Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C


CHÚA NHẬT 4 MV NĂM C

19-12-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi và Giáo xứ Hòa Ninh

GIÁO HUẤN SỐ 4

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Các nẻo đường huynh đệ

 Thiên chúa yêu quí niềm vui của tuổi trẻ. Ngài đặc biệt muốn họ tham dự trong niềm vui hiệp thông huynh đệ, niềm vui lớn lao được cảm nhận bởi những ai biết chia sẻ cho người khác, vì “cho thì có phúc hơn là nhận (2Cr 9,7). Tình huynh đệ sẽ gia tăng gấp bội khả năng của chúng ta trong kinh nghiệm niềm vui, vì nó làm cho chúng ta hoan hỉ với điều tốt lành của người khác : “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Ước gì tính cách hồn nhiên trẻ trung của các con ngày càng thể hiện nơi tình yêu thương huynh đệ và nơi thái độ luôn sẵn sàng để tha thứ, để sống quảng đại và xây dựng cộng đoàn. Như một ngạn ngữ Phi châu nói: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, còn nếu muốn đi xa, bạn hãy đi với người khác’. Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp tình huynh đệ (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống số 167)

————————–

CHÚA NHẬT 4 MV NĂM C

(Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45)

Chuỗi Mân Côi

1.Ngay từ lúc đầu khi mới đến Qui Nhơn, trong công cuộc truyền giáo, cha   Buzomi đã chú trọng đến giới nho gia trí thức và giới cầm quyền. Ở Việt Nam cũng như Trung Hoa giới trí thức đồng thời cũng là giới cầm quyền có ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng. Lôi cuốn được giới này thì quần chúng cũng không khó lắm…

Mở đầu cho giới trí thức Qui Nhơn là một vị đại thần, sứ giả triều Nguyễn sang Cao Miên (Kampuchia). Phu nhân của ông là con gái quan phủ Qui Nhơn mới qua đời. Nhiều lần bà đã có dịp nghe cha Buzomi trình bày đạo mới và đã có ý muốn theo. Lợi dụng lần ông lên phủ chúa để lĩnh ý và lễ vật trước khi lên đường đi sứ, bà và một số gia nhân đến xin học đạo với cha Buzomi. Được rửa tội với tên thánh là Ur-su-la. Bà còn lôi cuốn được chồng trở lại. Tuy bận bụi sửa soạn lên đường để đi sứ, trong 20 đêm liền, ông đến tiếp tục học đạo với cha. Ông đã trở lại với tên thánh là I-nha-xu cùng với rất nhiều gia nhân và nhân viên tùy tùng… Bị người Hòa Lan tuyên truyền, họ khuyên ông bỏ đạo. Ông đã can đảm tuyên xưng đức tin.

Công việc song xuôi trở về, ông được vua vua Cao Miên tiễn ra tận ngoài khơi. Chẳng may gặp bão lớn, thuyền nhà vua bị bão đắm chết. Đang khi đó, đặt tất cả tin tưởng vào sự bảo hộ của Chúa quan phòng, ông I-nha-xu điềm tĩnh ngồi trong khoang lần hạt. Thuyền ông trở về tới Quảng Nam bằng yên vô sự (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Quyển I, trang 66-68).

2. Không biết từ đâu, một câu chuyện vu cáo bịa đặt khác được tung ra. Dạo đó các cha thường tặng các tân tòng một cỗ tràng hạt và họ thường đeo ở cổ, lúc ở nhà cũng như lúc đi đường. Những kẻ thù của đạo thường phao đồn rằng: tràng hạt là thứ dây bùa, các cha dùng để trói buộc hồn các người theo đạo. Chết rồi, hồn họ sẽ hết kiếp này đến kiếp khác phải đầu thai làm tôi đòi, súc vật cho nước Bồ. Các cha là các thày pháp vua Bồ sai đến để bắt hồn dân Việt… Quan phủ khôn ngoan, cho điều tra tường tận và trình lên quan trấn Quảng Nam. Cha Buzomi cũng lên trấn xin quan cho điều tra. Câu chuyện bị vỡ lỡ. từ đó dân chúng mới hết tin những lời phao đồn vu cáo (Nguyễn Hồng, sđd, trang 74-75).

Chúa nhật 4 MV, Chúa nhật cuối cùng của MV được gọi là Chúa nhật của Đức Mẹ. Bài Tin Mừng là câu chuyện Truyền Tin. Trong phép lạ Trà Kiệu, chuỗi Mân Côi là nhân tố quan trọng. Vì nhận ra vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong việc sinh hạ Đấng Cứu Thế, và cũng là quan trọng trong việc sống đạo, người giáo dân Việt Nam say mê chuỗi Mân Côi.

Bài đọc 1  (Mk 5,1-4a) : Bđ1 là lời rao giảng của ngôn sứ Mi-kha. Ngôn sứ nói về Be-lem như sau : “Phần ngươi, hỡi Be-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” (Mk 5,1).

Cha Kevin Sullivan viết: “Mi-kha rao giảng ở Giu-đa vào nửa sau thế kỷ thứ 8 tCN. Ông chống lại những nhà giầu bóc lột người nghèo. Thiên Chúa sẽ phạt họ. Nhưng số còn lại, những người trung tín, Thiên Chúa sẽ cứu. Vương quốc Chúa sẽ được thiết lập. Đa số các ngôn sứ đều tiên báo Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện,  ngôn sứ Mi-kha là rõ nhất. Ông nói Be-lem là nơi Đấng Mê-si-a sinh ra. Người là mục tử và là vua không chỉ của Ít-ra-en, mà của toàn dân, vương quốc Người bình an. Ép-ra-tha là thị tộc Giuđa, sau được gọi là Be-lem, nghĩa là ‘nhà Bánh’ (The Sunday Readings, cycle C, trang 17-18).

Bài Tin Mừng (Lc 1,39-45) : Câu chuyện Tin Mừng là ngắm thứ 2 Mùa Vui: ‘Đức Bà đi viếng Bà thánh I-sa-ve’. Theo cha  Nguyễn Tầm Thường “Từ Na-da-rét xuống Giê-ru-sa-lem khoảng 130 cây số. Ein Karim, quê của bà Elisabet, nằm ngoài Giêrusalem gần chục cây số. Như thế Đức Mẹ đi từ Nadaret đến thăm bà Ê-li-sa-bét, nếu đi bằng lừa, thì cũng mất hơn 10 ngày (Kẻ đi Tìm, trang 294).

Cha Nguyễn Công Đoan viết về câu chuyện thăm viếng như sau: “Điều gì đã xảy ra trong lòng Đức Trinh nữ Ma-ri-a sau khi thiên sứ giã từ? Để nói lên điều ấy, Lu-ca kể ngay việc Đức Trinh nữ Ma-ri-a vội vã lên đường đi viếng bà Ê-li-sa-bét và sử dụng đoạn Cựu Ước kể việc vua Đa-vít rước Hòm Bia Giao Ước về Giê-ru-sa-lem (x. 2Sm 6). Hòm Bia Giao Ước bị người Phi-li-tinh đoạt trong một trận chiến cuối đời thượng tế Ê-li (1Sm 4,1-11) rồi gửi trả lại và Hòm Bia lưu lại ở Kia-giát Giơ-a-rim (1Sm 6,1-7.1). Sau khi vua Đa-vít chiếm được Giê-ru-sa-lem làm thủ đô. Vua đi rước Hòm Bia về (2Sm 6,1-19). Lần thứ nhất xảy ra tai nạn: ông Út-da bị chết, vua Đa-vít sợ: ‘Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được’. Vua gởi Hòm Bia ở nhà ông Ô-vét Ê-đôm. Ba tháng sau, nghe tin nhà Ô-vét Ê-đôm được chúc phúc, Đa-vít đi rước Hòm Bia về Lều được dựng gần nhà mình.

Vua Đa-vít sợ thì kêu lên: ‘Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được ?’. Còn bà Ê-li-sa-bét, khi nghe tiếng Đức Ma-ri-a chào thì ‘đứa con trong bụng nhảy mừng’, bà được đầy Thánh Thần, ‘kêu lớn tiếng’ nói lên mầu nhiệm đang mang trong lòng: ‘Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này !’ Thế là chúng ta có đám rước Hòm Bia Giao Ước Mới, với đứa con trong bụng nhảy mừng và bà mẹ lớn tiếng tung hô.

‘Đức Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng rồi trở về nhà mình’. ‘Độ ba tháng’ gợi lại thời gian Hòm Bia ở nhà Ô-vét Ê-đôm, càng làm rõ hơn sự đối chiếu giữa Đức Ma-ri-a là Hòm Bia Giao Ước Mới với Hòm Bia Giao Ước cũ. Hòm Bia xưa giữ Lời Thiên Chúa khắc trên hai bia đá, còn Hòm Bia Giao Ước mới mang Lời Thiên Chúa đã làm người. Xưa Thiên Chúa xuống trên núi Xi-nai uy nghi trong khói và lửa, phán bằng tiếng sấm tiếng sét, rồi khắc Luật trên bia đá trao cho ông Mô-sê. Nay Thiên Chúa xuống làm bào thai yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a để lập Giao Ước Mới.

Chúng ta chỉ có thể thinh lặng và cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa vì Người đã làm những việc kỳ diệu nơi Đức Mẹ. Đức mẹ được đầy ơn phúc là cho chúng ta. Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Đức Mẹ cũng là vì chúng ta. Trong kịch nghệ Hy Lạp thì sau mỗi phần diễn lại có một bài ca nói lên ý nghĩa của cảnh vừa diễn. Lu-ca áp dụng nghệ thuật này và cho chúng ta 4 bài ca để diễn ta ý nghĩa mầu nhiệm Nhập Thể trong hai chương này : bài ca Ngợi Khen, bài ca Chúc Tụng, bài ca Vinh Danh, bài ca An Bình Ra Đi (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Lu-ca. Trang 69-71).

Bài đọc 2 (Dt 10,5-10) : Thư gửi cho người Híp-ri được vài môn đệ thánh Phao-lô viết dưới ảnh hưởng của lời rao giảng và những thư viết của thánh Tông đồ Dân ngoại. Thư này được viết cho những người Do Thái trở lại vào thế kỷ 2. Mục đích của tác giả là củng cố đức tin cho những tân tòng và làm chứng rằng Đức Ki-tô là Đấng Mê-si-a. Qua những lời được viết, tác giả muốn nói rằng hi lễ Đức Ki-tô dâng tiến bãi bỏ và thay thế tất cả hi lễ Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sư vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa của Đức Ki-tô trên đồi Can-vê thay thế cho Giao ước cũ và nay là phương thế duy nhất để cứu rỗi nhân loại ( Kevin Sullivan, sđd, trang 19).

Qua ba bài đọc, chúng ta được biết Đấng Đức Maria cưu mang và hạ sinh chính là Đấng Thiên sai các ngôn sứ loan báo, và là Đấng cứu nhân độ thế.

Cầu nguyện Tv 79,15-16

Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,

từ cõi trời, xin ngó xuống mà xem,

xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,

bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng

và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành