Tài Liệu Học Hỏi: Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành – Phần Hai
PHẦN THỨ II:
BỐI CẢNH GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Giáo phận Đà Nẵng là một giáo phận nhỏ bé và non trẻ so với các giáo phận khác tại Việt Nam. Nhưng vùng đất này là cái nôi của công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo xuống trên vùng đất này trong bối cảnh của cuộc giao lưu giữa phương Đông và phương Tây và trong cuộc nội chiến giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn.
Ngày 18/01/1615, đoàn truyền giáo dòng Tên, với cha trưởng đoàn Francesco Buzomi (Italia), cha Diego Carvalho và thầy Antonio Dias (Bồ-đào-Nha), thầy Giuse và Phaolô (Nhật) đến tại Cửa Hàn rồi vào Hội An chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Nhật tại đó vì ở chính quốc đang trong cơn bách hại đạo. Năm ấy cha Buzomi dâng Thánh Lễ Phục sinh và đón nhận 10 tân tòng.[1] Các thừa sai tiên phong đã đặt cư sở tại Hội An, dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Nước Mặn (Qui Nhơn) và đã khai sinh chữ quốc ngữ, một công cụ cho việc truyền giáo lúc bấy giờ đồng thời là một đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam ngày nay. Cha Francesco de Pina là người có công nhiều trong giai đoạn khởi xướng, tiếc thay ngài bị chết đuối vào tháng 12 năm 1625. Cha Đắc Lộ, đến Đàng Trong năm 1624, tiếp tục hoàn thiện công trình chữ quốc ngữ. Ngài đã lập Hội Thầy Giảng để đào tạo các thừa tác viên giúp dạy giáo lý và điều hành cộng đoàn. Trong số các thầy giảng có thầy Anrê Phú Yên tử đạo tại Phước Kiều vào ngày 26.7.1644. Thầy Anrê Phú Yên là chứng nhân tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong lên bậc Chân phước vào năm 2000.
Năm 1659, Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, bổ nhiệm Đức Cha Lambert de la Motte làm Đại diện Tông tòa tại Giáo phận Đàng Trong và Đức Cha Francois Pallu làm Đại diện Tông tòa tại Giáo phận Đàng Ngoài. Đà Nẵng thuộc về Đàng Trong. Đức Cha Lambert de la Motte đã thiết lập hội dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ (Quảng Ngãi), triệu tập Công đồng Hội An (1671). Trong số các chủ chăn Đàng Trong có Đức Cha Guillaume Mahot được phong giám mục tại Hội An vào năm 1682; Thánh Giám mục Tử đạo J.B. Cuénot Thể đã đến định cư tại Quảng Nam trong ba năm. Trong những năm Phong trào Văn Thân bách hại đạo, nhiều giáo dân tại An Sơn, Vân Đõa bị thiêu sống trong nhà thờ hoặc chôn sống. Tại đồi Bửu Châu (Trà Kiệu) có Đền thờ dâng kính “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” được xây dựng để ghi nhớ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp giáo dân trong cơn Văn Thân bách đạo tháng 9.1885. Kể từ năm 1958 khi còn thuộc về Giáo phận Qui Nhơn, Trà Kiệu đã trở thành Trung tâm Thánh Mẫu của Giáo phận. Năm 1954, nhiều giáo dân từ các xứ đạo miền Bắc di cư vào Đà Nẵng làm thành các giáo xứ như Thanh Đức, Tam Tòa, Nhượng Nghĩa, Chính Trạch, Thanh Bình, Nội Hà…
Ngày 24.11.1960, Đức Giáo Hoàng XXIII đã ký sắc lệnh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, với ba Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ngày 18-1-1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ký sắc lệnh In Vitae Naturalis Similitudinem (Cũng Như Trong Đời Sống Tự Nhiên), thiết lập Giáo phận Đà-Nẵng và bổ nhiệm Đức Cha Phêrô- Maria Phạm Ngọc Chi là Giám mục tiên khởi. Giáo phận mới này tách ra khỏi Giáo phận mẹ là Giáo phận Qui Nhơn, bao gồm hai tỉnh Quảng Tín, Quảng Nam (trước 1975) và thành phố Đà Nẵng. Chính vì được sinh ra trong thời kỳ họp Công đồng Vatican II (1962-1965) và ngay từ đầu Giáo phận đã đi vào đường hướng của Công đồng mà Giáo phận được gọi là “Đứa Con của Công đồng”. Từ ngày được thiết lập cho đến nay đã có 05 vị Giám mục Chính Tòa cai quản Giáo phận:
Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1963-1988)
Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách (1988-2000),
Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh (2000-2006)
Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri (2006-12.3.2016)
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân (từ 12.3.2016 – nay)
Thời khởi đầu (1963-1975). Các cơ sở chính của Giáo phận được xây dựng: Tiểu Chủng viện Gioan, Tòa Giám mục, nhà hưu Linh mục, Đại Chủng viện Hòa Bình, Bệnh viện An Bình, tu viện dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa. Đây cũng là thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Sau trận lụt lịch sử 1964, một số giáo xứ miền núi bị xóa sổ, các giáo xứ tản cư (Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Tân, Gia Phước) mọc lên ở vùng Đà Nẵng. Vào đầu năm 1975, Giáo phận có 94.500 giáo dân, 105 linh mục, 73 đại chủng sinh, 238 tiểu chủng sinh, 308 tu sĩ của 10 dòng tu và giáo dân được đào tạo về hoạt động tông đồ.
Thời khó khăn (1975-1988). Từ tháng 4.1975, có phân nửa số giáo dân đi lập nghiệp ở các tỉnh phía nam và cao nguyên, hay ra nước ngoài, một số linh mục chuyển giáo phận, linh mục thừa sai về nước. Đến cuối năm 1975, trong Giáo phận còn khoảng 40.000 giáo dân. Năm 1984, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi hưu trí tại Trà Kiệu. Ngài qua đời và được an táng tại đó (21.01.1988). Nhà Nước trưng dụng các cơ sở Giáo phận đã xây lúc mới thành lập. Thời kỳ này không thuyên chuyển, bổ nhiệm linh mục, các sinh hoạt đoàn thể bị hạn chế rất nhiều. Đại Chủng viện Hòa Bình tại Phú Thượng qui tụ 40 thầy tiếp tục chương trình Đại Chủng viện, vừa học tập, vừa lao động…
Thời bình thường (1988- đến nay). Năm 1988, Đức Cha Phanxicô Xavie kế nhiệm Giám mục chính tòa. Xã hội chuyển mình theo chính sách ‘‘đổi mới’’. Sinh hoạt Giáo phận từng bước trở lại nhịp bình thường với các đợt phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển linh mục, Tiền Chủng viện mở tại Trung tâm Mục vụ, các thầy đi học tại Đại Chủng viện Huế. Tại các giáo xứ, có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Ban Điều hành Giáo họ; có các lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể, đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu hằng năm (vào ngày 31.5), hành hương Đền thánh Chân phước Anrê Phú Yên (vào ngày 26.7). Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu, Đền Chân phước Anrê Phú Yên, cũng như nhiều nhà thờ được tu sửa nâng cấp. Nhiều nhà thờ như Việt An, Hòa Cường, An Hải, Giuse Lao công, An Ngãi Đông, An Ngãi… cũng như Trung tâm Mục vụ, nhà hưu Linh mục là những công trình xây dựng mới. Giáo xứ nào cũng có nhà giáo lý (nhà cũ cải tạo hoặc xây mới). Phòng khám bệnh An Bình (ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Việc truyền giáo mở rộng về các huyện miền núi: Hiệp Đức, Khâm Đức, Nam Giang, Tây giang. Từ Năm Thánh 2000, tập ‘‘5 phút cho Lời Chúa’’ phát hành hàng tháng, in thành tập phổ biến tại các giáo xứ và đăng tải trên các trang mạng giúp sống Lời Chúa mỗi ngày.[2] Đại hội Dân Chúa (17-19.10.2012) kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận đề ra hướng đi ‘Hiệp Nhất, Sống Đức Tin, Loan Báo Tin Mừng.’ Cho đến nay, đã có 05 giáo xứ ‘hồi sinh’ là Thuận Yên, Hoằng Phước, Trung Phước, La Nang, Vân Đõa; 13 giáo họ tách khỏi giáo xứ lập thành giáo xứ mới; và 08 giáo họ thành giáo họ biệt lập [3]. Nhiều dòng tu đến lập cộng đoàn và cùng lo truyền giáo trong Giáo phận.[4] Ngoài ra, Giáo phận hiện nay có các đoàn thể, tổ chức giáo dân: Legio Mariae, Phan sinh tại thế, Bác ái Vinh sơn, Caritas, Khôi Bình, Thăng tiến Hôn nhân Gia đình, Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Phong trào Cursillo, Hồn nhỏ, Tông đồ Khuyết tật. Ngày 18 tháng 01 năm 2021, Đức Giám mục thiết lập 1 Hiệp hội Công (hướng đến thành lập dòng tu của giáo phận): Hiệp hội Nữ tỳ Thừa sai Thánh giá. Việc huấn luyện do nhà dòng Mến Thánh giá Qui Nhơn đảm nhận. Ngày 27 tháng 12 năm 2021 tại nhà thờ Chính tòa đã tổ chức Thánh lễ với nghi thức tiên khấn của bốn nữ tu đầu tiên. Đây là hoa quả đầu mùa của Hiệp Hội mới này.
Đến nay, sau 59 năm thành lập, Giáo phận Đà Nẵng có: 73.923 giáo dân trên tổng dân số 2.630.000 người (tỷ lệ 2,8%; trong đó Đà Nẵng: 1.134.200 và Quảng Nam: 1.495.800); có 122 linh mục (93 triều và 29 dòng), 51 giáo xứ, 08 giáo họ biệt lập.
Năm 2023, Giáo phận Đà Nẵng sẽ long trọng mừng kỷ niệm 60 năm thành lập và cũng là năm họp Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới khóa XVI tại Roma về tính hiệp hành. Sự trùng hợp này là dấu chỉ mời gọi cộng đồng dân Chúa Giáo phận: hân hoan tạ ơn và cùng chung nhịp bước với Giáo hội hoàn vũ, sống tình hiệp thông, và tiếp bước tiền nhân, loan báo Tin Mừng cho những đồng bào đồng hương thân yêu của mình.
CÂU HỎI
1- Ôn lại lịch sử Giáo phận, bạn thấy có một điểm son, hay một truyền thống tốt đẹp nào mà hậu sinh hôm nay cần bảo tồn và phát huy ?
2- Trên 400 năm Giáo phận Đà Nẵng đã được đón nhận Tin Mừng, chúng ta nghĩ gì về con số tín hữu chỉ chiếm 2,8% dân số toàn Giáo phận?
————
[1] Ban Biên Soạn Lịch sử Giáo phận, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nxb Antôn & Đuốc sáng, 2017, trang 48
[2] Tập này do một nhóm gồm hầu hết là các linh mục và tu sĩ trong Giáo phận cộng tác biên soạn.
[3] Các giáo xứ mới thành lập sau năm 2000: An Ngãi Đông, Cẩm Lệ, Đông Vinh, Hội Yên, Phú Hạ, Hòa Minh, Giu-se Lao Công, Hòa Lâm, An Thượng, Khánh Thọ, Việt An, Tam Thành, Tam Lộc. Các giáo họ biệt lập hiện nay: Mông Triệu, Cẩm Sơn, Phước Kiều, Thạnh Mỹ, Phú Quý, Tam Lãnh, Đại Hiệp, Lộc Hòa.
[4] Các dòng tu nam, nữ hiện đang phục vụ trong Giáo phận: dòng Tên, dòng Đa-minh, dòng Ngôi Lời, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc, dòng Thánh Thể, Tu hội Truyền giáo thánh Vinh Sơn, dòng Augustino Chân Đất (OAD), dòng Phanxicô, dòng Don Bosco, dòng Gioan Thiên Chúa, dòng Thánh Phaolo Thành Chartres, hội dòng Mến Thánh giá Qui Nhơn, Mến Thánh giá Huế, Con Đức Mẹ Đi Viếng, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cộng đoàn Tông đồ Đức Mẹ La Vang.
MỤC LỤC TÀI LIỆU HỌC HỎI
PHẦN MỞ ĐẦU: TÂM TÌNH CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KÍNH GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TOÀN GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ II: BỐI CẢNH GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ III: CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH