Tài Liệu Học Hỏi: Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành – Phần Năm


PHẦN THỨ V

SỨ VỤ TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

 

TỔNG QUAN & BỐI CẢNH

Chúng ta đang sống trong cộng đồng giáo phận Đà Nẵng, một giáo phận tuy non trẻ vì mới sắp bước vào tuổi 60 (18/01/1963-2023) nhưng vẫn được công nhận là một trong những “cái nôi” của công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam với sự hiện diện và hoạt động của quý vị thừa sai đầu tiên, ngày 18/01/1615 tại Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hội An (Quảng Nam). Mỗi tín hữu chúng ta nhận thức về vai trò của đời sống sứ vụ (truyền giáo) trong Hội Thánh và nơi mỗi cá nhân để tiếp tục thực thi lệnh truyền của Đấng Cứu Thế cho các môn đệ trước khi về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng…”

Công cuộc thi hành sứ vụ được khởi đầu một cách khiêm tốn nhưng cũng rất mạnh mẽ với 10 tân tòng trong lần rửa tội đầu tiên tại Hội An vào dịp lễ Phục Sinh năm 1615 của các vị thừa sai dòng Tên tiên khởi và cuộc tử đạo của Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, vị Chứng nhân đức tin đầu tiên tại Phước Kiều, Quảng Nam. Đến nay, sau hơn 350 năm và qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tuy lòng nhiệt thành với sứ vụ đã lãnh nhận và được giao phó vẫn mạnh mẽ nhưng kết quả của việc “thừa sai” này vẫn còn rất khiêm tốn là chỉ có 2,5% dân cư tại vùng đất mở đầu công cuộc loan báo Tin Mừng này là tín hữu của Chúa Kitô và Hội Thánh. Vẫn còn rất nhiều anh chị em lương dân trên khắp mọi miền của vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn chưa tin nhận Chúa, thậm chí, chưa muốn nghe, đón nhận Tin Mừng Chúa Giê-su và gia nhập, liên kết với cộng đoàn ki-tô hữu của chúng ta.

Đã có rất nhiều nỗ lực tổ chức đoàn thể, xây dựng cơ sở tôn giáo, cử hành nghi lễ và công cuộc truyền giáo được khởi xướng cùng với các hoạt động cúa sứ mạng tông đồ giáo dân về bác ái, giáo dục, y tế được thực hiện, nhưng vẫn chưa thể gia tăng số người muốn làm môn đệ Chúa Kitô.

Chúng ta không quy trách nhiệm cho bất kỳ ai hoặc đổ lỗi cho thời cuộc; nhưng chúng ta cần thực tâm tim hiểu xem thử nhận thức và phương thể của chúng ta về đời sống sứ vụ (loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng) và thể cách chúng ta cùng nhau tham dự vào công cuộc thừa sai đã thực sự đúng đắn, đầy đủ và trở thành như một động năng, tiêu chí chung cho mọi hoạt động tông đồ mục vụ của từng ki-tô hữu và tất cả cộng đoàn.hay chưa. Sâu thẳm bên trọng của nhận thức và thực thi sứ vụ chính là những hiểu biết nền tảng của sứ vụ và đời sống sứ vụ phải được khởi đầu với niềm xác quyết sâu xa của mỗi người, trong từng giây phút và mọi hoàn cảnh: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Phải chăng đức tin của chúng ta chưa đủ sâu, đủ mạnh để có thể “chuyển núi dời non” hay vẫn chỉ là một hạt giống nhỏ mãi mãi không thể nảy mầm?

NỀN TẢNG & NHẬN THỨC VỀ SỨ VỤ

Sứ vụ là từ ngữ liên quan đến một “sứ mạng”, thuật ngữ diễn tả “lẽ sống hay hướng sống của một người hoặc một nhóm người được Thiên Chúa trao phó cách trực tiếp hoặc qua một người có thẩm quyền” (theo Tự điển Công giáo của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Một sứ mạng có thể được thực hiện bắng các sứ vụ cụ thể khác nhau. Bởi đó, “Sứ vụ” (còn gọi là Tác vụ) được dùng để chỉ “một công việc hay những hình thức đa dạng của việc thực thi một sứ mạng. Sứ vụ đa dạng là tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của con người và môi trường sống.”

Khởi đi từ sứ mạng của Chúa Ki-tô là cứu độ trần gian (Ga 3, 17) và tiếp nối với các Tông Đồ là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giê-su (Mt 28, 19); Hội Thánh Công Giáo duy trì và phát triển sứ mạng “rao giảng Tin Mừng” này theo lệnh truyền của Chúa Giê-su cho đến tận cùng thế giới.

Từ nghĩa đen của sứ mạng là sai đi (“sứ”: nghĩa là người phụng mệnh làm việc; và “mạng”: nghĩa là chỉ thị) cùng với nhiều nghĩa khác, chúng ta nhận ra một quan điểm tập trung diễn tả ý tưởng một người được sai đến với người khác để tạo một sự thay đổi có lợi cho họ. Bởi vậy, nền tảng của sứ vụ và sứ mạng, ở cấp độ cao nhất chính là sứ mạng của Chúa Ba Ngôi; sứ mạng hữu hình của Ngôi Hai, Đấng được Chúa Cha sai đi nơi bản thân Đức Giê-su Ki-tô, và sứ mạng vô hình của Chúa Thánh Thần là Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đi. Ở cấp độ tiếp theo của sứ mạng và sứ vụ chính là hành động sai phái của Chúa Giê-su với các tông đồ “đi khắp nơi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người”. Nhiệm vụ của các tông đồ và các môn đệ của Chúa là rao giảng Tin Mừng, làm phép Rửa và dạy bảo họ “tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Sứ mạng này được các tông đồ đích thân tiếp nối hoặc qua những người kế vị để lên đường, ra đi rao giảng và sai phái các tín hữu tiếp tục công cuộc loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng.

Ơn gọi của người ki-tô hữu là ơn gọi “được sai đi” và sứ mạng cốt lõi của Hội Thánh Công giáo chính là “truyền giáo” như được xác định trong Hiến chế “Đến với muôn dân” (Ad Gentes): “Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, Giáo Hội gắng sức loan báo Phúc Âm cho hết mọi người.” Công đồng mời gọi ‘mọi người canh tân tự đáy lòng để một khi đã nhiệt tâm nhận thức trách nhiệm bản thân mình trong việc truyền bá Phúc Âm thì mọi người sẽ lãnh phần trách nhiệm của mình trong công cuộc truyền giáo cho muôn dân” (số 35)

Trong thông điệp về Hội Thánh (Ecclesiam Suam), Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhìn thế giới cách tích cực và lạc quan để nói với dân Chúa: “Với một lòng an tâm trong sáng, Giáo Hội vẫn đứng thẳng trên các nẻo đường của lịch sử mà nói với mọi người rằng: “tôi có điều các bạn đang tìm kiếm, điều các bạn đang thiếu” (số 99). Ngài cũng nhắc đến vai trò của một đức tin mạnh mẽ khi thực thi sứ vụ: “Giáo hội biết rằng việc đón nhận Phúc Âm xét cho đến cùng không lệ thuộc vào nỗ lực tông đồ nào, cũng không lệ thuộc vào hoàn cảnh trần thế thuận lợi nào: đức tin là một hồng ân Chúa ban, và chỉ mình Thiên Chúa ghi dấu trong thế gian này những đường nét, những giờ phút của việc Ngài cứu độ” (số 99)

HIỆP HÀNH TRONG SỨ VỤ HỘI THÁNH

Từ sau Công Đồng chung Vaticano II, tinh thần canh tân trong Hội Thánh được quan tâm và nhấn mạnh để “từng người” và “mọi người” cùng tạo cho bản thân và cộng đoàn khả năng “đến với muôn dân” và bày tỏ gương mặt Đức Kitô qua Hội Thánh Công Giáo; thể chế Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới đã được thiết lập để các vị Giám mục là Chủ Chăn của đoàn chiên tại các giáo phận trên khắp thế giới quy tụ bên cạnh Đức Giáo Hoàng, cùng nhìn lại nội tình của đoàn chiên (Hội Thánh) và hướng tới khả năng giới thiệu Đức Kitô và Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho dân cư không cùng tôn giáo khắp mọi nơi. Những chủ đề được bàn luận và phân tích cùng với những giải pháp thích hợp vừa mang tính thánh thiêng và cũng bao gồm nhịp thở đời sống nhân loại.

Trong truyền thống, các sứ vụ trong Hội Thánh (hoàn vũ và địa phương) được phát triển dựa trên các chức năng của ơn gọi thừa tác hoặc tín hữu là: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế được mở rộng qua các hoạt động huấn giáo, phụng tự và phục vụ trong từng cộng thể (gia đình và cộng đoàn). Ngoài ra, trên thực tế gắn liền với các sinh hoạt thường kỳ và quen thuộc, có thể kể ra một số lãnh vực liên quan đến sứ vụ cần được quan tâm phát huy và thực thi trong đời sống cộng đoàn giáo xứ, dòng tu: (1) Đối thoại liên tôn; (2) Bảo vệ môi trường; (3) Dạy giáo lý; và (4) Tông đồ bác ái.

Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô muốn mở rộng khả năng thấu hiệu và nhìn nhận những thực tại trong đời sống của đoàn chiên giữa thế giới trần tục để sứ vụ Thiên Chúa trao ban cho toàn thể Hội Thánh qua Đức Ki-tô được nhìn thấy rõ nét và mở rộng hơn cho mọi tín hữu trong từng cộng đoàn ki-tô hữu nơi mỗi địa phương và trên toàn thế giới. cùng “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia & sứ vụ”.

Sứ mạng “Chữa lành” và các sứ vụ liên quan đến phục hồi con người và đời sống xã hội trần thế theo gương của Chúa Giê-su Ki-tô Cứu Thế cũng là một phần chính yếu thuộc bản chất Hội Thánh. Chữa lành các vết thương qua các sứ vụ liên quan đến đời sống thể lý (chăm sóc sức khỏe, lo lắng về của ăn, cái mặc và chỗ ở), đặc biệt đối với các thành viên thất thế, yếu kém và dễ bị tổn thương do tai ương, dịch bệnh, chiến tranh, xung đột và cả những bất công xã hội cả về dân sự lẫn tín ngưỡng, tôn giáo. Sứ vụ đáp ứng những nhu cầu thể lý, tâm lý hướng tới khả năng hồi phục phẩm giá con người và con Thiên Chúa được phú bẩm cho từng người, không phân biệt tuổi tác, giới lớp, sắc tộc và vùng miền, v.v… trong mọi môi trường sinh hoạt và phát triển của Hội Thánh trần thế cần luôn được quan tâm, nhắc nhở và canh tân.

 

NHỮNG CÂU HỎI GỢI Ý 

1- Những sứ vụ nào của một “Hội Thánh hiệp hành” có thể nhận ra và thực hiện trong đời sống Giáo xứ và Giáo phận của chúng ta?

2- Có những cản trở và thuận tiện nào khi thực hành (và phát triển) các sứ vụ đó?

3- Khi gặp những khó khăn, các tác viên (thành viên) của Hội Thánh cần làm gì để vượt qua, đặc biệt đối với những thử thách từ bên trong (nội bộ đoàn thể, cộng đoàn, giáo xứ và giáo phận)

4- Có sáng kiến cụ thể nào để sứ vụ được thực thi hiệu quả tại cộng đoàn giáo xứ của mình?

MỤC LỤC TÀI LIỆU HỌC HỎI

 

PHẦN MỞ ĐẦU: TÂM TÌNH CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KÍNH GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TOÀN GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

PHẦN I : TỔNG QUAN VỀ TIẾN TRÌNH HỌC HỎI THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI – 2023 “HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH” TẠI GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG (10/2021-8/2022)

PHẦN THỨ II: BỐI CẢNH GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG ĐÔI DÒNG LỊCH S GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

PHẦN THỨ III: CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

PHẦN THỨ IV: CHIỀU KÍCH THAM GIA

PHẦN THỨ V: SỨ VỤ TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH