Người Giáo Dân Tham Gia Trong Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
Mục Lục Bài Viết
1. Đôi dòng dẫn nhập
Từ sau Công đồng Vatican II và nhất là trong thời gian gần đây, không ít lần các Đấng chủ chăn Giáo Hội lên tiếng mời gọi, hết thảy mọi Kitô hữu hãy có bổn phận tham gia vào Sứ vụ Loan báo Tin mừng. Vì ý thức được rằng, Truyền giáo chính là bản chất của Giáo Hội và nó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đáp lại trước lời kêu gọi khẩn trương ấy, người ta thấy được một số biểu hiện từ các thành phần Dân Chúa, nhiều nhân sự đã nỗ lực thực thi trong vài lãnh vực để nói lên nhận thức gánh vác Sứ mệnh của mình. Ví dụ tại Giáo hội Pháp, từ năm 2006 với việc xuất hiện cộng đoàn Talenthéo, vừa phụ giúp Linh mục quản xứ công tác Mục vụ, vừa chuyên tâm lo việc Loan báo Tin mừng (LBTM). Một điều hiển nhiên khác là khi chứng kiến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo khắp nơi cũng đang tích cực thể hiện nhằm phát huy tính năng thuộc cơ chế tổ chức này. Song song với những hoạt động mang tính công vụ, lãnh vực truyền thông đại chúng cũng tận dụng cao độ những phương tiện thời đại mà góp phần không nhỏ cho mục tiêu trọng yếu của Giáo Hội là đem Tin mừng Chúa Kitô đến mọi dân nước.
Hoàn cảnh tại đất nước Việt Nam chúng ta, dường như cũng đang hòa nhập ý hướng chung với Giáo Hội toàn cầu. Qua những lời thúc đẩy tha thiết của các Vị Chủ chăn, các khóa hội thảo chuyên đề thường kỳ, vài nơi còn đang ra sức thực nghiệm phương thức mới v.v… đã làm minh chứng thực tiễn. Thêm vào đó, ngoài một số báo cáo đánh giá tiến trình thực hiện đang thuận lợi, còn có nhiều ý kiến đề xuất cho phương hướng sắp tới, vài bài viết tham luận cũng thẳng thắn phê bình những ù lì, thiếu sót trong phong trào thực thi Sứ vụ, xem ra đang kém hiệu quả. Mọi nỗ lực đó đã phản ảnh nét tiêu biểu đồng chung sức của Giáo hội Việt Nam để đóng góp cho Sứ mạng bất ly này.
Tuy nhiên, nếu quan sát trên lượng người ý thức và đang phục vụ vì công cuộc LBTM thì có vẻ thăng tiến, nhưng nhìn theo tỷ lệ nhân lực thấu hiểu và hành sự rồi tính trên tổng số tín hữu đang có, thì chưa bao giờ người ta thấy khả quan nếu không muốn nói là suy thoái. Điều này dẫn đến mối ưu tư cơ bản, muốn đáp lại chủ trương công việc như vậy thì làm sao để thu hút có nhiều thành phần hưởng ứng, lại còn nghĩ đến sự phân khúc tùy theo khả năng từng người cho phù hợp. Tâm ý Bài soạn thảo là đóng góp được điều gì với Cộng đồng Dân Chúa trên quê hương bằng một số bước đi mang nét thực tiễn, hầu đáp lại sự kêu mời tha thiết từ Giáo Hội. Vấn đề cốt yếu vẫn là mong mỏi càng có thêm nhiều nhân sự nhận thức được tầm quan trọng và sẵn lòng dấn bước vì Sứ vụ LBTM.
2. Lược qua bối cảnh nhân sự
Một nhận xét thẳng thắn khi đặt ra câu hỏi, nếu như khẩn thiết hơn nữa để kêu gọi cộng đồng Tín hữu tích cực tham gia vào Sứ vụ, đồng thời cũng phát họa những phương thức thực hành đứng đắn, hiệu quả đáng thuyết phục, thì liệu sẽ có ai tích cực hưởng ứng thêm không? Xin chớ vội trả lời là không. Ở phương trời xa xôi nào đó, ví dụ như Châu Âu, thì có thể nói đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu phục con người gắn bó với Sứ vụ, nhưng tại Việt Nam thì chưa hẳn là hiếm cơ hội đến vậy. Việt Nam tuy có chịu ảnh hưởng bởi những nền văn hóa do đô hộ, nhưng tính hào phóng vì công ích thì dường như chẳng hề bị lai căng bởi bản chất an phận trục lợi như người xứ khác. Dẫu rằng không thể chối cãi, động lực xã thân cho đại sự và cộng đồng đôi khi chỉ vì muốn được tiếng thơm, nhưng những bậc anh hào tận trung duy chỉ phụng sự vì lý tưởng cao đẹp thì đếm ra cũng không ít. Trong mọi Họ đạo trên quê hương nước Việt, dù những Họ đạo được xem là kém cõi nhất, người ta vẫn có thể tìm thấy nơi đó còn những kẻ đầy thiện nguyện, thường xuyên ra sức đóng góp thật tích cực để xây dựng cộng đồng, phục vụ sinh hoạt mục vụ Giáo xứ.
Vừa rồi là đề cập về nét dân tộc tính, liên quan đến đặc điểm hiệp nghĩa trong việc dấn thân của thành phần Dân Chúa tại Việt Nam. Chúng ta cũng cần liên tưởng tới trường hợp, do lòng yêu thương của Thiên Chúa, mà một số người nhận được những Ơn gọi đặc biệt để dâng trọn tâm tình phụng sự Giáo Hội trong một lãnh vực nào đó. Cũng nên lưu ý đến một khía cạnh đặc thù về Tín lý Đạo Công giáo, Thiên Chúa luôn để cho con người có tự do lựa chọn quyết định của mình, dù là được tác động bởi Tiếng gọi thiêng liêng hoặc ngay cả khi được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự tự do của con người vẫn được tôn trọng bởi Đấng tạo dựng nên họ[1]. Giới hữu trách trong Giáo Hội cũng cần ý thức bảo toàn bản chất tự do tốt lành của nhóm nhân sự này, đừng để nguy cơ cám dỗ trần thế khiến cho đánh mất Ơn gọi nơi họ. Ngoài ra, sự huyền diệu của Ý định Quan phòng còn đòi hỏi những Vị có Thừa tác giáo huấn phải ý thức bổn phận dưỡng nuôi, phát huy Ơn gọi ấy cho đối tượng tha nhân, mà trong sự an bài nào đó họ được tiếp cận với mình. Ôn lại hình ảnh Chân phước Charles de Foucauld trong tương quan với Cha Huvelain là một thí dụ điển hình. Như thế, việc ý thức quan sát Ơn gọi nơi các thành phần nhân sự và tinh thần chuẩn bị tác động đến họ là phần nào đóng góp cho Sứ vụ được đòi hỏi ở giới Giáo sĩ.
Sau cùng là hướng quan tâm đến nhóm anh chị cựu Tu sĩ, vì hoàn cảnh đưa đẩy nào đó mà nay họ không còn tiếp tục con đường tu trì nhưng đang sống trong bổn phận trần thế. Gợi lại câu truyện Cựu ước, ông Mô-sê do tình cờ được trải qua một thời kỳ sống trong cung điện Ai Cập mà nhờ đó, sau này khi dẫn dắt đoàn Dân Chúa, Ông đã phát huy ngoạn mục vai trò lãnh đạo của mình. Các anh chị vừa nói, họ còn ít nhiều mang trong mình những tâm tình dấn thân, đồng thời cũng chứa đựng một số tài năng, kiến thức nhất định để có thể sẵn sàng cống hiến cho Giáo Hội. Qua sự kiện các cựu Chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse thành lập nhóm Ex Luro và nhóm này đã hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực để giúp ích cho Tổng Giáo phận TP HCM, đây quả là một minh chứng hùng hồn đáng ghi nhận.
Với nhận định tình hình nhân sự như trên, ước vọng nội dung là muốn triển khai phương hướng hoạt động nhằm mang đến hiệu quả tốt lành cho công cuộc LBTM tại Việt Nam, nhất là đặc biệt quan tâm đến thành phần Giáo dân. Cụ thể bằng cách gì và theo định hướng nào, các Đấng bậc mang trọng trách coi sóc cộng đồng Dân Chúa và những Kẻ Được Gọi một cách đặc biệt cùng nhau sát cánh, đóng góp khả năng để thực thi gầy dựng, có thể tận dụng những phương thức thích hợp nhằm khai thác nguồn nhân lực phong phú tại xứ sở. Từ đó tạo cho nhiều thành phần tín hữu trong Giáo Hội có được điều kiện thi hành Ý định Thiên Chúa là “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người” (Mt 28, 19)
Bài soạn thảo được trình bày dưới đây không đặt trọng tâm về phân tích bối cảnh hoạt động LBTM tại Giáo Hội Việt Nam hoặc có chủ ý nêu ra vài ý tưởng Thần học Truyền giáo, mà chỉ thiên về ưu tư đến phương cách, sao cho, trong thành phần Giáo dân có thêm nhiều ý thức hơn và những cơ hội để chung tay góp sức vào Sứ vụ Loan báo Tin mừng trên quê hương. Đôi chỗ nội dung bài viết buộc lòng phản ảnh về vài tồn động làm ngăn trở việc thi hành Sứ vụ thì mong rằng, độc giả xem như chỉ là trong khuôn khổ gợi ý xây dựng, vì khi quan sát cục bộ thường mang nét tương đối và chủ quan, nơi này biểu hiện như vậy nhưng chưa hẳn nơi khác đã là như thế.
3. Lời kêu gọi
Kính thưa Quý vị, là những Kitô hữu Giáo dân thân mến,
Với vai trò chuyên trách vì Sứ vụ Loan báo Tin mừng của Giáo Hội, chúng tôi mong ước được thưa chuyện cùng Quý vị về một chuyên đề mà Giáo Hội luôn tha thiết mời gọi hết thảy mọi Tín hữu hãy tích cực tham gia vào, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi ghi nhận một số Quý vị có dịp tham khảo qua vài văn kiện thuộc đề tài LBTM và đã cảm nhận được tính cấp bách của Sứ vụ. Những Vị chưa từng tiếp cận với nội dung ấy thì xin coi đây là cơ hội, để đón nhận Ơn gọi đặc biệt hầu các bạn khởi sự tìm hiểu về hoài bảo của Giáo Hội, mà cũng chính là Ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa hằng mong mỏi nơi chúng ta. Để bày tỏ thiện ý động viên Quý vị đáp lời kêu mời từ Giáo Hội, đồng thời cũng ao ước hãy đồng hành cùng với chúng tôi qua việc dâng hiến cho Sứ vụ LBTM, xin được mạn phép mượn hình ảnh sau đây để diễn đạt ý tưởng mà chúng tôi có nhã ý trao đổi cùng Quý vị.
Lấy bối cảnh hồi Chiến tranh thế giới II, khi Đồng minh tiến hành đem quân vào đất Pháp thì chọn ra 5 bãi biển để đổ bộ, trong số đó có bãi Omaha là chịu thiệt hại về quân số nặng nề nhất. Ngày nay khi đến đấy, người ta thấy còn dựng tấm bia ghi dòng chữ: “Nơi này vào ngày 6-6-1944, đã có hơn 3000 binh sĩ Đồng minh phải chịu thiệt mạng. Họ đã từ giã quê hương, người thân, bạn bè và cuộc sống thân quen để đến đây mà vĩnh viễn nằm xuống. Bởi vì đối với họ, thi hành bổn phận là điều cần vượt trên tất cả”.
Vâng thưa Quý vị, chúng ta sẽ cùng nhau mang tâm nguyện gánh lấy cái bổn phận theo cách thiêng liêng cao cả ấy để gắn kết vào cuộc sống. Không phải vì một cuộc chiến vô nghĩa nào đó, nhưng là liên quan đến Sứ vụ cao cả mà Thầy Chí Thánh chúng ta nhắn nhủ lại bằng những lời thân thiết cuối cùng trước khi Ngài Về Trời. Xuất phát từ Tình yêu nơi Thiên Chúa, chúng ta ý thức đến bổn phận, chính là lo cho cái Định mệnh đời đời của tha nhân, xin được dẫn chứng bằng phát biểu của Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio, Ngài viết: “Chúng ta không thể yên lòng khi nghĩ về hàng triệu anh chị em mình, cũng được cứu chuộc bởi máu Chúa Kitô, nhưng họ vẫn thờ ơ với tình yêu Thiên Chúa. Đối với mỗi Kitô hữu cũng như trong toàn Giáo hội, công cuộc Truyền giáo phải đặt lên vị trí hàng đầu, vì nó hệ lụy tới định mệnh đời đời của con người đồng thời cũng là cách đáp lại Ý định nhiệm mầu và Lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 86 ).
Tùy theo Tiếng gọi riêng nơi từng người mà dẫn dắt chúng ta ra sức cống hiến theo nhiều hình thức khác nhau, ở cấp độ khác nhau, nhưng không thể thiếu đi đặc tính hy sinh trong đó. Vì song hành với thành ý là phải có những hy sinh kèm theo thì kết cục từ bổn phận ấy mới toát ra vẻ đẹp hoàn mỹ để lưu truyền lại cho muôn thế hệ. Nếu may mắn đón nhận được những tâm ý phúc đáp từ Quý vị, do tác động bởi một Tiếng gọi huyền siêu, khi xem qua nội dung này mà Quý vị cảm nhận được sự dấy lên từ chốn thâm sâu tâm hồn một nhiệt huyết để đi đến thiện chí theo đuổi, là sẵn sàng dấn bước vì Sứ vụ LBTM. Thì trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi hân hạnh được trao đổi cùng Quý vị một số định hướng cụ thể. Như thế mọi ý nghĩ chân thành của chúng ta sẽ cùng hòa nhập với các việc làm thiết thực từ nhiều thành phần Dân Chúa, hầu mang lại hoa trái tốt lành như lòng mong đợi của Giáo Hội, là phát huy mạnh mẽ bản chất Truyền giáo của mình.
4. Vạn sự khởi đầu nan
Không ai có thể vô ý khi nghĩ rằng, bổn phận phải chu toàn đối với gia đình, vì lý do gì đó, có thể châm chước để trở nên giảm nhẹ hoặc giản lược bớt. Ơn gọi đời sống gia đình, nuôi dạy con cái từng được huấn quyền Giáo Hội khẳng định, đó là việc tham dự vào sự tiếp diễn Công trình Tạo dựng của Thiên Chúa. Tuy nhiên muốn hoàn thiện quá trình dài của đời sống phấn đấu này thì sức người thôi chưa hẳn mang lại kết quả mỹ mãn. Ông bà chúng ta từng trải đã để lại câu tục ngữ: Sinh con ắt khó sinh lòng. Bền vững hôn nhân, trao ban hạnh phúc và thành đạt con cái, chắc hẳn còn phải trông cậy nhiều vào Ơn Chúa. Nếu suy nghĩ theo cách thông thường, đương nhiên là chín chắn, để có được Ơn Chúa thì chúng ta cần sống đạo qui củ, siêng năng cầu nguyện, thực thi bác ái… Nhưng đối với người Kitô hữu sốt sắng và có nhận thức vượt trội hơn thì họ còn liên tưởng đến lời dạy của Chúa Kitô: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6, 38). Đây cũng là ngụ ý dẫn nhập của bài viết, cái mà bạn có thể cho đi thì không điều gì cao trọng, xứng đáng hơn cho bằng quan tâm đến Phần rỗi tha nhân, tức dấn thân vì Sứ vụ LBTM. Tuy nhiên đây là một hoạt động đòi hỏi nhiều hy sinh và cống hiến. Vậy thì phải cho đi bao nhiêu là vừa, mà cũng đừng thái quá để khiến phải đánh mất cái trách nhiệm tất yếu đối với gia đình ? Câu trả lời luôn là mơ hồ vì hoàn cảnh của mỗi cá nhân quả thật không ai giống ai cả. Vấn đề khá nan giải này từng hiện hữu không ít nơi những Kitô hữu, tự bản thân họ đôi lúc cũng có chí hướng phục vụ cách tận tình, nhưng khi tiếp cận vào thực tế thì khó tránh khỏi nhiều sự cố éo le đáng tiếc đưa đến.
Phần mô tả bên trên là đặt hướng nhìn theo đối tượng cá thể mang tính nội vi, nay đến phần đề cập các tác động ngoại vi. Nhiều thống kê được tiến hành cho thấy, khi so sánh với nhiều xã hội ở những xứ khác, người ta thường đi đến kết luận bằng phát biểu như sau: Giáo hội Việt Nam giữ đạo truyền thống nề nếp thì khả quan hơn so với các nơi, nhưng lòng nhiệt huyết Truyền giáo tại xứ này thì tỏ ra trì trệ khá đặc trưng. Dù đứng trước lời kêu gọi khẩn thiết của các Vị Chủ chăn, thì đối lại trong thân phận Giáo dân, cũng thấy không ít những kẻ vẫn còn hoang mang. Họ thường có cách tự nhủ, mình đang bị thôi thúc để làm cái chuyện xem ra ít thấy ai làm. Rõ ràng, lửa truyền giáo nơi quần thể Kitô hữu trên quê hương Việt Nam chưa chiếm được vị thế nhất định.
Thêm một khía cạnh ngoại vi khác, để thuận trình bày xin dẫn chứng lời của một Vị Linh mục đặc trách Truyền bá Tin mừng lão thành thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Tại cuộc Hội Thảo LBTM 2018, Vị ấy có phát biểu như sau: “Tôi còn nhớ cách đây chừng 4 hay 5 năm gì đó trong một cuộc nói chuyện với Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất. Ngài có kể lại cho tôi nghe là: Khi Đức Khâm sứ Tòa Thánh Leopoldo Girelli đến dự Đại Hội các Đức Giám Mục Việt Nam hằng năm vào tháng Tư năm đó thì có một Giám Mục hỏi Ngài rằng : ”Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đã sống ở VN lâu năm rồi, Ngài có nhiều kinh nghiệm về Giáo Hội VN, vậy xin Ngài cho một vài nhận xét về Giáo Hội hiện tại”. Đức Khâm sứ suy nghĩ và sau đó đã đưa ra một nhận xét: ”Tại VN vẫn còn tình trạng Giáo sĩ trị, vai trò của người Giáo dân rất lu mờ”. Câu trải lòng này chắc chắn sẽ là một mối quan tâm cho vai trò của người Giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam”. Quả thật, tình trạng Giáo sĩ nắm cán đang chiếm đa số trong khắp xứ sở, nếu giới đó không có tinh thần Truyền giáo thì Giáo dân thuộc quyền chẳng thấy có ai quan tâm. Thêm vào đó, lác đác còn chứng kiến theo cách nói đại khái như: Việc Truyền giáo là chuyện của mấy người tu hành, mình là Giáo dân thì mắc gì phải va vào đó, liệu mình giảng Đạo thì có ai nghe đâu.
Tuy trưng ra vài tình huống đại loại như thế, nhưng Ban soạn thảo chưa hẳn hoàn toàn bi quan. Điều hiển nhiên là, không dám can đảm nhìn thẳng vào thực tế thì lấy gì có được một hoạch định đúng đắn cho nỗ lực mang tính hệ trọng như công cuộc LBTM mà chúng ta quyết tâm theo đuổi. Hẳn nhiên, đâu phải vì vậy mà không thể tìm ra phương thế hiệu quả nào để có cách khắc phục. Chúng ta sẽ từng bước tiến hành theo dõi phần trình bày về những đường hướng khả thi để giải tỏa vấn đề. Có điều trước tiên cần phải thấu đáo rằng, công trình Truyền bá Tin mừng là một thực thể luôn cần được Chúa Thánh Thần tác động, và chúng ta hành sự mọi điều thì nhất thiết nên qui theo Thánh ý Thiên Chúa. Không ít trường hợp, người ta coi kết quả Truyền giáo phải được thành tựu bởi cái khôn ngoan, tham vọng theo kiểu loài người. Dẫn ý đến đây, khiến liên tưởng tới những câu được ghi chép trong Sách Tiên tri Isaia:
“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa –
Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (đoạn 55)
Để tóm ý cho phân mục này, chúng ta cần giữ vững nguyên lý trong Truyền giáo học, đoạn mô tả về bản chất hoạt động Truyền giáo, có đưa ra ý tưởng như sau: “Với quan niệm, khi muốn cống hiến cho việc Truyền giáo là bởi sự tự do lựa chọn của con người nhưng thành quả thế nào là do Ý định nơi Thiên Chúa, phải trở thành mấu chốt của vấn đề”. Mình cần ý thức rằng, khi thi hành bổn phận thiêng liêng này sẽ có không ít những thuận lợi mà cũng lắm điều trở ngại đầy thách thức, nhưng kết quả dù thế nào chăng nữa thì vẫn thuộc về Thiên Chúa. Vấn đề ở chỗ là bạn có sẵn lòng đón lấy cái bổn phận cao quý ấy hay không mà thôi.
5. Một cánh đồng bị lãng quên
Trong lãnh vực LBTM người ta thường hay sử dụng ngôn từ “Cánh đồng Truyền giáo” nó hàm ý về vùng địa lý tiềm năng để có thể tiến hành thao tác Sứ vụ. Nhưng trong bài viết này, việc soạn thảo mượn ngôn từ “Cánh đồng” và chuyển thể sang một ý nghĩa khác: đó là muốn nói đến một chiều kích. Đúng ra nội dung phân mục này được mang tựa đề: Một chiều kích khác của hoạt động Truyền giáo cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, khi gọi là tiến hành thực thi Sứ vụ LBTM người ta thường chú trọng vào các lãnh vực: Dùng cách nào, bằng mọi phương tiện ra sao, cần phải tiếp cận với lương dân để giới thiệu Phúc Âm, Hội Thánh cho họ. Lại cũng thấy có lực lượng khác chuyên tâm lo công tác từ thiện, cứu trợ, bác ái nhằm gây ấn tượng trên đối nhân kém may mắn rồi từ đó hy vọng sẽ dẫn đến duyên cớ cho họ nhận biết Chúa. Quả thật, thực hiện như vậy là không sai chút nào, thậm chí còn không thể thiếu, nhưng với suy nghĩ toàn bộ chỉ gồm có vậy, thì dường như hơi lầm lẫn. Chừng đấy thôi chưa đủ để gọi là tổng thể của Sứ mạng Truyền giáo. Xem chừng phần đông chúng ta đang lãng quên về một Đấng Quan Thầy Các Xứ Truyền Giáo, mà Vị ấy trong cả cuộc đời chưa bao giờ làm những công việc được kể ra như trên. Đấng ấy không ai khác chính là Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngoài ra, còn một gương truyền giáo sáng chói khác là Chân phước, Cha Charles de Foucauld, Ngài lao thân trên cánh đồng Truyền giáo Bắc Phi nhưng lại không hề chủ trương giảng đạo, cũng chưa từng thuyết phục lương dân nào gia nhập Giáo Hội. Ngài cũng chẳng có của cải gì để phân phát cho ai cả, thậm chí còn là kẻ ăn nhờ ở đậu. Vậy mà hai gương ấy đã tạo nên một chiều kích đặc thù về cung cách hoạt động LBTM.
Với đời sống của hai chứng nhân sáng giá thấy là đáng ấn tượng, mà cho đến nay trong Giáo Hội chưa thật sự đặt quan tâm để tận dụng triển khai. Dường như có sự vô tình nào đó mà sao lãng một chiều kích tiềm năng trong phương thức hoạt động Truyền giáo. Từ kinh nghiệm lịch sử đời sống của hai Đấng đó, về sau được thấy nó cũng mang lại nhiều thành quả ngoạn mục cho Giáo Hội. Ngày xưa, người bộ tộc Touaregs chủ mưu ám hại Cha Charles de Foucauld, thì nay ở buổi lễ phong Chân phước cho Ngài, chính đám con cháu bộ tộc này chiếm đầy những hàng ghế đầu tại Quảng trường Phêrô, họ đã là những Kitô hữu xứng đáng trong Giáo Hội. Lịch sử ghi nhận Cha Charles chỉ tận tụy hòa nhập cuộc sống với họ một cách thầm lặng, chia sẻ trọn vẹn trong thương yêu, ấy vậy mà giờ đây những Kitô hữu do sự dẫn dắt bởi cộng đoàn Tiểu đệ để gia nhập Giáo Hội thì vô số kể.
Một lưu ý, khi nói về Thánh nữ Têrêsa, người ta thường đề cập đến một cung cách Truyền giáo bằng cầu nguyện. Không hiểu những Vị phụ trách ban lời giảng huấn chủ ý thế nào, nhưng hẳn là thụ nhân được huấn dạy đa số thường nhận thức rằng, chỉ cần khi có dịp thì mở lời van xin cùng Thiên Chúa hoặc đọc vài kinh nguyện là có thể mang lại hữu ích cho công cuộc Truyền giáo. Ngôn từ Cầu nguyện ở đây phải được hiểu theo ý nghĩa về một Đời sống Cầu nguyện. Ngoài chuyện thực hành các nhân đức một cách sốt sắng, còn tận lực trong cuộc sống với các biến cố, thường xuyên liên tưởng đến việc tranh thủ mọi hy sinh để làm đẹp lòng Chúa, ngay cả những hy sinh thật nhỏ nhoi, hầu tựa như khói trầm hương bay lên nghi ngút trước Tôn Nhan Thiên Chúa cùng với tâm tình cầu khẩn, xin Ngài chúc phúc cho công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội. Nhớ lại lời Chúa Kitô: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa” (Mt 9,37-38). Ngài không bảo các Môn Đệ hãy đi gặt lúa, nhưng là xin cho có thợ gặt. Điều ấy giúp chúng ta có thể tâm nguyện thực hành, là dùng chính đời sống hy sinh của mình để thể hiện tấm lòng khẩn xin dâng lên cùng Chúa Cha. Cầu nguyện theo cách đúng đắn ấy, thấy là, cũng đóng vai trò tác nhân trọng yếu trong tổng thể công trình thực thi Sứ vụ LBTM của Giáo hội.
Chúng ta sẽ trình bày việc áp dụng thực tiễn phong cách sống Truyền giáo của hai Đấng ấy ở những phần tiếp theo sau. Nói tóm lại, cuộc đời đầy tận tụy hy sinh của hai Vị là cả một trường khúc của bài ca vắn gọn : DEUS CARITAS EST, Thiên Chúa là Tình yêu.
6. Mười lần nói chưa bằng hành sự cụ thể
Các phần trình bày từ đầu đến giờ có vẻ khá vòng vo trong việc phân tích thực trạng và truy tìm phương thức phù hợp nhằm tạo điều kiện cho thành phần Giáo dân có cơ hội tham gia vào Sứ vụ LBTM. Trong mọi phương thế khả thi, nhóm soạn thảo nhận định chỉ có thể chọn ra một hướng đi và mời gọi anh chị em tâm đắc với Sứ vụ có thể dấn bước vào con đường ấy, đó là: Sống theo Linh đạo Truyền giáo.
Cần có đôi dòng diễn giải về mặt ngôn từ, danh gọi Linh đạo còn là tên của một môn học được giảng dạy tại vài trung tâm Thần học, như vậy ý nghĩa của nó khá lớn lao. Ở đây chỉ mượn từ để minh họa về một cung cách sống mà thôi. Bằng cách nhận ra tình yêu nơi Thiên Chúa và muốn phụng sự Ngài, những người tuân phục theo ý chỉ của Đấng bề trên hoặc chấp hành một qui chế trong Đoàn thể Giáo hội mà hoạt động mang tính thường xuyên và lâu dài để phục vụ Giáo Hội và tha nhân, thì xem như người đó đang sống theo một linh đạo. Linh đạo Truyền giáo, nếu là Thừa Sai chuyên biệt thì họ cống hiến trọn đời mình cho mục tiêu Truyền giáo là đem Ơn cứu độ đến cho tha nhân, biến đổi lương dân trở thành dân riêng Nước Thiên Chúa. Phần chúng ta là Giáo dân, chủ yếu còn bổn phận tiếp diễn công trình Tạo dựng nên phải chăm lo gia đình, xây dựng xã hội trần thế theo như Ý định Quan phòng Thiên Chúa. Tuy nhiên việc dấn thân cho Sứ vụ LBTM là không phải không thể được, Giáo dân sống Linh đạo Truyền giáo là chiết ra một phần trong cuộc sống của mình, dù chỉ là phần nhỏ, để dâng hiến cho Sứ vụ dưới sự chỉ định và giám sát bởi Giáo quyền, tiêu chí các hoạt động của họ phải được đánh giá là chính đáng để mang lại hoa trái cho công cuộc LBTM trong Giáo Hội.
Như vậy nếu làm một cách tự phát để thi hành một số tác động đến tha nhân mang tính cách thể hiện đời sống chứng tá Phúc âm thì luôn được xem là hành vi tốt lành của người Kitô hữu, cần khuyến khích phát huy. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn được gọi là hiệp thông trong công trình Thừa sai Tin mừng của Giáo Hội. Xin dẫn chứng câu nói của giáo sư Gomez trong giáo trình Truyền Giáo Học: “Thừa sai không thể nhân danh mình để tự sai đi cho chính mình, nhưng phải được Đấng bề trên thẩm quyền sai, phái thì mới hợp lý lẽ được.”
Những người chuyên trách vì Sứ vụ, dù buộc phải tôn trọng nguyên tắc, nhưng chúng tôi vẫn luôn ao ước anh chị em Giáo dân tâm đắc với Sứ vụ, nếu vì lòng yêu mến Chúa và trung tín với Giáo Hội mà thi hành theo các tiêu chí dưới đây thì chúng tôi sẽ ghi nhận sự theo đuổi Linh đạo Truyền giáo và tính Hiệp thông thỏa đáng của Quý vị. Chúng ta cùng nhau đồng vai gánh vác trọng trách của Giáo Hội mà chính Chúa Kitô đã ủy thác lại, thì đấy chính là niềm hạnh phúc cao vời chung và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho hết thảy mọi người.
Tiêu chí vừa được đề cập tới là tập hợp gồm các bổn phận, tối thiểu phải thực thi một số việc được đề nghị như sau:
Bổn phận hằng ngày:
– Đọc 8 Mối phước thật + 2 chục kinh Kính Mừng (Mân Côi).
– Sống liên tưởng đến Lời Chúa của ngày Chủ nhật để đem ra thực hành trong tuần.
– Ý thức chu toàn tốt bổn phận trần thế của mình trong sự chân chính phù hợp tinh thần đạo lý Kitô giáo.
Bổn phận hằng tuần:
– Dự thêm 1 Thánh lễ Misa ngoài ngày Chủ nhật.
– Đọc 10 trang kiến thức về Giáo Hội.
– Sống tâm tình hãm mình trong ngày Thứ sáu.
Bổn phận hằng tháng:
– Làm việc thiện nguyện 1 ngày (như giúp việc Giáo xứ, công tác cộng đồng, xã hội …).
– Ăn chay trong ngày Thứ sáu đầu tháng.
– Đóng góp 1% đến 2% của thu nhập cho Quỹ truyền giáo.
Noi gương Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta dâng mọi hy sinh và nỗ lực trên vì lời khẩn cầu cho công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội. Tất nhiên trong khi thi hành các tiêu chí bổn phận đó phải đặt mình trong trạng thái có tâm tình thánh thiện và ý ngay lành. Ngoài ra, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu cần phải được thăng tiến theo thời gian gắn bó với Linh đạo. Thêm một yếu tố khá quan trọng khác không thể sai phạm được, đó là thái độ chểnh mảng và thất thường, đừng để có tình trạng bữa làm bữa không, như thế sẽ đánh mất đi đặc tính của Linh đạo. Vì nó là nhân tố cấu thành một đời sống có Linh đạo đúng nghĩa. Có thể Quý vị không hề mắc lỗi chi cả nhưng sẽ hẳn không còn là kẻ đang đi trong Linh đạo Truyền giáo. Ngoài ra, đức tính điều đặn và bền đỗ của đời sống thiêng liêng là yếu tố mà các nhà Thần học Tu đức luôn đề cao và khuyên nhủ chúng ta nên tuân thủ hầu có thể dễ dàng nhận được Hồng ân một cách sung mãn.
Trong mấy mục được ghi như trên, có phần phải dành thời gian để trau dồi kiến thức về Giáo Hội. Một câu hỏi đặt ra: Chủ trương là không giảng đạo, quảng bá Lời Chúa mà cần vun đắp kiến thức để làm gì? Xin thưa có 2 nguyên do, một là, ở câu Phúc Âm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi… hết trí khôn” (Mc 12, 30). Phát huy trí tuệ để hiểu biết về Chúa nhiều hơn là cách để thể hiện tâm tình mến Chúa cao độ hơn. Hai là, dù không giảng đạo nhưng phải sống chứng nhân gương lành, như vậy người có sức thông hiểu thâm thúy sẽ dễ biểu lộ phong thái chuẩn mực vượt trội hơn. Ưu tiên các lãnh vực cần trau dồi là Giáo lý cơ bản, Kinh Thánh, Lịch sử Giáo hội, thời sự về Giáo Hội, các diễn biến hoạt động Truyền giáo v.v… Chúng tôi, Ủy ban LBTM, trong tương lai gần sẽ thực hiện một Website riêng nhằm phục vụ thực hành thuận lợi cho sinh hoạt này.
Một vấn đề khá quan trọng muốn kiến nghị, là nếu có một số Vị cùng gắn bó với Linh đạo như trên mà điều kiện sinh sống ở khoảng cách gần gũi thì nên tạo điều kiện liên kết mật thiết lại với nhau. Như thế chúng ta có dịp hình thành các Cộng Đoàn Cơ Bản, một mô hình khá phổ biến trong sinh hoạt Giáo Hội trên thế giới hiện nay. Mọi người sẽ có môi trường lý tưởng để tương thân tương ái, trao đổi kiến thức, động viên nhau thực hành Linh đạo, chung sức thực hiện những công tác mà cá nhân không cáng đáng nổi v.v… Thầy Chí thánh từng khuyến khích: “Vì ở đâu có hai ba người hợp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy” (Mt 18, 20), như thế trong bối cảnh tương quan hiệp sức để sống chứng nhân Tin Mừng thì quả thật đó là một hình ảnh đáng ấn tượng đến chừng nào.
Nhân ý trình bày đến đây xin được đề cập, trong khi thực hành theo những điều liệt kê bên trên, vậy thì đời sống chứng nhân Tin Mừng sẽ được biểu hiện ra sao ? Trong số các tiêu chí đó có một đề nghị là, lưu tâm đến các Bài đọc Chủ nhật để chọn ra một ý tưởng thực tiễn rồi đem áp dụng thực thi vào đời sống trong tuần, đó là một phương thức Sống chứng nhân được xem là khá hiệu nghiệm. Thêm vào đó, trong đời sống trần thế hằng ngày, chúng ta cũng có thể tranh thủ để gắng sức làm toát ra được vẻ đẹp đạo lý Kitô giáo. Ngoài ra, nếu thường xuyên thực hành theo tinh thần của Tám Mối Phúc Thật thì sẽ giúp có được một căn bản sống Đạo vững vàng và còn dễ dàng đón nhận thêm những Ơn trợ lực sung mãn để thể hiện vai trò chứng nhân. Tập hợp các yếu tố đó cũng nói lên cung cách để chúng ta có dịp dõi bước gắn kết với linh đạo truyền giáo của Cha Charles de Foucauld.
Tuy nhiên, cũng cần hướng thêm một khả thi khác nữa, trước mắt thấy có vẻ trừu tượng nhưng kinh nghiệm của những kẻ đi trước để lại thì ý này cũng mang lại kết quả đáng ghi nhận. Nếu mọi người thành ý theo đuổi Linh đạo như trình bày, thì sau một quá trình nhiệt huyết phấn đấu, Thiên Chúa giàu lòng từ bi sẽ gởi đến rất nhiều dịp huyền diệu để chúng ta có cơ hội thi thố vai trò Chứng nhân của mình. Những biến cố như người khốn khó tìm đến, kẻ sầu bi cần an ủi, người van xin bạn một lời giới thiệu trung gian hoặc vài dịp xảy đến để đóng góp vì công ích v.v… Chúng ta sẽ không thiếu những tình cảnh như thế để tác động vào, nhưng điều đáng quan ngại là nền tảng tu đức cá nhân có thật sự xứng hợp với các sự cố đưa đến không. Xem chừng chuyện gì cũng cần có Ơn Chúa cả. Trong Thần học Giáo hội có ngôn từ “Đoàn sủng”, nó mang ý nghĩa là những ơn do Chúa ban cho để giúp thi hành các sứ vụ, việc mục vụ hầu đem lại lợi ích cho Nước Chúa. Nếu quá trình theo đuổi Linh đạo khả dĩ đến lúc tương thích thì chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa sẽ ân ban những Đoàn sủng cần thiết để thi thố lòng hảo tâm, tuy nhiên cũng còn tùy vào tâm tình hiến dâng nơi mỗi người và Ý định Quan phòng của Ngài.
Sau cùng, cũng không loại trừ trường hợp có những cơ may tốt lành, như là các đợt huy động nhân lực bởi Đấng chủ chăn hoặc Dòng tu để thực hiện công trình bác ái xã hội, truyền giáo…, ví dụ khi mở chiến dịch cứu trợ do thiên tai, hay là định kỳ đến phục vụ tại địa điểm truyền giáo của Giáo phận. Nếu có nhiều người tranh thủ được để tham gia vào những dịp sinh hoạt như vậy, thì đấy chính là điều hằng mong muốn của Giáo hội chúng ta.
7. Ngươi là niềm hãnh diện cho dân Israel
Câu nói trên được lấy trong Cựu ước, Sách Giuđitha (15, 9), đó là lời ca tụng của dân Israel dâng tặng bà Giuđitha sau khi thắng trận trước quân Átsua, nhờ công lao của Bà trước đó. Chúng ta hầu hết chắc đã theo dõi rồi câu chuyện Bà Giuđitha đã dùng mỹ nhân kế để chặt đầu tướng Hô-lô-phéc-nê và nhờ vậy quân Israel chiến thắng. Một câu chuyện lịch sử khác gần đây cũng có liên quan, vào năm 1933 khi hay tin Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được nhậm chức, là Vị Giám mục bản xứ đầu tiên cho Giáo hội Việt Nam, nhiều tu sĩ, chủng sinh, giáo dân đã tổ chức diễu hành ăn mừng trên đường phố Sài Gòn lúc ấy, tay họ cầm căng biểu ngữ cũng với dòng chữ như trên.
Một gợi ý, nếu chúng tôi dùng câu này để ám chỉ về đối tượng Giáo dân có tâm ý gắn bó với Linh đạo Truyền giáo như đã đề nghị, thì các bạn nghĩ sao? Xin chân thành cáo lỗi, chủ đích bài soạn thảo không có ý đưa vào tâm trí Quý vị nét kiêu căng đâu, mà trái lại còn đảo ngược 180 độ. Mượn hình ảnh lịch sử và cách phát biểu dí dỏm trên đây nhằm tha thiết khấn xin mọi người hãy sẵn lòng đón nhận một ý nghĩa dấn thân mang đường nét thâm sâu hơn. Nhìn qua 9 mục bổn phận được kê như trên thì không ai cho là khó hiểu nhưng khi đi vào áp dụng thực tế thì quả là không đơn giản chút nào. Càng hệ trọng thêm khi trước đây bài viết còn yêu cầu phải vận dụng tính liên lỉ, bền vững trong thực hiện. Đã vậy, thêm một khuyến cáo bổ sung, những người đi trước với kinh nghiệm bản thân còn bày tỏ về nguy cơ đối mặt với một hình thức cám dỗ, đó là phải chịu đựng kiên trì trong âm thầm. Vì khi thực hiện theo Linh đạo đó thì sẽ không có ai ghi công, tuyên dương bạn bao giờ mà sự bền chí đòi hỏi nơi bạn không phải nhỏ, trong khi xu hướng xã hội ngày nay chạy theo thành tích trở nên quá hiển nhiên, hầu như đến mức thấy là tệ hại. Mặc dù yếu tố trần thế đầy thách thức như vậy, nhưng công nghiệp trước mặt Chúa thì người có nhận thức cao thượng không lấy gì cảm thấy bất an. Thật không quá lời khi cho rằng, các Đấng đức hạnh chân chính gọi các bạn với câu nói ở đầu mục là đúng nghĩa. Chân thật là vậy, con đường các bạn sắp đi quả nhiên không ít chông gai.
Để tóm ý nội dung phân mục này, xin mượn hình ảnh trong sinh hoạt xã hội, người ta thấy không ít những hoạt động mang tính vừa hiện ra mặt nổi, đồng thời cũng còn mặt khuất của nó. Xin đưa ra điển hình hai thí dụ: Một là đối với lực lượng an ninh, ai cũng biết có thành phần nhân viên chìm; hai là như sản phẩm Iphone, khi sử dụng với bao tiện ích của nó thì người dùng hay buông lời thán phục thương hiệu Apple, trong khi danh tánh nhóm kỹ sư nghiên cứu thì chìm lặng. Chúng tôi không dụng ý so sánh tương đương mà chỉ mượn hình ảnh để dễ hình dung điều muốn diễn đạt. Nói nhẹ nhàng hơn, những Anh, Chị chọn chiều kích phụng sự công cuộc LBTM theo gương hai Vị, Thánh nữ Têrêsa và Cha Charles de Foucauld, thì nhận thấy rằng xứng với danh gọi: Chứng nhân Tin mừng thầm lặng, một cách thầm lặng đem lại niềm hãnh diện cho Giáo Hội.
8. Lời thân ái kết thúc
Như đã trình bày ý tưởng ở đầu bài viết (trong phân mục Vạn sự khởi đầu nan), là chúng ta đặt hết nỗ lực để tham gia vào một sứ mạng cao cả trong Giáo Hội, thì ắt Thiên Chúa cũng sẽ đoái nhìn đến nhu cầu chính đáng của cuộc sống chúng ta. Tuy là ở mức thiện chí cao độ cùng với tấm lòng tận tụy hiến dâng nhưng yếu tố vâng phục đường hướng Giáo Hội và tôn trọng quy tắc thi hành Sứ vụ thì không thể sao lãng.
Suy cho cùng, điều trở ngại cơ yếu nhất trong nỗ lực đem Tin Mừng đến cho tha nhân là trên thực tế, Giáo hội Công giáo không chấp nhận tính áp đặt hoặc trực diện thô thiển. Người ta không thể khều vai một kẻ ngang đường để nói: Này anh bạn, tôi mời anh vào Đạo. Thế nhưng ở vài tôn giáo khác, như Giáo phái Giê-hô-va, thì đấy là chuyện thường thấy diễn ra. Trong các văn kiện Giáo Hội, như Tông huấn Ecclesia in Asia, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở: “Loan báo mà vẫn tôn trọng các quyền lương tâm, không xâm phạm tự do của con người, vì Đức tin luôn đòi hỏi nơi phía mỗi người phải có sự hưởng ứng tự nguyện”(số 20). Từ căn bản này, tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa mà người ta xuyên suốt truy tìm những phương thức truyền giáo. Dù là công sức nghiên cứu có diễn biến ra sao thì Giáo Hội vẫn luôn xem trọng vai trò Tác nhân của Chúa Thánh Thần. Khung cảnh tiên quyết để Ngài ngự đến với chúng ta chính là sự Thánh thiện, phải hiện hữu từ trong tâm hồn đến hành vi. Chú tâm trau dồi đức tính Thánh thiện nơi bản thân là nhận thức đầu tiên để có thể cất bước ra đi Loan báo Tin Mừng.
Một ý cơ bản khác, với định đề của Sứ vụ: Nemo Dat Quod Non Habet, không ai cho cái mình không có, tất nhiên câu này ảnh hưởng trên nhiều phương diện của Sứ vụ. Điều ao ước của bài soạn thảo là kêu gọi những Kitô hữu Giáo dân, nếu cảm nhận được Ơn gọi LBTM thì đừng quản ngại tìm đến kiến thức chuyên đề Truyền giáo học. Dù khi chỉ mới khởi sự ở vài bước đầu, hay khả năng tham gia trong Sứ vụ chưa được chuyên sâu thì đều cần dựa vào những hiểu biết căn bản đó để giúp cho vững bước và cũng ngừa tránh lệch lạc đáng tiếc có thể xảy ra. Ủy ban LBTM đang trù tính những khóa đào tạo Tác viên LBTM, phần nào là do xuất phát từ ý tưởng này. Lòng tận tụy dò tìm, tâm tình khiêm tốn hiến dâng, ý thức bổn phận vì Phần rỗi kẻ khác và vì Nước Trời, tích lũy các yếu tố đó, sơ khởi đã cấu thành ý nghĩa của Sứ vụ Loan báo Tin Mừng rồi. Từ nhận thức chính chắn như vậy, nó cũng sẽ giữ gìn chúng ta thoát khỏi xu hướng chạy theo thành tích, xin được trích một câu trong Sách Tiên tri Hôsê để kết thúc bài viết: “Vì ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ.” (Hs 6, 6).
Michel Trương
[1] trích lời của Nhà sử học Công giáo F.X. Murphy