Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm C


CHÚA NHẬT 3 MV NĂM C

12-12-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Việt An

GIÁO HUẤN SỐ 3

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Các nẻo đường huynh đệ (tt)

 Những tổn thương mà các con kinh nghiệm có thể cám dỗ các con rút lui khỏi người khác, quay lại nơi chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc oán giận, nhưng đừng bao giờ ngưng lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi tha thứ. Các giám mục ở Rwanda diễn tả rất hay: “Để hòa giải với một người, trước hết bạn phải nhìn thấy điều tốt lành nơi người ấy, điều tốt lành mà Thiên Chúa nhắm khi tạo nên người ấy… Điều này đòi phải cố gắng để phân biệt giữa điều xúc phạm và người xúc phạm, nghĩa là các con ghét sự xúc phạm mà người đó đã gây ra, nhưng các con yêu thương người đó bất chấp sự yếu đuối của họ, vì nơi người đó các con thấy hình ảnh của Thiên Chúa”. Có những lúc tất cả các năng lực tuổi trẻ chúng ta, những ước mơ và lòng hăng hái có thể tàn lụi vì chúng ta bị cám dỗ chựng lại nơi chính mình, nơi các vấn đề của mình, nơi các cảm giác tổn thương và những dằn vặt của mình. Đừng để điều này xảy ra với các con ! Các con sẽ già đi trước tuổi đấy. Mỗi lứa tuổi có nét đẹp của nó, và những năm tháng tuổi trẻ chúng ta cần phải được đánh dấu bằng những lý tưởng cùng nhau chia sẻ, những hy vọng, và những ước mơ, những chân trời thênh thang mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm niệm (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống số 165&166).

———————–

CHÚA NHẬT 3 MV NĂM C

(Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18)

Cô bé Lu-xi-a vỗ tay reo mừng

Cô bé Lu-xi-a, 12 tuổi, con ông Phê-rô Kỳ, người Kim Long, Huế, rẽ đám đông chạy vào, quì xuống hôn chân anh Ra-pha-en  và Tê-phan mới 16 và 14 tuổi. Anh Ra-pha-en nâng cô dậy và nói: “Em hãy vững tâm, chúng ta rồi sẽ gặp nhau trên thiên đàng”. Sau đó, anh nói với đám đông: “Thưa quí đồng bào, chúng tôi tất cả sung sướng được chết vì Đạo thánh của chúng tôi và vì chúng tôi muốn được gặp Cha chúng tôi ở trên trời”.

Ngày 4-2-1665, người ta dẫn 4 tín hữu từ Quảng Ngãi đến Hội An: Tô-ma Tín, Tô-ma Nghệ, Đa-minh và Biển Đức. Ông Tô-ma Tín là một nhà nho lại có tài hùng biện. Trước tòa án, quan hỏi ông Tín : “Tại sao các anh sinh ra ở Việt Nam, lại bỏ đạo xứ sở, đi theo đạo Hoa Lang ?” Vị anh hùng đáp: “Đúng chúng tôi theo đạo Hoa Lang,  nhưng không phải vì đạo này là luật pháp riêng của một vương quốc hay một quốc gia, mà vì là lề luật của Chúa Trời Đất đã được trao ban cho cả thiên hạ. Mặt trời không phải vì soi sáng cho Việt Nam lại bảo là của riêng nước ta, nhưng là của cả vũ trụ. Cũng vậy, lề luật hay đạo người ta gọi là Hoa Lang được rao giảng theo lệnh của Thiên Chúa, không những là đạo của Hoa Lang, mà còn là của tất cả các nước trần gian. Chính các quan cũng nhìn thấy rõ các thừa sai đến đây rao giảng lề luật đạo Thiên Chúa, không phải chỉ có những người Hoa Lang, mà còn có những người quốc tịch Ý, Nhật, Pháp… Lề luật hay đạo này vừa đúng đắn, vừa thánh thiện, đến bất cứ dân tộc nào được nghe và hiểu biết đều tin theo, bởi vì khi hướng dẫn cuộc sống con người, đạo này đảm bảo hạnh phúc ngay ở đời này, và dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau”.

Người trinh nữ tí hon Lu-xi-a xuất hiện với một bà góa đạo đức tên là Ma-ri-a. Sau khi vái chào các quan, cô bé dõng dạc nói: “Bẩm các quan, cháu là con gái của ông Phê-rô Kỳ, mà nhà vương đã giết chết vì đạo Chúa Ki-tô. Cháu cũng muốn được chết như vậy, nhưng các quan chê cháu còn bé. Hôm nay cháu đến với bà lớn tuổi này, xin các quan cho bà đây và cháu được chết để được hạnh phúc trên trời”. Các quan tức giận, bỏ hết thủ tục tố tụng, kết án ngay em Lu-xi-a và bà Ma-ri-a vào nhóm 4 tín hữu Quảng Ngãi.

Đoàn người từ từ tiến đến pháp trường. Một người lính đánh trống và rao lớn tiếng: “Chúa thượng bắt những người này vì theo đạo Hoa Lang”. Tại pháp trường, ông Tô-ma Tín thưa: “Anh em chúng tôi rất vui mừng vì được chết để làm chứng cho đức tin. Chúng tôi chỉ tiếc một điều là không có một ngàn cái chết để hiến dâng cho Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất”.

Nhiều con voi được dẫn đến, bé Lu-xi-a vỗ tay reo mừng lên tiếng nói: “Cháu không mất trí, không khi nào cháu tỉnh trí bằng lúc này, bởi vì cháu đã chọn phần tốt nhất. Hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đón cháu”. 12 con voi tiến đến. Hai con lấy vòi quấn bà và cô gái tung lên trời. Giáo dân vào lấy xác, đem đi chôn  (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập 1, trang 252)

Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng hôm nay được gọi là chúa nhật vui mừng, chủ tế mặc áo mầu hồng. Ba bài đọc thánh lễ nói lên niềm vui của người con Chúa, vì Chúa sắp sinh ra, Chúa sắp đến.

Bài đọc 1 (Xp 3,14-18a) : Bđ1 đọc sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a. Cha Kevin Sullivan viết về bđ1 hôm nay như sau : “Ngôn sứ đi rao giảng cho dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem vào nửa sau của thế ky VII tCN. Đây là thời tôn giáo xuống dốc. Chế độ độc thần thời Mô-sê hầu như bị quên lãng. Các thần ngoại được thờ ngay trong thành thánh Giê-ru-sa-lem. Ngôn sứ đã cảnh cáo dân Chúa chọn và các dân ngoại lân cận, những dân đã làm cho dân Chúa sai đường lạc lối. Nhưng ngôn sứ đã an ủi số còn sót của dân Chúa bằng những lời đầy hy vọng. Họ sẽ được cứu. Người sẽ như một vị ‘cứu tinh hùng mạnh’ đến ở với họ. Bài đọc hôm nay là một bài ca hy vọng (The Sunday Readings cycle C, trang 12).

Chúng ta đọc lại vài câu :

Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xi-on

hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem hãy nức lòng phấn khởi

Án lệnh phạt ngươi Đức Chúa đã rút lại (Xp 3,14-15).

Bài Tin Mừng (Lc 3,10-18): Về BTM Đức cha Lâm viết: “Tác giả Lu-ca đã cho chúng ta thấy dân chúng tuôn đến với Gio-an để được ông thanh tẩy. Họ muốn chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Họ thành thật muốn biết phải làm gì ?

Tác giả Lu-ca để cho dân chúng hỏi trước. Ông vẫn có thiện cảm với dân chúng. Và khi viết tác phẩm Tin Mừng, ông vẫn quan tâm nhấn mạnh tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Ông nói đến hạng người thu thuế. Những người này cũng được ông thương, mặc dầu họ bị người Do Thái liệt vào hạng tội lỗi vì họ lấy thuế cho ngoại bang và nhiều khi hà lạm. Nhưng Chúa đã chẳng đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi ư? Chính họ cần lòng thương của Người. Sau đó tác giả Lu-ca nói đến lính tráng. Ở đây có lẽ là hạng lính đánh thuê hay phiền nhiễu đồng bào. Ai yếu thì sợ họ, nhưng người hiểu biết thì nhìn họ bằng ánh mắt thương hại! Lu-ca là tác giả tình thương. Ông muốn cho họ được ơn cứu độ. Và vì thế, ông đã để cho tất cả những hạng người trên phát biểu thiện chí muốn làm gì để được lòng thương của Chúa (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm C, trang 22-23).

Bài đọc 2 (Pl 4,4-7): Cha Kevin Sullivan viết về bđ2 như sau: “Thánh Phan-xi-cô As-si-si cố gắng đời ngài theo sát đời Chúa Giê-su bao nhiêu có thể. Nhờ thế, ngài là một trong những người hạnh phúc và vui vẻ nhất. Ngài thường bệnh tật, thường đói, thường bị rét lạnh, thường bị mệt mỏi, nhưng ngài không bao giờ buồn. Ngài an ủi mình bằng những lời khích lệ của thánh Phao-lô. Ai đi dâng lễ mà người thấy  buồn, người bảo họ đi xưng tội, như xưng một tội trọng. Chúng ta thật sự là những khách hành hương trên trái đất này, nhưng mỗi ngày chúng ta sống là một ngày gần hơn với căn nhà thật và bền vững là thiên đàng. Trong đời mỗi người, có những khó khăn, những đau khổ, nhưng chúng ta được chính Đấng Cứu Thế an ủi : ‘Nếu ai theo Tôi, hãy vác thập giá hằng ngày mà theo’. Thánh giá chúng ta vác không phải là những chướng ngại ngăn cản đường về trời, song là những phương thế cần thiết để về trời. Nếu vui lòng chấp nhận, thì những khổ đau giúp chúng ta gần với Đấng vác thánh giá lên đồi Can-va-ri-ô để cứu chúng ta” (Sđd, trang 14-15).

Thánh Phao-lô khuyến khích giáo đoàn Phi-lip-phê : “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại vui lên anh em ! (Pl 4,4).

Cầu nguyện Tv 12,5-6

Đàn ca lên mừng Chúa

vì Người đã thực hiện bao kỳ công

điều đó phải cho cả địa cầu được biết

Dân Xi-on hãy mừng rỡ reo hò

vì giữa ngươi

dân thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành