Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM B
5-9-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Tam Thành, Giáo họ Tam Lộc
GIÁO HUẤN SỐ 41
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Trong tình bạn với Đức Ki-tô
Dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giê-su. Tình bạn là một trong những quà tặng của cuộc sống và là một ân sủng của Thiên Chúa. Qua các bạn hữu của chúng ta, Chúa tinh luyện chúng ta và dẫn chúng ta tới trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người đứng bên ta trong những thời khắc khó khăn, đó cũng là một phản ánh tình yêu của Chúa, phản ánh của sự hiện diện ân cần và khích lệ của Người trong đời sống chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta mở ra, hiểu và quan tâm đến người khác, đi ra khỏi tình trạng cô lập ru ngủ của mình, và chia sẻ đời sống mình với người khác. Chính vì vậy, “không có gì quí hơn một người bạn trung thành” (Hc 6,15) (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, các số 150 & 151).
———————
CN 23 TN NĂM B
(Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37)
Lòng kiên trì đặc biệt của 4 phụ nữ có đạo
Cha Đắc Lộ kể trong sách “Hành Trình Và Truyền Giáo”: “Thù địch hung hãn cũng không nể nang phái yếu. 4 phụ nữ có đạo đã tỏ cho biết niềm tin vào Chúa Ki-tô và trông đợi phúc thiên đàng làm cho kẻ yếu nhất được can trường, thắng mọi cực hình.
Người thứ nhất là một bà sang trọng tên là Paula. Bà bị bắt và bị tra tấn, thế nhưng bà chịu đau đớn và xỉ nhục rất can đảm không ai lay nổi, không bao giờ tỏ ra sợ hay giận dữ, làm cho kẻ bắt bà phải thả bà ra với nhiều lời khen ngợi…
.Bà đạo đức này không có con, nhưng nuôi hai cô con gái lớn. Sau khi bà cho rửa tội làm giáo dân, thì bà giáo huấn và làm gương thực hành các nhân đức.Tên hai cô là Lucia và Ruffinê. Cả hai bị bắt cùng với mẹ nuôi cũng là chủ. Cả hai tỏ ra can trường không kém mẹ. Toán lính buộc vào cổ một cái gông rất nặng với một cái dây như dây buộc chó. Nhưng Lucia và Ruffinê vẫn tươi cười. Người ta tra tấn, đem phơi nắng. Thế mà các cô như thiên thần. Lương dân cũng như người có đạo chảy nước mắt khóc thương.
Một bà khác không có can đảm bằng ba người trước. Bà rất sợ dây choàng cổ. Nhưng bà vẫn can đảm, đi thẳng tới ông nghè Bộ. Ông dụ dỗ, dọa nạt, nhưng cũng không làm gì được bà (Hông Nhuệ chuyển ngữ, trang 170-171).
Câu chuyện của 4 người phụ nữ vui vẻ vượt qua đau khổ là hình ảnh niềm vui thiên đàng, niềm vui được Thiên Chúa cứu trong Lời Chúa hôm nay.
Bài đọc 1 (Is 35,4-7a): Trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a (750 tCN) báo tin ngày trở về quê cho dân Ít-ra-en đang bị lưu đày ở Ba-by-lon:
Hãy nói với những kẻ nhát gan:
“Can đảm lên, đừng sợ!
Thiên Chúa của anh em đây rồi;
Sắp tới ngày báo phục,
Ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em (Is,35,4).
Ngày đó vui như
“Mắt người mù mở ra
Tai người điếc nghe được
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
Miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6).
Ngày đó vui vì:
“Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
Khe nước tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
Đất khô cằn có mạch nước trào ra (Is 35,6-7)
Bài Tin Mừng (Mc 7,31-37): BTM hôm nay thánh Mác-cô cũng kể ngày cứu chuộc, ngày Chúa đến, vui như “ngưới điếc được nghe”, “người câm được nói”. Cha Nguyễn Công Đoan viết trong “Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô” (trang 125-126): “Từ địa hạt Tia, Người băng qua Xi-đon và vùng Biển Hồ, đi thẳng sang miền Thập Tỉnh. Lần trước ghé vùng nay, Người đã cho cả đạo binh quỷ “cỡi lợn vinh qui”, giải thoát cho một người, rồi để người ấy ở lại để làm chứng (x.Mc 5,18-20). Hôm nay Người trở lại đây như để “kiểm tra kết quả” sứ mạng của vị “tông đồ dân ngoại” đầu tiên. Kết quả đây rồi ! Lần trước người ta sợ và yêu cầu Người ra khỏi vùng ấy. Lần này, khi thấy Người, “họ đem tới cho Người một kẻ vừa điếc vừa ngọng, và xin Người đặt tay trên anh”. Mọi lần, Đức Giê-su chỉ đặt tay, hoặc nói một lời, thậm chí người ta chỉ cần sờ vào áo Người là xong. Lần này, thì “Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông”, rồi làm nhiều động tác: đặt ngón tay vào lỗ tai – lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh ta – ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : Ép-pha-ta, nghĩa là “hãy mở ra”. Kết quả, “lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Anh này được chữa cả lưỡi cả tai một lượt. Tại sao Người kéo anh ta ra khỏi đám đông? Tại sao người làm nhiều động tác hơn mọi khi? Một điều ta có thể nhận ra qua đó là Đức Giê-su tỏ sự ân cần, trân trọng với anh này. Người chạm vào tai, vào lưỡi. Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng như than thở với Thiên Chúa, rồi phán một lời như lời tạo dựng.
Lại một điều nghịch lý: Người vừa chữa cho anh ta nói được rõ ràng xong lại “truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả”. Phản ứng truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả”. Phản ứng ngược lại như mấy lần trước: “Nhưng người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra”. Ta nhớ lại trong sách Tôbia, thiên sứ nói với cha ông: “Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp; nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và long trọng xưng tụng” (Tb 12,7). “Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”. Ta như nghe vọng lời thánh vịnh: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp địa cầu” (Tv 8,1. Trong sách Sáng Thế, sau khi hoàn tất mỗi công trình tạo dựng, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,4.10.11.18.21.25), rồi sau khi tạo dựng con người: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St1,31). Ngôn sứ I-sai-a đã loan báo một cuộc tạo dựng mới: “Vui lên nào, hỡi sa mạc đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông… Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được; bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,1,5.6).
Bài đọc 2 (Gc 2,1-5) Thiên Chúa yêu thương, rộng rãi ban cho chúng ta niềm vui lớn lao như thế, thì chúng ta cũng phải noi gương. Thánh Gia-cô-bê nhắn dạy trong bđ2: “Anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xứ thiên tư” (Gc 2,1). Thánh Gia-cô-bê đưa ra hình ảnh cách đối xử sống sượng giữa người giầu và người nghèo trong buổi họp: với người giầu thì trân trọng, với người nghèo thì khinh chê.
Thánh Gia-cô-bê kể: “Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cùng bước vào, và giả như anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lỗng lẫy và nói: “Xin mời ông vào ngồi chỗ danh dự này”; còn với người nghèo, anh em lại nói : “Đứng đó!” hoặc “ngồi dưới bệ chân tôi đây!” thì bấy giờ anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ?” (Gc 2,2-4).
Thánh Gia-cô-bê khuyên: “Anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên giầu đức tin và thừa hưởng vương quốc. Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2,5).
Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm khuyến khích chúng ta: “Nếu chúng ta có cái nhìn của I-sai-a, tức là cái nhìn cứu thế, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy thái độ và hành động của Đức Giê-su là cụ thể. Quả thật, Người đã sống như để muốn làm gương cho chúng ta. Không ai đòi chúng ta phải làm được những kỳ công kiệt tác, nhưng với cung cách bình thường và dùng các phương tiện vừa tầm tay, chúng ta phải có tinh thần mới để làm mọi việc. Đó là tinh thần Lời Chúa đã rót vào tai và bây giờ phát biểu ra miệng lưỡi và hành động của chúng ta để giúp người và cứu thế. Chính quan điểm đánh giá công việc chúng ta làm. Kẻ có quan điểm ích kỷ chỉ làm ra những công viêc bủn xỉn. Người có quan điểm xã hội sẽ góp phần xây dựng tương lai mới (Lời Chúa Các Chủ Nhật Năm B, trang 411-412).
Đức cha Giuse, giáo phận Đà Nẵng dạy chúng ta :
“Là con cái Đức Mẹ Trà Kiệu, người tín hữu Giáo phận Đà Nẵng chúng ta hôm nay, hơn lúc nào hết, cũng tin tưởng và hướng lòng cầu nguyện với Mẹ, để xin Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho mọi người được ơn bình an, vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cơn dịch bệnh Covid-19 đầy phức tạp và hiểm nguy, cũng như xin Chúa thương mau chấm dứt cơn đại dịch này. Với những ý hướng trên, trong tư cách là Mục tử Giáo phận, tôi kêu gọi quý Cha, quý Phó tế, quý Tu sĩ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân trong toàn Giáo phận cùng nhau cử hành Tuần Cửu Nhật kính Đức Maria – Mẹ Trà Kiệu, bắt đầu từ thứ Năm, ngày 02 tháng 9 năm 2021 và kết thúc vào thứ Sáu, ngày 10 tháng 9 năm 2021
Cúi xin Mẹ, nhận lời chúng con cầu nguyện.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành