Những Điều Thấy Và Không Thấy: Vai Trò Của Đức Tin Và Lý Trí Trong Việc Tìm Kiếm Sự Sống Ngoài Hành Tinh
WGPHN (04.7.2021) – Cùng với việc phát hành báo cáo được mong đợi của Bộ Quốc Phòng Mỹ về hiện tượng thiên văn không xác định (viết tắt là UAPs), câu hỏi về sự sống của những sinh vật thông minh ở ngoài hệ mặt trời của Trái Đất lại được mọi người chú ý trở lại.
“Loài người chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không?” Nhiều người đã suy gẫm tìm kiếm câu trả lời trong một thời gian dài, đặc biệt là những ai tò mò về những gì liên quan đến thần học và khoa học của nó.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, chỉ vài tháng sau khi khám phá ra Kepler-452b, hành tinh được gọi là “siêu Trái Đất” nằm cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng trong một vùng có thể sống được ở ngôi sao của nó. – Đức Giáo Hoàng Phanxicô được hỏi suy nghĩ của ngài về khả năng tồn tại sự sống thông minh ở những hành tinh khác.
Trả lời tạp chí tin tức Pháp, Paris Match, Đức Thánh Cha nói rằng: “Thành thật mà nói, tôi không biết trả lời ra sao. Trước khi khám phá ra Châu Mỹ, chúng ta nghĩ rằng nó không tồn tại, nhưng thực ra nó tồn tại. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong mọi trường hợp chúng ta nên bám vào những gì các nhà khoa học cho chúng ta biết, cho đến khi ý thức rằng Đấng Tạo Dựng vĩ đại hơn sự hiểu biết của chúng ta vô cùng vô tận.”
Trong khi khoa học và tôn giáo thường đối chọi lẫn nhau như những phe phái riêng biệt và không thể giao hòa, thì thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn ra lợi ích của một mối tương quan bổ trợ mà có thể dẫn nhân loại đi đến hiểu biết rõ hơn về những điều chưa biết.
“Khoa học có thể thanh lọc tôn giáo khỏi những sai lỗi và mê tín; tôn giáo có thể tẩy uế khoa học khỏi ngẫu tượng và những giá trị tuyệt đối giả tạo. Mỗi bên đều có thế kéo bên còn lại vào một thế giới rộng lớn hơn, một thế giới mà cả hai có thể phát triển hưng thịnh.” Ngài đã viết như vậy trong một lá thư năm 1988 gửi cho tu sĩ dòng Tên, cha George V. Coyne, cựu giám đốc của Đài Thiên Văn Vatican.
Điều này giải thích tại sao không nên ngạc nhiên khi thấy những nhà khoa học Công giáo, những người tích cực nghiên cứu về khả năng tồn tại sự sống thông minh ngoài trái đất.
Trong số họ phải kể tới tu sĩ dòng tên, cha José Gabriel Funes, một nhà thiên văn học và cựu giám đốc của Đài Thiên Văn Vatican, người dẫn đầu Dự Án OTHER, hợp thành từ những chữ cái đầu trong tiếng Tây Ban Nha của dòng chữ Otros mundos, Tierra, Humanidad y Espacio Remoto (Những thế giới khác, Trái Đất, Nhân loại và Không gian xa xôi).
Nói với hãng tin công giáo Catholic News Service qua Zoom từ Cordoba, Argentina ngày 10 tháng Sáu vừa qua, cha Funes cảnh báo rằng trong khi chủ đề về sự sống thông minh ngoài trái đất có thể khuyến khích những cuộc đàm luận hào hứng và thú vị, nó có thể xoay chiều hướng vào lĩnh vực của thuyết âm mưu mà lạc xa nền khoa học chân chính.
Cha Funes nói rằng: “Chúng ta cần tập trung vào chủ đề bằng một cách thức chuyên nghiệp. Và khi nói tới chuyên nghiệp, ý tôi là bằng một cách thức mang tính học thuật.”
Cha giải thích: Dự Án OTHER quy tụ các nhà thiên văn học, sinh vật học, triết gia và thần học gia lại với nhau tại Đại học Công giáo Cordoba để không chỉ nghiên cứu về khả năng tồn tại của sự sống thông minh ngoài trái đất, mà còn nghiên cứu về tác động có thể xảy ra đối với sự hiểu biết về nhân loại dưới góc nhìn của khoa học, triết học và tôn giáo.
Khả năng tồn tại của chúng làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến tôn giáo, bao gồm cả những câu hỏi về mầu nhiệm Nhập Thể, trong đó Ngôi Lời đảm nhận bản tính nhân loại và vì vậy, như Giáo lý của Hội thánh Công giáo diễn tả, Đức Giêsu vừa là “Thiên Chúa thật vừa là người thật.”
Cha Funes cũng lưu ý rằng, dù là mầu nhiệm Nhập Thể chỉ xảy ra trên Địa cầu hoặc được tái diễn lại ở những hành tinh khác với sự sống thông minh, đều là điều được các nhà thần học suy tư hàng thập kỷ, trong đó có cả thần học gia danh tiếng dòng Tên là Karl Rahner, người đã qua đời năm 1984.
Cha Funes nói thêm: Dù sao đi nữa, biến cố nhập thể của Chúa Kitô đã là và mãi là một sự kiện “duy nhất.”
“Tôi không phải một thần học gia, nhưng kết luận của tôi là chỉ một Mầu nhiệm Nhập Thể là quá đủ,” cha Funes nói với hãng tin CNS, “Chúng ta không cần làm cho các vấn đề phức tạp hơn bản chất của chúng. Đã là khó để hiểu một Mầu nhiệm Nhập Thể rồi, nhưng đây chỉ là cách suy nghĩ của cá nhân tôi.”
Một Linh mục dòng Đa-minh, cha Thomas F. O’Meara, giáo sư thần học tại đại học Notre Dame đã nghỉ hưu, và cũng là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Vast Universe: Extraterrestrials and Christian Revelation” (Vũ trụ Bao la: Những Sự sống ngoài Trái Đất và Mạc Khải Kitô giáo) cùng quan điểm với cha Funes về Mầu nhiệm Nhập Thể, đã tranh luận rằng “Mầu nhiệm Nhập Thể không đòi buộc Đức Giêsu cũng phải nhập thể ở những hành tinh khác.”
Về chuyện có tồn tại sự sống ngoài trái đất hay không, cha O’Meara đã nói với hãng tin CNS ngày 14 tháng Sáu rằng thật ra có hàng tỉ hành tinh rất có thể có cả sự sống và sự sống thông minh.
Cha nói thêm, niềm tin ấy có thể được thánh Tôma Aquinô, vị học giả vĩ đại nhất của Giáo hội ủng hộ.
Cha O’Meara giải thích “Nhãn quan của Thánh Tôma Aquinô về thế giới đó là Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới hết sức rộng lớn và đa dạng.”
Cha nói: “Tất nhiên, Aquinô không biết thế giới rộng lớn và đa dạng đến mức nào, nhưng đó là những gì Aquinô chỉ quan sát từ hoa cỏ, cá, những vì sao và những thứ tương tự. Và Aquinô nghĩ rằng bởi vì ý nghĩa thiết yếu của vũ trụ vạn vật là biểu dương sự phong phú dồi dào của Thiên Chúa.”
Cả những người không tôn giáo cũng tin rằng hầu như có tồn tại sự sống ngoài trái đất, Anders Sandberg là một trong số đó, ông là thành viên nghiên cứu thâm niên tại học viện Tương Lai của Nhân Loại (Future of Humanity Institute) tại Đại học Oxford.
Trả lời hãng tin CNS ngày 9 tháng Sáu, Sandberg nói rằng thật là dễ dàng để tin rằng sự sống tồn tại trên Địa Cầu chỉ là “một cựu mầu nhiệm.” Tuy nhiên, cũng giống như cha O’Meara, một nhà nghiên cứu người Thụy Điển tin rằng khả năng người trái đất tồn tại đơn độc trong vũ trụ là rất thấp.
Ông nói: “Rất có thể chúng ta không đơn độc bởi vì vũ trụ dường như là vô tận. Chúng ta chưa hề tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy rằng có một đường rìa hay đường vòng nào của vũ trụ.”
Tuy nhiên, khi nhiều người nhìn nhận bản báo cáo của Lầu Năm Góc sắp đưa ra như bằng chứng về sự tồn tại của người ngoài hành tinh, Sandberg nói với hãng tin CNS rằng ngay lập tức đưa ra kết luận dựa trên bằng chứng không thuyết phục, như là những tấm hình chụp không rõ nét, là “một sai lầm”, và với dòng chảy thông tin không ngớt về hiện tượng không thể lý giải sẽ cần tiếp nhận “với một chút cẩn trọng.”
Ông nói: “Thế giới rộng lớn, những sự tình cờ với xác suất 1 trên tỷ tỷ như vậy xảy ra hàng tháng và được ghi lại toàn bộ.”
Thay vì cho rằng “một đốm lạ” trên bầu trời là bằng chứng của sự sống ngoài hành tinh, Sandberg gợi ý mọi người có thể nói “Trên thế giới, có nhiều sự lạ hơn những gì tôi mong đợi.”
“Sự khiêm tốn trí tuệ là một điều thật hữu dụng,” ông nói thêm.
Tác giả: Junno Arocho Esteves
Chuyển ngữ: Nguyễn Tro Bụi
Từ: catholicnews.com (22.6.2021)
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org