Tài Liệu Học Hỏi: Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành – Phần Ba
PHẦN THỨ III:
CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG
HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
I. THẾ NÀO LÀ HIỆP THÔNG?
- ĐỊNH NGHĨA:
Hiệp thông là khả năng con người lắng nghe nhau và mở lòng mình ra với người khác bởi vì cá nhân không thể sống một mình; sống là sống với, sống cùng người khác qua trung gian ngôn ngữ, điệu bộ và các dấu chỉ (theo Karl Rahner, Herbert Vorgrimler trong Petit dictionnaire de théologie catholique, 1969).
- THEO TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO
Từ điển Công Giáo (HĐGMVN, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo, nxb Tôn Giáo, 2019) định nghĩa tổng hợp về “hiệp thông” như sau:
Hiệp thông là việc các kitô hữu sống trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau
Hiệp thông bắt nguồn và đặt nền tảng trên sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi
Hiệp thông là nền tảng cho tính duy nhất hữu hình của Hội Thánh
Hội thánh là dấu chỉ sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ kinh nguyện, phụng vụ và bí tích
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG NÓI GÌ VỀ HIỆP THÔNG?
Sổ tay của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2023 viết: “Do ý muốn ân sủng của Ngài, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại như những dân tộc khác biệt trong cùng một đức tin, qua giao ước Chúa ban cho dân Ngài. Sự hiệp thông mà chúng ta chia sẻ có cội rễ sâu xa nhất trong tình yêu và sự duy nhất của Chúa Ba Ngôi. Chính Đức Kitô hoà giải chúng với Chúa Cha và hợp nhất chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được truyền cảm hứng nhờ lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Giáo hội và được đặt nền tảng trên một cảm thức đức tin mà chúng ta cùng nhau chia sẻ. Tất cả chúng ta đều đóng một vai trò trong việc phân định và sống lời mời gọi của Chúa cho toàn thể dân Ngài.” (VADEMECUM, 1.4).
Từ đó, có thể lược qua những nét chính của hiệp thông:
– Được quy tụ nhờ ân sủng
– Các dân tộc khác biệt nhưng duy nhất trong một đức tin
– Hiệp thông có nguồn mạch từ tình yêu và sự duy nhất của Chúa Ba Ngôi
– Phương thế xây dựng hiệp thông: lắng nghe Lời Chúa, trong truyền thống Giáo hội, chung cảm thức đức tin
– Mọi người đều có vai trò tham gia xây dựng sự hiệp thông
II. NỀN TẢNG THÁNH KINH VÀ HUẤN QUYỀN VỀ HIỆP THÔNG
- NỀN TẢNG THÁNH KINH
- Phúc Âm
Dụ ngôn cây nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5) là một trong những câu Kinh Thánh tiêu biểu cho khát vọng hiệp nhất của Chúa Giê-su (có thể kể thêm đoạn Lời Nguyện Hiến Tế…)
Hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi: Xin cho chúng nên một như chúng ta là một: Cầu cho các tông đồ (Ga 17, 12-19; Cầu cho các tín hữu: Ga 17, 20-21); Nguyên lý hiệp thông: yêu thương nhau.
-
- Thư Thánh Phaolô: Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô:
Rm 12, 4-13:
Các chi thể khác nhau nhưng chỉ có một thân thể: mỗi chi thể góp phần xây dựng thân thể duy nhất theo cách riêng của mình;
Phương thế xây dựng hiệp thông là đời sống bác ái.
1Cr 12-13:
So sánh Hội Thánh hiệp với thân thể.
Ân sủng khác nhau, nhưng chỉ một Chúa. Chức vụ khác nhau nhưng cùng xây dựng một thân thể.
Hoàn thiện hiệp thông trong đức ái.
Ep 4, 14-16 Xây dựng Hội Thánh hiệp thông trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô
- GIÁO HUẤN HỘI THÁNH
Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới năm 1985 khẳng định: “Khoa Giáo hội học hiệp thông là ý niệm trung tâm và nền tảng của các văn kiện Công đồng. Sự hiệp thông (koinonia-communio) đặt nền tảng trên Kinh Thánh đã được quý trọng hết sức trong Giáo Hội cổ thời và cho đến tận hôm nay trong các Giáo hội Đông phương. Vì vậy, Công đồng Vatican II rất tha thiết làm thế nào để Giáo Hội, như là mầu nhiệm hiệp thông, được hiểu đúng đắn rõ ràng hơn và diễn đạt cụ thể hơn trong đời sống”.
Trong Tông Huấn “Porta Fidei”(Cánh cửa đức tin), Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI nói Đức Giê-su Ki-tô đến để qui tụ và hiệp nhất nhân loại bị phân tán…Việc Ngài thành lập Nhóm Mười Hai là bằng chứng cụ thể cho khát vọng hiệp nhất đó. Họ được gọi để “ở với Ngài”, dẫn đưa các ông hiệp thông với Ngài và cho các ông tham dự vào sứ mệnh loan báo Nước Chúa bằng lời nói và việc làm (Phạm Đình Phước, NIỀM VUI ĐỨC TIN, 82-83).
Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI dẫn ý của nhà thần học Balthasar nói hộ chúng ta về khát vọng luôn bị giằng xé giữa “cái tôi” của mình và nhu cầu phải hiệp thông như sau: Vì “con người ở một mình không tốt!” nên tự bản chất luôn khao khát được nhìn nhận, yêu thương và hướng tới sự hiệp thông với người khác. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan cho con người được phép làm những gì mình thích nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào sự cô đơn cùng cực. Mình không cần ai và cũng không ai cần mình! Chủ nghĩa tập thể xem chừng hứa hẹn lúc ban đầu cuối cùng cũng đẩy con người vào nỗi khổ đau không hề nhỏ. Cá nhân bị tan biến trong cái chúng tôi vĩ đại và ngày hôm nay bị hy sinh vì một ngày mai nào đó.”
- ỦY BAN THẦN HỌC THẾ GIỚI
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần tạo dựng con người theo hình ảnh mình (Imago Dei). Thiên Chúa muốn con người sống thông hiệp với Ngài, nhưng Adam đã làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp ấy. Thiên Chúa trung thành duy trì sự hiệp nhất ấy khi sai Con mình xuống trần gian cứu độ con người. Chúa Ki-tô là hình ảnh trọn vẹn của Chúa Cha. Và từ đây con người, qua phép Rửa, được mang vào mình hình ảnh Chúa Ki-tô (Imago Christi). Tất cả lịch sử Kinh Thánh minh chứng cho ý muốn hiệp thông của Thiên Chúa đối với con người.
III. HIỆP THÔNG TRONG TIẾN TRÌNH HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
1.BỐI CẢNH DẪN ĐẾN MỘT THƯỢNG HỘI ĐỒNG HIỆP THÔNG
- Hoàn vũ
Phong trào thần học nữ quyền đề cao vai trò bình đẳng của phụ nữ với nam giới dẫn đến việc đòi hỏi truyền chức linh mục cho phụ nữ, đã và đang gây ra những vết rạn nứt cho sự hiệp thông trong giáo hội.
“Con đường công nghị” của Giáo hội Công Giáo Đức – bắt đầu ngày 01/12/2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 02/2022, nhắm cải tổ cơ cấu và đạo lý Giáo Hội trong 4 lãnh vực: việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội và cổ võ những biện pháp dân chủ hóa; tiếp đến là cải tổ luân lý tính dục cho hợp thời; thứ ba là cải tổ độc thân linh mục, bị coi là một nguyên do gây nên nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục; sau cùng là vai trò phụ nữ, cổ võ truyền chức cho nữ giới. Ban đầu các Giám Mục Đức tuyên bố những nghị quyết của công nghị này, khi được thông qua, sẽ có tính chất bó buộc đối với các Giáo phận, nhưng Tòa Thánh đã cảnh giác về vấn đề này, vì những nghị quyết đó có thể đi ngược giáo huấn của Giáo Hội, vì thế kế hoạch ấy không có giá trị về phương diện thần học và giáo luật đối với Giáo Hội” (Giuse Trần Đức Anh, OP).
Liên quan đến giới trẻ: qua Tông Huấn Đức Ki-tô Hằng Sống, Đức Phanxicô cho biết: “Hội Thánh khiêm tốn nhìn nhận rằng có một số điểm cụ thể phải được thay đổi, và để làm điều đó thì Hội Thánh phải trân trọng quan điểm và cả những phê bình của người trẻ” (số 39). Khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, giáo hội sẽ làm cho họ hiệp thông với mình cách trọn vẹn hơn là để họ đứng ngoài phê phán, ngờ vực.
- Giáo Hội Việt Nam & Giáo phận Đà Nẵng
Nhìn từ bên ngoài có thể có cảm tưởng một Hội Thánh hiệp thông với những tổ chức, nghi lễ long trọng đông người.
Xét một cách sâu xa, có những dấu hiệu tiềm ẩn một sự hiệp thông còn khiếm khuyết, chẳng hạn: thái độ thụ động, không dám đóng góp ý kiến của giáo dân, hay việc không xem xét nghiêm túc các ý kiến của họ, một số những lãnh vực điều hành mục vụ của giáo hội Việt Nam, chẳng hạn như vấn đề hôn nhân, việc cử hành các bí tích, tài chánh, xây dựng cơ sở vật chất… khiến tình trạng thụ động càng gia tăng…
IV. CÂU HỎI THẢO LUẬN
Xin nhắc lại định nghĩa đã nêu ở trên: “Hiệp thông là khả năng con người lắng nghe nhau và mở lòng mình ra với người khác.” Như thế hiệp thông chỉ có được nhờ con người tương tác với nhau một cách chân thành dựa trên những nguyên tắc đã được đồng thuận. Bản chất con người là có sai sót, và việc góp ý sửa sai cho nhau và giúp nhau sống tốt hơn là một phần quan trọng của hiệp thông. Hiệp thông bao gồm bày tỏ và lắng nghe nhau.
Hiệp thông trong gia đình:
– Hoạt động nào thúc đẩy sự hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình?
– Hoạt động nào cản trở sự hiệp thông trong gia đình?
– Những hoạt động này có được sự đồng thuận tự nguyện của các thành viên hay do sự áp đặt của chỉ một người.
– Việc sửa sai cho nhau có phát xuất từ tình yêu Ki-tô không?
– Hiệp thông trong khu xóm, với cả những anh chị em không phải là Công giáo:
– Người Công giáo cần có thái độ ứng xử như thế nào với hàng xóm, dựa trên đức tin Công giáo, thậm chí là với những người hàng xóm khó chịu?
Hiệp thông trong giáo xứ:
– Quan hệ giữa người tín hữu và các linh mục quản xứ có dựa trên sự tôn trọng phẩm giá của nhau không?
– Người tín hữu có dễ dàng tiếp xúc với các linh mục không?
– Họ có được các tôi tớ của Đức Ki-tô phục vụ tận tình và vô vị lợi về mặt mục vụ không?
– HĐMV giáo xứ có thực sự mang tính đại diện cho người tín hữu không hay chỉ là người thừa hành thụ động được sắp sẵn cho các linh mục?
Hiệp thông giữa các giáo xứ trong một giáo hạt:
– Có những kinh nghiệm, cách tổ chức, hay hoạt động nào mà các giáo xứ nên học hỏi lẫn nhau không?
Hiệp thông trong giáo phận:
– Có cần đặt ra những quy trình chuẩn mực về mục vụ bí tích mà người tín hữu nên và cần biết không? Có những hướng dẫn nhắm tránh những giải thích sai lệch vô tình hay cố ý về mục đích cốt lõi của phụng vụ và bí tích?
– Nếu có sai phạm nghiêm trọng của giáo sĩ, thì người giáo dân góp ý, hay tố cáo như thế nào và vụ việc được xử lý thế nào?
Hiệp thông giữa giáo phận với các tôn giáo khác, với chính quyền, với các tổ chức xã hội:
– Việc đối thoại và hợp tác dựa trên nhưng nguyên tắc nào để giữ cho toàn vẹn bản chất và bản sắc của Giáo Hội Công Giáo?
Lưu ý: Để thực hiện việc học hỏi và thảo luận cách hiệu quả, cần tham khảo thêm “Sổ tay cho thượng Hội Đồng Giám Mục thế Giới về Tính Hiệp Hành” (Vademecum), đặc biệt các số:
2.2 Một tiến trình hiệp hành đích thực: lắng nghe, phân định và tham gia
2.3 Những thái độ để tham gia trong tiến trình hiệp hành
2.4 Tránh xa các cạm bẫy
—
MỤC LỤC TÀI LIỆU HỌC HỎI
PHẦN MỞ ĐẦU: TÂM TÌNH CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KÍNH GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TOÀN GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ II: BỐI CẢNH GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ III: CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
PHẦN THỨ IV: CHIỀU KÍCH THAM GIA
PHẦN THỨ V: SỨ VỤ TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH