ĐTC Phanxicô: Người Già Có Thể Hướng Dẫn Và Cứu Các Thế Hệ Tương Lai


Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 16/3/2022, tiếp tục loạt bài giáo lý về ý nghĩa và giá trị của tuổi già dưới ánh sáng Lời Chúa, Đức Thánh Cha tập trung vào vai trò của người già trong việc chuyển trao cho thế hệ mới các giá trị đích thực và bền vững của cuộc sống.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về ý nghĩa và giá trị của tuổi già dưới ánh sáng Lời Chúa, Đức Thánh Cha tập trung vào vai trò của người già trong việc chuyển trao cho thế hệ mới các giá trị đích thực và bền vững của cuộc sống.

Trình thuật trong sách Sáng Thế thuật lại việc ông Nôê được trao nhiệm vụ phục hồi sự tốt lành của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, điều đã bị hư hoại bởi sự lan tràn của bạo lực và sự ác. Chính Chúa Giê-su nói về “thời của Nô-ê” để cảnh báo chúng ta về sự cần thiết phải hoán cải vì Nước Thiên Chúa gần đến.

Đức Thánh Cha nhận định rằng trong mọi thời đại, như thời Nô-ê, chúng ta có thể bị cám dỗ chấp nhận tội lỗi và sự băng hoại là điều bình thường, không nhìn đến những đau khổ bất công của người nghèo và sự tàn phá môi trường tự nhiên của chúng ta. Trong thời đại của chúng ta, đây là kết quả của một nền văn hóa vứt bỏ, chú trọng vật chất, ích kỷ và trống rỗng về mặt tinh thần. Những người cao tuổi, như ông Nôê, có thể cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm này và nhắc nhở chúng ta về ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để trở thành những người bảo vệ và quản lý công trình sáng tạo của Người.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tường thuật Kinh Thánh – với ngôn ngữ biểu tượng của thời kỳ khi nó được viết – cho chúng ta biết một điều gây sốc. Thiên Chúa quá chán ghét sự độc ác lan tràn của loài người, điều đã trở thành một phong cách sống bình thường, đến nỗi Người nghĩ rằng mình đã sai lầm khi tạo ra con người và quyết định loại bỏ họ. Một giải pháp triệt để. Nó thậm chí có thể có một sự đảo ngược nghịch lý về lòng thương xót. Không còn con người, không còn lịch sử, không còn phán xét, không còn kết án.

Chẳng phải đôi khi nó cũng xảy ra với chúng ta – bị choáng ngợp bởi cảm giác bất lực trước sự ác hoặc bị mất tinh thần bởi “những tiên tri nói về sự diệt vong” – đến nỗi chúng ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta không được sinh ra? Chúng ta có nên công nhận một số học thuyết gần đây, chúng tố cáo loài người là tác nhân gây tổn hại đến quá trình tiến hóa đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta?

Thật vậy, chúng ta đang bị áp lực, phải chịu những căng thẳng đối nghịch khiến chúng ta bối rối. Một mặt, chúng ta lạc quan về một tuổi trẻ vĩnh cửu, được nuôi dưỡng bởi sự tiến bộ phi thường của công nghệ, mô tả một tương lai đầy những máy móc hiệu quả hơn và thông minh hơn chúng ta, sẽ chữa khỏi bệnh tật của chúng ta và dành cho chúng ta những giải pháp tốt nhất để không chết. Mặt khác, trí tưởng tượng của chúng ta ngày càng tập trung vào lời cảnh báo về một thảm họa cuối cùng sẽ huỷ diệt chúng ta. “Ngày sau” – nếu chúng ta vẫn còn, ngày tháng và con người – sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Tất nhiên tôi không muốn coi nhẹ ý tưởng về sự tiến bộ. Nhưng dường như hình ảnh đại hồng thuỷ ngày càng ăn sâu trong tiềm thức của chúng ta. Hơn nữa, đại dịch hiện nay cũng gây ảnh hưởng trên những quan niệm sống vô tư, không nghĩ đến tương lai.

Trong trình thuật Kinh Thánh, khi nói đến việc cứu cuộc sống trên trái đất khỏi băng hoại và lũ lụt, Thiên Chúa giao nhiệm vụ cho lòng trung tín của người già nhất, “người công chính” Nôê. Phải chăng tuổi già sẽ cứu thế giới? Theo nghĩa nào? Và như thế nào? Và triển vọng là gì? Sự sống sau cái chết hay chỉ sống sót cho đến cơn hồng thuỷ?

Vô tư hưởng thụ cuộc sống

Một lời của Chúa Giê-su, lời gợi lên “thời ông Nôê”, sẽ giúp chúng ta khám phá sâu hơn ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đã nghe. Khi nói về thời kỳ cuối cùng, Chúa Giêsu nói: “Và cũng như thời ông Nôê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả” (Lc 17,26-27). Thật ra, chuyện ăn uống, lấy vợ lấy chồng, là những chuyện hết sức bình thường và dường như không phải là những ví dụ về sự tha hóa. Vậy đâu là sự băng hoại? Trên thực tế, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thực rằng con người, khi họ giới hạn bản thân để hưởng thụ cuộc sống, thì họ thậm chí mất đi ý thức về sự băng hoại, điều làm giảm phẩm giá của họ và đầu độc ý nghĩa của cuộc sống. Và họ thậm chí còn sống tha hóa một cách vô tư, như thể đó là một phần bình thường của hạnh phúc con người. Những hàng hoá của cuộc sống được tiêu dùng và hưởng thụ mà không quan tâm đến phẩm chất thiêng liêng của cuộc sống, không quan tâm đến môi trường sống của ngôi nhà chung. Mọi người lạm dụng mà không quan tâm đến sự khổ sở và sự thất vọng mà nhiều người phải gánh chịu, cũng không quan tâm đến sự xấu xa đầu độc cộng đồng. Miễn là cuộc sống bình thường có thể được lấp đầy bằng “sự an lành”, chúng ta không muốn nghĩ về những gì làm cho nó trở nên thiếu công lý và tình yêu.

Tôi tự hỏi, băng hoại có thể trở thành điều bình thường không? Rất tiếc là nó có thể. Và nó sẽ dẫn đến đâu? Sự vô tư chỉ nhằm tự lo cho bản thân: đây là cánh cửa dẫn đến  sự tha hóa nhấn chìm cuộc đời tất cả chúng ta. Sự băng hoại được lợi rất nhiều từ sự vô tư vô đạo đức này. Sự vô tư này làm yếu đi sự phòng vêk của chúng ta, làm lương tâm của chúng ta chai cứng và khiến chúng ta – thậm chí vô tình – trở thành đồng loã.

Vai trò của người già 

Tuổi già nằm ở đúng vị trí để hiểu được sự lừa dối của việc bình thường hóa cuộc sống này, một sự bình thường bị ám ảnh bởi sự hưởng thụ và trống rỗng của nội tâm: cuộc sống không suy nghĩ, không hy sinh, không cái đẹp, không chân lý, không công bằng, không tình yêu. Khả năng cảm nhận đặc biệt của tuổi già về sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm, điều làm chúng ta nhân bản hơn, một lần nữa trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là một lựa chọn tình yêu của những người cao tuổi đối với những thế hệ mới. Phúc lành của Thiên Chúa chọn tuổi già, vì đặc sủng này rất nhân bản và làm cho nên nhân bản.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với nhận định: Và ông Nôê là tấm gương của tuổi già tích cực này: ông Nôê không rao giảng, không phàn nàn, không phản kháng, nhưng lo cho tương lai của thế hệ đang gặp nguy hiểm. Ông xây dựng con tàu đón tiếp và đưa người và các động vật vào đó. Trong mọi hình thức chăm sóc sự sống, ông Nôê tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa, lặp lại cử chỉ dịu dàng và quảng đại của việc sáng tạo, điều trong thực tế là ý tưởng cảm hứng cho mệnh lệnh của Thiên Chúa: một phúc lành mới, một thụ tạo mới (x. St. 8,15-9,17). Ơn gọi của ông Nôê vẫn luôn phù hợp. Một lần nữa, xin thánh tổ phụ cầu bầu cho chúng ta.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt