồng, Sđd, trang 117).

Như thế, ngay từ buổi đầu, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên đất Việt, người giáo dân đã vui mừng đón Chúa giáng trần. Và bàn tay thày giảng Anrê-Phú Yên đã làm nhiều hang đá để giáo dân kính viếng.

Lời Chúa trong đêm đại lễ hôm nay nói lên ý nghĩa của biến cố Chúa giáng trần sinh ra.

Trong bài Tin Mừng, thiên thần báo tin cho các mục đồng : “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân : Hôm nay một Đấng Cứu Dộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).

  Qua thư gửi cho ông Titô trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã nhìn biến cố Chúa giáng sinh là một ân sủng cứu độ. Người viết : “Anh em thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11).

Ơn cứu độ là gì ? Tự Điển Công Giáo của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin giải nghĩa như sau : “Cứu là cứu giúp, chữa trị, giải thoát khỏi cảnh đau thương; độ là cứu vớt, qua – từ bờ này sang bờ kia. Cứu độ có nghĩa là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, để đưa chúng ta đến đời sống mới trong ân sủng nhờ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô” (trang 81).

Ơn cứu độ được ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 diễn tả cụ thể như sau : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng“.

Chúa giáng sinh đưa chúng ta từ bóng tối tội lỗi đến ánh sáng thánh thiện, từ nỗi buồn khổ xa Chúa đến niềm vui được ở với Chúa. Chúng ta cùng với các thiên ca hát : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

—————————————-

Lễ Giáng Sinh

2014

BTM thánh lễ nửa đêm hôm nay, thánh Luca kể lại lễ Giáng sinh đàu tiên trên thế giới như sau : “Ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành vua Đavít gọi là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với bà Maria là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. Khi hai ông bà đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,4-7).

Thánh Luca kể thêm : Sứ thần hiện ra báo tin cho những người chăn chiên đang thức đêm canh giữ đàn vật : “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là niềm vui cho toàn dân : Hôm nay một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).

Khi các người chăn chiên đến hang đá thì thấy : “Đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14).

Giáo hội thuở ban đầu chú trọng đến lễ Phục Sinh, chưa để ý đến lễ Chúa Giáng Sinh. Mãi đến năm 354, tức là hơn 300 năm sau Chúa giáng sinh, Giáo Hội mới cử hành lễ Giáng Sinh.

Còn hang đá giáng sinh phải chờ đền năm 1223 thời thánh Phanxicô Khó Khăn. Truyện thánh Phanxicô kể lại như sau : “Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, thánh Phanxicô mới ông Gioan Vôlita, một nhà quí tộc, có một ngọn núi cao, có cây cối rậm rạp và nhiều hang hốc. Thánh Phanxicô đề nghị ông : Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Belem xưa, để thông cảm hết nỗi rét lạnh thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một hang đá rộng rãi trên sườn núi, rồi chuẩn bị cho một máng cỏ, và dắt vào đó một con bò và một con lừa.

Lễ Giáng Sinh năm 1223 không khác gì ở Belem xưa. Mầu nhiệm Thiên Chúa ra đời được diễn tả lại. Giữa đêm khuya đêm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn kéo nhau theo con đường dốc ngoằn ngoèo đi lên hang đá. Ông Gioan Vôlita dọn sẵn : có máng cỏ, có bò lừa. Tất cả chờ đợi Con Chúa ra đời. Rừng cây, hang đá lấp lánh ánh sáng và vang dội tiêng hát mừng Chúa ra đời” (Antôn,Thánh Phanxicô Assisi, trang 288).

Hài Nhi Giêsu đã hiện ra trên nền đá lạnh lẽo và nhoẻn miệng cười với thánh Phanxicô. Ngài bế Hài Nhi mềm yếu trong tay, ôm Hài Nhi vào lòng, để xin Hài Nhi sưới ấm cho Ngài… Các nông dân tham dự thánh lễ đã được mắt thấy tai nghe Hài  Nhi Giêsu hiện ra với thánh Phanxicô. Lòng họ bừng sáng, vui sướng” (Murray, Thánh Phanxicô, Hành Trình Và Ước Mơ, trang 85).

Còn ở Việt Nam lễ Giáng sinh có từ năm nào ?

Cha Bùi Đức Sinh viết lại : “Năm 1627, nhà Trịnh miền Bắc đem quân vào đánh nhà Nguyễn ở miền Nam, nhưng bị thua; còn nhà Nguyễn thắng. Việc đạo được dễ dàng. Lễ Giáng Sinh ở Vĩnh Điện, Quảng Nam được tổ chức linh đình. Trước thánh lễ rước kiệu Chúa Hài Đồng, kèn trống, bát âm, đốt pháo bông và bắn súng hỏa mai” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trag 112).

Như vậy, chỉ sau 12 năm sau khi hai cha Buzomi và cha Carvalho đặt chân lên đất Đà Nẵng ngày 18-1-1615, Việt Nam đã có lễ Giáng Sinh.

Trong tập sách “Thời Thơ Ấu Của Đức Giêsu Thành Nadarét”, Đức giáo hoàng Bênêđíctô viết : “Đức Maria lấy tã bọc con. Chúng ta có thể tưởng tượng được tình yêu của Mẹ Maria và việc Mẹ chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng. Truyền thống các bức họa, dựa trên các giáo phụ, cắt nghĩa “máng cỏ” và “tả lót” theo chiều kích thần học. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.

Thánh Âutinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng chúng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là bánh từ trời, bánh hằng sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật  và sự sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này máng cỏ chính là bàn tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh hằng sống. Đấng cứu thế sinh ra trong nghèo hèn tỏ lộ một thực tại lớn lao của mầu nhiệm cứu độ nhân loại” (Phạm Đình Phước chuyển dịch, trang 69-70).

Xin Chúa giáng sinh ban Bánh Hằng Sống cho gia đình giáo xứ và cho cộng đoàn thánh hiến chúng con. 

 

 —————————————-

Lễ Giáng Sinh

Đức Tin 2012

Chúa Hài Nhi Giêsu đã cho ai chiêm ngắm Ngài đầu tiên ?

Các mục đồng chứ còn ai nữa. Các mục đồng là những người được chiêm ngắm Chúa sinh ra đầu tiên.

Tại sao các mục đồng được Chúa ưu đãi như  vậy ?

Thứ nhất : vì  các mục đồng là các em nhỏ. Nhỏ thì trong sạch, đơn sơ, và dễ thương. Có đánh nhau thì chỉ u đầu, trầy da tí thôi; chứ không như người lớn đánh nhau là gẫy tay, què chân, chảy máu, nằm chết nhăn răng.

Thư hai : vì các mục đồng nghèo khổ. Các em là những người làm thuê cho nhà giầu, đi chăn thuê cho nhà giầu, bị nhà giầu bắt nạt , ăn hiếp. Khổ lắm.

Thứ ba : các mục đồng là những em thất học, không biết chữ nghĩa. Suốt ngày chăn chiên. Vừa nghèo, vừa không có giờ, thì làm sao được đến trường, đến lớp. Vì vô học, vì không kiếm được việc làm, các em bị khinh chê.

Sau các mục đồng là ai ? Là Ba Vua. Một ông vua da trắng, đại diện cho Âu Châu, Úc châu. Một ông vua da vàng đại diện cho Á châu. Một ông vua da đen đại diện cho Châu Phi. Ba ông đều là những người không có đạo. Vì lúc đó chỉ người Do Thái có đạo. Như thế, Chúa thương những người không có đạo. những người chưa biết Chúa. Chúng ta có thương những người  chưa có đạo, hay có đạo khác với mình không ?

Sau Ba Vua còn có ai được đến chiêm ngắm Chúa Hài Đồng nữa không ?

Cứ tưởng là hết rồi. Nên, Đức Mẹ thì ru cho Chúa ngủ, còn thánh Giuse thì đi kiếm củi chất thêm vào đống lửa.

Bỗng có một  bóng người từ xa đang tiến về hang đá.

Thánh Giuse hỏi Đức Mẹ : ai đó ?  Đức Mẹ cũng không biết.

Bóng người đến gần hang đá : đó là một bà cụ già, quần áo rách rưới. Lưng bà gù gần sát đất, chẳng làm sao trông thấy mặt bà.

Đến cửa hang, mặt bà vẫn cúi gằm, miệng than van : xin Chúa tha tội cho con, xin Chúa thương xót con…

Tiếng bà kêu van càng thêm to càng thêm thảm thiết, làm Chúa Hài Đồng thức dậy. Chúa mở to đôi mắt. Chúa nhìn bà.

Bà cụ mở vạt áo lấy lễ vật ra. Hai tay bà giơ cao lễ vật. Vì lưng bà gù, bà chẳng làm sao dâng được lễ vật vào đôi tay Chúa. Thánh Giuse phải giúp bà. Thánh Giuse lấy lễ vật từ tay bà để vào tay Chúa. Lễ vật của bà đó là trái táo.

      Lạ lùng thay, trái táo vào tay Chúa thì biến thành quả địa cầu. Đồng thời lưng bà cũng hết gù. Bà được đứng thẳng. Bà được chiêm ngắm Chúa.

Lúc đó thánh Giuse và Đức Mẹ mới nhận ra : bà cụ là bà Evà. Người đàn bà ngày xưa đã phạm tội ăn trái cấm.

Chúa Hài Đồng vui cười vân vê trái địa cầu. Còn bà thì hai dòng nước mắt chảy ướt đẫm vạt áo. Bà khóc vì  bà được Chúa tha tội : được Chúa tha tội cho bà, và cho tất cả con cháu của bà.

Lễ Giáng Sinh năm nay đẹp hơn mọi năm, vì chúng ta ai nấy đều đã xưng tội, đã được Chúa tha tội. Chúa đã biến chúng ta là con cháu bà Evà, trở thành con cái của Chúa.

        Lễ Giáng Sinh năm nay lớn quá, đẹp quá, thánh thiện quá, hạnh phúc quá ! Amen.

—————————————-

LỄ GIÁNG SINH

2011

 

Chúa giáng sinh từ hơn 2000 năm rồi. Từ thế kỷ IV mới cử hành lễ mừng biến cố Chúa giáng sinh. Hang đá máng cỏ được trang trí trưng bày từ lễ Giáng sinh năm 1223.

Thánh Phanxicô Khó Khăn và các môn đệ từ thủ đô Rôma đến làng Gréc-ci-ô, nước Italia, để mừng lễ Chúa giáng sinh. Trước nhà ông Gioan Vôlita có một ngọn núi cao, cây cối rậm rạp, nhiều hang hốc. Thánh nhân đề nghị ông Vôlita :

– Ông bạn ơi, tôi muốn diễn lại cảnh Belem như thật năm xưa, để thông cảm với nỗi rét buốt, và thiếu thốn của Chúa. ông gắng giúp tôi một tay. ông chọn một hang đá rộng rãi trên sườn núi. Ông làm một máng cỏ và dắt vào đó một con bò và một con lừa.

Ông Vôlita nhận lời.

Theo lời kể lại, lễ Giáng sinh ỡ Grecciô năm đó rất sầm uất và cảm động. Giữa đêm khuya tăm tối, hàng ngàn ánh đuốc chập chờn của giáo dân nối đuôi nhau theo con đường làng quanh co ngoằn ngoèo đi lên hang đá. Có máng cỏ, có bò lừa, nhưng không có tượng thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa hài Đồng. Mọi người đọc kinh, ca hát vang cả ngọn núi. Ai nấy cầu nguyện sốt sắng.

Thánh Phanxicô quì gối,, đôi mắt nhắm lại, còn miệng mở to cùng với giáo dân đọc kinh và ca hát. Nhìn đôi mắt thánh Phanxicô hướng về máng cỏ, ai cũng nghĩ ngài nhìn thấy Chúa Hài Đồng đang nằm trong máng cỏ. Ông Vôlita cũng được Chúa thưởng công cho nhìn thấy Chúa Hài Đồng. Chúa nằm trên máng cỏ. Đôi mắt Chúa nhắm lại như chăm chú nghe thánh Phanxicô và giáo dân cầu nguyện. Thỉnh thoảng Chúa mở mắt nhìn. Khi nhìn thánh Phanxicô cầu nguyện thì miệng Chúa cười.

Hang đá máng cỏ năm 1223 ở Grécciô nước Ý là hang đá máng cỏ đầu tiên. Từ đó, mỗi khi lể Giáng sinh về, người ta ở khắp nơi bắt chước làm hang đá máng cỏ (Antôn và Một Nhóm Anh Em, Thánh Phanxicô Assisi, trang 287…)

Còn ở Việt Nam hang đá máng cỏ có từ bao giờ ?

Sách sử ghi lại rằng: quan trấn Vĩnh Điện Nguyễn Phúc Anh là người ghét đạo. Nhờ thắng quân nhà Trịnh miền Bắc, ông nới lỏng việc giữ đạo. Năm 1627, cha Buzomi  tổ chức lễ Giáng Sinh ở Vĩnh Điện rất long trọng. Ngoài lễ nửa đêm, cha tổ chức rước kiệu Chúa Hài Đồng, Giáo dân ca hát vang cả khu xóm. Hội kèn trống và bát âm tăng thêm bầu khí vui mừng của ngày lễ. Giáo dân đốt pháo mừng lễ nữa (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 139).

Năm 1627 cha Alexandre de Rhodes ra Hà Nội truyền giáo, vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1630 , cha tổ chức lễ rửa tội trọng thể, để làm nổi bật ý nghĩa cuộc sinh lại trong ngày Chúa giáng sinh. Cha cho đặt nhiều bài ca, bài vè để giáo dân cùng nhau ca hát. Cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc, sau đó mọi người quì xuống bái lạy Chúa Hài Đồng. Thời đó phụ nữ không được ra khỏi nhà ban đêm, nên lễ ban sáng đông hơn. Sau lễ giáo dân lên máng cỏ bái lạy và hôn chân Chúa Hài Đồng (Nguyễn Hồng, Sđd, trang 117).

       Chúa sinh xuống trần gian để làm gì ?

Thiên thần nói với các người chăn chiên : “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ…” (Lc 2,11-12).

Ba tước hiệu của Chúa Hài Đồng nói lên mục đích của cuộc giáng sinh. Ba tước hiệu đó là : Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô và Đức Chúa.

1/ Đấng cứu độ : Độ có nghĩa là từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia. Chúa Giêsu cứu chúng ta ra khỏi bến mê sang bờ giải thoát. Thánh Phaolô trong bđ2 đã viết : “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,14).

2/ Đấng Kitô : Kitô là người được Thiên Chúa xức dầu, được Thiên Chúa chọn, được Thiên Chúa sai đến. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, để giải thoát con người thoát khỏi kẻ thù satan, ma quỉ. Ngôn sứ I-sai-a đã mô tả : “Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy như tron ngày chiến thắng” (Is 9,3).

3/ Đức Chúa : Chúa là Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Với ba tước hiệu này, Chúa Giêsu xuống thể để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, khỏi bàn tay ma quỉ, để trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh A-tha-na-xi-a nói : “Con Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa”.

Một đêm Giáng sinh nọ, thánh Giê-rô-ni-mô, vị thánh ở gần hang Belem, để dịch bộ Kinh Thánh, đang quì bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, bỗng Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa.

Chúa hỏi thánh nhân :

 – Giêrônimô, con có gì làm qùa cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

Thánh nhân đáp :

– Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con.

Chúa nói :

 – Đúng thế, nhưng con còn có gì khác nữa không?

Thánh nhân thưa :

 – Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể có.

Chúa Hài Đồng hỏi:

 – Còn điều gì khác nữa không?

Thánh nhân khẩn khoản thưa:

– Con không còn điều gì khác nữa để dâng Chúa.

Chúa Hài Đồng bảo:

– Này Giêrênimô, hãy dâng cho ta cả những tội lỗi của con nữa.

Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại: – Ôi, lạy Chúa, làm sao con dám dâng tội lỗi của con cho Chúa ?

Chúa bảo : – Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con, để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế, thánh nhân bỗng bật khóc vì sung sướng.

Chúa giáng sinh để gánh tội trần gian, để xóa tội nhân loại.

 —————————————-

LỄ GIÁNG SINH

25-12-2007

Không có nhà thờ nào không làm hang đá. Làm một chưa đủ, làm hai mới đủ : một trong nhà thờ, một ở ngoài sân. Người ta cũng làm hang đá trong tư gia. Không nhà công giáo nào không làm hang đá.

Nếu người công giáo ở tập trung thì họ chung nhau làm hang đá ra ngoài đường. Như ở bên Bình An, quận 8, người ta làm hang đá hai bên đường dài cả mấy cây số, và giăng giây điện sáng cả các con đường trong xóm.

Người Việt Nam cũng như người các nước khác còn dựng những cây Noen trong các cửa tiệm. Có những cây cao cả trăm mét và treo chằng chịt giây đèn nhấp nháy đủ mầu.

Chừng 80 năm sau Chúa giáng sinh, thánh Luca đã thuật lại cảnh hang đá Chúa sinh ra. Hang đá Chúa sinh được thánh Luca kể lại, chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay là :

Bà Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ… Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Sứ thần đến báo tin cho họ. Đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa”.

Hang đá gồm có : Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse, các mục đồng, và các thiên thần ca hát.

Thánh Luca là người đầu tiên thuật lại cảnh Chúa giáng sinh. Người làm hang đá đầu tiên là thánh Phanxicô thành Assisi nước Ý. Năm 1223, trước lễ giáng sinh hai tuần, thánh Phanxicô nói với ông Gioan Vôlita, người có một khu vườn rộng và có núi, núi có hang và nhiều cây cối. Thánh nhân nói : “Ông bạn ạ, tôi muốn diễn lại cảnh Belem năm xưa như thật, để thông cảm hết những nỗi rét lạnh thiếu thốn của Chúa. Ông gắng giúp tôi một tay. Ông chọn một cái hang rộng trên sườn núi của ông, rồi chuẩn bị một máng cỏ và dắt vào đó một con bò và một con lừa”.

Ông Gioan Vôlita vui vẻ cùng với thánh Phanxicô làm hang đá như dự tính.

Đêm giáng sinh năm đó hàng ngàn giáo dân cầm đuốc đi dự lễ, chiếu sáng cả một vùng núi. Hang đá có máng cỏ, có con bò, con lừa; song chưa có tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ và thánh Giuse như ngày nay. Nhưng ông Gioan Vôlita qủa quyết : chính mắt ông đã thấy Chúa Giêsu Hài Đồng ngự xuống nằm thiu thiu ngủ trong máng cỏ.

Còn bài giảng của thánh Phanxicô khiến người ta như được chiêm ngắm hang đá thật ở Belem ngày xưa.

Hang đá nhà thờ Phú Hòa của chúng ta năm nay không ngờ cũng có con bò con lừa như hang đá của thánh Phanxicô.

Người ta thường đặt con bò con lừa con chiên ở trong hang đá. Còn con bò con lừa của chúng ta lại ở ngoài hang đá, chỉ thò hai cái đầu vào trong hang đá, chiêm ngắm Con Chúa ra đời mà còn bẽn lẽn. Hay nói đúng hơn chúng là loài vật hôi hám đâu được phép, nên chúng chỉ trông lén Chúa. Thật là dễ thương.

Cũng thánh Phanxicô một ngày kia đi giảng đạo. Hai bên đường ngài đi có những cây to bóng mát. Chim trời đến làm tổ và ca hát líu lo. Thánh nhân nói với đàn chim như nói với người ta :

– Các anh chị chim ơi, các anh chị bay xuống đây với tôi đi.

Đàn chim trên cây liền bay xuống. Thánh Phanxicô nói :

– Tôi muốn nói với các anh chị điều này. Anh chị mang ơn Chúa nhiều lắm. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, anh chị cũng phải cất cao giọng ca tụng Chúa nhé…

Đàn chim há mỏ, nghểnh đầu nhìn thánh Phanxicô như đang nghe thánh nhân giảng. Giảng xong, thánh Phanxicô làm dấu Thánh Giá chúc lành cho đàn chim. Đàn chim cúi đầu lãnh nhận phép lành, rồi bay về tổ.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca kể : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”.

Con người đã không tiếp nhận Chúa, con bò con lừa đã tiếp nhận Chúa. Con người không muốn nghe Lời Chúa, chim trời lại vểnh tai lắng nghe.

Dù chúng ta vô ơn bạc nghĩa với Chúa, Chúa cũng không bỏ, Chúa đã giáng sinh làm người. Thánh giám mục Ambrôsiô nói :  “Chúa đã trở nên một trẻ thơ để làm cho chúng ta thành con người trưởng thành. Ngài được bọc tã, để giải thoát chúng ta khỏi bị sự chết ràng buộc. Ngài xuống thế, để đưa chúng ta lên trời. Ngài không có chỗ trong quán trọ, để chúng ta có nhiều nhà trên trời. Ngài giầu có, song thành nghèo hèn để làm chúng ta được giầu sang. Nước mắt chảy ra khi Ngài khóc rửa sạch tội lỗi chúng ta”.

Hanh phúc biết bao ! Ôi đêm giáng sinh yêu thương.

 

—————————————-

LỄ GIÁNG SINH

2006

 

Dù lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất của đạo Công giáo, nhưng cũng không được trang trí lộng lẫy cho bằng lễ Giang Sinh. Lễ GS cũng là lễ vui nhất. Lễ GS không những làm cho người tin Chúa vui, mà còn làm cho người không tin Chúa cũng vui.

Hang đá, cây thông, ngôi sao, ông già Noen và các kiểu trang trí khác không chỉ ở trong nhà thờ, mà còn ở các đường phố, các cửa tiệm, cả các tư gia không tin Chúa.

Tại sao lễ Giáng Sinh làm cho người ta vui ?

Chúng ta hãy theo dõi các bài đọc Kinh Thánh trong đêm cực thánh này.

 

Bài đọc 1 : Những lời ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 chan chứa niềm vui, vì những lời đó loan báo “một trẻ thơ chào đời để cứu ta” (Is 9,5). Nhìn cảnh mất nước nhà tan vào thời quân Ba Tư xâm chiếm và tàn phá vào thế kỷ 8 trươc CN, người Ít-ra-en nào mà chẳng tủi nhục, đau khổ. Song nghe những lời tiên báo này, mắt họ đã vơi  đi  những giọt lệ, và lòng họ đã nhảy múa vui mừng.

Bài Tin Mừng :  Ngôn sứ Isaia tiên báo “một trẻ thơ chào đời”. Trẻ thơ đó chính là Chúa Giêsu sinh hạ vào đêm nay.

Cám ơn thánh Luca đã kể lại câu chuyện Chúa sinh ra mà ai trong chúng ta cũng thuộc lòng. Câu chuyện được kể lại bằng chữ viết để đọc cho nhau nghe, được viết thành kịch để diễn cho nhau xem, được viết thành nhạc để hát cho vang trời. Xem những vở kịch, nghe những bài ca giáng sinh, dù lòng chúng ta có chai đá mấy cũng phải rộn ràng nao nức.

Thánh Luca kể : “Thời ấy, hòang đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1). Thánh Luca đã nhắc đến ngày Chúa sinh ra vào thời  hòang đế Rôma Augúttô.

Như vậy, trước 8 thế kỷ, thời ngôn sứ Isaia, dân Ítraen bị bóc lột đàn áp thế nào, thì dân Do Thái thời Chúa Giêsu cũng thế. Cứ 14 năm một lần, hòang đế Rôma truyền kiểm tra dân số, với hai mục đích : một là để bắt lính, hai là để bắt đóng thuế. Dân Do Thái không bị bắt đi lính, nhưng bị đóng thuế.

Hòang đế Rôma chẳng những bóc lột tài sản của cải, mà bóc lột cả con tim tấm lòng của dân Do Thái. Hòang đế Rôma tên chính thức là Xê-da, nhưng rồi đã kiêu ngạo, ông bắt quốc hội  tôn ông là “Augúttô”, nghĩa là “đấng đáng được tôn thờ”. Ông không cho dân Do Thái thờ phượng Chúa nữa, mà bắt phải thờ phượng ông.

Chúa Giêsu đã sinh ra trong chính cái ngày “ai nấy về thành của mình mà khai tên tuổi” (2,3), ngày kiềm tra dân số, để chia sẻ nỗi nhục với quê hương và nỗi khổ đau với đồng bào.

Chúa đã sinh ra trong máng cỏ, vì “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (2,7). Tinh thần hiếu khách của người Đông phương rất cao. Họ không còn chỗ đón tiếp, vì khách đi về qúa đông, nhưng họ sẵn sàng cung cấp thức ăn cho đòan vật và củi lửa để khách nấu ăn. Những ngọn đồi quanh Belem có những hang để chiên cừu đêm về nghỉ. Thánh Giuse và Đức Mẹ đã đến trú chân tại đó. Tại hang đá, Đức Mẹ “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (2,7). Máng cỏ là chiếc máng đựng thức ăn cho đòan vật. Chúa Giêsu sinh ra để trở thành chiếc máng cỏ nuôi sống loài người.

Tã là một tấm khăn vuông bọc tòan thân, cả tay lẫn chân đứa bé. Bọc như thế, đứa bé không còn cựa quậy làm ngáng trở khi đi lại. Chúa Giêsu sinh ra bó gọn trong máng cỏ, và rồi chết cũng nằm bó gọn trong mộ đá, để cứu nhân độ thế.

Bài đọc 2 : Thánh Phaolô trong bđ2 đã diễn tả lòng Chúa yêu thương qua những dòng chữ sau đây : “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thóat khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,14).

Đấy lòng Chúa thương yêu lòai người đến thế, thì làm sao lòai người không vui ! Lễ Giáng Sinh là lễ vui nhất, vì là lễ của lòng Chúa thương yêu.

—————————————-

 LỄ GIÁNG SINH

PH.25-12-2003

Đức Kitô Aùnh Sáng Muôn Dân

  Đó là những hàng chữ  lớn, là khẩu hiệu trên hang đá của nhà thờ chúng ta.

  Khẩu hiệu đòi mỗi người Công giáo Việt Nam chúng ta, dù  hôm nay, trong đêm cực thánh này, có mặt hay vắng mặt, cũng phải ý thức đến công việc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam và việc truyền giáo của mỗi người chúng ta. Chương trình truyền giáo là chương trình mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát động trong năm nay.

Tất cả chúng ta phải sống làm sao để cho Ánh Sáng của Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người chiếu tỏa vào tâm hồn, vào gia đình, vào xã hội Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tất cả chúng ta phải làm cho ngôi sao lạ chiếu trên hang đá, không những dẫn đường cho các Nhà Chiêm Tinh bên Phương Đông đến thờ lạy Chúa, mà còn hướng dẫn mỗi người hàng xóm chúng ta cũng biết tìm đường đến thờ lạy Chúa.

Để được như vậy, chính bản thân mỗi người chúng ta không chỉ nhìn ngắm hang đá, xem hang đá năm nay có đẹp hơn năm ngoái, hay có đẹp hơn những nhà thờ khác không. Song chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Giêsu nằm trong hang đá. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu lại sinh ra đời ? Ngài sinh ra đời cả hơn 2000 năm, Ngài đã làm gì cho mỗi người chúng ta và cho đời ? Chẳng có thể hiểu được, nếu không có Lời Chúa trong thánh lễ Nửa Đêm hôm nay. Xin Lời Chúa soi dẫn chúng ta.

Bài đọc 1  : Lời Chúa trong bđ1 được đọc trong sách ngôn sứ Isaia. Câu đầu tiên của bđ đã nói lên thảm cảnh quê hương đất nước của ngôn sứ Isaia, cả Israel miền Bắc lẫn Giuđa miền Nam. Câu đầu tiên là : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm” (Is 9,1). Qủa thật, dân của ông “đang lần bước giữa tối tăm”.

Năm 732 trước CGS, vì Giuđa miền Nam không ủng hộ chống lại đế quốc Assyri, nên Israel miền Bắc liên minh với nước Aram tiến đánh Giuđa miền Nam. Vua Akháp, miền Nam cầu viện đế quốc Assyri. Thừa cơ hội, Assyri đem quân đánh và biến Israel miền Bắc thành một tỉnh của họ. Từ đó Galilê, miền Bắc, được gọi là “Galilê của dân ngoại” (Mt 4,15). Đến năm 721 Israel miền Bắc hoàn toàn bị Assyri xâm chiếm và bắt đi lưu đày. Tuy cầu viện với Assyri để đánh miền Bắc, nhưng Giuđa miền Nam vẫn bị Assyri thôn tính. Thấy vậy, vua Akháp liên minh với Ai Cập để chống lại, nhưng đã thất bại, đến năm 587 thì bị xâm chiếm hoàn toàn và cũng bị lưu đày sang Babylon như miền Bắc trước đây. Thấy các vua không còn tin tưởng vào Thiên Chúa cứu vớt, mà cứ chạy đi cầu cứu hết ngoại bang này tới ngoại bang khác, ngôn sứ Isaia can ngăn không được, thì đã tiên báo :  “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (7,14).

Đó là dấu hiệu Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu thoát, Thiên Chúa ở với con người mãi mãi : Emmanuel nghĩa là TC-ở-cùng-chúng-ta. Ngôn sứ Isaia còn lặp lại 2 lần nữa. Lần thứ hai là : “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Và lần thứ ba là : “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non” (11,1).

Bđ 1 đêm nay là lời tiên báo lần thứ hai, đồng thời cũng là lần mô tả ngày đăng quang của Đấng Emmanuel. Theo quan niệm của người Ai Cập : ngày vua lên ngôi cũng là ngày sinh của vua. Tác giả của Thánh vịnh 2 cũng mô tả ngày đăng quang là ngày sinh : “Tân vương lên tiếng : ‘Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng : ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’” (Tv 2,7).

Ngày đăng quang của vua Ai Cập, tên của vua được xướng lên và kèm theo 5 danh hiệu. Còn vua Emmanuel chỉ có 4 danh hiệu : Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Người Cha Muôn Thuở, Thủ Lãnh Hòa Bình (Is 9,5).

Ở bảo tàng viện London, qua các hiện vật trưng bày, người ta có thể thấy được sự độc ác và dã man của người Assyri. Vì thế, vua Emmanuel đến để “Ngài bẻ gẫy cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp… Mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị thiêu, làm mồi cho lửa” (9,3.4).

 

Bài Tin Mừng : “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta”. Lời ngôn sứ Isaia tiên báo thể hiện đầy đủ nơi Đức Giêsu nằm trong máng cỏ, như lời thiên thần loan báo cho các mục đồng : “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là niềm vui cho toàn dân : Hôm nay Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Những hình ảnh mà thánh Luca mô tả trong câu chuyện Chúa giáng sinh hôm nay nói lên niềm vui lớn lao cho nhân loại.

Trước hết là hình ảnh “Hoàng đế Augúttô” : “Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ” (Lc 2,1). Đó là hoàng đế Xêda Augúttô, một trong những hoàng đế nổi tiếng của đế quốc Rôma. Ông cai trị từ năm 30 trước CGS đến năm 14 sau CGS. Sau 3 năm lên ngôi, năm 27 trước CGS, ông băt thượng viện Rôma phong cho ông tước hiệu “Augúttô”, tiếng Hy Lạp là “Sebastos”, có nghĩa là “Đấng được tôn thờ”. Qua tước hiệu Augúttô, ông là người mà đòi làm Thiên Chúa. Trong khi đó Đức Giêsu là Thiên Chúa lại tự hạ làm “một trẻ thơ bọc tả nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Chúa giáng sinh để “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng… mà nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51.52).

Hình ảnh thứ hai là “những người chăn chiên” : “Trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần đứng bên họ” (2,8). Theo quan niệm thời đó, những trẻ chăn chiên được liệt vào hạng trộm cắp, hạng người đứng bên lề xã hội. Chính những người bị xã hội bỏ rơi, Chúa lại thương yêu : “Tôi báo cho anh em một tin vui mừng trọng đại”.

Hình ảnh thứ ba là “Chiếu chỉ kiểm tra dân số” : “Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số” (2,1). Kiểm tra dân số có hai mục đích : một là để thu thuế, hai là để thu quân, bắt lính. Năm thứ 6 sau CGS, người Do Thái đã nổi dậy chống lại cuộc kiểm tra và đã bị đàn áp đẫm máu. Chúa giáng sinh để bẻ gẫy ách thống trị, bóc lột và dập tắt lửa chiến tranh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (2,14).

Hình ảnh thứ tư là “Belem” : “Ông Giuse từ thành Nadarét lên thành Belem…để khai tên” (2,4). Belem có nghĩa là “Nhà bánh”. Không những Chúa Giêsu dùng quyền năng để làm cho tâm hồn người ta trở nên thánh thiện, tốt đẹp, hầu  loài người sống hạnh phúc với nhau, mà tự bản thân Chúa Giêsu còn hy sinh để trở thành “bánh”, “Bánh Thánh Thể” để hằng ngày nuôi sống, trợ lực loài người sống tốt, sống đẹp.

Hình ảnh thứ năm là Đức Mẹ và thánh Giuse. Đức Mẹ cũng chỉ là cô gái quê và thánh Giuse là bác thợ mộc, chẳng có một địa vị gì sang trọng trong xã hội. Chính dân làng Nadarét đã chê :“Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Maria sao ?…Và họ vấp ngã vì Người” (Mt 13,55.57).

       Câu chuyện Giáng sinh như gồm 2 phần : phần đầu là hang đá bóng tối, đau khổ; phần hai là vinh quang chiếu tỏa, thiên thần ca hát. Đúng như  lời ngôn sứ  Isaia trong bđ 1 : “Đoàn dân đang lần bước đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mùng” (Is 9,1-2).

 

Bài đọc 2 : Đêm nay Thiên Chúa thương loài người mà giáng trần, đêm nay Chúa Hài Nhi khó nghèo nằm trong máng cỏ, cốt để, như thánh Phaolô nói  : “đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11).

Chúa Giáng sinh cốt  để giúp con người làm cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng nội tâm, cuộc cách mạng ngay từ bản thân mình. Có thế, mới có thể lôi kéo người khác. Vậy, muốn đem Ánh Sáng của Chúa đến với từng người nơi thôn xóm, mình phải chan đầy Ánh Sáng của Chúa. Truyền giáo không chỉ nói về Chúa, mà quan trọng là sống về Chúa. Cám ơn Chúa đã làm người và đã ban ánh sáng cho loài người chúng con.

Linh mục Nguyễn Trung Thành