Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM B
14-10-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Sơn Trà, Giáo xứ Thánh Giuse Lao Động
GIÁO HUẤN SỐ 47
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)
Đức Giê-su có thể đem lại cho tất cả mọi người trẻ trong Giáo hội một giấc mơ. một giấc mơ vĩ đại, một giấc mơ có chỗ cho mọi người. Vì giấc mơ ấy mà Đức Giê-su đã hiến mạng sống mình trên thập giá, vì giấc mơ ấy mà Thánh Thần được đổ tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần, và mang lửa đến cho trái tim của mọi người nam và nữ, cho trái tim các con và trái tim của cha. Ngài mang lửa ấy cho trái tim các con, trong hy vọng tìm được chỗ để nó lớn lên và lan tỏa. Giấc mơ ấy tên là Giê-su, được Chúa Cha gieo trồng trong niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mọi con tim. Giấc mơ cụ thể ấy là một Đấng, đang tràn ngập trong huyết quản chúng ta, làm cho trái tim ta rộn rã nhảy mừng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 157).
——————
CN 29 TN NĂM B
(Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45)
Huấn dụ năm 1659 của Thánh Bộ Truyền Giáo
(Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Ở VIỆT NAM)
Đây là huấn dụ của TBTG (Thánh Bộ Truyền Giáo) gửi cho ba giám mục tông tòa đầu tiên ở Đàng Ngoài, Đàng Trong và Nam Kinh (Trung Quốc) tức là các Đc F.Pallu, P.Lambert de la Motte và Ignace Cotolendi. Tác giả có công soạn thảo Huấn dụ này là lm William Lesley, người Tô Cách Lan, thư ký cho Hồng y Barberini, Bộ trưởng TBTG. Tư liệu gồm 3 phần :
- Trước khi rời châu Âu đi nhận nhiệm sở
- Trên đường đi nhận nhiệm sớ
- Trong chính nơi truyền giáo (sđd, trang 120)
- Trong chính nơi truyền giáo :
– Truyền chức linh mục và giám mục cho người địa phương
Đây là lý do chính thức đẩy thánh bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ có đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục (sđd trang 125)
Vấn đề truyền chức cho người Việt, thì đã thực hiện ngay tại Ayuthia (Thái Lan) vào tháng 3 và 6 năm 1668 do chính Đc Lambert, Gm giáo phận Đàng Trong: Đó là các tân linh mục Giuse Trang, Luca Bền, Giương Huệ và Bento Thiện (sđd, tr.126).
Trong thập niên 1690, Đc Bourges, Gm Tây Đàng Ngoài, đã đề cử một linh mục trong giáo phận là cha Giuse Phước lên chức giám mục, nhưng bất thành. Một Giáo hội VN thời ấy đã có khá nhiều tín hữu, lại phải chờ đến năm 1933 mới có Gm tiên khởi người Việt, tức là Đc Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (sđd, tr.126-127).
- Nếu cần đặt Sứ thần Tòa Thánh.
Ở VN mãi đến năm 1925 mới có khâm sứ tòa thánh thường xuyên (sđd, tr. 127).
- Không viết thư, không đả động đến chính trị
Không nên viết gì về chính trị hay điều gì phạm đến vua quan, chư huynh hãy cấm ngặt các điều đó… Song chính nhờ đức bác ái, nhờ việc coi thường thế sự, thái độ khiêm nhường, đời sống đơn giản, lòng kiên nhẫn, tinh thần cầu nguyện và các nhân đức tông đồ khác mà thôi (sđd, tr. 129).
- Tôn trọng phong tục, quốc lệ địa phương
Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì bỉ ổi mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á Đông… Càng tệ hại hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những phong tục đó, để đem phong tục quí quốc mà thay thế vào (sđd, tr.131).
- Đời sống khó nghèo
Về các vấn đề vật chất chư huynh đừng làm phiền tí nào cho dân chúng, hãy nhớ lại các tông đồ khó nghèo đến nỗi phải ra tay làm việc mới có đủ vật dụng cần thiết cho mình và cho các cộng sự viên (Cv 20,30)…, đừng tìm lợi cách đê tiện (1Pr 5,1), đừng đòi của bố thí, đừng kiếm chác bạc tiền, quà tặng, của lễ…; chư huynh vốn biết, chẳng có gì khiến cho dân chúng ngạc nhiên để ý bằng thái độ khinh chê của cải trần thế, bằng đức khó nghèo theo Phúc Âm vượt trên mọi thực tại nhân thế để thu góp một kho tàng trên trời (Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên tr.133).
Những huấn dụ cho các thừa sai trong xứ truyền giáo giống với ‘Người tôi trung’ trong bđ1, ‘người môn đệ’ trong BTM và vị ‘thượng tế’ trong bđ2.
Bài đọc 1 (Is 53,10-11): cha Hồ Thông viết về bđ1: “Đoạn văn này được trích từ bài ca thứ tư về ‘Người Tôi Trung đau khổ’, trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Bài ca này mô tả số phận người tôi trung mầu nhiệm của Đức Chúa: chịu đau khổ và bị giết chết, đoạn được tôn vinh, số phận tương tự với số phận của Đức Ki-tô. Thân phận người tôi trung này loan báo thân phận của Chúa Giê-su.
Bài Tin Mừng (Mc 10,35-45): cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay như sau: “Đọc kỹ câu chuyện ta thấy hai anh em nhà Dê-bê-đê có vẻ như thấy mình được ‘cưng’ cách riêng nên mới dám đến nói nhỏ với Đức Giê-su và xin Người ‘ừ’ trước, rồi mới nói ra điều mình xin: “Thưa Thầy, chúng con xin Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người cũng có vẻ gật đầu trước: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Họ nói rõ điều họ muốn. Có vẻ như họ nghĩ phen này lên Giê-ru-sa-lem là Người lên làm vua đây. Đến phiên Đức Giê-su cũng đòi họ ‘vâng’ trước: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? Các ông không biết mình xin gì và cũng chẳng hiểu ‘chén Thầy sắp uống’, ‘phép rửa Thầy sắp chịu’ là gì, nhưng hiểu rằng hễ chịu điều kiện ấy thì sẽ được như ý, nên trả lời ngay: ‘Thưa được’. Điều kiện thì Người cho ngay: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống. Phép rửa Thầy sắp chịu anh em cũng sẽ chịu’. Còn điều họ xin thì sao? “Còn chuyện ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.
Thế là hai anh em chửng hửng! Nhưng không hiểu sao 10 ông kia cũng biết chuyện hai anh em đi ‘cửa hậu’ và phản ứng: “Nghe vậy 10 môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và Gio-an”. Sự hục hặc giữa các ông làm sao qua mắt Đức Giê-su được. Người dùng dịp này dạy dỗ các ông:
“Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 42-45).
Vẫn là chuyện các ông tranh giành địa vị với nhau. Lần trước thì Người đem một em bé làm mẫu. Lần này, Người phân biệt cung cách của môn đệ với cung cách của người đời. Môn đệ thì phải theo gương Thầy, chứ đừng theo kiểu người đời” (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 166-168).
Bài đọc 2 (Dt 4,14-16): Sách Kinh Thánh ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của hai anh em Bernard và Louis Hurault viết về bđ2: “Đối với người Do Thái thì vị thượng tế, dù có những khuyết điểm cá nhân thế nào đi nữa, vẫn là con người đã được thánh hiến để chở che đám dân tội lỗi khỏi bị trừng phạt đích đáng. Dân cần có người lãnh đạo, không phải chỉ để cai quản họ, mà còn để làm trạng sư bênh vực trước tòa Thiên Chúa nữa; và Sách Thánh nói ông A-ha-ron, anh của ông Mô-sê và là vị tư tế đầu tiên của người Do Thái, đã là một trong các vị trạng sư dó. Các thượng tế, những người kế vị ông, cũng đóng cùng một vai trò ấy.
Chính ý tưởng này được khai triển ở đây: vị thượng tế đại diện cho loài người trước tòa Thiên Chúa; ông phải trải qua kinh nghiệm thân phận yếu đuối của họ, nhưng cũng phải được Thiên Chúa chấp nhận. Chúa Ki-tô đúng là con người như thế một cách hoàn hảo. Quên rằng Chúa Giê-su là người giữa loài người cũng nghiêm trọng đối với đức tin, không kém gì quên rằng Người là Con Thiên Chúa (Nhóm CGKPV chuyển ngữ, trang 2096).
Thánh vịnh 32,18-19:
Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa
Kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương
Hầu cứu họ khỏi tay thần chết
Và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành