Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B
CN 11 TN NĂM B
13-6-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Sơn
GIÁO HUẤN SỐ 29
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Đâu là ý nghĩa của việc sống những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta trong ánh sáng đầy sức biến đổi của Tin Mừng? Chúng ta cần nêu dấu hỏi này vì tuổi trẻ không chỉ là một nguồn tự hào mà là một quà tặng của Thiên Chúa: “Tuổi trẻ là một ơn lành, một phúc hạnh”. Nó là một quà tặng mà chúng ta có thể phung phí cách lãng xẹt, hoặc đón nhận với lòng biết ơn và sống tận lực. Thiên Chúa là Đấng trao ban tuổi trẻ, và Ngài hoạt động trong đời sống của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ là một thời gian phúc hạnh cho người trẻ, và là một ân ban cho Giáo hội và cho thế giới. Nó là niềm vui, là một bài ca hy vọng và một sự chúc phúc. Việc sống hết mình những năm tuổi trẻ của chúng ta đòi phải biết nhìn thời gian này của cuộc đời như giá trị nơi chính nó, chứ không chỉ đơn thuần là một bước chuyển tiếp ngắn dẫn tới tuổi trưởng thành (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 134&135)
——————
CN 11 TN NĂM B
(Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34)
Nhật Bản cấm đạo
Nhân cơ hội nào các Giêsu hữu (dòng Tên) đến Đàng Trong (ĐT)? Có lẽ người ta dám nói: Nhật Bản cấm đạo Công giáo lại là nguyên nhân, cơ hội chính đưa các Giêsu hữu vào đất Chúa Nguyễn. Những lần cấm đạo ở Nhật do lệnh của của Phong Thần Tú Cát ngày 25-7-1587 và 9-12-1596, đặc biệt là của Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung ngày 14-2-1614, đã đẩy nhiều giáo hữu Nhật phải bỏ nước ra đi, và trục xuất mọi thừa sai, đa phần thuộc DT (Dòng Tên). Trong cuộc cấm đạo 1614, trừ 27 Giêsu hữu trốn ở lại Nhật, còn 96 Giêsu hữu khác phải rút về Áo Môn, Manila, Giáo hội Công giáo tại Nhật bắt đầu tàn tạ (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 17).
Cũng năm 1614, ông Fernandes da Costa, một thương gia BĐN (Bồ Đào Nha) từ Áo Môn đến ĐT, sau khi triều yết Chúa Nguyễn Phước Nguyên, được nhà Chúa chấp thuận điều ông thỉnh cầu: dành độc quyền thương mại cho người BĐN, không cho phép người Hà Lan đến buôn bán …
Nguyễn Phước Nguyên vừa lên thế quyền cha là Nguyễn Hoàng, muốn mở cửa thương mại với Áo Môn, hầu củng cố chính quyền non trẻ trước sức mạnh của Chúa Trịnh ở ĐN (Đàng Ngoài), nên sẵn sàng tiếp đón thương thuyền BĐN (Sđd, trang 17).
Đà Nẵng
Thế là ba Giêsu hữu được phái đến miền đất xa lạ ĐT là lm Francesco Buzomi, lm Diogo Carvalho và tu huynh Antonio Dias (Sđd, trang 19). Ngày 6-1-1615, tầu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ ĐT; sau 12 ngày tàu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18-1-1615…Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên loại “i-tờ”. Tuy thế, Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người (Sđd, trang 20).
Trước năm 1615, tại đây đã có người Công giáo, đó là một số Nhật kiều chạy trốn các cuộc cấm đạo ở Nhật. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, phái đoàn Buzomi bắt đầu đến ĐT, xem ra mục đích chính là để giúp Nhật kiều Công giáo… Sau khi các Giêsu hữu tiếp xúc với người Việt, nhận ra đây là cánh đồng truyền giáo phì nhiêu. Vì vậy, có lẽ ngay từ cuối năm 1615, phái đoàn Buzomi đã chuyển hướng: tích cực giới thiệu Tin Mừng với người Việt là chính (Sđd, trang 23).
Hài kịch
Trong thời kỳ ở Hội An, một hôm đi dạo ở bãi biển, thấy một bọn hát tuồng đang làm trò cho dân chúng, cha Buzomi dừng lại chứng kiến hài kịch: một con hát bước ra sân khấu với cái bụng độn rất to, theo sau là một con hát giắt một em nhỏ. Con hát bụng độn to hỏi em nhỏ: “Con nhỏ có muốn vào trong lòng Hòa Lang chăng?” Em nhỏ thưa: “có”. Tức thì con hát đứng bên tìm cách nhét em nhỏ vào trong cái bụng độn giữa tiếng cười của khán giả. Qua câu chuyện các cha hiểu người thông dịch đã dịch sai câu mời gọi người tân tòng nhận phép rửa (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở VN, tập I, trang 61).
Hạn hán
Mùa thu năm 1617 trời hạn hán. Các thầy sãi cho rằng thần phật nổi giận, vì dân chúng theo đạo mới. Dân chúng yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất các cha. Thuyền bị gió bão không thể về Áo Môn, phải trốn trong rừng hoang nước độc. Cha Buzomi bị bệnh nặng (Sđd, trang 62)
Quan Qui Nhơn
Quan phủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa có việc lên phủ Chúa, giúp đưa các cha về Qui Nhơn. Quan làm cho các cha một ngôi nhà ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các cha về nhà. Sau đó, quan làm sẵn cho các cha một nhà thờ, và 100 thanh niên khiêng tới dựng ở Nước Mặn. Từ năm 1618 đến 1620 ba cha Buzomi, Pina, Borri hoạt động ở Nước Mặn (Sđd, trang 63).
Câu chuyện truyền giáo những ngày đầu từ Đà Nẵng đến Qui Nhơn giống như Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Lời Chúa
Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm viết trong tập sách “Giải Nghĩa Lời Chúa Năm B” như sau: “Chúa nhật hôm nay đáng gọi là ngày phấn khởi và hy vọng. Bài đọc 1, sách ngôn sứ Êdêkien cho chúng ta thấy một nhánh cây đã được trồng và mọc lên trở thành cây bá hương oai lẫm. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe câu chuyện hạt giống gieo xuống đất âm thầm mọc lên một cách tự nhiên nhưng chắc chắn. Và nhất là chúng ta phải bỡ ngỡ khi thấy hạt cải nhỏ bé nhất trong mọi thứ hạt mà lớn cao đến nỗi ‘chim trời có thể nương dưới bóng nó” (Sđd, trang 311)
Bài đọc 2 : Đức cha viết : “Trong đoạn thư hôm nay, sau khi nhắc đến những gian truân thử thách xảy đến trong cuộc đời tông đồ, thánh Phaolô khẳng định lòng người luôn vững vàng. Người ý thức rõ rệt cuộc sống hiện nay là lưu đày, không phải vì nhiều đau khổ, nhưng vì đang đi trong đức tin, chưa được ở bên Chúa như sau này ở trên trời. Chỉ ngày nào ra khỏi thân xác, mới ra khỏi nơi lưu lạc, mới không còn bước di loạng choạng trong thứ ánh sáng nửa tối nửa sáng của đức tin,.. Do đó, không phải chỉ gặp thử thách nặng nề, con người mới rơi vào chốn lưu đày. Nhưng bản chất của cuộc đời hiện nay là thời gian như không thấy Thiên Chúa hành động và các sức lực tự nhiên trong vũ trụ như cứ xảy ra theo định luật của chúng” (Sđd, trang 318).
Xin Thánh Tâm Chúa giúp chúng ta luôn nhìn thấy ánh sáng hy vọng trong thử thách đau khổ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành