Chúa Nhật XXXIII TN – Năm B – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


CHÚA NHẬT 33 TN NĂM B

LỄ CÁC  THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

14-11-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hà Tân, Giáo họ Phú Quí

GIÁO HUẤN SỐ 51

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Lớn lên và trưởng thành (tt)

Già đi hơn có nghĩa là gìn giữ và nâng niu những gì quí nhất của tuổi trẻ chúng ta, nhưng nó cũng đòi hỏi phải thanh luyện những gì không tốt và đón nhận những ân ban mới mẻ của Thiên Chúa, để ta có thể phát triển những gì thực sự quan trọng. Có những lúc, một mặc cảm tự ti nào đó có thể làm cho các con không lưu tâm đến những yếu nhược của mình, điều này có thể cản trở tiến trình trưởng thành của các con. Thay vào đó, hãy cho phép mình đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu các con như sự thật của các con. Ngài quí trọng các con, nhưng Ngài cũng không ngừng trao ban thêm cho các con, thêm tình bạn, thêm sốt sắng trong cầu nguyện, thêm khao khát lời Ngài, thêm đón nhận Chúa Ki-tô trong Thánh Thể, thêm khát vọng sống Tin Mừng của Người, thêm sức mạnh bên trong, thêm bình an và thêm niềm vui thiêng liêng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 161).

———————-

CN 33 TN NĂM B

(2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26 (Ga 17,11b-19))

 

Bà Monica An Trạch (Lệ Sơn ngày nay)

Các tín hữu Quảng Nam tỏ ra rất can trường. Đức cha Labbé thuật lại có 10 người bị giam tù vẫn một mực trung thành, thà chết không chối đạo. Đó là hai ông bà Benoit và Anna Ven người làng Bát Nhị, ông Batôlômêô Miêu cũng người làng Bát Nhị, ông bà Phêrô và Maria Thanh người làng Kì Lam, ông Tôma Vinh người làng Phước Lộc, bà Mônica Sum người làng An Trạch và ba người khác không có tên. Ông Benoit Ven, ông Phêrô Thanh và bà Mônica Sum đã chết vì đạo trong tù. Riêng bà Mônica Sum thật là một người đàn bà can đảm, bà đã làm vững lòng nhiều người. Ban đầu khi hay tin có bắt đạo, bà đã sai con về kinh đô dò la. Được biết chắc chắn có bắt đạo, bà liền chôn dấu các đồ đạo và đem các con trốn lên núi. Nhưng đang lúc ấy thì lính đuổi theo nên bà vào một làng bên cạnh để trốn tránh, chỉ để lại một đứa con 7 tuổi ở nhà và cũng là nhà thờ. Chú bé thấy lính tới thì trèo lên cây, nhưng cũng bị lính bắt. Buổi chiều người ta đưa tin bà hay các sự việc, bà liền trở về nhà, không còn sợ hãi nữa, đến nộp mạng thay cho con mình. Bị giam trong tù, bà nhắn đứa con cả mới 14 tuổi đến và căn dặn :

“Con à, con đừng ở lại đây nữa, mà hãy đến kinh đô, trà trộn giữa người ta mà sống, kẻo ở lại người ta cũng bắt con và mẹ sợ khi bị bắt, con còn trẻ không biết có đủ can đảm xưng danh Chúa Giê-su không?! hay là trông thấy quan quân cầm gươm giáo rồi sợ hãi mà chối đạo. Còn em con, nó nhỏ tuổi đem gửi chú con. Đừng lo lắng cho mẹ.

Hôm sau ngày bị bắt, bà và các giáo dân được dẫn ra trước mặt quan, bà được đi hàng đầu và bị hỏi đầu tiên. Thấy có nhiều người đã khiếp sợ mà chối đạo. bà quyết tâm trả lời mạnh bạo để củng cố người khác bền gan. Quan dọa bà hoặc phải chết hoặc bỏ đạo.. Nhưng bà hiên ngang trả lời :

  • Các quan vâng lệnh vua, nhưng phần tôi, tôi không bao giờ bỏ đạo Chúa trời đất.

Quan giận dữ ra lệnh:

  • Ngươi hãy dẫm chân lên ảnh tượng.

Quan nói hai ba lần, bà vẫn không sợ hãi, bà thưa lại :

  • Đạp ảnh tượng là chối đạo, xúc phạm đến Các Đấng. tôi không làm.

Quan ra lệnh giam nhịn đói ba ngày.. Tất cả 5 đàn ông, 3 đàn bà. Tất cả chết trong tù vào năm 1700 (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 80-85).

Ông Huệ Minh viết: ‘Lâm nguy mới rõ tôi trung, vào sinh ra tử anh hùng ghi tên’. Đó là lòng dũng cảm của hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính hôm nay.

Từ ngày đạo Chúa được rao giảng, lúc nào cũng có những tấm gương anh dũng như vậy. Trong Cựu Ước, cụ già Êlêzarô và bảy mẹ con bà Macabêô đã chết để làm vinh danh Chúa. Trong Tân Ước, khởi đầu bằng cuộc tàn sát các trẻ thơ vùng Belem, rồi đến việc chém đầu thánh Gioan Tiền hô, tiếp đến là cuộc tử nạn của Chúa Giê-su. Rồi từ Chúa, qua các tông đồ và mãi mãi về sau, ở mọi nơi và trong mọi lúc đều có những cuộc bách hại và cũng đều có những tấm gương anh dũng và bất khuất, mà hơn 100.000 các bậc tử đạo Việt Nam ngày hôm nay là một bằng chứng cụ thể.

Vậy các thánh tử đạo Việt Nam là những ai? Các ngài là những người như chúng ta, cũng biết đau khổ, cũng yêu mến sự sống, cũng sợ hãi trước cái chết. Và thực sự các ngài đã chết chỉ vì muốn trung thành với Chúa. Phần xác tuy chết nhưng tinh thần của các ngài vẫn bừng cháy trong dòng thời gian.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những Giám mục như Đức Cha Vinh, Đức cha Xuyên. Các ngài là những linh mục như cha Tịnh, cha Hưởng. Các ngài là những tu sĩ như thầy Khang, chú Bột. Các ngài là những viên chức phần đời như ông án Khảm, ông lý Mỹ. các ngài là những chức sắc phần đạo như ông trùm Đích, các ngài là những quân nhân như binh Thể, binh Huy, binh Đạt. Các ngài là những phụ nữ như bà Thành mà chúng ta quen gọi là thánh Đê. Các ngài đã ra đi với sự tự do tuyệt đối, với nụ cười tha thứ và với niềm tin kiên vững.

Trong suốt thời gian bị giam giữ, bị tra tấn và bị hành quyết, các ngài đã tỏ ra thái độ mến Chúa và yêu người ở một mức độ cao, khiến cho các lý hình cũng phải cảm phục và suy tư. Cha Triệu bị giam trong tù, ngài rất băn khoăn khi nghĩ đến mẹ già. Ngài xin được phép về quê thăm mẹ, và chú lính đi theo đã hỏi: Ngài yêu mẹ như thế, sao không chối đạo để về nuôi mẹ. Ngài trả lời: tôi yêu mẹ tôi lắm. Nhưng trên mẹ tôi còn có Thiên Chúa. Hôm nay gặp được mẹ tôi trước ngày ra đi chịu chết, tôi thấy đã giữ trọn giới luật của Chúa. Tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam định, bọn lý hình được lệnh xử lăng trì Đức cha Tuyên, chúng chặt tay chặt chân rồi đút một miếng thịt vào miệng ngài, Đức cha ngạc nhiên và nói: Tôi không ngờ người Việt Nam mà lại có thể độ lượng  như thế hay sao? Lời nói này làm cho một người trong bọn lý hình cảm động và trở lại. Vậy đâu là nguyên nhân đem lại cho các ngài sức mạnh và tình thương như thế?

Tôi xin thưa đó là chính Thiên Chúa. Thực vậy Đức Kitô đã nói với chúng ta: Các con đừng sợ những người có quyền giết xác nhưng hãy sợ Đấng có quyền giết cả xác lẫn hồn. Chúa dạy và Chúa ban cho những ai vâng giữ lời Ngài. Bởi thế từ Eleazarô, bảy mẹ con Ma-ca-bê-ô cho đến Gioan Tẩy Giả và mãi mãi về sau, đều có một sức mạnh và một tình thương như thế. Các ngài tin rằng khi chịu cực hình, thì không chịu lẻ loi một mình, mà còn có Chúa ở bên cạnh. Bởi thế thánh Phaolô đã nói: Tôi không có gì để khoe khoang ngoài sự yếu đuối, nhưng tôi lại có thể làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi.

Nhân ngày mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy suy nghĩ như thế, hãy tin tưởng như thế, hãy cầu xin như thế, để khi gian nguy xảy đến, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và tình thương để làm chứng cho Chúa.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Suy tôn Hiển thánh ngày 19-6-1988

 Suy tôn chân phước :

17-5-1900 Đức Lê-ô XIII      64 vị

20-5-1906 Đức Pi-ô X           8 vị

02-5-1909 Đức Pi-ô X         20 vị

29-4-1951 Đức Pi-ô XII       25 vị

Thành phần :

                      Pháp      T.B.Nha       Việt     Tổng số

Giám mục          2              6                               8

Linh muc           8              5                 37         50

Thầy giảng                                           14         14

Chủng sinh                                             1           1

Giáo dân                                               44         44

Thời đại        Trịnh Nguyễn  1745 và 1773        4 vị

                       Cảnh Thịnh     1798                     2 vị

                       Minh Mạng    (1820-18400)     58 vị

                       Thiệu Trị        (1841- 1847)        3 vị

                       Tự Đức           (1847-1883)      50 vị

Các loại án

Bá đao            cắt 100 miếng thịt                          (1 vị)

Lăng trì           chặt tay chân trước khi chém đầu  (4 vị)

Thiêu sinh       đốt sống                                          (6 vị)

Trảm               chém đầu                                       (75 vị)

Giảo                cột giây vào cổ, kéo 2 đầu giây     (22 vị)

Rũ tù               chết trong tù                                    (9 vị)

 

Cầu nguyện Tv125,2-3

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán;

Việc Chúa làm cho họ, ôi vĩ đại

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành