Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm B


CN 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B

19-9-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trung Phước

GIÁO HUẤN SỐ 43

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)

Tình bạn thật quan trọng đến nỗi Đức Giêsu gọi chính Người là một người bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Nhờ ân ban của Người, chúng ta được nâng lên để trở thành thật sự là bạn hữu của Người, Với cùng một tình yêu mà Đức Ki-tô đổ tràn trên chúng ta, chúng ta có thể yêu mến Người để đáp lại, và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ tham dự vào cộng đoàn thân hữu mà Người đã thiết lập. Và cũng như Người đang sống sự sống Phục Sinh trong trọn vẹn vinh phúc, thì chúng ta, về phần mình, có thể làm việc cách quảng đại để giúp xây dựng vương quốc của Người trên thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người, và trên hết là tình yêu của Người cho người khác (x. Ga 15,16). Các môn đệ đã nghe Đức Giê-su gọi họ là bạn hữu của Người. Đó là một lời mời gọi không hề áp chế họ, nhưng nhẹ nhàng gọi mời sự tự do của họ. “Hãy đến mà xem”. Đức Giê-su nói với họ như thế, vì thế “họ đến và xem nơi Người ở, và họ ở lại với Người hôm ấy” (Ga 1,39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động ấy, họ đã bỏ mọi sự và đi theo Người. (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 153)

————-

CN 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

Cha Baldinotti từ tốn khiêm nhường.

Nếu không kể cha I-nê-khu đến giảng đạo ở Trà Lũ, Bùi Chu năm 1533 (Nguyễn Văn Trinh, Lược Sử Giáo Hội Việt Bam, trang 33) và cha Ordonnez Ceballos đến Thanh Hóa năm 1590 (Sđd trang 38) thì cha Baldinotti (Ban-đi-nốt-ti) đến ngày 2-2-1626 là người đến giảng đạo đầu tiên ở Miền Bắc.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) kể trong tập sách “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài” (Miền Bắc): “Sau những săn sóc đầu tiên và những tỏ tình đặc biệt của chúa (Trịnh Tráng), thì hai bên theo thông tục, trao đổi phẩm vật quí cho nhau. Thuyền trưởng người Bồ dâng tiến trước những phẩm vật rất được chúa ưa thích về sự quyến rũ, giầu sang và hiếm có. Còn chúa, chúa cũng đáp lễ ngay và ban dồi dào đến nỗi đủ phần phân chia cho mọi người tháp tùng. Cha Baldinotti trong dịp này cũng không quên dâng tiến chúa phẩm vật, tuy đơn sơ và là đồ thuộc về tôn giáo, nhưng chúa rất vui lòng vì mới lạ chưa bao giờ thấy. Dẫu sao, cha cũng chưa có khả năng dâng kho tàng quí báu Phúc Âm vì không thông thạo ngôn ngữ và chưa có người thông dịch để giải thích các mầu nhiệm. Tuy nhiên, sự im lặng và phong cách từ tốn trang trọng của cha cũng đủ cho chúa và các quan triều thần nhận ra có một cái gì lạ lùng và cao cả hơn sự thông thường, ẩn nấp dưới bề ngoài khiêm nhường của chiếc áo nghèo nàn trên người cha. Trước mặt cả triều thần, người Bồ tỏ ra trọng kính cha và tư cách đó không ít làm cho người ta càng quí mến cha. Chúa nhận thấy viên thuyền trưởng ăn mặc sang trọng lộng lẫy và toàn thể người Bồ tháp tùng y phục đẹp đẽ, đều tôn trọng cha, cha ăn mặc rất xuềng xoàng. Họ kính nể và nhường bước cho cha đi trước, vì thế dư luận cho cha có một cái gì hơn cái bề ngoài của cha. Thế là chúa bắt đầu trọng kính cha và từ đó thường cho một thầy sãi là một trong những chư tăng chính yếu của giáo phái chúa tin theo và chúa coi như bậc tôn sư đến thăm cha (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, trang 131).

Lời Chúa trong ba bài đọc thanh lễ hôm nay cũng nói đến tính khiêm nhường. Người ta hỏi thánh Âu-tinh đức tính nào quan trọng nhất, cả 3 lần thánh Âu tinh đều xếp đức khiêm nhường là đức quan trọng nhất.

Đức cha Ba-tô-lo-mê-ô viết: “Nếu Chúa nhật trước là ‘Chúa nhật Người Tôi Tớ’, thì Chúa nhật hôm nay có thể gọi là ‘Chúa nhật Người Khiêm Nhường’. Vì người tôi tớ phải khiêm nhường và người khiêm nhường thì phải trở nên tôi tớ. Hai quan niệm tôi tớ và khiêm nhường đều chói tai người thời đại ta, nhưng là những thái độ căn bản của Ki-tô giáo. Chính Đức Ki-tô đã hạ mình xuống cho đến chết và chết trên thập giá để thực hiện mọi lới tiên tri về Người Tôi Tớ. Và Người dạy ai muốn theo Người cũng phải vác thập giá của mình mà bước theo… Thế nên, chúng ta cũng phải đi vào con đường khiêm cung như những người tôi tớ (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm B, trang 419).

Bài đọc 1 (Kn 2,12.17-20): Bài đọc 1 đọc sách Khôn Ngoan. Nhóm CGKPV viết về tác giả sách Khôn Ngoan: “Tác giả là một người Do Thái, am hiểu sâu xa Kinh Thánh, tin vào Thiên Chúa của cha ông (9,1), hãnh diện vì được thuộc về ‘dân thánh’, ‘dòng giống vẹn toàn’ (10,15). Nhưng tác giả là một người Do-thái am hiểu văn hóa Hy-lạp, biết triết lý, đặc điểm và các phong trào văn hóa Hy-lạp. Tác giả sống ở A-lê-xan-ri-a, cung cách hành văn nhấn mạnh tới cuộc Xuất Hành, đối chọi Ai-cập với Ít-ra-en, nhất là thái độ của tác giả đối với việc tôn thờ súc vật, một điều chỉ có ở Ai-cập. Ngoài ra ở A-lê-xan-ri-a thời này còn có môt cộng đoàn kiều dân Do-thái đông đảo (Kinh Thánh 2011, trang 1385).

Đức cha Lâm viết: “Bài sách Khôn Ngoan hôm nay cho chúng ta nghe giọng của phường vô loại. Chúng hùa nhau tiêu diệt phường công chính. Không những đời sống của thánh nhân là bản án hạch sách tâm tư của chúng, khiến chúng cảm thấy nặng nề khi giáp mặt thánh nhân, mà sâu xa hơn nữa, thánh nhân dường như có Thượng Đế luôn luôn về phe với mình và chỉ trích chúng. Thế nên chúng khó chịu với người công chính thì ít, mà không chịu được sự hiện diện của Thiên Chúa thì nhiều. Chúng muốn phá tan sự hiện diện ấy hay không? Thế nên chúng muốn hùa nhau đưa người công chính vào bẫy, thử xem nhân đức người này có chắc chắn hay không và nếu quả thực chắc chắn thì chúng sẽ thử làm thêm lên án cho người công chính chết nhục nhã xem Thiên Chúa có bênh vực cứu chữa không?” (Sđd, trang 424).

Bài Tin Mừng (Mc 9,30-37): Đức cha Lâm viết: “Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cũng như muốn đặt điều tiên quyết cho những ai muốn đi vào con đường khiêm nhường, cũng chính là con đường mà Đức Ki-tô đã đi ở trần gian này…Thánh Mác-cô kể: Hôm ấy Đức Giê-su đang đi với các môn đệ. Người tránh, không muốn cho ai biết Người. Người sợ người ta nô nức đi theo Người như chạy theo một ‘người lớn’. Hơn nữa, đang khi đi đường Người còn nói rõ cho môn đệ biết Người sẽ bị nộp, bị giết. Người thì như vậy, tâm hồn Người thì như thế. Nhưng các môn đệ và đầu óc họ thì lại khác hẳn. Họ không tìm hiểu Lời Người nói về thái độ và đời sống khiêm nhường, nhưng lại tranh biện với nhau xem ai là ‘người lớn nhất’.

Mặc cho họ nói, Người làm thinh cho tới khi về đến nhà. Nếu được nghĩ theo biểu tượng thì chúng ta có thể nói rằng: đang khi còn hành trình ở trần gian, Đức Giê-su chỉ có thể sống khiêm cung và hạ mình xuống cho đến chết và chết trên thập giá, nhưng Người chưa thể dạy môn đệ hiểu được bài học khiêm nhường. Phải đợi khi về tới nhà tức là đạt tới mầu nhiệm Phục Sinh đưa Người về với Chúa Cha và được đặt lên làm chúa và làm thầy, bấy giờ Đức Giê-su mới có thể ‘ngồi’ và gọi môn đệ lại để dạy cho họ biết ai muốn làm lớn thì phải trở nên rốt hết và trở thành tôi tớ cho mọi người.

Người dùng hình ảnh ‘em bé’ không chỉ sự đơn sơ vô tội, mà còn muốn nói lên sự bé nhỏ, thân phận chưa phải là ‘người lớn’, còn sống lệ thuộc cha mẹ. Người không muốn làm người lớn, mà chỉ muốn ‘bé nhỏ’, khiêm cung.

Theo Phúc âm thánh Gioan, trong bữa Tiệc ly, Người là chúa, là Thầy, mà Người cởi áo ra, thắt dây lưng như ‘người đầy tớ’, cầm chậu nước đi rửa chân cho các môn đệ. Họ kinh ngạc trố mắt ra, chẳng hiểu gì. Phải đợi đến khi Người hạ mình xuống trong mầu nhiệm thập giá, họ mới hiểu hành vi Người làm. Người muốn trở thành tôi tớ rửa chân cho họ, để họ bắt chước thành tôi tớ rửa chân cho nhau. Người muốn đi vào đường lối khiêm cung để họ cũng trở nên những người khiêm cung (Đức cha Lâm, sđd, trang 420).

Bài đọc 2 (Gc 3,16-4,3): Bđ2 tiếp tục đọc thư thánh Gia-cô-bê. Thánh nhân nhận xét: “Ở đâu có ghen tương, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ xấu xa” (Gc 3,16). Nhờ sự khôn ngoan Chúa ban, chúng ta được “hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi… không thiên vị, chẳng giả hình, xây dựng hòa bình’ (Gc 3,17-18).

Thánh Gia-cô-bê viết tiếp: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau (Gc 4,1-2). Suy nghĩ kỹ những lời này, chúng ta sẽ nhận ra thánh Gia-cô-bê không muốn gợi lên gì hơn là đường lối của Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã giáng trần và đã muốn sống một cuộc đời khiêm cung” (Đc Lâm, sđd, 423).

Cha Minh Anh Huế viết: “Khiêm nhường’ có gốc Latin là humus, là mùn, là đất, cũng là người. Nếu chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường là người sát với đất nhất, người có nền tảng nhất; nền tảng đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận làm người rốt cùng; thập giá Ngài cắm sâu trong đất, thân xác Ngài được vùi trong đất. Người khiêm nhường có chân đạp đất, tiếp xúc với đất, mang mùi đất, không tách khỏi đất; người đó sẽ toả ra một mùi hương của đất hoà quyện với hương đất Giêsu, hương thiên đàng, và đó là một quà tặng của trời”.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành