Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm B


CN 15 TN NĂM B

11-7-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Cường

GIÁO HUẤN SỐ 33

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Thời của những giấc mơ và những quyết định (tt)

Một số người trẻ có thể không thích giai đoạn này trong đời sống, vì họ muốn tiếp tục làm trẻ con hay muốn kéo dài vô tận tuổi thiếu niên của mình, thoái thác việc phải đưa ra những quyết định. “Nội sợ tính dứt khoát, như thế, sẽ làm phát sinh một loại tê liệt khiến người ta không thể quyết định. Nhưng tuổi trẻ không thể bị đình hoãn. Nó là giai đoạn của những chọn lựa, và ở đây có hàm chứa sự thú vị cũng như trách nhiệm lớn nhất của nó. Người trẻ đưa ra các quyết định trong nghề nghiệp, trong các lãnh vực chính trị và xã hội, và trong những mặt căn bản khác nữa vốn định hình cuộc đời của họ”. Họ cũng đưa ra các quyết định về tình yêu, về việc chọn bạn đời và thành lập một gia đình. Chúng ta sẽ xem xét những vấn đề này kỹ hơn trong các chương cuối, khi đề cập đến các ơn gọi cá nhân và việc phân định chúng (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 140).

———–

CN 15 TN NĂM B

(Am 7,12-15; Ep 1,3-14 (1,3-10a; Mc 6,7-13)

Hội Thầy Giảng.

Ở xứ Nam, cha Buzomi cũng đã dùng một số giáo dân làm thầy giảng để giúp đỡ các cha trong công cuộc truyền giáo. Cha Đắc Lộ cũng theo gương đó, nhưng có công hơn. Cha đã tổ chức thành một đoàn thể tương tự và có thể coi là đi tiên phong cho hội dòng triều ngày nay với 3 điều tu thệ và hoạt động truyền giáo trong thế tục, việc huấn luyện cũng đầy đủ hơn. Đặc biệt hơn nữa, tổ chức thầy giảng còn là nguồn gốc tổ chức Nhà Đức Chúa Trời, một tổ chức đặc biệt và duy nhất của Giáo hội Việt Nam đã bao lần được Tòa Thánh đề cao và khuyến khích, không nói đến địa vị của nó trong việc thành lập Hàng Giáo Sĩ bản quốc sau này, vì tất cả các linh mục Việt Nam đầu tiên đều được chọn trong số các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ còn muốn đòi hỏi họ phải là những người không vướng trở gia đình. Nó là điều kiện cần thiết để lúc nào cũng có thể sống bên các cha và có thể hy sinh tất cả cho hoạt động truyền giáo (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, q.1, trang 121).

Tháng 7-1643, khi nghe tin có tầu Macao tới, Linh mục Rhodes đã về Đà Nẵng để nghe ngóng tin tức và người ta khuyên ông là không nên hoạt đông lén lút lâu năm, mà nên về Macao, rồi tìm cách trở lại Đàng Trong sẽ an toàn hơn cho ông và cho các giáo hữu. Ông cho như thế là chí lý. Nhưng trước khi rời Đàng Trong, ông đã tìm cách giao trách nhiệm cho 10 thanh niên trợ lý của ông tiếp tục công việc. Ông viết: “Tôi nghe theo ý kiến của họ. Trước khi ra đi, tôi thấy là đến lúc ràng buộc 10 thầy giảng của tôi bằng một lời tuyên khấn như các thầy giảng Đàng Ngoài đã làm khi tôi từ giã họ. Chúng tôi chọn ngày lễ của Tổ phụ vinh hiển của chúng tôi chính là Thánh Inhatiô để cử hành nghi thức này. Mười tôi tớ của Thiên Chúa đã xuất hiện công khai ở nhà thờ đầy tín hữu, họ nằm rạp xuống trước bàn thờ, tay cầm nến trắng, đoạn đọc lời tuyên khấn trọn đời phục vụ giáo hội, không bao giờ cưới vợ và vâng lời các cha Dòng Tên tới truyền giáo trong xứ sở của họ hay những người các cha gửi đến thay thế mình (…). Sau đó tôi cho họ chỉ thị phải làm gì  khi tôi vắng mặt. Tôi đặt Inhatio làm bề trên và mọi người đều đồng ý, vì ông ấy là cao niên nhất, có khả năng nhất và, thực ra, rất đức độ cũng như tất cả mọi người. Chúng tôi chia họ làm hai nhóm: nhóm thứ nhất phải đi các tỉnh phía Bắc…, Inhatio là người cầm đầu và đem Anrê theo; nhóm khác phái đi các tỉnh phía Nam..” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, tập I, trang 79).

Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật hôm nay cho ta biết Thiên Chúa chọn các cộng tác viên của Chúa, Trong bài đọc 1 Thiên Chúa chọn ngôn sứ Amos,  trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ, và trong bài đọc 2 Thiên Chúa chọn thánh Phaolô.

Bài đọc 1 (Am 7,12-15). Ngôn sứ Amos là người miền Nam, xứ Giu-đa. Ông là người chăn chiên và trồng cây sung.

Thiên Chúa sai ông đi rao giảng trong thời vua Giê-rô-bô-am II (783-743). Ông mạnh mẽ chống đối những lạm dụng và thiếu sót đạo đức tràn lan ở miền Bắc, đặc biệt nhấn mạnh đến lòng thành thật thờ phượng, không giả dối trước mắt Thiên Chúa. Ông báo trước vua Giê-rô-bô-am bị ám sát và dân Ít-ra-en bị lưu đày. Ông loan báo tội của tư tế A-ma-ri-a với đền Bê-then và bị truất khỏi Ít-ra-en (cha Kevin OFM, Những Bài Đọc Chúa Nhật Năm B, trang 308).

Bài Tin Mừng (Mc 6,7-13): Trong BTM, Chúa Giêsu  chọn 12 tông đồ. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Đức Giê-su đã lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng với quyền trừ quỉ. Họ đã ở với Chúa từ khi đó. Sách Tin Mừng không cho ta biết thời gian bao lâu. Người đã đưa họ về quê, cho họ chứng kiến thân nhân, người ‘đồng hương’ đối xử với Người như thế nào. Người đã nói cho họ biết thực tế phũ phàng trong thân phận ngôn sứ. Rời Na-da-rét, Người tiếp tục đi các làng chung quanh mà rao giảng, không để ‘kinh nghiệm Na-da-rét’ tác động trên đường sứ mạng của mình. Bấy giờ Người sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng với quyền trừ quỉ…

 Ta có thể thắc mắc sao Người không sai các ông đi trong lúc hứng khởi, khi Người được đón tiếp, được đám đông chen lấn chung quanh thán phục ? Tại sao lại chờ lãnh gáo nước lạnh của làng quê Na-da-rét rồi mới sai các ông đi ? Người huấn luyện các ông bằng thực tế. Phải để cho các ông đứng cả hai chân trong thực tế sứ mạng rao giảng, như các ngôn sứ, rồi sai đi để biết ‘thắng không kiêu, bại không nản’. Ngôn sứ I-sai-a được sai đi…nói với đá (Is 6,1-10), ngôn sứ Giê-rê-mi-a đươc sai đi để ‘nên cột sắt thành đồng chống lại cả xứ’ (Gr 1,18-19). Ra đi là vì được sai đi, chứ không phải vì mong đưc đón tiếp, được hoan hô, được công kênh lên như siêu sao bóng đá sau khi đoạt cúp…

 Tại sao Người lại sai các ông đi ‘từng hai người một’ không có sách Tin Mừng nào giải thích tại sao… Trên phương diện con người, chúng ta có thể nhận ra lợi ích như câu châm ngôn Việt Nam nói ‘chị ngã em nâng’. Có bạn đồng hành trên đường dài là nhu cầu tự nhiên của phận người mỏng manh. Nhưng nhìn vào cách hành xử của chính Đức Giê-su thì có lẽ lý do sâu xa hơn là chiều kích cộng đồng ơn cứu độ. Tội lỗi đã phá hủy tình huynh đệ (St 11,1-9). Ơn cứu độ tái lập tình huynh đệ. Đấng Cứu Độ trần gian dạy các môn đệ sống tình anh em khi quây quần bên Người cũng như khi thi hành sứ mạng.

 Người ban cho các ông quyền trừ quỉ. Quỉ là kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người… Chính vì thế, mà việc đầu tiên Đức Ki-tô làm là chiến thắng Xa-tan trong hoang địa, ngay sào huyệt của nó. Và ngày đầu tiên Người rao giảng trong hội đường thì nó đã bù lu bù loa phá đám và Người đã xua đuổi nó. Loan báo Tin Mừng là xua đuổi Xa-tan. Người ban cho họ quyền trừ quỉ là để họ loan báo Tin Mừng…

Những điều Người chỉ thị cho các ông đáng chúng ta nghiền gẫm, vì vẫn có giá trị cho chúng ta. Trước hết là sự khó nghèo, đơn sơ, phó thác…Thật là thanh thoát, nhẹ nhàng. Nhưng cũng thật là bấp bênh, vì ngoài một bộ quần áo dính da, cây gậy và đôi dép để đi trên những con đường sỏi đá gập ghềnh, lên núi xuống đèo, ở cái xứ đá nhiều hơn đất, rồi núi nhiều hơn đồng bằng này, chẳng có gì bảo đảm cho cái dạ dày.

 Thứ đến là sự tự do khi được tiếp đón cũng như khi bị khước từ…Vào nhà nào mà người ta tiếp đón  thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Người đi rao giảng không tìm gì cho mình cả, miễn là có nơi để ngồi mà rao giảng, và người khác có thể tới mà nghe thì đủ rồi. Ngược lại, nơi nào không ai tiếp đón , không ai thèm nghe thì cứ đi nơi khác, nhưng khi đi ra thì giũ bụi chân tỏ ý phản đối. Đó là lời ‘cuối cùng’ để nói lên rằng chúng tôi đã đến đây rao giảng cho anh em, anh em không đón nhận thì sau này đừng trách chúng tôi…(Tĩnh Tâm Với Sách TM Mác-cô, trang 98-101).

Bài đọc 2  (Ep 1,3-14) : Trong bđ2, Thiên Chúa chọn thánh Phaolô. Thánh Phao-lô đi rao giảng thành phố Ê-phê-sô, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, từ năm 54 đến năm 57 sCN. Nhiều người đã tin theo Chúa, đến nỗi ông Đê-mết-tri-ô, người thợ bạc, làm tượng nữ thần Ác-mê-ni. Ông sợ mất việc, xúi các đồng nghiệp nổi lên chống đối (Cv 19,23-20,1). Thư Êphêsô được ngài viết tại Rôma, khuyến khích cộng đoàn trung thành với đức tin.

Bđ2 là một thánh thi tạ ơn. Nhóm CGKPV viết: “Trong các câu 3-14 chỉ là một câu duy nhất. Chủ từ là Chúa Cha, Đấng thực hiện chương trình cứu độ đã có từ đời đời. Người đã thực hiện trong và nhờ Chúa Ki-tô, đó là ơn được tuyển chọn, ơn được tiền định làm nghĩa tử, ơn được biết mầu nhiệm Thiên Chúa, được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa và ơn Chúa Thánh Thần” (Kinh Thánh năm 2011, trang 2593).

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã sai các nhà truyền giáo đến đem đức tin cho chúng ta, và biết ơn tổ tiên ông bà gia đình chăm sóc đức tin cho chúng ta. Nhất là trải qua biết bao thử thách, Chúa đã che chở, nâng đỡ để chúng ta vững đức tin. Xin Chúa cũng giúp chúng ta mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi, lời Chúa sai đi.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành