Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B


CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

20-6-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hà Lam

GIÁO HUẤN SỐ 30

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Thời của những giấc mơ và những quyết định

 Trong thời của Đức Giêsu, sự chuyển tiếp từ tuổi ấu thời là một bước quan trọng trong đời sống, người ta hân hoan ăn mừng. Khi Đức Giêsu cứu sống đứa con gái của người kia, Người nói về em là một “đứa trẻ” (Mc 5,39), nhưng rồi Người trực tiếp gọi em là “thiếu nữ” (Mc 5,41). “Hỡi thiếu nữ, hãy trỗi dậy (talitha cum)”, qua cách gọi này Người đặt cho em trách nhiệm nhiều hơn đối với đời sống, mở ra trước em cánh cửa của tuổi trẻ. “Tuổi trẻ, xét như một giai đoạn phát triển nhân cách, được đánh dấu bằng những ước mơ  có sức tạo đà vận động, bằng những mối tương quan đạt được tính nhất quán và sự quân bình ngày càng hơn, bằng những thử nghiệm, và bằng những chọn lựa dần dần hình thành nên một kế hoạch đời sống. Tại giai đoạn này trong đời, người trẻ, được mời gọi tiến tới mà không cắt đứt khỏi các gốc rễ của mình, được mời gọi tạo lập sự tự trị mà không rơi vào tình trạng cô lập”. (Tông huấn Đức Ki Hằng Sống, số 136 & 137).

——————

CN 12 TN NĂM B

(G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41)

Chúa nhật tuần sau ngày 27-6 là ngày tử đạo của thầy Tôma Toán, 76 tuổi. Thầy là người làng Cẩn Phán, Thái Bình. Thầy được sai về làm quản lý xứ Trung Linh. Trong xứ có ông lang Tư, vì ham tiền thường tố cáo những người có đạo. Ngày 16-12-1839, thầy bị bắt. Thầy chối đạo hai lần :

Lần thứ nhất, ngày 19-1-1840, bị đánh quá đau, thầy bước qua Thánh Giá, chối đạo. Được cha Hiển khuyên nhủ, thầy hối hận, xưng đạo lại. Lần thứ hai, ngày 18-4-1840, có hai người giáo dân, nghe xúi giục, đến khóc lóc xin thầy chối đạo, để họ được tha, trở về với gia đình. Thầy thương, thầy bước qua Thánh Giá chối đạo. Thầy được cha Đaminh Trạch khuyên nhủ, thầy xưng đạo lại.

Một hôm, viên quan nói khôi hài với lính : “Dẫn lão Toán ra đây để nó bước qua thập tự, kẻo nó quên”. Lần này, dù bị đánh dã man, thầy nhất quyết không bước qua Thánh Giá. Quan cho lột quần áo bắt phơi nắng phơi sương 13 ngày đêm, không cho ăn, bắt nhịn đói, bị đánh đòn. Thầy đói lả. Quan Nam Định cho dọn một mâm cơm,  thịt ngon rượu thơm. Thầy nói : “Ăn mà bỏ đạo, tôi không ăn”. Thầy bị giam thêm 5 ngày. Thầy chết đói ngày 27-6-1840.

Thầy Tôma Toán, tuyên bố: “Ăn bỏ đạo, tôi không ăn”. Câu đó đủ nói lên lòng thầy tin vào Chúa. Chẳng có gì bằng Chúa. Lời Chúa của ông Gióp và của các tông đồ cũng đặt Chúa lên trên tất cả.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách Gióp. Khi nghe tin bò và lừa bị dân Sơ-va cướp (G 1,14-15), lửa từ trời xuống thiêu rụi chiên dê và đầy tớ (G 1, 16), lạc đà bị người Can-đê bắt cướp (G 1,17), con trai và con gái đang ăn tiệc ở nhà anh cả bị cuồng phong làm sập nhà đè chết (G 1,18-19), ông Gióp liền xé áo sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,20).

Vợ ông mất đức tin mà xúi ông : “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (2,9). Nhưng ông đáp: “Cả bà cũng nói như mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao? Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (G 2,10).

Ba người bạn của ông Gióp tuy không ăn nói ngạo mạn, chê bai, nhưng “thấy nỗi đau khổ của ông quá lớn” (G 2,13).

Bài Tin Mừng: Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết: “Chúng ta được phép nghĩ rằng, đối với Marcô không những thái độ yên lặng của Thiên Chúa trong các đau khổ của loài người, đã là điều khó hiểu cho tâm trí chúng ta. Người còn khiến chúng ta khó hiểu hơn nữa khi Người để cho Con Một Người nằm chết đau thương trên thập giá. Nhưng chính khi trở nên khó hiểu hơn hết, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đuợc cái chìa khóa mở mầu nhiệm đau khổ ra. Người làm cho Con Một Người sống lại. Đức Giêsu Kitô tỉnh lại truyền lệnh cho các quyền lực đối con người. Người tỏ ra là Chúa để các môn đệ hoàn toàn tin tưởng. Biết được gió và biển phải vâng phục Người, từ nay họ không còn sợ chúng nữa. Những kẻ đã tin Người tử nạn –phục sinh, không còn sợ gì đau khổ nữa. Có thể họ vẫn chưa hiểu được vì sao Thiên Chúa lại như ngủ quên khi con cái loài người đang  khổ sở và lâm nguy. Nhưng biết rằng Người có toàn quyền trên mọi sự dữ, họ có thể đặt hết tin tưởng nơi Người.

Đó chính là bài học mà Marcô muốn đưa ra câu chuyện này. Và cũng vì vậy mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: các ngươi chưa có lòng tin sao? (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ B, trang 326-327).

Bài đọc 2: Bđ2 đọc thư thứ 2 của thánh Phaolô. Nhóm CGKPV giới thiệu về thư 2Cr như sau : “Sau khi rời Ê-phê-sô trong một hoàn cảnh khó khăn trầm trọng mà chúng ta không được rõ lắm, thánh Phao-lô tới Ma-kê-đô-ni-a, và chính tại đây, ngài được biết kết quả tốt đẹp của bức thư (2Cr 1,12 tt). Được tin này, ngài viết 2Cr vào cuối năm 57. Sau đó, ngài ghé qua Cô-rin-tô (Cv 20,1 tt; 2Cr 9,5; 12,14; 13.1.10), rồi trở về Giê-ru-sa-lem và bị bắt tại đây.

Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại tại đó hơn 18 tháng (Cv 18,1-18) là cuối năm 50 tới giữa năm 52 (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2515).

Qua đoạn thư chúng ta đọc trong bđ2, thánh Phao-lô đặt Chúa lên trên hết, Chúa là khuôn mẫu, là lẽ sống. Ngài viết : “Tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa” (2Cr 5,16).

Điều thôi thúc thánh Phao-lô sống là tình yêu Chúa : “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,14). Thầy Tôma Toán và các thánh Tông đồ đã sống như vậy.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành