Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Năm B
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
31-10-2021
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Chính Tòa
GIÁO HUẤN 49
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Lớn lên và trưởng thành (tt)
Cha hy vọng các con sẽ đủ nghiêm túc với chính mình để cố gắng lớn lên về tâm linh. Bên cạnh tất cả những điều thú vị của tuổi trẻ, cùng có vẻ đẹp của việc tìm kiếm ‘sự công chính đức tin, tình yêu và an bình’ (2Tm 2,22). Điều này không đòi phải đánh mất gì trong tính cách phóng khoáng, sự dũng cảm, nồng nhiệt và dịu dàng của các con. Trở nên một người trưởng thành không có nghĩa là các con phải bỏ những gì tốt nhất của giai đoạn này ttrong đời sống các con. Vì nếu vậy, sẽ đến ngày Chúa khiển trách các con: ‘Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mời thành hôn. Lúc ngươi theo Ta trong sa mạc (Gr 2,2) (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 159).
——————-
CN 31 TN NĂM B
(Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)
Ngọc Liên công chúa
Chúa nhật truyền giáo, 30 TN, chúng ta kể về ‘gia đình cụ An-rê’, quê Thanh Chiêm, Phước Kiều. Chúa nhật 31 TN hôm nay, chúng ta cũng kể về một phụ nữ Thánh Chiêm, Phước Kiều. Đó là công chúa Ngọc Liên.
Cha Nguyễn Văn Trinh viết: “Theo sử liệu năm 1629, chúa Nguyễn cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ Trấn Biên. Và ông làm trấn thủ đến năm 1641. Theo sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái:
- Ngọc Liên là vợ Nguyễn Phúc Vinh.
- Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp (Chetta)
- Ngọc Khoa: theo cha Đỗ Quang Chính, bà là vợ Nhật kiều Starô, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiếu Hùng (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt trang 73). Theo Thái Văn Kiểm và Phạm Đình Khiêm viết trong Văn Hóa nguyệt san, tháng 9-1959, Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành.
- Ngọc Đỉnh là vợ tướng Nguyễn Cửu Kiều.
“Đàng Trong lúc ấy có 6 tỉnh, chia làm 4 dinh: Thuận Hóa, Quảng Nam, Phú Yên và Quảng Bình; hai phủ là Quảng Ngãi và Qui Nhơn thuộc Quảng Nam. Trong lúc chúa Nguyễn vừa dựng cơ nghiệp, thế lực còn yếu, cho nên các dinh này phải do những người tâm phúc nhất của chúa trú đóng. Chính dinh (còn gọi là dinh Cả) nằm ở Phước Yên, cách Huế độ 10km do chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên cai quản; phia Bắc có dinh Mười (tức dinh Quảng Bình) do con rể Nguyễn Cửu Kiều, chồng của công chúa Ngọc Đỉnh, cai quản; dinh Chiêm (tức dinh Quảng Nam), thủ phủ quan trọng nhất, được chúa giao cho con trưởng là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ (1614). Hoàng tử Kỳ mất sớm (1631), chúa giao cho người con thứ ba là Nguyễn Phúc Anh lên thay; còn Nguyễn Phúc Lan chúa giữ lại ở Phúc Yên, phụ lực với chúa trong việc cai trị; ở cực Nam giáp giới Chiêm Thành là dinh Phó An (hay dinh Phú Yên) chúa giao cho phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, chồng của công chúa Ngọc Liên.
“Công chúa Ngọc Liên lãnh nhận bí tích Rửa tội được liên kết với một cuộc tranh luận giữa một tín hữu mang tên thánh Jêrônimô với một nhà sư. Cuộc tranh luận được tổ chức trước mặt chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện diện có cả vợ chồng trấn thủ Phú Yên Nguyễn Phúc Vinh và bà vợ Ngọc Liên. Tín hữu Jêrônimô là một người đạo mới, nhưng rất thông nho. Ông bài bác vấn đề nhà sư đưa ra là con người có 3 hồn 7 vía (người nữ có 3 hồn 9 vía) và minh chứng là con người chỉ có xác và hồn mà thôi. Trong cuộc tranh luận này người tín hữu đã thắng. Bà Ngọc Liên rất cảm phục. Nhận thấy đạo Công giáo rất hay, bà xin theo. Cha Buzomi đã rửa tội cho bà vào năm 1636 tại Phú Yên và đặt tên thánh cho bà là Maria Mađalêna.
“Sau khi đã nhận bí tích Thánh Tẩy, bà Ngọc Liên trở thành một tín hữu gương mẫu, đạo đức. Cha De Rhodes ghi: “Một bà nhân đức tên là Maria Mađalêna, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên. Bà còn sáng lập một bệnh viện để săn sóc tất cả giáo dân và lương dân. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị chịu bi tích ban ơn thánh. Có mấy bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc giáo huấn (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Hành Trình và Truyền Giáo, trang 105).
“Năm 1641 cha Đắc Lộ rửa tội được 1355 người do bà Ngọc Liên dạy đạo và hành đạo trong nhà nguyện của bà. Nguyện đường của bà Ngọc Liên được đặt trong dinh của tướng Nguyễn Phúc Vinh. Tại đây đã có 90 người được lãnh bí tích Thánh Tẩy, trong số đó có Anrê Phú Yên, là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong vào ngày 26-7-1644.
“Cha Alexandre de Rhodes ghi: “Thế là tôi trở về Macao vào tháng 9 năm 1643… Tôi vẫn tưởng người Bồ thường trấy đi vào tháng chạp, nhưng lần này họ chỉ sẵn sàng vào tháng giêng năm 1644. Như vậy tôi vắng mặt ở Đàng Trong, qua đó chúng ta thấy tướng Nguyễn Phúc Vinh bị đổi đi và có lẽ bị thất sủng. Quan trấn thủ mới về trị nhậm và rất ghét giáo dân. Ông cho lùng bắt các thày giảng mới để trừng phạt. Họ cũng không còn nể bà Mađalêna, có họ với chúa, vợ quan trấn thủ cũ, chúa đã chuyển đi nơi khác. Bọn lính xấc láo ập vào nhà, lục soát các phòng để tìm các thày giảng, nhưng may các thày không còn ở trong thành này. Các thày chỉ buồn vì đã bỏ lỡ dịp chịu khổ vì đức tin, các thày thích chịu chết vì đạo hơn là giảng. Bà Mađalêna không buồn phiền vì chịu xỉ nhúc đó, nếu vào trường hợp khác thì bà rất bực bội (Hành Trình và Truyền Giáo, trang 121-122). Chúng ta biết ông Nguyễn Phúc Vinh không còn làm trấn thủ, cùng gia quyến về hưu ở Thanh Chiêm. Ông rất ham mộ đạo và ước ao cho nhiều người theo đạo, còn ông thì không vì ông có nhiều vợ.
Khi chồng đã về hưu, bà Ngọc Liên vẫn tỏ ra mình là người sốt sắng trong đạo. Trong vụ 4 nữ tu Clara trôi dạt vào bến cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 2-1645. Hơn tất cả các bà khác trong xứ, bà Mađalêna, vợ quan trấn, tỏ ra rất trọng quí các ‘thánh nữ’, tên người ta gọi như vậy. Mỗi ngày bà gởi một món quà mới để tặng, đến thăm thường xuyên và còn cho con gái của bà đến ở với các nữ tu trong mấy ngày. Cô này chừng 13 xuân xanh, đã đem lòng quí mến các nữ tu và khâm phục nhân đức, đến nỗi đã quyết định đi theo. Người ta phải vất vả lắm mới làm cho cô đổi ý định đi theo qua Philíppin cùng với các nữ tu (HTvTG, trang 177).
Cha Alexandre de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Trong mãi mãi ‘Đó là ngày 3-7-1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong, nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém’ (HTvTG, tr.198). Cha không còn biết tin tức gì về bà Ngọc Liên công chúa nữa. Nhưng qua các tài liệu của các nhà truyền giáo khác, nhất là của cha Cardière (BAVH 1939, tr.121-123) chúng ta biết: trong cuộc bắt đạo dưới trào Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vào năm 1665, vì là có đạo, dù dòng dõi quí phái, bà vẫn bị tịch biên tài sản, đuổi ra khỏi nhà, phải cư trú trong chòi tranh vách lá. Cơn bắt đạo tăng thêm gắt gao, bà bị bắt giam trong 4 bức tường, không cho ăn uống, nhằm mục đích cho bà bỏ đạo. Sau 5 ngày bị giam, đói khát, bà chịu không nổi. Trong phút yếu lòng, bà đã chối đạo và được tha. Nhưng khi về đến nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc, tìm ngay một linh mục đế xưng tội. Cha bề trên Louis Chevreuil đã giải tội cho bà. Người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào (Nguyễn Văn Trinh, Lich Sử Giáo Hội Việt Nam, tập 2, trang 185-188).
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thày giảng ĐT… Khi cha Michelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thanh Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm… Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý. (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, tr. 73-74).
Cuộc đời công chúa Ngọc Liên phản ảnh lòng đạo đức ‘mến Chúa yêu người’ mà Chúa mong muốn trong bài đọc thánh lễ hôm nay. Dầu bà có chối đạo, bà cũng thống hối ăn năn. Bà dạy giáo lý và làm các việc đạo đức để đền tội.
Bài đọc 1 (Đnl 6,2-6) : bđ1 đọc sách Đệ Nhị Luật Sách Kinh Thánh ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : ‘Đnl có nghĩa là luật thứ nhì, và người ta gọi vậy, vì trong Kinh Thánh, luật này đến sau bộ luật trong các sách Lê-vi và Dân Số. Tuy vậy một phần cuốn sách này hẳn đã được viết trước hai cuốn kia và là thành quả đầu tiên của một cố gắng tìm cách thống nhất các điều răn và tập quán, cũng như nhằm cho Ít-ra-en có một bộ luật mang lại sức sống. Đnl đã được dân Ít-ra-en và giới lãnh đạo dân đón nhận như là lời của Thiên Chúa và giáo huấn của ông Mô-sê. Thật ra các tác giả Đnl là những vị tư tế và ngôn sứ đã tóm lược trong các trang sách này những kinh nghiệm mà dân đã từng trải qua trong lịch sử” (trang 263).
Chúng ta nghe lại vài câu trong bđ1 hôm nay: “Nghe đây hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tác dạ” (6,4-6).
Bài Tin Mừng (Mc 12,28b-34): cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM như sau: “Trong đám đông đứng nghe, có một ông kinh sư liêm khiết, đắc ý khi nghe Đức Giê-su đối đáp với cánh Xa-đốc. Ông đặt một câu hỏi nghiêm túc mà các kinh sư vẫn tranh luận với nhau: Luật Mô-sê đã nhận từ Thiên Chúa chỉ có mười điều răn. Để bảo đảm việc giữ ‘thập điều’, các kinh sư đã tạo ra một rừng 613 điều, gồm GIỚI (điều cấm) và RĂN (điều phải làm), chính họ cũng hoa mắt không biết đâu là cột trụ. Đức Giê-su đọc ngay điều răn thứ nhất, là điều họ tụng niệm hằng ngày, đeo trên trán, quấn trên tay, viết trên cửa nhà, trên cổng thành (x.Đnl 6,4-5) và điều thứ hai (x.Lv 19,18). Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: ‘Đó là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ’. Đức Giê-su được một lần sảng khoái vì gặp được một kinh sư thân thiện với mình. Người khích lệ ông: ‘Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! Tại sao không còn xa ? Nước Thiên Chúa là chính Đức Giê-su đang ở trước mặt ông. Kết quả là ‘sau đó không còn ai dám chất vấn Người nữa’. Thế là tất cả tắt đài” (Tĩnh Tâm Sách Tin Mừng Mác-cô, tráng 188).
Đức cha Lâm viết : “Người ký lục tỏ ra rất thông minh, chấp nhận ngay câu trả lời và bài học của Đức Giê-su. Ông còn phụ họa thêm và nói rằng mến Chúa yêu người như vậy ‘ắt vượt quá các toàn thiêu và lễ tế thay thảy’. Điều Đức Giê-su không thể không mừng khi gặp kẻ hiểu ý Người như vậy” (Giải Nghĩa Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm B, trang 464).
Bài đọc 2 (Hipri 7,23-28) : Sách KT 2011 của nhóm CGKPV viết về bđ2 như sau : “Chức tư tế của chi tộc Lê-vi chưa đạt tới mức hoàn toàn nên cần được thay thế bằng chức thập toàn của Đức Ki-tô, vị Thượng Tế duy nhất muôn phần hoàn hảo.
Cũng như ông Men-ki-xê-đê Đức Ki-tô không phát xuất từ gia đình tư tế, thuộc chi tộc Lê-vi, nhưng thuộc chi tộc Giu-đa (Mt 1,2; Lc 3,33; Kh 5,5).
Đức Ki-tô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Hiện nay Người chuyển cầu cho chúng ta không phải theo lối như khi Người còn sống theo kiếp phàm nhân; bây giờ Người đầy vinh hiển quyền năng, ngự bên hữu Chúa Cha thì không ai mạnh thế và đủ tư cách hơn Người bên cạnh Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta” (trang 2687).
Đức cha Lâm viết: “Có lẽ đối với chúng ta không cần phải nói thêm về sự khác biệt giữa Thượng tế đạo cũ và vị Thượng tế đạo mới. Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta là hãy ghi nhớ bản chất của tế vụ mà Đức Ki-tô đang thi hành. Người đang ở nơi Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Người đang nối trời với đất, Thiên Chúa với loài người. Lễ tế của Người vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa để cứu độ chúng ta. Chúng ta giữ đạo của Người, chúng ta vẫn đến nhà thờ dâng lễ và cầu nguyện trong chức tư tế của Người. Lẽ nào chúng ta không nhân ra rằng: một người đạo đức thật như có hai vai để mang hai nhiệm vụ: mến Chúa và yêu người, phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân” (sđd, trang 465-466).
Cầu nguyện : Thánh vịnh 17,2:
Con yêu mến Ngài,
Lạy Chúa là sức mạnh của con
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy
Là Đấng giải thoát con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành