Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm C


BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C

Lời Chúa: Cv 5,27-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH HIỆP HÀNH VỚI CON NGƯỜI TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN VÀ LAO ĐỘNG

Trang Tin Mừng hôm nay mô tả cảnh các Tông đồ đánh cá trong tâm trạng buồn rầu chán nãn, thất vọng vì các ông đã bỏ tất cả để theo Thầy nhưng nay Thầy đã chết. Các ông ra khơi và vất vả suốt đêm không được gì. Nhưng, khi bình minh ló rạng, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra giúp đỡ các ông, bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền sẽ bắt được cá. Dù không biết ông này là ai, các môn đệ vẫn vâng lời thả lưới, chắc lòng thầm nghĩ rằng “méo mó có còn hơn không” nên “thà đốt lên một bó đuốc còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Ai ngờ họ được cả chì lẫn chày: vừa trúng được một mẻ cá lạ lùng vừa gặp lại Thầy mình, Đức Kitô phục sinh. Khi các ông kéo cá vào bờ, Chúa Giêsu nướng cá và bánh trao cho các ông, và thế là Thầy trò có một bữa ăn đượm tình thân hữu yêu thương như xưa.

Đêm tối đi đánh cá trên biển chuyện thường, nhưng biển cả và đêm tối trong Tin Mừng hôm nay gợi về nơi chốn của thế giới tội lỗi thống trị kèm theo bao khó khăn thử thách, thất vọng trong công ăn việc làm của các Tông đồ xưa, và cả chúng ta hôm nay. Cụ thể, Giuđa, đệ tử ruột của Chúa Giêsu, vất vả theo Thầy để mong được dự phần vinh phúc với Thầy nhưng vào bữa ăn tối cuối cùng, Giuđa đã sa chước cám dỗ, bán đứng Thầy mình vì ham tiền. Tin Mừng kể sau khi lấy tiền ông ra ra khỏi phòng là đêm tối mù mịt. Rồi Tin Mừng hôm nay kể các ông đã đánh bắt suốt đêm mà không bắt được con cá nào.

Trong cuộc sống, tội lỗi, kêu ngạo và sự cám dỗ của quỷ gây ra cho chúng ta chẳng còn tin Chúa khi thịnh vượng hay khi gặp khó khăn đau khổ và thách thức. Chẳng hạn, ngày 14/4/1912, vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh, chiếc tàu Titanic đã chìm sâu xuống lòng biển Đại tây dương mang theo trên một ngàn sinh mạng con người. Có một chi tiết rất đáng chú ý: ngay phần hông tàu phía dưới mặt nước là dòng chữ “No God, no Pope” (Không Thiên Chúa, không Giáo hoàng). Dòng chữ trên đã hé lộ cho mọi người thấy rõ sự cao ngạo và tự hào của con người khi tự tin vào sức riêng mình mà không tin vào Thiên Chúa hiện diện đó. Chính sự tự tin và cao ngạo ấy đã đưa họ đến cái chết thật nhanh chóng hơn bình thường. Còn phần chúng ta, chúng ta vừa mới đi xưng tội Mùa chay và rồi tôi quyết tâm bỏ thói xấu này, nhưng hôm nay mới tuần 3 Phục Sinh tôi lại quen đường cũ, bỏ không được, vì sao? Vì chúng ta không hiệp hành với Chúa trong đức tin, cho nên, nhiều khi chúng ta cảm thấy mình sống theo Phúc Âm thật sự đấy nhưng chẳng được gì mà còn thiệt thòi, thua lỗ, mất mát và chán nãn đâm ra ngã lòng. Nhiều khi chúng ta vẫn đạo đức, vẫn giữ các điều răn Ngai dạy mà sao vẫn nghèo, vẫn khó khăn thử thách trong công ăn việc làm, mà có việc làm thì làm gì cũng không khá nỗi… Thử hỏi giờ đây động lực nào tăng thêm sức mạnh giúp chúng ta đứng lên, tiếp tục đi tới, vượt qua những thách đố này. Đó chính niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu phục sinh, Ngài có đó, luôn hiệp hành trợ lực và chỉ lối đưa đường cho chúng ta bước theo đường ngay nẽo chính vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đem lại bình an và hạnh phúc cho mình, gia đình, giáo xứ… ngay trong cuộc sống này và mai sau nữa. Vậy điều quan trọng là chúng ta có xác tín tin rằng Chúa phục sinh đang hiệp hành với tôi không, khi cuộc đời của chúng ta bị thử thách hay đau khổ để vâng nghe Lời và sống Lời Ngài dạy không?

Hôm nay là Quốc tế lao động, ngày nay ra đời 1.5.1886, đến nay 136 năm nhưng chúng ta vẫn còn phải đối diện với nhiều cám dỗ, thử thách và khó khăn, căng thẳng vì mãi lo bươn trải, bon chen với lao động, tìm kiếm cơm áo gạo tiền, nghề nghiệp nhất là thời thời dịch bệnh này. Những thứ đó dễ làm cho chúng ta mệt mõi, rã rời, kiệt sức, nãn chí và thất vọng, mất niềm tin. Đừng sợ! Chúa phục sinh đang hiệp hành với chúng ta trong Lời Người, trong Thánh Thể, trong Giáo Hội và qua mọi người khắp mọi nơi trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống chúng ta. Giờ đây và lúc này, Ngài đang hiện diện hiệp hành với chúng ta trong thánh lễ này và Thánh Thể mà lát nữa chúng ta rước Ngài vào cung lòng. Ngài dọn cho chúng ta bữa ăn đó là Lời Chúa, Mình và Máu Ngài để nuôi sống, tăng thêm sức mạnh và đỡ nâng đức tin cho chúng ta trong cuộc sống dương thế để chúng ta vững tin bước theo Chúa vì không có Chúa chúng ta không thể làm gì được. Cụ thể, Chúa Giêsu phục sinh hôm nay bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”. Qủa tình yêu thương của Chúa Giêsu luôn dạt dào dành cho chúng ta những người đang ngày ngày phải vất vả bươn chải vì mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Họ là những người Chúa Giêsu nhắm tới một cách đặc biệt khi nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28).

Uớc gì qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hay biết hiệp hành với Giêsu trong cầu nguyện, trong Thánh lễ, để trong cuộc sống không chỉ phải lo toan cho những nhu cầu vật chất, nhưng còn phải tìm kiếm sự sống và giá trị thiên đàng, sẽ gặp được nguồn ủi an, trợ lực cần thiết cho hành trình tiến về Nước Trời của mỗi người. Tin tưởng vào tình thương của Chúa và nhìn vào Chúa Giêsu phục sinh hôm nay, mọi người lao động, chúng ta hãy chạy đến với Ngài dâng lên những khó nhọc, vất vả của cuộc sống và kêu nài:

“Lạy Chúa, xin đừng để con túng nghèo,
cũng đừng cho con giàu có;
chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,
kẻo được quá đầy dư,
con sẽ khước từ Ngài mà nói: “ĐỨC CHÚA là ai vậy?”
hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,
làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30,8b-9). Amen

Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Quang

————–

CN 3 PS NĂM C

1-5-2022

Kỷ Niệm Cung hiến Nhà Thờ Chánh Tòa

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hải

GIÁO HUẤN SỐ 23

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Tương quan của các con với các bậc cao tuổi (tt)

Thế giới đã và sẽ không bao giờ nhận được ích lợi gì khi xảy ra sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ. Đó chỉ là bài ca ru ngủ về một tương lai không có gốc rễ. Đó là một sự dối gạt làm cho các con tin rằng chỉ những gì mới thì mới và đẹp. Khi có các tương quan giữa các thế hệ, một ký ức tập thể sẽ có mặt trong các cộng đồng, và mỗi thế hệ đón nhận các giáo huấn từ các thế hệ đi trước mình, rồi đến lượt mình sẽ chuyển trao cho các thế hệ theo sau. Bằng cách này, người ta có dược những khung tham chiếu để xây dựng một xã hội mới cách vững chắc. Như có câu nói xưa : “Khi người trẻ có hiểu biết và người già có sức mạnh, thì không có gì mà họ không thể đạt được

 —————

Đức Mẹ Trà Kiệu

Tháng 5, tháng hoa, tháng Đức Mẹ, tháng Đức Mẹ Trà Kiệu, Mẹ giáo phận. Chúng ta hướng về Mẹ. Chúng ta khẩn xin Mẹ, như cha ông Trà Kiệu ngày xưa. Xin Mẹ giang tay che chở phù trì !

Vua Hàm Nghi, mới 12 tuổi lên ngôi, với sự giúp đỡ và cố vấn của hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Sau cuộc binh biến chống Pháp bất thành ở đồn Mang Cá, Huế, ngày 4-7-1884, hai ông đem vua chạy trốn về Ấu Sơn, Hà Tĩnh.

Tại Ấu Sơn, ông Tôn Thất Thuyết, thay mặt vua, kêu gọi : “Chúng tôi kêu gọi mọi người hãy cương quyết gắng công tiêu diệt cho kỳ hết bọn Da-tô (Công giáo). Hãy noi gương các sĩ phu ở Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam. Nếu mục tiêu này được thực hiện, chúng tôi có thể khẳng định là quân Pháp sẽ bị hoàn toàn tê liệt, như cua gẫy càng không bò, không kẹp được nữa” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 511).

Ngày 1-9-1885 quân Văn Thân đánh xứ Trà Kiệu. Quân Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn nghe giáo dân khóc than, bèn phóng thanh chế diễu : “Ráng chịu vài ngày nữa sẽ có cố Thiên (cha sở Phú Thương) đến cứu” (Bùi Đức Sinh, sđd, trạng 516).

Chúng ta hãy nghe những tiếng kêu than của giáo dân Trà Kiệu. Lm M.Geffroy được nghe trực tiếp từ nơi cha sở Trà Kiệu kể lại, và cha đã viết bài “Une Page de la Persécution en Cochinechine” (một trang sách bắt hại ở Việt Nam) đăng trong báo Les Missions Catholiques (Những cuộc Truyền Giáo Công giáo)  

Ngày 1-9-1885 quân Văn Thân bao vây Trà Kiệu. “Giáo dân Trà Kiệu lập tức tiến lên giữ ngọn đồi Kim Sơn (Hòn Bằng đằng sau nhà thờ) và có ý giữ cao điểm này cho đến cùng. Thế nhưng vào ngày hôm sau, ngày 2-9-1885, vì khiếp sợ trước lực lượng quá đông của Văn Thân, giáo dân không dám ở lại trên đồi cao này nữa. Họ tháo chạy xuống đồi bán sống bán chết, nên đã bị té chết mất 4 người”(PCĐ chuyển ngữ, Linh Địa Trà Kiệu, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, trang 159).

Chỉ một sự cố này cũng đủ làm cho dân Trà Kiệu thất đảm, tinh thần suy sụp. Họ từ chối đi chiến đấu. Họ tập trung trước nhà cha sở xin ngài ban các phép sau hết. Họ nói : ‘Chúng con phải chết, vì tất cả sự tự vệ đều vô ích, chúng con muốn chết ngay tại nhà thờ này” (sđd, trang 159).

Ngày 3-9 thật kinh hòang. Họ phải chống trả từ sáng tinh sương cho tới chiều tối. Năm lần giao chiến là năm lần địch quân bỏ chạy. Sau trận đánh thứ năm, tuy thắng, nhưng tinh thần giáo dân đã bị suy sụp, vì lúc này họ đã quá mệt mỏi, và thấy quân Văn Thân càng lúc càng đông. Giáo dân Trà Kiệu tin chắc là không thể nào chống cự nổi, họ kéo về nhà xứ. Họ xin cha sở cho họ buông khí giới và vào nhà thờ chờ chết. Nhà thờ đầy ắp người. Họ từ chối không đi chiến đấu nữa. Họ quì xuống trước mặt cha, vừa khóc vừa lạy, xin cha ban các phép sau hết (sđd, trang 161).

Quân Văn Thân thì đông, vũ khí thì nhiều, có đại bác, có voi trận; còn về phía giáo dân người thì ít, vũ khí là giáo mác thô sơ, tinh thần thì bạc nhược, làm sao chống cự nổi đây ?

Tình cảnh nguy ngập, lại nghe những lời than vãn, dấy lên trong tim người cha chung nỗi buồn, nỗi lo. Lập tức cha sở “hướng tâm hồn lên cùng Mẹ Maria, người Mẹ đã từng che chở ngài nhiều lần. Mẹ là nơi nương tựa duy nhất trong giờ phút tuyệt vọng này” (sđd, trang 160).

Ngài lập bàn thờ Mẹ ngay trong phòng ngài. Mẹ đứng trên chiếc bàn nhỏ, hai cây nến hai bên. Người già trẻ em không ra chiến trường thì qùi bên Mẹ lần chuỗi. Còn thanh niên người lớn trước khi ra trận đều đến cầu xin Mẹ. Thay vì hô “xung phong, xung phong” thì họ hô “hè, hè, Giê-su, Ma-ri-a !” Khi chận được bước tiến của quân địch, họ cũng về bên mẹ dâng lời tạ ơn.

Ngày 10 và 11-9, Mẹ đã hiện ra. Quân địch trên đồi Kim Sơn kêu lên : “Thật lạ lùng, có một bà luôn đứng trên nóc nhà thờ, bà rất đẹp. Ta không sao bắn trúng”. Họ gọi Mẹ là “Bà Đẹp mặc áo trắng”. Họ còn thấy “đạo quân trẻ em mặc áo trắng, áo đỏ” (sđd, trang 174).

Nhờ Mẹ, sau 21 ngày : từ ngày 1 đến ngày 21-9-1885, đoàn con Trà Kiệu thoát được vòng vây hãm hại.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng kể 3 phép lạ.

Bài Tin Mừng (Ga 21,1-19) : BTM kể phép lạ “bắt được nhiều cá” và phép lạ “Chúa chọn ông Phê-rô làm giáo hòang”. Cha Nguyễn Công Đoan viết :

Một đêm đánh cá trên Biển Hồ

Ông Phê-rô khởi xướng và có 6 người môn đệ khác đi theo, trong số có 2 người không kể tên, tổng cộng là 7 người. Kết quả là một đêm vất vả của 7 chàng ngư phủ là đến sáng vẫn thuyền rỗng lưới không.

Người kể đã cho chúng ta biết là chinh Chúa Giê-su đang đứng trên bờ, để chúng ta cùng theo dõi phản ứng của các môn đệ.

Họ không nhận ra đó là Chúa Giê-su. Nghe hỏi: “không có gì ăn hả”. Họ trả lời gọn: “không!”. Đọc câu hỏi này theo đúng bản văn gốc bằng tiếng Hy lạp như vậy, đừng tự tiện sửa lời người kể như một số bản dịch Â-Mỹ. Họ không có gì ăn thì Chúa đã dọn sẵn bữa ăn cho họ, khi lên bờ họ mới thấy. Bữa ăn này trước hết gợi lại bữa ăn Chúa đãi đám đông trên núi, bên bờ hồ này…

Người đứng trên bờ chỉ cho họ chỗ thả lưới. Họ ngoan ngoãn làm theo. Đừng vội chia trí bình luận tại sao họ nghe theo, kẻo lạc đề. Kết quả: “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, và lưới đầy những cá”. Một người đứng trên bờ lại cho họ bắt nhiều đến như thế. Có một người trên thuyền nhận ra ngay. Vẫn là “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”. Ông có tầm nhìn xa và sâu hơn ! Ông nói với ông Phê-rô: “Chúa đó”. Lời này vang bên tai làm ông Phê-rô như bị điện giật. “Ông Si-môn Phê-rô vội lấy áo quấn ngang thắt lưng vì đang trần truồng, rồi nhảy xuống biển”.

Hãy lắng nghe âm vang của nó vọng lại ba chương đầu sách Sáng Thế, mà chúng ta đã gặp nhiều lần trong sách Tin Mừng. Trước hết, ông Phê-rô chỉ thấy mình trần truông khi nghe “Chúa đấy” Ông làm gì? Ông lấy áo quấn ngang thắt lưng”. Rồi ông “nhảy xuống biển. Tại sao ?  Ông có dư thời giờ để mặc áo vào kia mà! Sao ông lại nhảy xuống biển, bỏ mặc các ông khác vừa chéo thuyền vừa kéo theo lưới nặng đầy cá vào bờ? Người kể không giải thích.

Bút pháp cố hữu của Gio-an khiên chúng ta phải nghe theo âm vang, đọc lại sách Sáng Thế. Sau khi con người và vợ ăn trái cấm thì:

Mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng; họ mới kết lá vả làm khố quấn ngang lưng. Nghe thấy tiếng Đức Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để tránh mặt Đức Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu ?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con trốn” (St 3,7-10).

Đêm Chúa Giê-su bị “bố già” Kha-nan “hỏi thăm” sau khi ông Phê-rô chối Thầy lần thứ ba thì gà gáy. Gio-an không kể tiếp về ông như các Tin Mừng Nhất Lãm. Sáng nay, ở bờ hồ, Gio-an gợi so sánh với tình huống của con người trong vườn địa đàng để giúp ta đọc tình trạng của ông Phê-rô khi đối diện với Chúa. Ông thấy mính trần truồng trước mặt Chúa, ông lấy áo làm “khố vải” quấn ngang thắt lưng. Ở giữa biển thì trốn vào đâu ? Độn thủy!

Bữa ăn dọn sẵn trên bờ

 Ta bỗng thấy các ông khác lên bờ. Các ông thấy gì? Các ông nghe gì? Các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, có cả bánh nữa. Chưa thấy lại ông Phê-rô. Ông lặn kỹ thê! Đức Giê-su bảo các ông: Đem ít cá mới bắt được tới đây! Bỗng lại thấy ông Phê-rô leo lên thuyền, trở về vị trí người khởi xướng chuyến đi lưới này. Người kể làm như đạo diễn cho “lên màn hình”: cận ảnh một mình ông Phê-rô kéo lưới lên bờ! Tông kết mẻ cá: cá lớn: 153 con. Lưới không rách. Mẻ cá này là câu chuyện giữa ông Phê-rô với Chúa Giê-su.

Ta hãy theo ánh mắt ông Phê-rô nhìn đống than hồng. Nó gợi ông nhớ gì: Suốt đời ông làm sao quên được cái đống than hồng ấm áp, trong sân đình thượng tế Kha-nan, trong đêm Thầy bị bắt bị tròi, bị dẫn về đây, bị “bố già’ hỏi chuyện “về môn đệ và giáo lý của Người (18,18). Hồi nãy ông đã “dộn thủy” vì nghe “Chúa đấy!”. Bây giờ lại thấy đống than hồng này…Ôi! Phải chi ông có phép “độn thổ”! Ông chỉ biết cúi đầu thinh lặng làm theo lệnh Chúa.

Chờ các ông xong việc gỡ cá, Chúa nói: “Anh em đến mà ăn”. Hồi nãy họ thú nhận không có gì ăn. Bây giờ Chúa đã dọn sẵn bữa ăn cho họ, cá và bánh, giống bữa ăn Chúa đãi đám đông hôm nào, cũng ở gần đâu đây bên Biển Hồ này. Người kể cho chúng ta biết tâm trạng kỳ lạ của các ông; “Không ai trong các ông dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa”. Cách diễn tả này làm ta thắc mắc. Một đàng thì biết rằng đó là Chúa, một đàng thì không dám hỏi. Nói “không dám” có nghĩa là trong bụng muốn hỏi nhưng không dám. Có vẻ “đã biết” nhưng vẫn thèm được biết rõ hơn? Đó là cái biết nhờ đức tin mà thánh Phao-lô diễn tả: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12).,

Chúa Giê-su đến, tự tay “cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá, Người cũng làm như vậy.” Kiểu nói gợi lại cách Chúa đãi dân chúng ăn ở trên núi (x. 6,11); khác là bữa tiệc trên núi thỉ Chúa Giê-su lên núi. Chúa cầm lấy bánh, “dâng lời tạ ơn”, hôm nay thì Chúa “đến”. Khi nói về sự hiện của Chúa sau khi phục sinh, Gio-an dùng động từ “đên”:  “Thầy đến cùng anh em” (14,18.28). Trình thuật này không nói đến “tạ ơn”, vì hôm nay Chúa đã được tôn vinh và đến trong tư cách là Chúa..

Chúa nói chuyện với ông Si-môn Phê-rô

 Bữa ăn hôm nay, các ông ăn trước mặt Chúa, vì các môn đệ do Phê-rô cầm đầu, biết là Chúa đang ở với các ông và chính tay Ngài trao bánh và cá cho các ông. Hôm đãi tiệc ở trên núi thì sau khi dân chúng ăn no nê, Chúa bảo các môn đệ “đi thu những miếng thừa kẻo phí đi”. Hôm nay, thì khi các môn đệ ăn xong, Chúa Giê-su nói với ông Si-môn Phê-rô. Hình ảnh này gợi lại bữa ăn sau khi Thiên Chúa ban Giao Ước ở núi Xi-nai (Xh 24,9-12).

Câu chuyện buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và tám ngày sau công bố của Giáo Ước Mới. Gợi lại ở đây bữa ăn của ông Mô-sê và các kỳ mục sau khi thiết lập Giáo Ước Xi-nai, tiếp nối toàn bộ ý nghĩa Giao Ước Mới với ông Phê-rô để trao sứ mạng mục tử cho ông. Bấy lâu nay Chúa ở giữa các môn đệ và “canh giữ” họ như mục tư gương mẫu. Bây giờ Chúa đã lên trong vinh quang của Cha, Chúa trao cho ông Phê-rô sứ mang thay mặt Chúa như mục tử hữu hình để chăn dắt đàn chiên của Chúa. Có sáu người môn đệ khác làm chứng, bốn người có tên, hai người ta không biết tên.

Chúa gọi ông Phê-rô cách long trọng khi xướng tên gọi và tên họ của ông cả ba lần hỏi. Câu hỏi thứ nhất có sự so sánh: “Anh có Mến Thầy hơn các anh em này không?”. Câu trả lời thứ nhất: “Thưa Thầy, có. Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa trao cho ông sứ mạng: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.

Hỏi lần thứ hai, Chúa bỏ sự so sánh: “Anh có mến Thầy không ? Câu trả lời như lần trước, Chúa trao sứ mạng: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.

Hỏi lần thứ ba: “Anh có yêu mến Thầy không?” Câu trả lời lần thứ ba: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa trao sứ mạng: “Hãy chăm sóc chiên của Thấy.

Bản dịch đã cố gắng thể hiện sự thay đổi từ ngữ trong bản văn Hy Lạp hai động từ khác nhau mến yêu mến, hai động tư khác nhau về chăn chiên và hai từ khác nhau về chiên chăm sóc chiên con,  chăn dắt chiên, chăm sóc chiên.

 Khi hỏi lần thứ nhất, Chúa Giê-su nêu sự so sánh. Sau đó Chúa bỏ sự so sánh.

Khi trả lời lần thư nhất và thứ hai, ông Phê-rô nại đến “Thầy biết”, lần thứ ba thì ông Phê-rô buồn vì Chúa hỏi đến lần thứ ba, ông nại đến “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Khi trao sứ mạng lần thứ nhất Chúa nói: “Hãy chăm sóc chiên con của thầy, lần thứ hai Chúa nói: Hãy chăn dắt chiên của Thầy, lần thứ ba: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

Cả một bản hòa tấu rất tinh vi, gây nên nhiều cách bình luận, giải thích mà ta có thể đọc trong sách của các nhà chú giải bác học, cũng như các nhà giảng thuyết hùng biện. Chúng ta không thể bỏ qua chuyện này, nhưng trước hết cấn đọc hết bản văn đã.

Sau câu trả lời thứ ba của ông Phê-rô và câu trao sứ mạng lần thứ ba của Chúa, thì Chúa nói thêm với một công thức mặc khải quan trọng và quen thuộc trong các sách Tin Mừng “Thầy bảo thật cho anh em biết”. Người kể cho chúng ta ý nghĩa bí ẩn: “Chúa ám chỉ cho ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.

Kết thúc cuộc nói chuyện, Chúa bảo ông: “Hãy theo Thầy

Để hiểu ý nghĩa đoạn văn này, chúng ta đừng vội suy diễn cách lãng mạn. Hãy lần theo mối dây, trở lại trong chính sách Tin Mừng này, đặc biệt chương 15, Chúa nói về tương quan yêu mến giữa Ngài với Chúa Cha, giữa Ngài và Chúa Cha với các môn đệ, giữa các môn đệ với nhau. Chương 10, Chúa nói về tương quan giữa mục tử và chiên. Chúa Giê-su và ông Phê-rô trong bữa Tiệc Ly (ch 13). Sách I-sai-a về việc Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về như chăm sóc và dẵn dắt đàn chiên (Is 40,11). Thánh vịnh 139/138 Thiên Chúa biết hết tư tưởng, lòng dạ con người.

Câu hỏi lần thứ nhất, sự so sánh “anh có mến Thầy hơn các anh em này không”  hiện rõ ngay như ám chỉ tới những lời ông Phê-rô cam kết với Chúa trong bữa Tiệc Ly và thực tế đã diễn ra đúng như lời Chúa báo trước (x.13,36-38). Câu trả lời của ông Phê-rô hôm nay rất khiêm tốn, ông chỉ còn dựa vào sự thông biết của Chúa. Chúa biết ông như thế nào, dù trong lúc cần tự bảo vệ, ông đã mở miệng chối Thầy, nhưng trong lòng ông thì vẫn yêu mến Thầy. Ông đã tỏ ra biết mình là ai, nên khi hỏi lần thứ hai Chúa “tha” cho ông nỗi lúng túng kia, không so sánh nữa.

Mắt nhìn đống than hồng, tai nghe Chúa hỏi đến lần thứ ba, thì ký ức ba lần chối Thầy bên đống than hồng của bọn thuộc hạ trong sân đình thượng tế như sống lại trước mắt ông, khiến ông đau buồn. Nhưng nỗi đau buồn làm cho ông càng hạ mình sâu thẳm hơn, hoàn toàn thoát khỏi “cái tôi tầy đình” của ông mà đặt hết tin tưởng vào sự thông biết vô cùng của Chúa: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139/138,4).

Ông Phê-rô đã tôn mình lên trên anh em thì Chúa giúp cho ông hạ mình xuống, nhận mình là kẻ rốt hết trong anh em, không đáng gọi là tông đồ. Thánh Phao-lô sẽ thú nhận như vậy:Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,8-10).

Để đặt một con người làm mục tử hữu hình cho đàn chiên của Chúa, Chúa chẳng hỏi gia thế, địa vị xã hội hay bằng cấp. Chúa chỉ hỏi về lòng yêu mến Chúa thôi. Bởi lẽ đoàn chiên của Chúa, chứ không phải là của mục tử. Ba lần Chúa nói “chiên của Thầy”. Người chăn chiên Chúa đặt chỉ có thể hết lòng săn sóc, chăn dắt đàn chiên của Chúa nếu thật sự yêu mến Chúa và diễn tả lòng yêu mến ấy bằng cách tận tình chăm sóc đàn chiên của Chúa. Chúa không cần ông Phê-rô thí mạng vì Chúa như ông cam kết, nhưng Chúa lại cần ông thí mạng vì đoàn chiên của Chúa, như Chúa đã thí mạng vì ông, và vì đoàn chiên của Chúa.

Thánh Phê-rô khuyên những người được Chúa đặt làm mục tử : “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, nhưng không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thông trị nhưng người mà Thiên Chúa trao cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,2-3).

(Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gio-an, trang 191-201)

Bài đọc 1 (Cv 5, 27b-32.40b-41) : Sách Công Vụ Tông Đồ trong bđ1 kể phép lạ “can đảm” của các tông đồ. Bị cấm giảng về Chúa Giê-su sống lại, các tông  đồ can đảm nói “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Bài đọc 2 (Kh 6,11-14): Sách Khải huyền trong bđ2 kể phép lạ các thiên thần, các tạo vật “tung hô, ca ngợi Con Chiên đã bị giết(Kh 5,12-13).

Cầu nguyện

Sách lễ Rô-ma

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua,

Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại,

và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa.

Xin cho chúng con giữ mãi niềm vui Chúa ban,

và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.

Chúng con cầu xin

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành