Bài 4 – Biểu Tượng Lòng Thương Xót: Nữ Giới


NĂM THÁNH “LÒNG THƯƠNG XÓT”

(08/12/2015 – 20/11/2016)

———–

 

BÀI 4 : BIỂU TƯỢNG LÒNG THƯƠNG XÓT : NỮ GIỚI

 

Nói đến lòng thương xót mà không nói đến tấm lòng một người mẹ thì quả thật là nói vu vơ, thuần lý thuyết. Và đến một lúc nào đó, tư tưởng sẽ thành mây khói !

Quả thật, lòng thương của một người mẹ (người phụ nữ phát triển đến mức thập toàn) là lòng thương xót cụ thể hiện thực, chứ không lý thuyết trừu tượng

Thánh Kinh đã diễn tả Thiên Chúa là nguồn gốc của thứ lòng thương của người mẹ đó : “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con của minh đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi (Israel) bao giờ” (Is 49, 15). Và tình thương của Chúa đối với Israel, khi Israel phản bội Chúa, Chúa phạt ; nhưng : “Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành !… Tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi !” (Os 11, 8)

Lòng thương của người mẹ, có nhiều lúc khiến ta không hiểu nổi ! Vì có vẻ như phi lý hoặc mâu thuẫn. Nhưng thực ra, tình thương là thế đó !

Nhà tư tưởng Blaise Pascal đã từng nói : trái tim có những lý sự mà lý trí không biết được !

Nơi Thiên Chúa, tình thương được đưa đến tột cùng khi Ngài để Con Một cực thánh của Ngài trở thành “tội nhân”, chấp nhận sống chết như “tội nhân”, để trở thành ơn tha thứ cho mọi tội nhân là loài người chúng ta.

Đúng là lý sự của trái tim chứ không phải của lý trí : “Tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi !” Người mẹ không quên được con của mình : không thể không thương, dù nó đáng phạt ! Thật đúng là tình thương người mẹ, và người mẹ là biểu hiện sống động và cụ thể của tình thương.

Trong Phật Giáo, có hình tượng “Phật Bà Quan Âm Bồ Tát” biểu trưng cho lòng từ bi hỉ xả, cứu nạn, cứu khổ…

Trong Kitô giáo thì có “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Nhưng với niềm tin Độc Thần rất rõ ràng, Kitô giấo thấy rõ Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự ! Và qua lịch sử cứu độ, các Tiên tri đã giúp Dân Chúa nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Cho đến cao điểm, trong đêm Giáng Sinh, Giáo hội lặp lại lời Thánh Phaolô gửi môn đệ Titô : “Lòng nhân hậu Thiên Chúa đã xuất hiện nguyên hình (trong Con Một của Ngài)” (Tt 3, 4)

L.m Antôn Trần văn Trường