ĐTC Phanxicô: Trường Đại Học Phải Thực Sự “Phổ Quát”, Không Bị Tư Tưởng Hoá
Tại buổi tiếp kiến các hiệu trưởng của các trường đại học công lập ở Roma và Lazio, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về việc đào tạo học thuật, nơi đó không chỉ đặt nền trên những di sản khai sáng mà còn trên một chân trời rộng lớn, dạy cho người trẻ các giá trị hòa bình vượt trên các hệ tư tưởng.
Ý thức phản biện, cạnh tranh lành mạnh và đối thoại là ba trụ cột cho việc huấn luyện con người toàn diện thực sự. Đồng thời, ba điều trên sẽ không thực sự phát triển nếu không có điều thứ tư là “tự do”.
Đức Thánh Cha gợi nên những thách đố lớn hiện nay, từ đại dịch, chiến tranh, đến khủng hoảng khí hậu, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Điều này có nguy cơ tạo nên nơi thế hệ trẻ một bầu khí chán nản và hoang mang, mất tự tin, thậm chí tệ hơn là nghiện ngập.
Do đó, trách nhiệm của các trường đại học trở nên lớn lao, đòi hỏi một sự đầu tư lớn cho giáo dục. Đặc biệt, chúng ta phải chấp nhận rằng mình đang ở trong khủng hoảng. Và khủng hoảng không phải là điều xấu. Khủng hoảng là tốt bởi vì khủng hoảng làm cho chúng ta phát triển, nó khiến chúng ta đưa ra các lựa chọn để phát triển. Nguy hiểm là khi khủng hoảng biến thành xung đột, làm cho người ta khép lại và phá huỷ. Nhưng chúng ta phải học cách sống trong khủng hoảng, như hiện tại, và giúp cho những người trẻ tiến về phía trước.
Đức Thánh Cha đề cập đặc biệt đến Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, một “dự án làm việc chung trên quy mô toàn cầu, với sự dấn thân của nhiều thực thể, từ các tôn giáo lớn đến các tổ chức quốc tế, đến từng tổ chức giáo dục. Tinh thần của Hiệp ước giáo dục này được ký tại Abu Dhabi vào ngày 04/02/2019, trong tài liệu về tình huynh đệ nhân loại, nhắm hướng đến một nền giáo dục toàn diện, bằng việc giúp cho sinh viên hiểu biết chính mình, nhìn nhận người khác là anh em, quan tâm đến thụ tạo và chiều kích Siêu việt. Nói một cách cụ thể, đây là chân trời của hòa bình.
Đối với Đức Thánh Cha, giáo dục là kết hợp ngôn ngữ của cái đầu, trái tim và bàn tay và như vậy con người mới phát triển trong xã hội. Ngài cũng mời gọi các hiệu trưởng của các trường đại học lắng nghe sinh viên “trong bầu khí đối thoại”, lắng nghe các giáo viên và các thực tế xã hội và thể chế để đào tạo những người trẻ có khả năng mang lại điều gì đó mới trong thế giới việc làm và trong xã hội, đồng thời quan tâm đến tất cả những người xứng đáng nhưng không có phương tiện học tập, để họ có cơ hội nhận được đầy đủ quyền học tập và huấn luyện. (CSR_2074_2022)
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt