Bao Giờ Mới Bắt Đầu “Nở Hoa Hy Vọng” – Suy Tư Về Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI


BAO GIỜ MỚI BẮT ĐẦU “NỞ HOA HY VỌNG”
(Chút cảm nhận và suy tư về Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI: Giáo Hội Hiệp Hành)

Dẫn nhập: Một Thượng Hội Đồng “Gieo những ước mơ”

Chỉ còn một ngày nữa, ngày 10.10, Giáo Hội Công Giáo sẽ cử hành một “biến cố trọng đại”, như “tài liệu chuẩn bị”[1] đã nêu ngay trong những dòng đầu tiên: “Giáo Hội Chúa được triệu tập họp Thượng hội đồng. Tiến trình Thượng Hội đồng chọn chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, sẽ long trọng khai mạc vào ngày 9-10 tháng 10 năm 2021 tại Rôma và vào ngày 17 tháng 10 tiếp theo tại các Giáo hội địa phương”[2].

Trong tầm nhìn của Đức Phanxicô, cũng là của “Mẹ Hội Thánh”, sự kiện Thượng Hội Đồng này là một định hướng mang tầm thế kỷ: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba: Đây là chương trình đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô xác nhận nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, thực ra, tính hiệp hành là “một chiều kích thiết yếu của Giáo hội”[3].

Và đây cũng là “dấu chỉ tiên tri” để Giáo Hội hoàn thành bản chất và căn tính của mình: “Một Giáo hội hiệp hành là một dấu chỉ tiên tri, trước hết, cho một cộng đồng các quốc gia không có khả năng đề xuất một dự án chung, qua đó theo đuổi lợi ích cho mọi người: ngày nay, thực hành tính đồng nghị đối với Giáo hội là cách rõ ràng nhất để trở thành “bí tích cứu rỗi phổ quát”(LG, số 48), “một dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại” (LG, số 1)[4].

Đặc biệt, trong “TÀI LIỆU CHUẨN BỊ” của Ban Thư ký Thượng Hội Đồng, người ta có thể tìm thấy một viễn tượng mang tính “cách mạng thiêng liêng” mà Giáo Hội hy vọng Thượng Hội Đồng này sẽ mang lại cho đời sống Giáo Hội: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó mà có cuộc tham vấn này, không phải là để tạo ra các tài liệu, nhưng để “gieo những ước mơ, khơi dậy những lời tiên tri và tầm nhìn, làm cho nở hoa hy vọng, khuyến khích lòng tin tưởng, băng bó các vết thương, dệt nên các mối tương quan, phục sinh buổi bình minh của hy vọng, học hỏi lẫn nhau, và tạo nên một tư tưởng tích cực chiếu sáng các tâm trí, sưởi ấm những con tim, trả lại sức mạnh cho những bàn tay”[5].

Chắc chắn trong những ngày sắp tới, cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam sẽ sớm có được những thông tin, sẻ chia, tham luận và hướng dẫn để tiếp cận, học hỏi và khám phá các “mô hình” khai triển áp dụng thực hành. Ở đây, chỉ xin mạo muội chia sẻ đôi tâm tình và cảm nhận khi tiếp cận hai tài liệu quan trọng mà Hội Thánh muốn chúng ta cùng tập chú đào sâu và ứng dụng trong tinh thần “hiệp hành” và đồng cảm cùng Mẹ Hội Thánh, đó là:

– TÀI LIỆU CHUẨN BỊ CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI – Hướng đến một Hội Thánh mang tính hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ (DOCUMENT PRÉPARATOIRE SYNODE 2023 – Pour une Église synodale: communion, participation et mission).

– CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH (VADEMECUM POUR LE SYNODE SUR LA SYNODALITÉ).

I. KHÁM PHÁ ĐẶC ĐIỂM CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THƯỜNG KỲ THỨ XVI

1. Cả “một trời khác biệt”

1.1. Khác biệt trong “lựa chọn chủ đề”

Trước hết, đây là một “Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ” mà “chủ đề nghị trình” được chọn hoàn toàn khác với “15 Khoá Thượng Hội Đồng thường kỳ” đã qua.

Thật vậy, với 15 cuộc “Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ”[6] đã được triệu tập, các chủ đề được chọn để họp bàn, mổ xẻ và triển khai thực hiện hầu hết là một “chuyên đề hay đối tượng mục vụ” như: Giới trẻ (XV), Ơn gọi và sứ mạng Hôn nhân-Gia đình (XIV), Tân Phúc âm hoá (XIII), Lời Chúa (XII), Thánh Thể (XI), Giám Mục (X), Đời sống thánh hiến (IX), Huấn luyện linh mục (VIII), Giáo dân (VII), Đền tội hoà giải (VI), Gia đình (V), Dạy giáo lý (IV), Loan báo Tin Mừng (III), Chức linh mục thừa tác (II), Đức tin (I).

Trong khi đó, Thượng Hội Đồng XVI đã chọn chủ đề: “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Chủ đề nầy hoàn toàn không nhằm đến một “đối tượng mục vụ”, hay một “sinh hoạt ngoại vi” nào đó của Hội Thánh, mà là cuộc “tự vấn” về căn tính, một “cái nhìn” về chính mình, như khẳng định của “TÀI LIỆU CHUẨN BỊ”: “Với Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội tự vấn về điều cốt yếu của cuộc sống và sứ mệnh của mình: “Hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. Hành trình này, tiếp nối đường hướng “aggiornamento” (cập nhật hoá) của Giáo hội do Công đồng Vatican II khởi xướng, chính là một ân ban và bổn phận: khi đi cùng nhau và cùng suy ngẫm về hành trình đã trải qua, Giáo hội có thể học hỏi, từ những kinh nghiệm quá khứ, những tiến trình có thể giúp Hội Thánh sống hiệp thông, thực hiện tham gia và cởi mở với sứ mệnh. Thật vậy, việc “đồng hành” của chúng ta hiện thực hoá và biểu lộ rõ nhất bản chất của Giáo hội như một Dân lữ hành và truyền giáo”[7].

Để hỗ trợ và làm sáng tỏ phạm trù “Hiệp hành” như một yếu tố cơ bản, Thượng Hội Đồng đã bổ túc với 3 nội dung như “phạm trù cắt nghĩa”: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ. Chúng ta cùng nghe cách cắt nghĩa của tài liệu VADEMECUM về “ba từ đặc biệt” nầy:

“Chủ đề của Thượng hội đồng là “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.” Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng là những trụ cột quan trọng của một Giáo hội Hiệp hành. Không có thứ bậc giữa chúng. Thay vào đó, mỗi chiều kích làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia. Giữa ba chiều kích này tồn tại một mối tương quan năng động, cần phải được hiểu rõ mối tương quan này cùng với cả ba chiều kích của nó.

– Hiệp thông: Do ý muốn nhân lành, qua giao ước mà Ngài ban cho dân, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với nhau như những dân khác biệt nhưng cùng một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Khi liên kết với nhau, chúng ta được gợi hứng từ việc lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Giáo hội, và được đắm mình vào cảm thức đức tin mà chúng ta cùng chia sẻ. Tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc biện phân và thực hiện lời kêu gọi mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài.

– Sự tham gia: Lời kêu gọi tất cả những ai thuộc về Dân Chúa – giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – nhập cuộc, tham gia thao luyện lắng nghe nhau một cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng mà chúng ta có đối với Giáo hội của Thiên niên kỷ Thứ ba. Nền tảng thực tế của việc tham gia là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trong Giáo hội hiệp hành, với các thành viên hết sức đa dạng và tự do, toàn thể cộng đồng được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, đối thoại, biện phân và góp ý về việc đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa (ICT, Syn., 67-68). Phải thực sự nỗ lực để đảm bảo những người ở bên lề hoặc cảm thấy bị loại trừ đều được nhập cuộc.

– Sứ mạng: Giáo hội hiện hữu để truyền giáo. Chúng ta không bao giờ có thể tập trung vào chính mình. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa ở giữa toàn thể gia đình nhân loại. Tiến trình Hiệp hành này mang lại chiều kích truyền giáo sâu sắc cho gia đình nhân loại. Mục đích của tiến trình này là giúp Giáo hội làm chứng tốt hơn cho Tin Mừng, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi của lãnh vực tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh của thế giới chúng ta. Theo cách này, hiệp hành là con đường qua đó Giáo hội có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như là nắm men làm cho Vương quốc Thiên Chúa mau đến”[8].

Và để cắt nghĩa thêm cho cộng đoàn Dân Chúa nắm bắt được hết những chiều kích phong phú của “nội hàm hiệp hành”, TÀI LIỆU CHUẨN BỊ đã quảng diễn 8 điểm nhấn quan trọng: “Chúng tôi nêu ra đây những nét chính, cho thấy tính hiệp hành như một mô hình, một phong cách và như là cấu trúc của Giáo hội:

– Nhớ lại cách thức mà Thần Khí đã hướng dẫn hành trình của Giáo hội trong lịch sử và mời gọi chúng ta ngày nay, cùng nhau là những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa.

– Sống tiến trình mang chiều kích giáo hội bao gồm sự tham gia và hoà nhập của mọi người, cung cấp cho mỗi người – đặc biệt là những ai vì nhiều lý do bị gạt ra bên lề – cơ hội để bày tỏ và được lắng nghe hầu góp phần xây dựng Dân Thiên Chúa.

– Nhận ra và trân trọng sự phong phú và đa dạng của các ơn ban và đặc sủng mà Thần Khí tự do ban phát, vì lợi ích của cộng đoàn và phúc lộc của toàn thể gia đình nhân loại.

– Trải nghiệm các phương thức thi hành trách nhiệm phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng và dấn thân xây dựng một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn.

– Kiểm điểm lại cách Giáo hội thi hành trách nhiệm và quyền bính, cũng như các cấu trúc điều hành, nhằm đưa ra và cố gắng chuyển đổi các định kiến và thực hành sai lệch không bắt nguồn từ Phúc Âm.

– Nhìn nhận cộng đoàn ki-tô hữu như chủ thể khả tín và như đối tác tin cậy vững bền để dấn thân trên những nẻo đường của đối thoại xã hội, sự chữa lành, hoà giải, hoà nhập và tham gia, phục dựng tính dân chủ, cổ võ tình huynh đệ và bạn hữu.

– Canh tân và củng cố các mối tương quan giữa các thành viên của cộng đoàn ki-tô hữu, cũng như giữa các cộng đoàn với các nhóm xã hội khác, ví dụ như các cộng đoàn tín hữu thuộc niềm tin và tôn giáo khác, các tổ chức xã hội dân sự, các phong trào quần chúng, v.v.

– Thúc đẩy việc lượng giá và thích nghi những thành quả của các kinh nghiệm Thượng hội đồng gần đây ở cấp hoàn vũ, vùng miền, quốc gia và địa phương”[9].

1.2. Khác biệt trong diễn trình thực hiện

Về phương diện nơi chốn và diễn trình thực hiện, các lần Thượng Hội Đồng Giám Mục nói trên đều tập trung tại giáo đô Rôma và sinh hoạt nghị trình chủ yếu dành cho các Đại biểu là các Giám Mục đại diện các Giáo hội địa phương (Hội Đồng Giám Mục) và một số thành viên quan trọng khác được Toà Thánh chỉ định[10]. Dĩ nhiên, sự đóng góp cộng đồng Dân Chúa gần như chỉ mang tính “tham khảo” qua những “đề cương gợi ý” được phổ biến (Lineamenta) để ban Thư Ký Thượng Hội Đồng sau đó đúc kết nên Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris )[11].

Riêng lần Thượng Hội Đồng nầy, chủ đề được chọn cũng như diễn trình thực hiện có sự thay đổi đáng kể.

Trong khi đó, tiến trình Thượng Hội Đồng (Synodal process) lần nầy, sau khi khai mạc chính thức tại Giáo đô Rôma (Chúa Nhật ngày 10.10.2021), sẽ được khai mạc tiếp nối sau một tuần tại các giáo hội địa phương (Chúa Nhật 17.10.2021) để bắt đầu một giai đoạn được gọi “lắng nghe và phân định tại các giáo hội địa phương”, mà mục đích được “TÀI LIỆU CHUẨN BỊ” nói rõ:

“Mục đích của giai đoạn đầu tiên trong hành trình hiệp hành là thúc đẩy tiến trình thỉnh ý trên diện rộng để thu thập kho kinh nghiệm sống tinh thần hiệp hành từ các mục tử và tín hữu tại tất cả các cấp độ của Giáo hội địa phương, theo cách thức trình bày và các khía cạnh khác nhau của những kinh nghiệm này, thông qua các phương tiện thích hợp nhất tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương: Các cuộc thỉnh ý, do Giám mục điều phối, được khai triển đến “các linh mục, phó tế và giáo dân trong các Giáo hội địa phương, hoặc theo tư cách cá nhân hoặc trong các hiệp hội, không bỏ qua sự đóng góp quý giá mà những người nam và nữ thánh hiến có thể cống hiến” (EC, 7). Đặc biệt yêu cầu sự đóng góp của các đoàn ngũ hoạt động trong các Giáo hội địa phương, nhất là của hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ, từ đó “một Giáo hội hiệp hành có thể thực sự bắt đầu hình thành”. Sự đóng góp của các tổ chức giáo hội khác mà Tài liệu chuẩn bị sẽ được gửi đến, cũng như của những người muốn gửi trực tiếp ý kiến của mình sẽ có giá trị ngang nhau. Cuối cùng, điều quan trọng cơ bản là cũng có tiếng nói của người nghèo và những người bị loại trừ, chứ không chỉ là tiếng nói của những người có vai trò hoặc trách nhiệm nào đó trong các Giáo hội địa phương”[12].

2. Những “điểm nhấn” độc đáo trong diễn trình hiệp hành cấp giáo phận

2.1. Không phải “làm tài liệu”, mà là “tạo sức sống”

Đặc biệt, Thượng Hội Đồng cũng lưu ý rằng: việc lắng nghe và phân định ở cấp giáo hội địa phương nầy không nhằm để “làm các tài liệu” mà là khơi dậy sức sống: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó mà có cuộc tham vấn này, không phải là để tạo ra các tài liệu, nhưng để “gieo những ước mơ, khơi dậy những lời tiên tri và tầm nhìn, làm cho nở hoa hy vọng, khuyến khích lòng tin tưởng, băng bó các vết thương, dệt nên các mối tương quan, phục sinh buổi bình minh của hy vọng, học hỏi lẫn nhau, và tạo nên một tư tưởng tích cực chiếu sáng các tâm trí, sưởi ấm những con tim, trả lại sức mạnh cho những bàn tay”[13].

2.2. Không phải “phán dạy” mà lắng nghe càng nhiều càng tốt”

Thật vậy, Hội Thánh muốn qua “giai đoạn Thượng Hội Đồng giai đoạn cấp giáo phận nầy” được lắng nghe càng nhiều càng tốt mọi tiếng nói, tâm tư của Dân Chúa, những người đã chịu phép Rửa tội, nhất là những người thấp cổ bé miệng; cả những người mà xưa nay vốn bị đặt ở bên lề Giáo Hội. Văn kiện VADEMECUM quảng diễn nội dung nầy như sau: “Trong ánh sáng này, mục tiêu của giai đoạn cấp giáo phận là thỉnh ý dân Chúa để Tiến trình Hiệp hành được thực hiện qua việc lắng nghe mọi người đã chịu phép Rửa. Bằng cách triệu tập Thượng hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi mọi tín hữu tham dự vào Tiến trình Hiệp hành, bắt đầu từ cấp giáo phận. Các giáo phận được mời gọi lưu ý rằng đối tượng chính của kinh nghiệm hiệp hành là mọi người đã chịu phép Rửa. Đặc biệt là cần chú ý đến những ai có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, v.v… Cũng nên tìm ra những phương thức sáng tạo để cả thiếu nhi và giới trẻ cũng được hòa nhập vào Tiến trình Hiệp hành này… Vì như Công đồng đã tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (Gs, 1).

Vì lý do này, trong khi mọi người đã chịu phép Rửa được đặc biệt kêu mời tham dự vào Tiến trình Hiệp hành này, không nên để ai – bất kể hệ phái tôn giáo của họ – bị loại trừ khỏi việc chia sẻ viễn tượng và các kinh nghiệm của họ, trong chừng mực họ muốn giúp Hội Thánh trên hành trình hiệp hành của Hội Thánh trong việc tìm kiếm những gì là tốt lành và chân thực. Điều này đặc biệt đúng đối với những người dễ bị tổn thương nhất hoặc bị loại trừ nhất”[14].

2.3. Hai trục chính để thực hiện “hiệp hành”: lắng nghe và biện phân

Thật sự, bất cứ sinh hoạt cộng đồng nào của Giáo Hội cũng đều xoay quanh cái trục “lắng nghe – phân định”, nhưng có vẻ như trong Thượng Hội Đồng nầy, chiều kích nầy được lưu ý cách đặc biệt và vận dụng cách triệt để hơn: VADEMECUM dạy: “Nếu trong tiến trình hiệp hành, lắng nghe là phương pháp và biện phân là mục đích, thì tham dự là con đường. Tăng cường tham dự sẽ đưa chúng ta ra khỏi chính mình để có tương quan với người khác, với những người có quan điểm khác chúng ta. Lắng nghe những người đồng quan điểm sẽ chẳng mang lại thành quả gì. Đối thoại liên quan đến việc cùng nhau xem xét những ý kiến khác nhau. Thật vậy, Thiên Chúa thường nói qua những người mà chúng ta dễ dàng loại trừ, gạt qua một bên hay không đếm xỉa đến. Chúng ta phải hết sức nỗ lực để lắng nghe những người mà chúng ta có ý xem thường và những người thúc ép chúng ta phải xem xét những quan điểm mới, khiến chúng ta có thể phải thay đổi cách suy nghĩ”[15].

II. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

Trong kinh nghiệm của Mẹ Hội Thánh, những đề nghị sau đây thật là quý giá và thích hợp cho Hội Thánh Việt Nam chúng ta, một Giáo Hội có thể đang có nguy cơ rơi vào sự “lão hoá” tự nhiên hoặc đang mỏi mệt trước những thách đố của xã hội.

1. Thái độ cần phải chọn lựa

Văn kiện VADEMECUM đã đề nghị những thái độ mà Dân Chúa, hàng Giáo Phẩm, Giáo sĩ, tu sĩ và mọi giáo dân cần phải có để tham gia vào tiến trình hiệp hành:

“Đức Thánh Cha Phanxicô, trong nhiều dịp, đã chia sẻ quan điểm của ngài về cách thức thực thi tinh thần hiệp hành trong thực tế. Những thái độ cụ thể sau đây cho phép chúng ta thực sự lắng nghe và đối thoại khi tham gia vào tiến trình hiệp hành.

– Tinh thần hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc chia sẻ: Chúng ta được mời gọi can đảm nói thẳng nói thật (parrhesia) để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn.

– Khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm nói ra: Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cor 12,7).

– Đối thoại đưa chúng ta đến đổi mới: Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác.

– Sẵn sàng hoán cải và thay đổi: Thông thường, chúng ta có thể kháng cự những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đảm nhiệm. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.

– Thượng hội đồng là cuộc thao luyện biện phân của Giáo hội: Biện phân phải dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thần Khí khơi gợi nơi chúng ta.

– Chúng ta là dấu chỉ cho một Giáo hội lắng nghe và lữ hành: Khi lắng nghe, Giáo hội noi gương Thiên Chúa, Đấng lắng nghe những tiếng than khóc của dân Ngài. Tiến trình hiệp hành mang lại cho chúng ta cơ hội mở lòng ra để thực sự lắng nghe, không dùng những giải pháp đã có hay những quyết định rập theo công thức.

– Loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ.

– Vượt khỏi thói giáo sĩ trị: Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô, được ban nhiều loại ân sủng khác nhau, trong đó mỗi thành viên có một vai trò duy nhất. Tất cả chúng ta độc lập với nhau và chia sẻ cùng một phẩm tính giữa Dân thánh của Thiên Chúa. Theo hình ảnh Đức Kitô, quyền lực đích thực đó là việc phục vụ. Tính hiệp hành mời gọi các mục tử chăm chú lắng nghe đoàn chiên được giao cho mình chăm sóc, cũng như mời gọi giáo dân tự do và trung thực diễn tả quan điểm của mình. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung của chúng ta. Như thế quyền năng Chúa Thánh Thần được biểu lộ muôn vàn cách trong và qua toàn thể Dân Chúa.

– Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…

– Vượt qua ý thức hệ: Chúng ta phải tránh nguy cơ cho rằng ý tưởng thì quan trọng hơn thực tại đời sống đức tin của những người đang sống niềm tin đó cách cụ thể.

– Nâng cao niềm hy vọng: Thực hiện những gì đúng đắn chân thật, chứ không lôi kéo sự chú ý hay để nổi đình nổi đám, nhưng đúng hơn, để trung thành với Thiên Chúa và phục vụ Dân Ngài. Chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ phải là người báo trước họa diệt vong.

– Thượng hội đồng là thời gian để ước mơ và “dành thời gian sống tương lai”: Chúng ta được khích lệ tạo lập một tiến trình tại địa phương nhằm truyền cảm hứng cho mọi người, không ai bị loại trừ trong việc tạo ra một viễn cảnh tương lai đầy niềm vui Tin Mừng”[16].

2. Một tâm thế cần luôn “sắp sẵn”

Chúng ta thường quen kiểu hành xử đức tin “xưa bày nay làm”, hay, chọn con đường mòn, lối tắt cho dễ. Tâm thế chọn “đường xưa lối cũ” hoàn toàn không thích hợp cho diễn trình hiệp hành. VADEMECUM đề nghị một tâm thế luôn “sắp sẵn” với những hướng tích cực, mới mẻ và sinh động như sau:

“Những tâm thế sau đây sẽ giúp những người tham dự (x. Christus Vivit):

– Quan điểm mới mẻ: Để phát triển những cách tiếp cận mới, với tính sáng tạo và ít nhiều táo bạo.

– Tính chất bao hàm: Một Giáo hội thông dự và đồng trách nhiệm, có khả năng đánh giá đúng sự phong phú đa dạng của mình, gồm hết những ai thường bị chúng ta quên lãng hay không biết tới.

– Tinh thần cởi mở: Chúng ta hãy tránh dán nhãn ý thức hệ và hãy dùng mọi phương pháp luận đã từng tỏ ra hữu dụng.

– Lắng nghe lẫn nhau và mỗi người: Bằng cách học hỏi từ người khác, chúng ta có thể phản ánh tốt hơn thực tại muôn mặt tuyệt vời mà Giáo hội của Đức Kitô đã được tiền định để trở thành.

– Thỏa thuận “đồng hành”: Để bước đi trên con đường mà Thiên Chúa kêu gọi Giáo hội đảm nhận cho ngàn năm thứ ba.

– Hiểu khái niệm về một Giáo hội đồng trách nhiệm: Để đánh giá và lãnh nhận vai trò và ơn gọi duy nhất của mỗi chi thể trong Thân thể Đức Kitô, cho sự đổi mới và xây dựng Hội Thánh toàn thể.

– Vươn ra thông qua đối thoại đại kết và liên tôn: để cùng ước mơ và cùng đi với nhau đến toàn thể gia đình nhân loại”[17].

3. Các cạm bẫy cần tránh

Bất cứ ở đâu và cộng đoàn nào cũng đều hiện hữu nhiều kẻ “chuyên bàn ra”; và dĩ nhiên cái “anh chàng” “cha kẻ gian dối” luôn bày ra những cạm bẫy, những cám dỗ để Dân Chúa bỏ cuộc, lẩn tránh hay làm việc không tới nơi tới chốn.

Sau đây là những “cạm bẫy cần tránh” mà VADEMECUM đề nghị với tất cả chúng ta:

“Như trên mọi cuộc hành trình, chúng ta cần nhận ra những cạm bẫy có thể có, gây cản trở cho tiến trình của chúng ta trong suốt thời gian hiệp hành này. Phải tránh những cạm bẫy sau đây để tiếp thêm sinh khí và tăng hiệu quả cho tiến trình hiệp hành.

2.4.1. Cám dỗ muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên Chúa dẫn dắt. Sự hiệp hành không phải là một hoạt động mang tính chiến lược của tập thể. Mà đúng hơn, đây là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Chúng ta có thể bị cám dỗ quên đi rằng chúng ta là những lữ khách và tôi tớ trên con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta. Những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để tổ chức và phối hợp là nhằm phụng sự Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn chúng ta trên đường. Chúng ta là đất sét trong bàn tay Thợ gốm là Thiên Chúa (x. Is 64,8).

2.4.2. Cám dỗ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng ta. Tiến trình hiệp hành là cơ hội để mở ra, để nhìn chung quanh, để thấy từ những góc độ khác và trong sứ vụ truyền giáo là để đi ra, đi đến những vùng ngoại biên. Việc này đòi chúng ta phải suy nghĩ cho những mục tiêu dài hạn. Điều này cũng có nghĩa là nới rộng viễn tượng của chúng ta tới những chiều kích của Giáo hội toàn thể và đặt ra những câu hỏi như: Kế hoạch của Thiên Chúa cho Giáo hội ở đây và hiện nay là gì? Làm thế nào chúng ta có thể thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa cho Giáo Hội ở tầm mức địa phương?

2.4.3. Cám dỗ chỉ nhìn thấy “những vấn đề”. Những thách thức, khó khăn và gian khổ mà thế giới và Giáo Hội đang phải đương đầu thì nhiều. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Nếu chỉ tập trung vào bóng tối, có thể chúng ta sẽ không thấy ánh sáng. Thay vì chỉ chú tâm vào những gì không hay, chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn.

2.4.4. Cám dỗ chỉ chú trọng đến cấu trúc. Dĩ nhiên, tiến trình hiệp hành sẽ mời gọi phải đổi mới cấu trúc của Giáo hội ở mọi cấp độ, để thúc đẩy sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn. Đồng thời, không nên để kinh nghiệm về hiệp hành chỉ được tập trung vào cấu trúc, nhưng cần chú trọng đến kinh nghiệm cùng bước đi với nhau để biện phân con đường tương lai, do Chúa Thánh Thần gợi hứng. Việc hoán cải và đổi mới các cấu trúc sẽ chỉ xảy ra thông qua quá trình hoán cải và đổi mới của mọi chi thể trong Thân thể Đức Kitô.

        2.4.5. Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Giáo hội. Khi sống theo Tin Mừng, các tín hữu hành động như men trong thế giới nơi chúng ta sống và làm việc. Tiến trình hiệp hành là thời gian để đối thoại với những người thuộc giới kinh tế và khoa học, chính trị và văn hóa, nghệ thuật và thể thao, phương tiện truyền thông và những khởi xướng xã hội. Tiến trình này sẽ là thời gian để suy tư về sinh thái học và hòa bình, về vấn đề sự sống và di cư. Chúng ta phải nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới này. Đây cũng là dịp để đào sâu hành trình đại kết với các tông phái Kitô giáo khác và hiểu sâu sắc hơn về những truyền thống tôn giáo khác.

2.4.6. Cám dỗ lơ là các mục tiêu của tiến trình hiệp hành. Trong quá trình tiến hành Thượng hội đồng, chúng ta cần lưu ý rằng, trong khi những cuộc thảo luận của chúng ta có thể mở rộng phạm vi, thì mục đích của tiến trình hiệp hành vẫn phải được giữ nguyên đó là biện phân cách thức Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước. Không có tiến trình hiệp hành nào giải quyết được mọi quan tâm và vấn đề của chúng ta. Tính hiệp hành là thái độ và cách tiếp cận của việc tiến bước theo cách thức đồng trách nhiệm vốn mở ra đón chào những hoa trái của Thiên Chúa được dần dần tỏ hiện.

2.4.7. Cám dỗ xung đột và chia rẽ. “Để tất cả chúng nên một” (Ga 17,21). Đây là lời cầu khẩn thiết tha của Chúa Giêsu với Chúa Cha, xin cho các môn đệ Ngài được hiệp nhất với nhau. Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Những mầm mống chia rẽ sẽ chẳng mang lại hoa trái gì. Thật vô ích khi cố gắng áp đặt ý của một người lên toàn Giáo hội qua việc ép buộc hoặc để làm mất thể diện của những kẻ bị coi là khác biệt.

2.4.8. Cám dỗ coi Thượng hội đồng như một kiểu nghị trường. Cám dỗ này nhầm lẫn giữa hiệp hành với “cuộc tranh luận chính trị”, trong đó để dành quyền quyết định, bên này phải triệt hạ bên kia. Việc gây đối kháng chống lại người khác hay cổ vũ những cuộc xung đột gây chia rẽ, đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông trong Hội thánh là những điều trái ngược với tinh thần hiệp hành.

2.4.9. Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo hội. Việc này có thể làm cho việc sắp xếp tổ chức được dễ dàng hơn, nhưng rốt cuộc lại lơ là một phần đáng kể Dân Chúa”[18].

Kết luận: Một định hướng cho thời “hậu Covid”

Quả thật, đã hai năm rồi, toàn bộ sinh hoạt của Hội Thánh gần như “đóng băng” bởi ảnh hưởng tai hại của đại dịch Covid-19. Chắc chắn sẽ có một hệ quả còn tai hại hơn sự chết chóc, bệnh hoạn thể chất, đó là sự “chết chóc và bệnh hoạn tâm linh” như một “di chứng” sau cơn đại dịch. Bị ném vào sự hoảng loạn lo sợ của chết chóc, bị đẩy vào sự nghi ngờ, lãnh đạm, đề phòng… của giản cách, biệt cư…, bị triệt tiêu khỏi nhịp sống tươi vui, sum họp của phụng vụ, nhịp sống cộng đoàn…, chắc chắn tâm thức con người, trong đó có cộng đoàn người Kitô hữu, sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng trầm trọng.

Đứng trước viễn tượng khá đen tối nầy, Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI với tiêu đích “Hiệp Hành” chắc chắn sẽ là phương thuốc mà Chúa Thánh Thần gởi đến cho Giáo Hội và cho cả nhân loại, như “TÀI LIỆU CHUẨN BỊ” đã khẳng định: “Thảm kịch hoàn cầu như đại dịch COVID-19 “trong giây lát đã làm sống lại cảm thức này: chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả đang ở trong cùng một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của mọi người. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau ”(FT, số 32). Đồng thời, đại dịch cũng làm cho các bất bình đẳng và bất công vốn hiện hữu hiện lên rõ mồn một: nhân loại dường như ngày càng lung lay bởi các quá trình quần chúng hóa và phân mảnh; tình trạng bi đát mà những người di cư phải đối đầu ở tất cả các khu vực trên thế giới cho thấy rào cản phân chia gia đình nhân loại đơn nhất vẫn còn cao và mạnh mẽ ra sao. Thông điệp Laudato si’ và Fratelli Tutti ghi lại độ sâu các đường đứt gãy chạy qua nhân loại, và chúng ta có thể tham khảo những phân tích này để bắt đầu lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất, đồng thời nhận ra những hạt giống hy vọng và tương lai mà Chúa Thánh Thần tiếp tục gieo vào thời đại chúng ta: “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương của mình hoặc hối hận vì đã tạo ra chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng chung sức xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta ”(LS, số 13)[19].

Giáo Hội Việt Nam chắc chắn không thể có một chọn lựa, một con đường nào khác để “khơi dậy những lời tiên tri và tầm nhìn, làm cho nở hoa hy vọng…”[20], ngoài con đường mà Mẹ Hội Thánh đang đề nghị cho; bởi đây chính là tiếng nói, là sự hướng dẫn của chính Chúa Thánh Thần: “Bất chấp các bất trung của chúng ta, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hành động trong lịch sử và biểu lộ quyền năng ban sự sống của Người. Chính trong những luống cày được đào xới bởi những đau khổ đủ loại được gia đình nhân loại và dân Chúa chịu đựng, mà các ngôn ngữ mới của đức tin và những nẻo đường mới đang bừng nở: không những có khả năng giải thích các biến cố theo quan điểm thần học mà trong những thử thách còn tìm ra các lý do để tái lập con đường sống Kitô giáo và Giáo hội. Quả là lý do để hy vọng lớn lao khi hơn một số ít Giáo hội đã bắt đầu ít nhiều các cuộc họp và diễn trình tham khảo có cấu trúc với dân Chúa. Nơi nào họ nổi bật nhờ phong cách đồng nghị, cảm thức về Giáo hội đều phát triển mạnh mẽ và sự tham gia của mọi người đã đem lại một thúc đẩy mới cho đời sống giáo hội”[21].

Ước gì, sau ngày “17.10.2021” nầy, cả Giáo Hội Việt Nam chúng ta cùng “Hiệp Hành”.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

WHĐ (09.10.2021)

[1] Vào ngày mùng 7 tháng 9, Tòa Thánh đã công bố “TÀI LIỆU CHUẨN BỊ” dầy 22 trang, “Vì một Giáo hội mang tính hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” (Document préparatoire Synode 2023 – Pour une Église synodale: communion, participation et mission) và cuốn CẨM NANG (VADEMECUM pour le Synode sur la synodalité) dầy 42 trang, dành cho giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng.

[2] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, số 1.

[3] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Vũ Văn An dịch, Tính đồng nghị …,sđd, số 1.

[4] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, sđd, số 15.

[5] Sđd, số 32.

[6] Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) là một thể chế định kỳ được Đức Giáo hoàng Phaolô VI có sáng kiến thiết lập qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, ngày 15-9-1965. Thể chế này đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng Vatican II muốn duy trì tinh thần tích cực do kinh nghiệm Công đồng đem lại. Giáo luật cũng đã dự liệu những quy định về THĐGM trong các điều khoản 342-348. Thượng Hội đồng Giám mục có thể nhóm họp thành hội nghị chung thường kỳ (Thường 3 năm một lần) hay ngoại thường (bất kỳ lúc nào) liên quan đến lợi ích của Giáo Hội toàn cầu, hay hội nghị đặc biệt bàn về những công việc liên quan đến một hay nhiều miền nhất định.

[7] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, sđd, số 1.

[8] CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH (VADEMECUM FOR THE SYNODE ON SYNODALITY), Các từ then chốt dành cho tiến trình hiệp hành. (Từ đây về sau sẽ sử dụng từ VADEMECUM)

[9] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, sđd, số 2.

[10] Sinh hoạt và thành phần tham dự Thượng Hội Đồng được Đức Phaolô VI ấn định trong Tự sắc thiết lập ngày 15-9-1965, theo đó có đại diện các giám mục theo Hội đồng Giám mục (cho khoá họp thông thường thì 25 giám mục 1 đại diện, 50 giám mục 2 đại diện, 100 giám mục 3 đại diện, trên 100 giám mục 4 đại diện; khoá họp ngoại thường thì Chủ tịch Hội đồng Giám mục; khoá họp đặc biệt thì đại diện theo một tỷ lệ khác hơn khoá họp thông thường) cùng với các vị đứng đầu các Cơ quan của Toà Thánh là thành phần chính thức được gọi với danh nghĩa là “nghị phụ” (Sodalibus). Ngoài ra còn có các dự thính viên (Auditores) và các đại diện (Delegati fraterni) của các Giáo hội và cộng đoàn Giáo hội anh em. Trong khoá họp còn thêm các chuyên viên (Adiutores Secretarii Specialis) phụ giúp Văn phòng Tổng Thư ký.

[11] Tài liệu phổ biến để góp ý được gọi là Lineamenta (Đề cương, trong đó có ghi những câu hỏi để các Hội đồng Giám mục góp ý), tiếp đến là bản văn Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc).

[12] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, sđd, số 31.

[13] Sđd, số 32.

[14] VADEMECUM, sđd, tiểu mục 2: Các nguyên tắc của một tiến trình hiệp hành

[15] Sđd.

[16] Sđd.

[17] Sđd.

[18] Sđd.

[19] TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, sđd, số 5.

[20] Sđd, số 32.

[21] Sđd, số 7.