Sứ Điệp Đức Thánh Cha Gửi Hội Đồng Tòa Thánh Về Văn Hóa


Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi phát triển một thuyết nhân bản Kinh thánh, cởi mở một cách khôn ngoan đối với những đóng góp của truyền thống nhân bản hiện đại và các nền văn hóa khác.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp Video gửi các thành viên và cố vấn của Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, nhóm khóa họp toàn thể dưới dạng trực tuyến, hôm 19 tháng Mười Một vừa qua. Khóa họp này đã bị hoãn lại trước đây vì đại dịch và nay tiến hành dưới dạng trực tuyến. Hội đồng về văn hóa của Tòa Thánh có hơn ba mươi hồng y và giám mục và thành viên, cùng với ba mươi ba vị cố vấn. Các vị đã trao đổi về đề tài: “Thuyết nhân bản cần thiết” dưới quyền chủ tọa khóa họp của Đức Hồng y Chủ tịch Gianfranco Ravasi.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhận xét rằng: “thuyết nhân bản dựa theo Kinh thánh, trong cuộc đối thoại phong phú với các giá trị của tư tưởng cổ điển Hy Lạp và Latinh, đã làm nảy sinh cái nhìn cao cả về con người, nguồn gốc và vận mệnh chung kết của con người, về lối sống của con người trên trái đất này. Sự liên kết giữa sự khôn ngoan xưa kia và của Kinh thánh vẫn là mô hình phong phú.”

“Tuy nhiên, thuyết nhân bản Kinh thánh và cổ điển ngày nay phải cởi mở khôn ngoan để đón nhận trong một tổng hợp mới, có tính cách sáng tạo, cả những đóng góp của truyền thống nhân bản hiện đại và của các nền văn hóa khác. Ví dụ, tôi nghĩ đến quan điểm toàn diện của các nền văn hóa Á châu, để tìm kiếm sự hài hòa nội tâm và với thiên nhiên. Hoặc tôi nghĩ đến tinh thần liên đới đặc biệt của các nền văn hóa Phi châu, để vượt thắng cá nhân chủ nghĩa thái quá, tiêu biểu của nền văn hóa tây phương. Một điều cũng quan trong, đó là nhân loại học của các dân tộc Mỹ châu Latinh với cảm thức sinh động về gia đình và lễ hội. Cũng vậy, các nền văn hóa của các thổ dân bản địa trên toàn trái đất. Trong các nền văn hóa khác nhau ấy, có những hình thức của một nền văn hóa, nếu được hội nhập vào thuyết nhân bản Âu châu đến từ nền văn minh Hy-La và được quan điểm Kitô biến đổi, thì ngày nay trở thành phương tiện tốt nhất để đương đầu với những vấn nạn lo âu về tương lai nhân loại. “Quả vậy, nếu con người không tái khám phá chỗ đứng đích thực của mình, không hiểu một cách thích hợp về chính mình, thì rốt cuộc nó sẽ đi ngược lại với chính thực tại của mình” (Laudato sì 115).

(Rei 22-11-2021)

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu