Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm C


CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

20-2-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ La Nang

GIÁO HUẤN SỐ 13

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Những nhà thừa sai can đảm (tt)

Tầm quan trọng của chúng ta không hề muốn nói rằng: chúng ta phải thinh lặng và không lên tiếng. Chúng ta cũng cần nói về Đức Giê-su chứ, chúng ta cũng cần kể cho người khác rằng Người đã trao cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta được đi đường nhờ suy niệm Lời của Người… Các bạn trẻ đừng để thế giới lôi kéo các con vào toàn những thứ sai lầm và hời hợt. Hãy học lội ngược dòng, hãy học biết chia sẻ Đức Giê-su và đức tin mà Người ban cho chúng con. Ước gì chúng con được đánh động bởi cùng sự thúc đẩy bất khả kháng làm cho thánh Phao-lô đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

 —————-

CN 7 TN NĂM C

(1Sm 26,2.7-9.12.13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38)

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (1796-1859)

Con ơi, hãy tha thứ. Đừng báo thù kẻ tố giác cha nhé!”. Đó là lời trăn trối của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng cho con trai trước khi bị xứ chém. Noi gương Đức Ki-tô trên Thập Giá xin Chúa Cha tha cho những kẻ hành hạ mình. Thánh nhân nài nỉ các bạn hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Ki-tô giáo : “Hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy tha thứ vì chính tôi đã thứ tha”. Cho đến muôn đời, mẫu gương và lời nói đó sẽ mãi mãi vang vọng trong lòng người tín hữu Việt Nam.

Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, Châu Đốc, An Giang. Nhìn bề ngoài ông Phụng không mấy hấp dẫn vì vóc dáng có vẻ dữ dằn, hay lớn tiếng với mọi người. Nhưng nhờ tính cương trực, sự dứt khoát cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, ông được bà con tín nhiệm và đề bạt làm ‘câu’ họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm ấy, ông câu đã góp sức tổ chức giáo họ thêm lớn mạnh ngay trong thời bắt đạo thời vua Tự Đức.

Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho các nữ tu và trở thành khu trú ngụ khá an toàn cho các giáo sĩ. Viên quan huyện địa phương một phần vẫn nhận tài trợ của ông, một phần thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy hiểm, nên cho người báo tin trước khi phải kiểm tra theo lệnh trên, đủ thời giờ để các tín hữu cất giấu ảnh tượng và vật dụng tôn giáo.

Thế nhưng có điều ông câu Phụng không ngờ tới là món tiền thưởng của nhà vua vốn có hấp lực với một vài người theo dõi nhà ông. Cuối năm 1858 họ đã phát hiện một vị thừa sai ở nhà ông, cha Perrot.

Sáng ngày 7-1-1859 quan quân Châu Đốc bao vây nhà ông. Ông vội vã đưa cha Perrot đi trốn, còn cha sở Phêrô Quý không chịu bỏ giáo dân đi trốn. Hai cha con bị bắt.

Tại pháp trường cô Anna Nhiên được gặp ông. Ông tháo ảnh Thánh Gia ở cổ đeo

vào cổ cô và căn dặn : “Con ơi hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Ánh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn đeo nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”. Ngày 31-7-1859, ông bị tròng giây thừng vào cổ. Hai người lính hai đầu giây kéo chết. Ngày 2-5-1907 Đức giáo hoàng Pi-ô X tôn lên bậc chân phước, ngày 19-6-1988 Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phong lên bậc thánh.

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã sống điều răn ‘chớ báo thù’ trong Lời Chúa

bài đọc thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 (1Sm 26,2.7-9.12.13.22-23): Theo lời Chúa, ngôn sứ Sa-mu-en đã xức dầu phong vương cho Đa-vít làm vua thứ hai của nhà Ít-ra-en, chứ không phong cho con vua Sa-un. Vua Sa-un giận dỗi, muốn hạ sát Đa-vít. Đa-vít cùng với 400 thuộc hạ phải trốn vào sa mạc Díp. Vua Sa-un đem 300 quân đi bắt Đa-vít. Thấy vua Sa-un ngủ say trong lều, Đa-vít cùng tướng A-vi-sai đến lều. Tướng A-vi-sai nói với Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù vào tay cậu. Bây giờ xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất; một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai”. Đa-vít trả lời : “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu ?” (1Sm 26,8).

Bài Tin Mừng (Lc 6,27-38): Cha Vũ Phan Long viết về BTM như sau :

  1. Tránh làm một hành vi tiêu cực, đáp lại hành vi tích cực chưa đủ. Người môn đệ của Đức Giê-su phải đáp trả oán ghét bằng tình yêu hy sinh, việc bị khai trừ bằng việc làm ơn, những sỉ vả bằng lời chúc phúc, và bị xóa tên bằng lời cầu nguyện. Tức là họ không chỉ tìm cách giữ cho ổn định đời sống xã hội, nhưng còn phải diễn tả cách xử sự của Thiên Chúa ra cho anh chị em đồng loại.
  2. Người ta vẫn nói rằng tôi tha thứ nhưng không thể quên được những điều dữ kẻ khác đã làm cho tôi. Quả thật tha thứ thì phải đi đến chỗ quên đi những điều tiêu cực mà mình đã là nạn nhân. Có thể bước đầu mình chưa thể quên được. Nhưng cũng một bước đầu để đi đến chỗ quên được, đó là cầu nguyện cho những kẻ làm hại mình và khi có cơ hội thì tận tình giup đỡ họ qua cơn hoạn nạn.
  3. Để tìm được như thế, người Ki-tô hữu phải chấp nhận chết những tâm tình tự nhiên để mặc lấy trái tim quảng đại của Đức Giê-su, là Đấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người vào thập giá. Hẳn điiều này không phải là dễ, nhưng chúng ta có sức mạnh siêu nhiên Đức Ki-tô ban, có Thần Khí của Người. Ta không thể trở thành một môn đệ đích thực của Đức Ki-tô nếu ta không chấp nhận chết cho chính mình như thế. Người nào chấp nhận cái chết này, thì sẽ trải nghiệm được điều mà thư 1 Gioan đã viết : ‘Chúng ta biết rằng chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em’ (1Ga 3,14).
  4. Một kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống thiêng liêng là : để không cảm thấy chua xót về các tai họa mình đã phải chịu, tốt nhất đừng bao giờ tìm cách khơi lại các câu chuyện đau buồn ấy. Nếu tình cờ nhớ lại, thì mau mắn chuyển ý nghĩ sang chuyện khác. Đấy là một cách tập chọn lựa liên tục đứng về phía sự thiện (Các Bài Tin Mừng Lu-ca Dùng Trong Phụng Vụ, trang 130-131).

Bài đọc 2 (1Cr 15,45-49) : Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm viết về bđ2 như sau : “Chúng ta được cấu tạo bằng thể xác và linh hồn. Hơn nữa ơn Chúa đến đổi mới chúng ta, nâng cao bản tính con người lên, kết hợp và chia sẻ sự sống Thiên Chúa, khiến nơi chúng ta vừa có con người cũ do A-đam lưu truyền vừa có con người mới do Chúa Giê-su mặc cho. Con người A-đam do tự đất, nên luôn hướng chiều về đất . Con gười Giê-su do tự trời, nên muốn kéo chúng ta  lên những  sự cao siêu. Con người do đất là người trần ai, muốn sống như người phàm trần, con người do Chúa kéo chúng ta bắt chước nếp sống của Người. Vì người môn đệ ở trong một thể hai chiều như vậy, nên họ bị giằng co. Tự nhiên họ muốn đối xử với mọi người theo cách thế gian là yêu bạn hữu ghét thù địch. Nhưng ơn của Chúa, tinh thần mới của Phúc Âm mà họ nhận được khi tái sinh trong phép rửa, lại thúc giục họ thi hành lệnh truyền của Chúa là yêu mến địch thù (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm C trang 220).

Chớ xét đoán

Lc 6,37; Mt 7,1-5

Cũng đừng xét đóan dông dài

Xét sao bị vậy kêu nài làm sao

Con đong thiên hạ đấu nào

Sẽ dùng đấu ấy đong vào cho con

Sao con thấy cục thấy hòn

Thấy từng cái rác tí hon mắt người

Lại không thấy đất thấy trời

Thấy cây đà cửa ở nơi mắt mình

Sao con làm tội làm tình

Đòi khếu cái rác trong mình anh em

Mắt mình lại để lem nhem

Không cho ai ngó, ai xem mắt mình

Thôi thôi hỡi kẻ giả hình

Trong con mắt có cây đinh cây xà

Hãy lo mà bẩy nó ra

Rồi khều cái rác người ta muộn gì

Nguyễn Xuân Văn, Sứ Điệp Tình Thương, 83

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành