Mồng Hai Tết Nhâm Dần – Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ
MỒNG HAI TẾT NHÂM DẦN
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
(Hc 44,1-10; Ep 6,1-4; Mt 15,1-6)
Cha Nguyễn Hồng viết: “Nhưng đang khi công cuộc truyền giáo đem lại những kết quả tốt đẹp thì các cha gặp hai thử thách lớn. Giáo dân vẫn lớn lên trong đau khổ con đường đưa đến vinh quang phục sinh là con đường thập giá:
Thử thách thứ nhất là cái chết của cha Phanxicô De Pina, thử thách thứ hai là sắc chỉ của chúa Sãi ra lệnh cho các cha phải tập trung về Hội An… Chuyện thử thách này do giới quan lại. Họ là những người rất trọng cổ truyền và nghi lễ, nhất là đối với việc cúng bái ông bà cha mẹ. Thấy người có đạo bỏ những việc đó, họ liền tố cáo các cha đã đem lại cho dân chúng ‘một thứ đạo ngoại lai man rợ, xóa nhòa trong tâm can của dân chúng lòng hiếu nghĩa biết ơn đối với ông bà cha mẹ, điều mà thiên nhiên đã in sâu vào tâm can con người (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập 1, trang 79-80).
Theo cha Buzomi, về vấn đề nghi lễ, nhất là về vấn đề ma chay tống táng, trong đó có pha trộn nhiều dị đoan mê tín, cần phải tẩy trừ, nhưng cũng có nhiều nghi lễ chỉ có tính cách xã hội để tỏ lòng tôn kính người quá cố, không có chi là trái với phép đạo cần phải bảo vệ (Nguyễn Hồng, sđd, trang 77).
Cái chết của cha Pina là một cái tang đau đớn, nhưng cũng là dịp để các cha phá đổ thành kiến sai lầm và những vu cáo phá hoại của giới quan lại, đồng thời kéo dài thời gian để tìm cách đổi lòng chúa Sãi. Các cha xin phép ở lại 100 ngày để giữ tang cha Pina. Tôn trọng nghi lễ cổ truyền và pháp luật cũng hết sức nương nhẹ đối với nhà hiếu, chúa Sãi cho phép các cha ở lại (Nguyễn Hồng, sđd, trang 81).
Đối với truyền thống văn hóa và tin ngưỡng dân gian Việt Nam thì đây là những việc làm hay lễ nghi tỏ lòng hiếu thảo. Những việc làm này đã in sâu vào trong lối sống và tâm hồn hầu hết người VN chúng ta. Trong chuyến luận Thực Trạng Văn Hóa Gia Đình VN, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh đã đưa ra những số liệu khảo sát tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hòa Bình và Cần Thơ như sau: 100% các gia đình có bàn thờ tổ tiên, 96% bàn thờ được đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất trong nhà, 95% các gia đình nhớ ngày giỗ của người thân (Giải Đáp Thắc Mắc, t.4, trang 65).
Lời Chúa ngày tết mồng hai Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ nhắc nhớ chúng ta lòng thảo hiếu.
Bài đọc 1 (Hc 44,1-10) : Bđ1 đọc sách Huấn Ca. Ngay những dòng chữ đầu, sách viết: “Hai thế kỷ trước Đức Kitô, ông Giê-su con ông Xi-ra (Hc50,27) đã viết cuốn sách này. Đó là một tổng hợp những truyền thống và những giao huấn của các hiền nhân. Ông là một người giầu có và học thức. Có lẽ ông là chủ của một gia đình quyền quí, có các gia nhân. Ông thú nhận rằng Sách Thánh đã dạy cho ông bí quyết của sự thành công. Viết cuốn sách này ông muốn chia sẻ với mọi người những gì ông đã học được trong sách Thánh và những gì ông đã xác minh được qua kinh nghiệm riêng của mình. Ông đã viết cuốn sách này ít năm trước cuộc khủng hoảng tôn giáo mà cách sách Ma-ca-bê kể lại. Nhiều người cùng thời với ông đã để cho văn hóa Hy Lạp lôi cuốn, và đối với họ, đạo Do Thái đã già cỗi rồi ! Tác giả muốn chứng minh cho họ thấy đức tin và ý nghĩa gì khi phải sống và giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực tế. Không một dân tộc nào khác có sự khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của dân Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã gửi Đức Khôn Ngoan đến cư ngụ nơi dân ấy. Như vậy sách này cho chúng ta thấy Lề Luật của Thiên Chúa dẫn đưa con người đến một đời sống cá nhân vừa nhân bản hơn vừa trung thực hơn như thế nào (Dẫn nhập trang 1093).
Trong bđ1, sách giới thiệu với chúng ta các bậc danh nhân. Sách viết: “Đức Chúa đã sáng tạo nên nhiều con người hiển hách là các vĩ nhân từ những xa xưa: có những người cai trị đất nước mình và những con người nổi danh về quyền lực; có những người cố vấn nhờ trí thông minh; có những người loan báo bằng những lời sấm. Có những người lãnh đạo dân bằng những lời chỉ dẫn, bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời dạy dỗ khôn ngoan…(44,1-5).
Bài Tin Mừng (Mt 15,1-6) : Sách Tin Mừng thánh Mát-thêu viết : “Mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : ‘Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?’ Người trả lời : ‘Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thông của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử’. Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha mẹ rằng : những gì con có thể giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi’ thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa. Quân giả hình kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng; ‘Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng. Còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích. Vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật thường nhân” (Mt 15,1-9).
Cha Ckaude Tassin viết: “Thay vì trả lời, Chúa Giê-su liền công kích họ ngay (c 3-6) truyền thống ngày xưa là nhằm phục vụ cho các giới luật của Thiên Chúa. Thế mà than ôi! Đôi khi nó lại rơi vào tình trạng đến việc ‘hủy bỏ Lời Chúa (Học viện Đa-minh, Tin Mừng Mat-thêu, trang 292-293).
Bài đọc 2 (Ep 6,1-4) : Bđ2 đọc thư Ê-phê-xô của thánh Phao-lô. Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của hai anh em Bernard và Louis Hurault viết: “Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô này hình như được viết sau thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Thánh Phao-lô đề cập lại và triển khai kế hoạch của Thiên Chúa, mà ngài cho biết đã hiểu trong một mặc khải. Thế giới đã được tạo dựng cho loài người và để từ đó nảy sinh Con Người Mới, một gia đình duy nhất trong Chúa Ki-tô. Mỗi người ở vị trí của mình, nhưng tất cả qui về một trung tâm điểm là một con người có khả năng đón tiếp mọi người, và từng người một, vào trong bản thân đã đạt tới tầm vóc viên mãn của mình: con người ấy là Chúa Ki-tô (Nhóm CGKPV chuyển ngữ, trang 2028).
Ngày xuân, ngày gia đình xum họp, trong hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, đọc bđ2 hôm nay thật thấm thía : “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để người được hạnh phúc và hưởng tho trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ đừng làm con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,1-4).
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,
Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.
Hôm nay nhân dịp đầu năm mới
chúng con họp nau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Xin Chúa trả công bội hậu
cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con
và luôn giúp con sống cho phải đạo đối với các ngài
Chúng con cầu xin
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành