Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Lời Chúa: Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
CHÚA THÁNH THẦN HIỆP HÀNH VỚI CHÚNG TA NHƯ NGƯỜI MẸ
Chúng ta thường nghĩ rằng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa có ba thời kỳ: thời kỳ của Đức Chúa Cha sáng tạo, tiếp đến là thời kỳ của Đức Chúa Con, cứu chuộc, bắt đầu khi Ngài xuống thế làm người, rao giảng, chịu nạn, chết, sống lại và lên trời và hôm nay lễ ngũ tuần Chúa Thánh Thần hiện xuống là thời kỳ Chúa Thánh Thần, thánh hóa chúng ta. Nếu nghĩ như thế thì dễ lầm rằng thời kỳ của Chúa Cha không có Chúa Con và Chúa Thánh Thần hoặc thời của Chúa Thánh Thần không có Chúa Cha và Chúa Con. Không! Từ khởi nguyên cho đến tận thế, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn hiện hữu và hoạt động. Mỗi Ngôi có một hành động cụ thể rõ ràng thôi chứ trong hành động đó đều có Ba Ngôi hoạt động và hiện hữu vì giáo lý dạy Ba Ngôi một Chúa cùng quyền phép và cùng bản thể.
Hôm nay ngày lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội được sinh ra và thời đại của Giáo Hội bắt đầu. Thời đại của Giáo Hội cũng là thời Chúa Giêsu hiện diện và hoạt động bởi Thánh Thần, mà Chúa Thánh Thần cũng là bởi Đức Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần quả thực là linh hồn của Giáo Hội và cũng là nguyên lý của sự sống và hoạt động siêu nhiên nơi mỗi người tín hữu. Giống như người mẹ hiền luôn muốn được ở gần con cái của mình, Chúa Thánh Thần cũng thế, Ngài không ở xa như chúng ta tưởng, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta để hiệp hành, dạy dỗ, hướng dẫn, an ủi, nâng đỡ và thánh hóa chúng ta trong cuộc sống ngõ hầu làm cho chúng ta nên thánh thiện. Rất tiếc là chúng ta ít để ý tới Chúa Thánh Thần, biết ít về Chúa Thánh Thần và ít cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Cho nên, nhiều khi chúng ta lãng quên Ngài là Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Chúng ta đã có lúc làm phiền lòng Ngài, xúc phạm đến Ngài, đã không nhận ra sự hiện diện của Ngài như người mẹ trong đời sống của chúng ta.
Qủa thế, Chúa Thánh Thần hiệp hành với chúng ta như người mẹ hiền. Cụ thể, bài đọc 2 cho chúng ta biết rằng nhờ Phép rửa trong cùng một Thánh Thần chúng ta sinh ra làm con cái Cha trên trời, cho chúng ta nhập vào gia đình của Thiên Chúa và Hội Thánh. Rồi bài đọc 1 nói rằng Phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần đổ ân sủng của Ngài đã làm cho chúng ta đủ sức để nên người con trưởng thành của Chúa Cha. Cũng như một trẻ thơ, người mẹ dạy bé học đủ điều học ăn, học nói, học gói học mở, học lễ nghĩa giai phong… Thì Chúa Thánh Thần cũng dạy bảo và chăm sóc chúng ta trưởng thành đời sống đức tin hầu xứng đáng là con Thiên Chúa, tham dự, hiệp thông và thi hành sứ vụ của mỗi người chúng ta đối với Chúa và tha nhân nhờ các đặc sủng của Chúa Thánh Thần.
Trong gia đình trần gian, người mẹ đóng vai trò rất quan trọng là dạy cho hài nhi biết cha mình. Tiếng đầu tiên người mẹ dạy cho con mình là tiếng “ba”. Thánh Phaolô đã nói Chúa Thánh Thần đã dạy ta biết kêu lên Thiên Chúa là Ap-ba, cha ơi: “Quả vậy ai được nhận Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa, vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận, không phải là thần khí làm cho anh em thành nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Ap-ba! (Rm 8,14-15). Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : Ap-ba, Cha ơi” (Gl 4,6).
Rồi, trong gia đình trần gian, người mẹ cũng là người dạy cho hài nhi biết các anh các chị của nó. Chúa Thánh Thần cũng đóng vai trò tương tự. Cụ thể, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác quyết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”.
Người mẹ hằng chăm sóc hài nhi đêm ngày, vì hài nhi còn măng sữa rất dễ bị tổn thương, người mẹ phải bao bọc, giữ gìn và chữa trị. Hài nhi cũng không tự mình chăm sóc mình nổi, từ việc ăn mặc, tắm rửa, đến đi đứng, nói năng đều cần đến mẹ. Trong lời kinh ca tiếp liên của Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội nhắc tới mấy việc tương tự của Chúa Thánh Thần làm đối với mỗi chúng ta như người mẹ: thanh luyện lòng dơ bẩn, thấm nhuần tâm trí khô khan và băng bó tâm hồn lâm nạn. Tóm lại: trong gia đình Thiên Chúa, trong cuộc đời làm con Thiên Chúa và làm môn đệ (làm em) của Đức Kitô, chúng ta không thể tự mình làm được gì cả, mà luôn luôn phải nhờ Chúa Thánh Thần như người mẹ hiền hiệp hành lo lắng từng ly từng tý cho con cái mình.
Về phần chúng ta, bổn phận chính yếu và duy nhất là luôn luôn ngoan ngoãn, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không phải làm điều gì khác ngoài việc để cho Người tự do hành động, tự do uốn nắn, tinh luyện, chỉ dạy, hãy để Ngài thánh hóa chúng ta, tức làm cho chúng ta đẹp từ trong ra ngoài. Còn nếu chúng ta chống đối không vâng vời Chúa Thánh Thần thì ta phải trầm luân đời đời thì khốn nạn thay! Vì Chúa Giêsu đã từng nói tội gì cũng tha nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha.
Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin cho tất cả chúng ta biết cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp ban những ơn cần kíp để chúng ta trở thành người hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn. Lạy Chúa Thánh Thần, “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23-24), chúng con xin thờ phượng, tôn vinh Ngài, và mãi mãi yêu mến Ngài suốt đời chúng con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
————————-
LỄ CHÚA THÁNH THẦN
5-6-2022
Thánh Luca Vũ Bá Loan lm tử đảo 1840
Thánh Đaminh Toại ngư phủ tử đạo 1862
Thánh Đaminh Huyên ngư phủ tử đạo 1862
GIÁO HUẤN SỐ 28
Những người trẻ với những gố rễ
Mạo hiểm cùng nhau
Một tình yêu quảng đại và hướng ra người khác, hành động và mạo hiểm, thì dôi khi có thể phạm sai lầm. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy chứng tá hợp thời của Maria Gabriella Perin, ngừơi đã mất cha mình ít lâu sau khi chào đời. Chị chia sẻ về cách mà biến cố này ảnh hửởng trên đời chị trong mối quan hệ đã không kéo dài, nhưng qua đó chị đã trở thành người mẹ, và nay là một bà ngoại. “Điều tôi nhận biết: đó là Thiên Chúa làm ra các câu chuyện. Trong quyền năng và lòng thương xót của Ngài, ngài dùng các thắng lợi và các thất bại của chúng ta và dệt nên những tấm thảm tuyệt đẹp chứa đầy sự hài hước. Lật ngược phía trái, tấm thảm có thể trông lộn xộn với những đường chỉ rối rắm – tức các biến cố của đời sống chúng ta – và có lẽ đây là phía mà chúng ta kinh nghiệm khi mình nghi ngờ. Nhưng mặt phải của tấm thảm cho thấy một câu chuyện tuyệt vời và đây là phía Thiên Chúa nhìn thấy”. Khi những người già chú nhìn đời sống, họ thướng trực giác biết những gì nằm phía sau các đường chỉ rối rắm, và họ nhận ra những gì Thiên Chúa có thể thực hiện ngay cả từ những sai lầm của chúng ta. (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, sô 198).
————————–
LÊ CHÚA THÁNH THẦN
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
Xin đốt lửa trong lòng
Kinh Chúa Thánh Thần có câu : “Xin đốt lửa trong lòng chúng con”. Đời sống đạo của cha ông tổ tiên chúng ta quả thật đã được Chúa Thánh Thần ‘đốt lửa trong lòng.”
Cha Đỗ Quang Chính viết: “Không được phép ở Kim Long lâu hơn, nên sau khi lén lút cử hành Lễ Lá vào đêm 20-3-1644 trong nhà nguyện bà Minh Đức. Cha Đắc Lộ về Hội An, Thanh Chiêm ngày thứ Tư Tam Nhật Thánh để cử hành nghi lễ Tuần Thánh. Cả xứ Đàng Trong mấy năm đó chỉ có môt linh mục là Đắc Lộ, nên bổn đạo từ xa xôi tuốn về dự lễ. Tấm lòng của bổn đạo Thành Chiêm làm Đắc Lộ hết sức xúc động, nên cha đã ghi lại như sau: Tất cả những gì tôi thấy ở châu Âu không cho tôi một tình cảm đạo đức như khi ở đây; quả thật đáng phải ca tụng”
Ngày thường bổn đạo cũng sốt sắng tham dự. Đặc biệt ngày Chúa nhật họ đến từ sáng sớm, nếu ở xa nhà thờ 3,4 dặm. Những người ở xa họ phải đi lễ từ chiều thứ bẩy. Khi không có thánh lễ, như hồi hai giáo sĩ Marques vá Đắc Lộ bị quản thúc tại gia bắt đầu ngày 28-5-1628, bổn đạo Thăng Long có sáng kiến phân chia thành 6 khu, để ngày Chúa nhật và cả ngày thường họ tập họp chung trong một nhà tư nhân cùng nhau đọc kinh bù lại thánh lễ.
Từ ngày hai giáo sĩ trên đây bị ngăn cách với giáo dân theo lệnh chúa Trịnh Tráng, trong hai tuần lễ đầu tiên đôi bên khộng thể liên lạc với nhau. Bổn đạo không được bước vào ngôi nhà thờ rất quen thuộc, dù nhà thờ đầu tiên này ở Kinh đố mới được dựng nên cuối năm 1627, do chính chúa Trịnh chẳng những cho phép mà còn cấp vật liệu và cho thợ đến làm theo mẫu hai giáo sĩ phác họa. Nhưng ‘vỏ quít dầy có móng tay nhọn’, bổn đạo đã liều lĩnh liên lạc với hai cha bằng cách sau đây: thứ nhất là một số người cải trang thành kẻ ăn xin, mặc quần áo rách rưới, xin lính gác cho vào kiếm cơm hai giáo sĩ; thứ hai vì nhà của hai giáo sĩ làm liền với mấy nhà bên cạnh lại là nhà bổn đạo, nên họ bí mật khoét một lỗ (vì nhà vách dất) để họ đến gặp hai cha, hơn nữa nửa đêm cha Đắc Lộ đánh liều qua lỗ đó sang nhà bên cạnh giảng dạy cho một ít người. Chính nhờ những cách trên, Đắc Lộ viết thư an ủi bổn đạo và gửi các bài giảng dạy cho họ. Nhận được người ta chép thành nhiều bản để đọc cho bổn đạo tập họp âm thầm trong 6 khu” (Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Trang 59-60).
Bài đọc 1 (Cv 2,1-11): Sách KTTƯ 2022 của nhóm CGKPV viết : “Đức Ki-tô phục sinh trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Biến cố này xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Lễ này cử hành 50 ngày sau lễ Vượt Qua để tưởng niệm giao ước Xi-nai. Cũng như giao ước Xi-nai hoàn tất cuộc Vượt Qua của dân Ít-ra-en, và làm cho dân này trở nên dân riêng của Thiên Chúa, lễ Hiện xuống hoàn thành cuộc vượt qua của Chúa Giê-su và làm cho dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh được hình thành. Dân mới là các tín hữu được Thánh Thần qui tụ, thối thúc và ban cho những ân huệ để làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh, mang ơn cứu độ cho mọi người. Dân Ki-tô giáo là cộng đoàn ngôn sứ thiêng liêng và truyền giáo. Phá vỡ mọi ngăn cách kỳ thị giữa các dân tộc, để mọi người thực sự là anh em của nhau, thông cảm với nhau, hợp nhất với nhau (trang 466).
Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): Cha Nguyễn Công Đoan viết vê BTM hôm nay : “Sau cái đêm chạy tư tán thoát thân khi Chúa bị bắt, chiều nay lại thấy các ông tụ tập trong nhà, ắt là tại nơi đã ăn bữa tiệc ly trước khi Chúa bị bắt. Nhưng ‘các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái’ (Ga 20,19). Hôm Lễ Lều người Do Thái có thiện càm với Chúa Giê-su xầm xì với nhau về Người, nhưng ‘không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do Thái’ (17,13). Hôm nay Thầy đã bị người Do Thái bắt và đóng đinh thập giá, các ông sợ là phải. Nhưng sao không trốn khỏi Giê-ru-sa-lem mà còn ở lại đó ? Đóng kín cửa mà không bắt được hay sao ? Có vẻ giống đứa trẻ sợ ma lấy mền trùm kín! Nhưng Chúa Giê-su vẫn đến và đứng giữa các ông. Chúa lên tiếng trước: ‘bình an cho anh em’. Bình an (Shalom) được dùng làm tiếng chào cho mọi tình huống gặp gỡ, chia tay, sáng, trưa, chiều, tối. Nhưng trong mạch văn cũa Gio-an thì ý nghĩa không giới hạn ở tiếng chào thông thường, vì Chúa Giê-su đã nói trong bữa tiệc ly: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy về cùng Chúa Cha (14,27-28).
Không đợi các ông phản ứng, ‘Người cho các ông xem tay và cạnh sườn’ để các ông thấy Người đang đứng trước mặt các ông chính là Thầy của các ông, đã bị đóng đinh thập giá, bị đâm thủng cạnh sườn. ‘Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa’. Chúa đã hứa: ‘Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em’ (14,18). “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng (16,22). Lời hứa đã được thực hiện.
Nhưng Chúa đến với các ông chiều nay không để chỉ cho các ông niềm vui đã hứa, nhưng còn để thực hiện một lời hứa khác nhằm giúp các ông thi hành sứ mạng, lời hứa ban Thánh Thần. Chúa đã hứa gửi Thần Khí sự thật đến: “Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói vớ anh em (14,26),”Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (16,13), Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng sẽ làm chứng vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu (15,26-27).
Sứ mạng Chúa trao cho các môn đệ : ‘Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại’ (15,16), chỉ co thể thực hiện được nhờ hoạt động của Thánh Thần nơi các ông. Hôm nay Chúa ban Thánh Thần cho các ông và nói rõ hơn về sứ mạng của các ông khi trao quyền tha tội…
Chúng ta thường có hình ảnh ‘tĩnh’ về ơn tha tọi, “xóa tội’ như xóa những vết trên tường trên áo. Ơn tha tội là cuộc tạo dựng mới nhờ quyền năng Thánh Thần và sứ mạng loan báo ơn cứu độ để đưa người ta đến với Thiên Chúa tùy thuộc vào đó như lời Thánh vịnh:
Lạy Chúa Trời xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng
đổi mới cho con nên chung thủy
xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của ngài
Xin ban lại cho con niềm vui vì được ngài cứu độ
và lấy tin thần quảng đại đỡ nâng con
đường lối Ngài con sẽ dạy cho người tội lỗi
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài (Tv 50/51, 12-15)
Tha tội là thông ban Thánh Thần cho người khác nhờ Lời Chúa và các bí tích để người ta được đổi mới, được vào và được sống trong Giao Ước Mới (Tĩnh tâm với Tin Mừng Gio-an, trang 181-184).
Bài đọc 2 (1Cr 12,3b-7.12-13): Về bđ 2 cha Sullivan viết : “Các quà tặng của Thánh Thần cho Giáo Hội tiên khởi thấy rõ. Cần làm chứng cho dân ngoại thấy rằng đạo Ki-tô xuất phát từ Thiên Chúa thật, Đấng điều hành mọi sự. Lương dân cũng có các thần, Thiên Chúa của người Ki-tô hữu có thật những quyền năng, được Thánh Thần ban phát khi cần. Trong thư Côrintô, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng các quyền năng được ban phát cho mỗi người, không vì vinh quang họ, mà để xây dựng Hội Thánh (The Sunday Readings, trang 201).
Gẫm thứ ba Năm Sự Mừng :
Chúa Thánh Thàn hiện xuống
Ta hãy xin cho được
lòng đầy dẫy mọi ơn Chúa Thánh Thần
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần
đến thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai
và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ
Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện
và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần
cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới
Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki=tô, Chúa chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành